Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời
LỄ CÁC ĐẲNG
2-11-2015
Ngày lễ “Các Linh Hồn”, ngày lễ “Các Đẳng” giúp chúng ta chiêm ngắm 4 bộ mặt của thần chết, của cái chết :
1- Chết không trừ ai
2- Chết chẳng đem theo được gì
3- Chết đưa lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục.
4- Lần chuỗi để chết được hưởng phúc
1- Chết không trừ ai
Theo thống kê năm 1985, trên thế giới
1 phút có 2.760 người chết
1 giờ có 16.000 người chết
1 ngày có 400.000 người chết
Con người ai cũng phải chết.
Nghèo cũng chết, giầu cũng chết,
Hèn cũng chết, sang cũng chết
Già cũng chết, trẻ cũng chết,
Chẳng có ai tránh khỏi cái chết. Triết gia Pas-cal người Pháp nói : “Loài người không thể chữa được bệnh chết”.
Tv 49 (48),7-11, kinh nguyện của chúng ta, có câu :
Chúng cậy vào của cải
Lại vênh vang bởi lắm bạc tiền
Nào phàm nhân sống mãi được sao
Mà chẳng phải đến ngày tận số
Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết
Kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong
Bỏ lại tài sản mình cho người khác
Ở đời người ta cho rằng : có tiền thì sống, có người làm lớn bảo hộ, thì sống, sống vinh thân phì da; nhưng trước cái chết, tiền bạc quyền thế cũng bằng không.
Tv 146(145),3-4) cảnh cáo :
Đừng tin tưởng nơi hàng quyền quí
Nơi người phàm chẳng cứu được ai
Họ tắt hơi là trở về cát bụi
Dự định bao điều ngày ấy tiêu tan
Cuộc đời con người vắn vỏi như cỏ ngoài đồng, như hoa trong vườn
Tv 90(89),4-6 dạy :
Ngàn năm Chúa kể là gì
Tựa hôm qua đã qua đi mất rồi
Khác nào một trống canh thôi
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng
Như cỏ đồng trổ mọc ban mai
Nở hoa vươn mạnh sớm ngày
Chiều về ủ rủ tàn phai chẳng còn
Sống cùng lắm là được 80 tuổi
Tv 90(89),10 cho biết :
Tính tuổi thọ trong ngoài bẩy chục
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi
2- Chết chẳng đem theo được gì
A-lịch-sơn là vua nước Hy Lạp cầm quyền từ năm 336 đến năm 323 trước CGS. Suốt 13 năm trên ngai vàng, ông dành thời gian để đi đánh Nam dẹp Bắc, đi chiếm các nước. Ông đánh đâu thắng đó. Ông chiếm gần hết thế giới. Ông làm cho nước Hy Lạp nhỏ bé thành một đế quốc. Ông là vị tướng thành công nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Lịch sử đả tặng ông danh hiệu “A-lịch-sơn Đại Đế”.
Trước khi chết, vua A-lịch-sơn cho triệu tập các quan trong triều đình đến, để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của ông :
- Quan tài của ông phải được chính các vị quantài giỏi nhất khiêng đi.
- Tất cả vàng bạc châu báu của ông phải được tung vãi, dọc theo con đường
dẫn đến ngôi mộ ông.
- Đôi bàn tay của ông phải được để thò ra khỏi quan tài,cho mọi người thấy.
Một cận thần ngạc nhiên hỏi :
– Tại sao ngài lại muốn thế ?
Vua A-lịch-sơn giải thích:
- Ta muốn chính các vị quantài giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta, để cho mọi ngườithấy rằng : một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ – dù là những người tài giỏi nhất – cũng không có tài nào cứu chữa.
- Ta muốn tiiền bạc châu báu của ta được tung vãi trên mặt đất, để mọi người
thấy rằng : của cải vật chất mà ta gom góp ở trần gian, sẽ mãi mãi ở lại trần
gian .
- Ta muốn đôi tay ta đong đưa ngoài quan tài, để mọi người thấy rằng :
chúng ta đến thế gian với hai bàn tay trắng, thì khi rời khỏi thế gian chúng
ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.
Thánh vịnh 49(48),17-1812-14 cũng nói chết chẳng đem theo được gì :
Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài
Hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu
Vì khi chết nó đâu mang được gì
Kiếp vinh hoa cũng theo xuống mộ phần
Chết đi, có mồ to mả đẹp thì cũng là ba tấc đất
TV 49,12 bảo :
Tuy họ lấy tên mình
Mà đặt cho miền này xứ nọ
Nhưng ba tấc đất mới thật là nhà
Nơi họ ở muôn đời muôn kiêp.
3- Chết đưa lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục ?
Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 22-6-2009 làm một cuộc khảo sát các sinh viên
trong các trường Đại Học về hướng sống của mỗi sinh viên. Họ trả lời như sau :
60% đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ.
41% không nhất thiết phải sống cao thượng
36% làm việc theo lương tâm sẽ thua thiệt
32% chấp nhận sống vô ơn
28% có tư tưởng trả thù, báo oán
18% đặt lợi ích cá nhân lên trên hết.
Qua bản khảo sát đó, đa số sống không nghĩ đến đời sau, không nghĩ đến chuyện thưởng phạt. Nhưng, nếu không có thưởng phạt làm sao phân biệt được người lành kẻ dữ. Xã hội không thể nào có sự thưởng phạt công minh. Có tiền, có quyền, người lành trở thành kẻ dữ, kẻ dữ trở thành người lành.
Thật sự, không có ai nghĩ mình chết là hết. Con người chết không giống như con vật, chết là hết chuyện. Song, ai cũng nghĩ mình chết là đi sang một kiếp khác, sang một thế giới khác. Vì thế, người ta ít dùng từ “chết”, mà thường dùng những từ như “qua đời”, “ra đi”, “mãn phần”, “vĩnh biệt”, “tạ thế”….
Người ta cũng biết : chết là để được thưởng, chết là để bị phạt. Nên người ta làm giỗ, người ta mời thày đến cúng tế, để người chết được siêu thoát; người ta cũng mua đồ vàng mã để người chết dưới âm phủ có áo mặc, có xe đi..
Thánh Char-les Bô-rô-mê-ô người Ý chết năm 1584. Một ngày kia ngài thuê một họa sĩ vẽ một bức tranh diễn tả sự chết. Chẳng bao lâu người họa sĩ hoàn thành. Bức tranh người họa sĩ vẽ là một bộ xương, tay cầm lưỡi hái.
Ngắm nghía bức tranh, rồi thánh Bô-rô-mê-ô hỏi :
– Tại sao anh diễn tả sự chết bằng bộ xương với cái lưỡi hái ?
Họa sĩ đáp :
– Vì sự chết như một lưỡi hái. Nó cắt, nó chém, nó lấy đi hết mọi sự người ta có trên đời; ngay cả thân xác, chỉ còn bộ xương.
Thánh nhân đáp lại :
– Đồng ý, thần chết như một lưỡi hái lấy đi mọi sự người ta có trên đời, song thần chết cũng mở cửa Nước Trời cho người ta chứ ? Vì thế, tôi đề nghị : thay vì lưỡi hái, anh vẽ cái chìa khóa vàng.
Đức tin chúng ta cho biết : có đời sau, có thiên đàng, có hỏa ngục và có luyện ngục. Thiên đàng dành cho những người hoàn tất bổn phận; luyện ngục dành cho những người chưa hoàn tất; và hỏa ngục dành cho những người chẳng những không hoàn tất, lại còn làm những điều ác.
Tv 37(36), 16 an ủi :
Ít tiền ít của mà là người công chính
Hơn nhiều vàng nhiêu bạc mà là kẻ ác nhân
Vì cánh tay bọn ác nhân sẽ bị gẫy
Còn người công chính được Chúa phù trì.
4- Lần chuỗi để chết được hưởng phúc
Cha thánh Pi-ô, chân tay được in năm “Dấu Đinh”. Ngài vừa mới qua đời năm 1968. Xác ngài còn nguyên vẹn, không hề bị thối rữa, vẫn được trưng bày cho người ta đến chiêm ngắm cầu nguyện. Mỗi lần trao tặng ai tràng chuỗi Mân Côi, ngài thường nói :
– Hãy đưa các linh hồn ra khỏi luyện ngục bằng việc lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ .
Bà Mo-ri kể :
– Cha Pi-ô muốn chúng ta hằng ngày cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi cứu các linh hồn nơi luyện ngục.
Thánh An-phong, đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế cũng nhắn nhủ :
– Nếu muốn cứu giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi.
——————————————
LỄ CÁC ĐẲNG
2-11-2014
Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” của Công đồng Vaticanô II viết : “Trước sự tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người, hoặc đặt vấn đề, hoặc nhận một cách sâu sắc mới mẻ về những vấn đề hết sức căn bản như : Con người là gì ? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chêt ? Sao chúng còn tiếp tục tồn tại, mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ ? Bao chiến thắng đạt được với một giá đắt ấy có ích gì ? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và trông đợi gì ở xã hội ?Cái gì sẽ tiếp theo sau cuộc sống trần gian này ?” (số 10).
Cuốn sách “Giải Quyết Vấn Đề Nhân Sinh” của cha Francois Lelotte thì có 4 bí ẩn cuộc đời :
1- Tại sao sống ?,
2- Tại sao chết ?,
3- Tại sao đau khổ,
4- Tại sao có những hành động xấu ? (trang 8-18).
Trong “Uống Nước Nhớ Nguồn” của cha Bùi Đức Sinh có câu chuyện “Hội Đồng Tứ Giáo”. Bà Thượng Trâm, người Hải Dương, mẹ của một quan lớn, chú của chúa Trịnh Sâm. Bà theo đạo. Bà khuyên quan lớn, con của bà theo đạo. Quan lớn mở cuộc thảo luận giữa 4 đạo : Công giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Đại diện Công giáo là hai cha Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm và cha Jacintô Castaneda Gia. Cuộc thảo luận về 3 vấn đề :
1- Nguồn gốc con người,
2- Mục đích cuộc đời,
3- Đời sau của mỗi người.
Cuộc thảo luận kéo dài ba ngày. Bà Thái Tôn, mẹ chúa Trịnh Sâm hỏi hai cha : “Nếu chỉ có đạo của các thày là đạo thật, thì những người không theo đạo ấy, chết rồi đi đâu ?” Cha Liêm đáp : “Bẩm bà sa hỏa ngục !” Nghe thế, bà Thái Tôn đùng đùng nổi giận, bà dùng uy tín ép con là Trịnh Sâm lên án trảm quyết hai cha. Hai cha bị chém đầu tại pháp trường Đông Mơ (trang 364-365).
Cuộc đời của thánh tử đạo Phanxicô Jaccard Phan là câu trả lời thiết thực cho những vấn nạn cuộc đời, cho những câu hỏi hết sức căn bản, mà con người luôn đặt ra.
Thánh Phanxicô Jaccard Phan sinh ngày 6-9-1799 tại miền Savoie nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo khó. Thuở nhỏ ham chơi, làm biếng học. Khi vào chủng viện, thánh Phan là một học sinh “đội sổ”. Thánh Phan chán nản trốn về. Được gia đình và bạn bè khích lệ, thánh Phan vào lại chủng viện.
Thánh Phan xin gia nhập Hội Thừa Sai Pari, để được sai đi truyền giáo. Hai năm sau, ngày 15-3-1823 thánh Phan được chịu chức linh mục. Bề trên sai cha thánh Phan làm giám đốc Đại Chủng Viện của Hội. Cha thánh trả lời : “Con tình nguyện vào Hội để được đi truyền giáo phương xa, chứ không phải ở thành phố Pari hoa lệ này”. 4 tháng sau thánh Phan lên tầu đi Macao. Gần 2 tháng lênh đênh trên biển cả, thánh Phan đặt chân lên Miền Trung và được gửi tới sở Phường Rượu, Huế để học tiếng Việt. Tạm nói được tiếng Việt, thánh Phan được cử làm giám đốc chủng viện An Ninh Quảng Trị.
Thánh Phan hai lần bị giam lỏng ở triều đình, hai lần bị lên án tử, một lần bị lưu đày ở Lao Bảo, rồi về giam ở Cam Lộ, Quảng Trị. Bị đói khát, bị đánh đòn, đủ mọi hình khổ.
Cuối cùng, các quan Quảng Trị đến Cam Lộ hỏi cha : – “Ông có bằng lòng bỏ đạo không ? Hay còn cứng đầu mù quáng”.
Cha đáp : – “Không bao giờ tôi bỏ đạo. Thời gian càng làm cho tôi yêu mến đạo, thấy đạo là quí báu”.
Quan nói : – “Không được phép giữ đạo này. Nếu không tuân, thì ông phải chết’.
Cha đáp : – “Tôi cầu mong được chết vì đạo càng sớm càng tốt”.
Quan nói : – “Ai làm ông mù quáng đến vậy ?”.
Cha đáp : – “Tôi không mù quáng. Đạo tôi dạy sự thật, vì thế tôi yêu mến và tuân giữ”.
Quan hỏi : – “Đạo này đem lại lợi ích gì cho ông, khi ông phải chết ?”
Cha đáp : – “Khi người ta chết vì đạo, chắc chắn được lên trời. Nếu quan lớn muốn tôi được hạnh phúc, thì xin ngài cắt đầu tôi.”
Quan hỏi : “Khi người ta chết, làm sao người ta có thể lên trời ? Không hề thấy ai lên trời khi đã bị cắt đầu.
Cha đáp : – Chắn chắn một điều: là sau khi chết, linh hồn lìa xác, thì linh hồn lên trời.
Vua Minh Mạng lên án xử trảm cha. Ngày 18-7-1838 cha bị điệu ra pháp trường Nhan Biều, Quảng Trị. Cha quì cầu nguyện để cho lính tròng dây vào cổ và lính đứng hai bên đầu dây, kéo xiết cổ cha.
Hôm nay là Lễ Các Linh Hồn, ngày xưa gọi là lễ “Các Đẳng”. Cha Huỳnh Trụ cắt nghĩa “Các Đẳng” là “tất cả các linh hồn của mọi hạng người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong Luyện Ngục” (Tìm Hiểu Từ Vựng Công Giáo, 412).
Trong tiếng Latinh, “người qua đời” là “fungor”, có nghĩa là “Người hoàn thành nhiệm vụ, làm tròn bổn phận” (Théo, 892).
Thánh Gioan đã ghi lại cái chết của Chúa Giêsu như sau : “Người nói : ‘Tôi khát’. Ở đó có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : ‘Thế là đã hoàn tất’. Rồi Người gục đầu và trao sinh khí” (Ga 19,29-30).
Chúa Giêsu chết là Chúa hoàn tất nhiệm vụ. Cha thánh Phan cũng vậy. Cha chết là cha “đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, không phải ai chết cũng “hoàn thành nhiệm vụ”. Trái lại, sách Giáo Lý viết : “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.” (sô 1030)
Chính vì còn những người chịu thanh luyện, nên mới có Tháng Các Linh Hồn, để chúng ta dùng các việc lành cầu nguyện cho họ.
Thánh Gioan Massias, nhờ lần chuỗi, đã cứu thoát hơn triệu linh hồn (Hãy Đọc. Nếu Không, Sẽ Hối Tiếc).
Tháng Các Linh Hồn giúp trả lời những vấn nạn cuộc đời : 1- Nguồn gốc con người, 2- Mục đích cuộc đời, 3- Đời sau của mỗi người.
Tháng Các Linh Hồn còn giúp chúng ta tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên ông bà, với những thân bằng quyến thuộc đã qua đời.
————————————–
LỄ CÁC ĐẲNG
2-11-2013
Lễ Các Đẳng, ngày 2-11 năm nay, cũng là ngày giỗ 50 năm của ông Ngô Đình Diệm, tổng thống ngày xưa.
Ông đã bị một số tướng lãnh đảo chánh vào 1g trưa ngày 1-1-1963. Mỹ muốn đưa quân vào Miền Nam, nhưng ông không bằng lòng. Và Mỹ đã dùng các tướng lãnh lật đổ ông, sau 9 năm ông cầm quyền.
8g tối ông Cao Xuân Vỹ đưa xe đón ông ra khỏi dinh Gia Long, trốn trong nhà ông Mã Tuyên ở Chở Lớn. Sáng ngày 2-11 lễ Các Đẳng, lễ Các Linh Hồn, ông đến Nhà Thờ cha Tam, tức nhà thờ thánh Phanxicô dự lễ. Sau khi xưng tội xong, ông gọi điện thoại cho các tướng lãnh đầu hàng.
Các tướng lãnh cho một chiếc xe thiết giáp đến đón ông. Ông Nhu phản đối : sao lại đón tổng thống bằng xe tăng ?
Khi đi qua Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, họ trói hai ông và đánh đập, để điều tra tiền nong, vàng bạc. Họ khám quần áo ông mặc chỉ có một nửa bao Bastô xanh và cỗ chuỗi Mân Côi.
Tới đoạn đường Hồng Thập Tự giáp với đường xe lửa ông Nhu bị đâm chết; còn ông Diệm bị bắn vào đầu chết.
Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, người quyết tâm bảo vệ mạng sống ông Diệm mạnh nhất, khi nghe tin 2 ông Diệm và Nhu đã chết trong xe tăng M-113, và được đưa về Bộ Tổng Tham Mưu, thì lập tức lái xe chạy ào tới Bộ Tổng Tham mưu, không cần nhìn cảnh 2 ông Diệm và Nhu đã chết, bất kể một vài Sĩ Quan đứng gần đó, tay cầm gậy chỉ huy, phăng phăng đi tìm các Tướng Chỉ Huy Đảo Chánh để hỏi cho ra lẽ: tại sao lại có chuyện chết chóc thế này ?
Tướng Taylor có mặt với Tổng Thống Kennedy đã ghi lại trong hồi ký như sau: “Khi nghe tin Tổng Thống Diệm bị giết, mặt mày Tổng Thống Kennedy tái mét và run lập cập. Ông bước vội ra khỏi phòng với trạng thái hốt hoảng chưa từng thấy. Trở lại phòng, Tổng Thống Kennedy nói với các phụ tá: “Tại sao họ phải làm vậy? Tổng Thống Diệm đã chiến đấu khổ nhọc trong 9 năm trời, lẽ ra ông ta phải nhận được sự đền bù xứng đáng hơn là cái việc bị giết chớ ?!”.
Ông Johnson từng qua hội kiến với Tổng Thống Diệm vào tháng 05 năm 1961 để bàn việc đưa quân Mỹ tham chiến Việt Nam. Vì cảm phục và nể trọng Tổng Thống Diệm, nên ông Johnson đã ca ngợi rằng: “TT Diệm là một Churchill của Á Châu…Lịch sử xếp ông ta như là một trong những vĩ nhân của thế kỷ 20”.
Sau cái chết của Ông Diệm, Một nhà báo Pháp hỏi Chủ tịch Hồ chí Minh : Ông Diệm là người thế nào ? Ông Hồ đã trả lời : “ Ông ta là một người yêu nứớc theo kiểu cuả ông ta. Tôi không thể ngờ là tụi Mỹ lại ngu đến thế !”
Tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông McNamara (bộ trưởng quốc phòng Mỹ) ở Hà Nội tháng 11-1995, nói: ” Chính sách của người Mỹ sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là người có tinh thần quốc gia rất mạnh. Không bao giờ ông ta để cho người Mỹ giành lấy quyền điều khiển chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam.. Người Mỹ đã làm điều đó bất chấp sự phản đối của ông Diệm để rồi mua lấy một thất bại thảm khốc. Ông Diệm chết thì cũng chấm dứt sự hiện diện quân sự”
Ông Diệm đã chết và đa số các tướng lãnh lật đổ ông và giết ông cũng đã chết. Ai là người có công, ai là người có tội ?
Người ta thường nói : ở hiền gặp lành.
Như thế là có sự xét xử. Có ông Trời xét xứ.
Thế nhưng nhiều người ở hiền mà chẳng gặp lành; trái lại nhiều người ác lại gặp lành, sống phây phây, nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng, ăn sung mặc sướng.
Vậy thì phải có đời sau thì việc xét xử mới công bằng.
Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ của Giáo Hội viết: “Tốt xấu thế nào thì cuối cùng sẽ có báo ứng (Thiện ác báo đầu chung hữu báo), nghĩa là sẽ có thưởng phạt tùy theo việc lành dữ của mình”.
Thánh Gioan Thánh Giá nói : “Khi đời đã về chiều, ta sẽ chịu xét xử về tình yêu của ta”.
Giáo Hội dạy : đời sau có thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục. Đó là sự xét xử công bằng và đầy lòng thương xót của Thiên Chúa.
Hôm qua lễ Các Thánh chúng ta mừng các thánh, những người đã ăn ngay ở lành được phúc trên thiên đàng.
Hôm nay lễ Các Đẳng chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, nhưng còn những khiếm khuyết, được Chúa thương cho thanh luyện trong luyện ngục.
Xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi,
Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vô cùng. Amen.
————————————-
LỄ CÁC ĐẲNG
2-11-2009
Hôm quua Giao Hội mừng Các Thánh trên trời, những người con đã hoàn thành nhiệm vụ, để khi chết được sống bên Chúa. Hôm nay Giáo Hội nhắc nhở chúng ta còn một thành phần con cái Chúa, chưa tròn nhiệm vụ, còn nhiều sai sót và đang ở dưới luyện ngục, để đền bù và chờ mong ngày hưởng phúc.
Khi người em trai của bà Ma-ri-a Pom-pi-li-o qua đời, bà xin cha Pi-o Năm Dấu Đanh cầu cho em trai bà. Em trai bà về nói với bà rằng :
– Chị ơi, chị có biết là cha Pi-ô đã giúp đỡ em khi em hấp hối lâm tử không ?
Bà trả lời :
– Nhưng em ơi, chị đâu có thấy cha hiện diện bên giường bệnh của em.
Em bà kể :
– Em không thể nói cho chị biết, bởi vì lúc ấy em đang hấp hối; nhưng thật sự, cha Pi-ô hiện diện bên em cho đến khi Chúa phán xét em. Chúa truyền cho em phải chịu đền tội 11 năm ở luyện ngục; nhưng cha Pi-ô đã cầu bầu cho em nhiều lắm, nên em chỉ còn ở luyện ngục có 1 năm thôi.
Cha Pi-ô luôn thương các người hấp hối và người chết. Những linh hồn người chết thường hiện về với cha, để xin ngài cầu nguyện cho họ sớm được lên thiên đàng. Có một số trường hợp mà cha cầu cho họ sớm được lên thiên đàng. Có một số trường hợp mà cha Pi-ô hiện diện bên cạnh người hấp hối, vì những người này có lòng mến mộ cha.
Cha thánh Pi-ô (1887-1968) mỗi lần trao tặng ai tràng chuỗi Mân Côi, thường nói :
– Hãy đưa các linh hồn ra khỏi luyện ngục bằng việc lần hạt Mân Côi kính Đức Me Maria.
Bà Mo-ri kể :
– Cha Pi-ô muốn chúng ta hằng ngày cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi cứu các linh hồn nơi luyện ngục.
Thánh An-phong, sáng lập dòng Chúa Cứu Thế nhắn nhủ :
– Nếu muốn cứu giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi.
————————–
LỄ CÁC ĐẲNG
PH.2-11-2008
Con người có hai mặt : sống và chết. Sống và chết đều quan trọng : “Sự tử cũng như sự sinh.’ Vì thế, khi sống người ta cố gắng kiếm cho được mái nhà ấm êm, thì khi chết người ta cũng muốn có một cái mồ yên, cái mả đẹp. Những nhà giầu hay vua chúa đã xây lăng, xây mộ ngay khi còn sống và xây rất nguy nga.
Chết gắn liền với thân phận con người. Con người ai cũng chết, giống như mọi vật, mọi sự ở trần gian đều qua đi, đều tàn lụi. Nhưng, ông Hei-deg-ger, triết gia của Đức, đã nói : “Con người là con vật biết mình chết“. Qủa thật, chỉ có con người biết mình sẽ chết; còn mọi vật khác không biết mình chết. Do đó, chỉ có con người là biết sửa soạn cho cái chết của mình.
Nhưng chết rồi đi về đâu ?
Chẳng có ai, dù là có tôn giáo hay không có tôn giáo, mà cho rằng : chết là hết, chết là trở về với cát bụi, như chó chết hết chuyện. Chỉ cần nhìn cách con người an táng, cúng giỗ, tưởng niệm thì chết chưa phải là hết, mà chết là đi vào kiếp sống khác, thế giới khác. Người Việt Nam ít khi dùng từ “chết”, mà thường dùng những từ như “qua đời”, “ra đi”, “mãn phần”, “vĩnh biệt”, “tạ thế”…. Những từ đó nói lên chết không phải là hết, chết vẫn còn sống, sống một cuộc sống khác, sống trong một thế giới khác.
Cuộc sống khác, thế giới khác là gì, là thế nào ? Chẳng có ai chết, rồi hiện về, để nói cho chúng ta biết cái thế giới chết chóc ấy là gì.
Người Do Thái xưa cho rằng : kẻ dữ bị Thiên Chúa phạt và người lành được Thiên Chúa thưởng ngay ở đời này. Đời sau người lành kẻ dữ đều như nhau, sống chung dưới shé-ol, dưới âm phủ, trong thế giới đen tối buồn chán. Đời này mới có giá, đời sau chẳng có giá, thậm chí niềm tin, việc ca tụng Chúa cũng không còn.
Sách ngôn sứ I-sai-a viết : “Ở chốn tử vong, không người ca tụng Chúa. Và trong nơi âm phủ chẳng ai ngợi khen Ngài. Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung. Chỉ người sống, vâng chỉ người sống mới ca tụng Ngài như thể con nay” (38,18-19).
Ông Gióp còn bi quan hơn nữa : về đời sau, con người còn kém hơn cây cỏ : “Đến như cây cối mà vẫn còn có niềm hy vọng, bị chặt rồi còn có thể mọc lại xanh tươi, dầu cho dưới đất rễ cây có già và gốc cây nằm chết trong cát bụi. Chỉ cần một ít nưóc là đã vội đâm chồi. Còn con người chết là nằm bất động, sẽ ở đâu khi tắt hơi thở rồi” (14,7-10).
Sau lưu đày ở Ba-by-lon về, người Do Thái mới có ý tưởng : người chết ở trong Chúa. Trong cuộc tử đạo của 7 anh em thời Mac-ca-bê, người anh nói với vua : “Chúng tôi chết vì luật pháp của Vua Vũ Trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7,9).
Nhưng chưa phải hết mọi người tin người chết còn sống. Ngay thời Chúa Giê-su, đâu phải ai cũng tin. Phái Pha-ri-sêu thì tin người chết sống lại, còn phái Xa-đốc thì không tin. Phái Xa-đốc đã dùng câu chuyện ngưòi đàn bà có 7 đời chồng, để chống lại quan niệm người chết sống lại. Sách Tin Mừng thánh Mát-thêu kể : “Hôm đó, có những người thuộc nhóm Xa–đốc, đến gặp Đức Giê–su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người : …’Trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ ai trong số 7 người, vì tất cả đều đã lấy bà ?’. Đức Giê–su trả lời : ‘Các ông đã lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Qủa thế trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết sống lại, thì các ông không đọc lời Thiên Chúa đã phán cùng các ông sao ? Người phán : Ta là Thiên Chúa của Ap–ra–ham, Thiên Chúa của I–sa–ac, và Thiên Chúa của Gia–cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,23.28-32).
Chẳng những chính Chúa Giê-su đã cho chúng ta biết : con người chết rồi sẽ sống lại, mà Người còn bảo đảm sự sống lại của chúng ta. Trong phép lạ làm cho anh La-za-rô sống lại sau khi đã ở trong mồ được 4 ngày, Chúa Giê-su nói với cô Mat-ta : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Và khi nói về BT Thánh Thể, Chúa Giê-su phán: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).
Sống lại là niềm tin rất quan trọng. Khi các tín hữu Cô-rin-tô thắc mắc về sự sống lại, Thánh Phao-lô đã trả lời : “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki–tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki–tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki–tô cũng đã không trỗi dậy. Mà Đức Ki–tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki–tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,13-14.16-17.19).
Con người chết còn sống và sống lại, nên mới có việc cầu nguyện, cúng tế, tưởng niệm, xây lăng, xây đài. Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có từ thời Mac-ca-bê. Sách Mac-ca-bê kể : “Ông Giu–đa thu quân và đến thành A-đu-lam… Quân của ông Giu–đa đi thu các tử thi những người đã ngã gục và đưa về chôn cất với những người thân trong phần mộ tổ tiên. Nhưng bên trong áo trận của mỗi tử thi, người ta đều tìm thấy những đồ vật được dâng cúng cho các thần ở Giam-ni-a : đó là điều mà Lề Luật cấm; vì thế ai cũng thấy rõ bởi lý do nào những người ấy đã ngã gục… Họ bắt đầu khẩn nguyện xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm… Ông Giu–đa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giê–ru–sa–lem để xin dâng hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao qúi này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại thì cầu nguyện cho người chết qủa là việc dư thừa và ngu xuẩn… Ông xin dâng hy lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb12,38…45).
Năm 998, thánh O-di-lon, tu viện trưởng tu viện Clun-ny dòng Biển Đức, ở nước Pháp, đã thiết lập một lễ đặc biệt để tưởng nhớ những người đã qua đời. Lễ được ấn định vào ngày 2-11, ngay sau ngày 1-11 lễ Các Thánh. Thói quen đạo đức của tu viện đã lan rộng ra khắp nơi và được Giáo Hội công nhận.
Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời không chỉ là bổn phận thảo hiếu, mà là một mầu nhiệm, mầu nhiệm “Các Thánh Cùng Thông Công”. Giáo hội gồm 3 thành phần : thành phần chiến đấu ở trần gian, thành phần chiến thắng ở trên trời, và thành phần thanh luyện ở luyện ngục. Ba thành phần cùng hiệp thông với nhau, cùng san sẻ công nghiệp với nhau. Các thánh giúp người thế và người thế giúp các linh hồn nơi luyện ngục. Cầu nguyện cho các linh hồn rất hữu ích, có lợi cho các linh hồn và cho cả chúng ta.
Xin phép được kể câu chuyện của chính mình. Câu chuyện bà ngoại tôi chết năm 1983. Ba tôi chết, tôi còn rất nhỏ, đến nỗi nay chẳng biết ba mình mặt mũi thế nào. Hai mẹ con đưa nhau về ở bên ngoại. Khi tôi làm cha sở, mẹ tôi ra nấu ăn cho tôi. Khi bà ngoại đau nặng, mẹ tôi về chăm sóc cho bà. Bà ngoại sắp chết, tôi về; nhưng về cả tháng bà vẫn chưa chết. Cậu tôi bảo : sắp vào mùa chay rồi, thôi cha về đi, kẻo giáo xứ họ mong. Thời đó, linh mục đi lại khó khăn, phải xin năm sáu cơ quan mới được phép. Trước khi ra miền Trung lại, tôi muốn đến tĩnh tâm với Đức cha Nhật. Lúc đó Đức cha còn ở Tu Hội Tông Đồ Nhỏ tại Bạch Lâm.
Cả ngày thứ sáu và sáng thứ bảy tâm hồn rất bình an; nhưng đến chiều thứ bảy thì tâm hồn xôn xao, vào nhà thờ cũng vẫn nôn nao, bồn chồn. Cả đêm ngưòi nóng như lửa, phải tắm 4,5 lần. Lễ chúa nhật xong, ngồi ăn sáng, tôi nói với Đức cha và các cha : sao đêm nay thời tiết nóng qúa. Đức cha bảo tại tôi uống càphê nhiều. Hồi đó mỗi khi được về Saigòn, tôi có hai cái thú : một là uống càphê, hai là hút thuốc Samit của Thái lan. Tôi uống càphê thay nước lạnh, nước trà. Đức cha đang nói thì đứa em con ông cậu tới báo tin : bà ngoại qua đời vào trưa thứ bảy hôm qua, và nếu tôi về kịp 11g trưa nay thì làm lễ tẩn liệm cho bà. Xe thời đó chạy bằng than, dễ gì về kịp. Lạ lùng, xe vào bến Văn Thánh thì có người nhà tình cờ đang đứng đó. Lên xe honđa về, còn cả 15 phút mới đến giờ tẩn liệm. Tẩn liệm xong, tôi ngồi bên quan tài bà lần chuỗi. Ai đến khóc, tôi cũng khuyên can, thay vì khóc lần chuỗi có lợi cho bà hơn. Đám tang đã không có tiếng khóc. Tôi yêu cầu mọi thân nhân xưng tội. Ai không xưng tội không nên đeo khăn tang, vì có những đứa cháu đã lâu năm không xưng tội. Tối hôm đó lễ tại gia, con cháu ai cũng đeo khăn tang, cũng rước lễ, thật cảm động.
Đang ngồi bên quan tài lần chuỗi, có một đứa em con bà dì tới nói : từ ngày anh chịu chức đến nay, mới được gặp lại anh. Sau đó cô ta tâm sự : em đã lấy chồng cả mười mấy năm trời mà không có con. Vợ chồng em vẫn thương nhau, nhưng cuộc sống thiếu một cái gì đó, không được vui. Xin anh cầu nguyện cho em có con. Tôi chỉ vào quan tài bà bảo : cầu nguyện với bà đi. Tôi lần chuỗi xin bà cho em có con. 9 tháng sau em đẻ con gái. Em cho tôi một chỉ vàng. Một chỉ lúc đó lớn lắm. Mấy năm sau tôi về, đến thăm. Em nằm nhà thương Từ Dũ, chỉ có chồng ở nhà. Chồng nói : vợ em, bác sĩ nói sẽ sinh con trai, nhưng phải mổ, anh cầu nguyện cho khỏi mổ. Tôi nhớ đến bà ngoại : bà đã cho sinh con, bà cũng sẽ chữa em. Tôi lần chuỗi xin bà. Em đã sinh và không phải mổ.
Khi thấy người nào qua đời, những người thân, nhất là những người thương mình, tôi xin họ cầu nguyện cho đời linh mục của mình. Có ba câu lạy sau kinh Trông Cậy, tôi thêm hai câu nữa : một là câu “Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”, hai là câu “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các đẳng được lên chốn nghỉ ngơi”. Như thế, không chỉ có chúng ta mới cầu cho các linh hồn, mà các linh hồn cũng cầu cho chúng ta.
Linh mục Nguyễn Trung Thành