Lễ Chúa Ba Ngôi
CN XI TN NĂM C
LỄ CHÚA BA NGÔI
5-6-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hà Lam
GIÁO HUẤN SỐ 29
NGƯỜI TRẺ VỚI GỐC RỄ
MẠO HIỂM CÙNG NHAU (TT)
Nếu chúng ta hành trình cùng với nhau, người trẻ và người già, chúng ta có thể cắm rễ vững chắc trong hiện tại, và từ chỗ này, chúng ta ôn lại quá khứ và hướng tới tương lai. Ôn lại quá khứ để học từ lịch sử và để chữa lành các vết thương cũ đôi khi còn làm phiền chúng ta. Hướng tới tương lai để nuôi dưỡng sự hăng hái của chúng ta, để làm cho các giấc mơ hiện lên, đánh thức các tiềm lực và giúp làm bùng nở hy vọng. Cùng với nhau, cùng với nhau chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm con tim, khởi động tâm trí với ánh sáng của Tin Mừng, và thêm sức mạnh mới cho đôi bàn tay mình (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 199).
——————————————
CN XI TN NĂM C
LỄ CHÚA BA NGÔI
(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)
Ba Ngôi với chị Lu-xi-a
Năm 1917 Đức Mẹ Fatima hiện ra với chị Luxia khi chị mới 10 tuổi.
Ngày 13-06-1929 trong dòng kín ở Tuy, Tây Ban Nha, chị Lucia được mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chị Lucia kể lại như sau :
«Tôi đã xin phép Mẹ Bề Trên và Cha Linh hướng, và tôi được phép làm giờ thánh từ 11 giờ đêm cho tới nửa đêm thứ năm rạng thứ sáu.
Trong suốt cả đêm chỉ có mình tôi quỳ trước chấn song ngăn nhà nguyện với căn phòng chúng tôi họp cầu nguyện. Tôi cúi sấp mình đọc các lời kinh Thiên thần. Khi tôi cảm thấy mệt, tôi ngước mặt lên, vòng chéo tay trước ngực theo hình Thánh Giá vả cầu nguyện tiếp. Lúc bấy giờ trong nhà nguyện chỉ có ngọn đèn chầu duy nhất. Bổng chốc cả ngôi nhà nguyện bừng sáng bằng một ánh sáng siêu phàm, và trên bàn thờ xuất hiện một tượng Thánh Giá bằng ánh sáng, cao tận tới trần nhà. Trong môt vùng ánh sáng còn chói lọi hơn nữa, người ta thấy phần trên tượng Thánh Giá có khuôn mặt một Người Đàn Ông lộ ra từ đầu cho tới thắt lưng, trên ngực có hình một Chim Bồ Câu, và cũng được bao phủ bởi ánh sáng, còn trên Thánh Giá thì có một Người Đàn Ông khác bị đóng đinh vào đó. Lưng chừng giữa thắt lưng có một chén thánh đu đưa trên không với một bánh lễ to, và trên tấm bánh lễ to đó có những giọt máu chảy từ má và từ vết thương ở ngực của người bị đóng đinh. Từ tấm bánh lễ đó, những giọt máu lại chảy tràn vào chén thánh.
Đứng ở phía dưới tay phải tượng Thánh Giá là Đức Mẹ. Đó chính là Đức Mẹ Fatima với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, không có lưỡi kiếm đâm qua và không có các bông hồng, nhưng thay vào đó lại có một vòng gai và những ngọn lửa. Trên bức hình đó, người ta còn thấy Đức Mẹ cầm ở tay phải một tràng chuỗi Mân Côi.
Còn phía tay trái tượng Chúa Chịu Nạn có mấy chữ cái lớn, xem ra như thể làm bằng nước đá đông lại trong suốt và như chực chảy xuống trên bàn thờ. Những chữ cái lớn đó là chữ : «ƠN THÁNH và LÒNG THƯƠNG XÓT».
Tôi hiểu ngay rằng tôi đã được thị kiến Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và tôi còn được mặc khải những điều khác nữa về mầu nhiệm đó, nhưng tôi không được phép nói ra!”
(Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima, Dịp kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, trang 219).
Các Thánh Tử Đạo VN với TC Ba Ngôi
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chẳng những tuyên xưng mà còn sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thánh Anrê Tường nông gia, Thánh Vinh Sơn Tương chánh tổng, Thánh Đaminh Nguyễn Đức Mạo nông gia, Thánh Đaminh Nhi nông gia, Thánh Đaminh Nguyên chánh trương, cả năm ngài đều từ chối đạp Thánh Giá. Thánh Mạo đại diện nói : “Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy ? Chắc quan tưởng chúng tôi là con nít khiếp sợ đau đớn, nên quan khuyên dụ chúng tôi xúc phạm Thiên Chúa ư ? Nếu chà đạp Thánh Giá để khỏi bị bắt và khỏi bị đánh đập thì chúng tôi đã làm ngay ở làng quê chúng tôi rồi, dại gì phải trải qua biết bao cực khổ nơi đây. Bây giờ quan cứ làm theo ý quan, chúng tôi không bao giờ bỏ đạo đâu”.
Ngày 16-6-1862 năm vị bị dẫn ra pháp trường chém đầu. Cả năm vị xin chém 3 nhát, thay vì 1 nhát, để tỏ lòng tôn kính Ba Ngôi Thiên Chúa (Bùi Đức Sinh, Uống Nước Nhớ Nguồn, California, Hoa Kỳ, 1990, trang 179).
Dấu Thánh Giá là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kinh Sáng Danh là lời tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng nói về TC Ba Ngôi.
Bài đọc 1 (Cn 8,22-31) : Sách KT 2011 của nhóm CGKPV viết : “Bài thơ này chuẩn bị cho một mặc khải lớn. Đó là mặc khải về Con TC làm người là Đức Giê-su Ki-tô. Người là sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa (1Cr 1,24-30). Sư khôn ngoan này thật là một ngôi vị thần linh, đến với con người trên mặt đất. Chính Người là Ngôi Lời đã ở bên Thiên Chúa từ nguyên thủy và đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo (Ga 1,1-10) (tràng 1295).
Bài Tin Mừng (Ga 16,12-15) : BTM nói về Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ. Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Đấng Bảo Trợ đến chứng minh thế gian ghét Chúa ‘vô cớ’. Chính thế gian mới là kẻ có tội vì không tin vào Chúa Giê-su là Đấng Công Chính, vì Chúa đã lên cùng Chúa Cha để có thể gởi Đấng Bảo Trợ đến. Sự hiện diện của Người là lời kết án thủ lãnh thế gian. Người sẽ vạch mặt chỉ tên nó là cha sự dối trá và là kẻ sát nhân. Nó giết được Chúa Giê-su như đã giết A-đam và con cái A-đam, nhưng Chúa vào tận sào huyệt của nó mà đạp dập đầu để giải thoát A-đam và con cái.
Ngoài việc chứng minh Chúa Giê-su và kết án thủ lãnh thế gian, Đấng Bảo Trợ Thần Khí Sự Thật sẽ hoàn tất việc dạy dỗ các môn đệ (Tĩnh Tâm Với TM Gio-an, tập 2, trang 90-91) .
Bài đọc 2 (Rm 5,1-5): Cha Sullivan viết về bđ2 như sau : “5 câu thư gửi giáo đoàn Rô-ma của thánh Phao-lô nói rõ về TC Ba Ngôi. Mỗi ngôi trong Ba Ngôi đóng một vai trò trong việc công chính hóa con người” : “Chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô…Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần đã được ban cho chúng ta (Rm 5,1-5).
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con
Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý
và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài
đến trần gian mặc khải cho chúng con
biết mầu nhiệm cao vời của Chúa.
Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật
là nhận biết và tôn thờ
một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành