Lễ Chân Phước Anrê Phú Yên


CHÚA NHẬT 17 MTN A

26-7-2020

CHẦU THÁNH THẺ

Giáo xứ Tam Tòa

GIÁO HUẤN SỐ 34

CÁC THÁNH TRẺ (tt)

Thánh Phanxicô Assisi khi còn rất trẻ với đầy những giấc mơ lớn, đã nghe tiếng Chúa Giê-su mời gọi trở nên nghèo khó như Người và cải tổ Giáo hội bằng chứng tá đời sống. Ngài đã hân hoan từ bỏ mọi sự trở thành vị thánh và nay trở thành vị thánh của tình huynh đệ đại đồng, trở thành anh em của mọi người. Ngài ca ngợi Chúa vì công trình tạo dựng của Chúa. Phanxicô qua đời năm 1226. Thánh Jeanne d’Arc sinh năm 1412. Ngài là một thiếu nữ nông dân, nhưng bất chấp tuổi đời non nớt, ngài đã chiến đấu bảo vệ nước Pháp khỏi ngoại xâm. Bị hiểu lầm về cách ứng xử, cách hành động và cách sống đức tin của mình, Jeanne bị thiêu một cách dã man. Chân phước Anrê Phú Yên là một thanh niên Việt Nam vào thế kỷ 17. Ngài là một giảng viên giáo lý và là trợ tá của các vị thừa sai. Ngài bị tống giam vì đức tin, và vì cương quyết không từ bỏ đức tin, ngài đã bị giết chết trong lúc đang kêu Danh Thánh Giêsu

(Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 52,53&54)

—————————————–

LỄ CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN

(2Mcb 7,1.20-29; Rm 8,31-39; Lc 9,23-26)

Theo ông Phạm Đình Khiêm trong “Người Chứng Thứ Nhất”, “Cha cậu chết sớm”, còn lại mẹ. Bà “là người công giáo rất đạo đức, tên thánh là Gioanna, chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ đàn con”.   “Bà rất chăm sóc việc giáo dục cho Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn”, “bà đã lo cho cậu, ngay từ những năm đầu, được học chữ nghĩa, kinh sử”. Nhưng có một điều khiến bà ngày đêm lo lắng không yên: “Con út của bà đã khôn lớn mà chưa được chịu phép rửa tội”. Hơn mọi người khác, bà hằng cầu mong cho có giáo sĩ đến để rửa tội cho con bà. Chúa sẽ đáp lòng mong ước của bà. Cha Đắc Lộ viết:  “Đúng ba năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy

Sách Người Chứng viết: “Sau khi được rửa tội vào khoảng tháng 5 năm 1641, thiếu niên Anrê vẫn ở nhà với mẹ. Trước kia, bà đã chăm sóc dạy dỗ con, thì từ lúc con vào đạo, bà lại càng chăm sóc hơn nữa, nhờ đó mà Anrê sớm có căn bản đạo đức”.  Cha Đắc Lộ nói : “Thầy bản tính hiền lành, trong sạch, ngay thật, rất có khả năng chịu mọi tác dụng của ơn thánh hóa. Mới chịu phép Rửa tội chưa bao lâu, thầy đã miệt mài trên đường nhân đức, và đã tiến bộ mau chóng, đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được trình độ mà người khác phải nhiều năm mới đạt tới”…Không mãn nguyện với bậc giáo hữu, thanh niên ấy nảy ý định tham gia vào việc làm cho nhiều người trở lại”.

Dịp may đưa đến: năm 1642, giáo sĩ Đắc Lộ trở lại Phú Yên lần thứ hai. Anrê liền ngỏ ý tình nguyện đi theo cha giúp việc truyền giáo. Thoạt đầu, cha từ chối không nhận, vì nghĩ rằng thời buổi cấm đạo, không nên đem nhiều người theo. Vả lại, Anrê hãy còn nhỏ tuổi, chưa biết giảng dạy cho bổn đạo, mà chữ nghĩa cũng còn ít. Nhưng Anrê vẫn năn nỉ mãi không thôi, lại cậy nhờ những người quen thuộc nói giúp, sau cùng cả hai mẹ con cùng đến van nài, giáo sĩ phải nhận lời…Thế là Anrê từ giã gia đình, đồng ruộng, từ giã dòng sông Cái với nghề chài lưới, giũ bỏ trần tục giữa buổi hoa niên để đi theo tiếng gọi của Chúa.

Bài đọc 1 : Bđ1 đọc sách Ma-ca-bê quyển thứ hai. Đây là bộ sách lịch sử sau cùng của Cựu Ước. Sách kể lại cuộc chiến đấu do anh em ông Giuđa Macabê chỉ huy chống lại quân đội nhà Xê-lêu-xít vào thế kỷ II tCN (Scott Hahn, Catholic Bible Dictonary, trang 561). Tướng Hy Lạp Xêu-lê-cô lập ra nhà Xê-lêu-xít (Kinh Thánh 2011, trang 947)

Bài đọc 1 kể chuyện bà mẹ khuyến nhủ người con út. Những lời khuyên nhủ của bà cảm động biết bao, chẳng khác gì những ước vọng đạo đức của bà mẹ thầy Anrê Phú Yên: nào là muốn con được rửa tội, được vào hội Thầy Giảng …

Sách “Đường Về Emmaus” viết: “Hình ảnh bà mẹ làm ta xúc động, không những vì sự can đảm của bà, mà nhất là những tâm tình của bà nói với các con, khuyến khích các con can đảm đón nhận mọi hình khổ. Những lời khuyên của của bà phản ảnh niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa là cội nguồn và là cùng đích của sự sống”  (Đức cha Nguyễn Văn Khảm chuyển ngữ, trang 372).

Bài Tin Mừng :Bài Tin Mừng là con đường Chúa Giêsu nói mọi người phải đi : “Ai muốn đi theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Cha Nguyễn Công Đoan viết: “Riêng sách Tin Mừng thánh Luca nói đến “thập giá hằng ngày”. Vậy thì thập giá hằng ngày là gì ?” (Phúc Âm Hóa Người Rao Giảng Tin Mừng, Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Luca, trang 194).

Cha Đoan viết tiếp : “Một câu hỏi chợt đến với các ông : trong các ông ai là người lớn nhất ? Quả là đi ngược chiều với Chúa. Cái màn che khuất về thập giá chính là đầu óc địa vị. Trong sách Tin Mừng Gio-an, Chúa Giê-su phanh phui tại sao người Do Thái không thể tin Chúa: ‘Các ông tôn vinh lẫn nhau, và không tìm vinh quang từ Thiên Chúa duy nhất, làm sao các ông có thể tin được” (Ga 5,44). Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: ‘Ai đón tiếp em nhỏ này vì Danh Thầy, là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy đến. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả mọi anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9,46-48), (Sđd, trang 105-106).

Tối ngày 25-7-1644, toán lính giải thầy Anrê đến ông nghè Bộ. Thấy người thanh niên trẻ tuổi, ông sừng sộ nói với toán lính: “Sao lại bắt người hiền lành như thế mà không bắt Inhaxiô?”. Toán lính thưa lại: “Inhaxiô đi vắng, nhưng người trẻ này cũng thuộc hạng như Inhaxiô, dọc đường vẫn còn cố chấp giảng đạo cho chúng tôi” (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, tập I, trang 28).

Trong sách “Dòng Máu Anh Hùng”, cha Vũ Thành kể : “Biết tin thầy bị án chết, người ta ùa đến ôm hôn thầy, thầy nói : cháu là người tội lỗi, xin cầu nguyện cho cháu” (trang 30). Thầy Anrê vẫn tỏ ra hiền lành, khiêm nhường !

Bài đọc 2 : Bài đọc 2 đọc thư của thánh Phaolô viết cho cộng đoàn Rôma : “Ai có thê tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép : ‘Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35-37).

Cha Đắc Lộ kể lại thái độ của ông Anrê và thầy Anrê sáng ngày 26-7-1644 đến tòa án: “Họ bước đi vững mạnh, không hề sợ hãi, lại hân hoan như đi dự tiệc cưới vậy. Vai mang gông nặng, nhưng họ vẫn tỏ ra khoan khoái dễ chịu, vì đó là xe chở họ về nước thiên đàng” (Vũ Thành, sđd, trang 31).

Lạy Chân phước Anrê, xin cầu cho Giáo phận Đà Nẵng chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành