Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa


LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

9-1-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thanh Đức

GIÁO HUẤN SỐ 7

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Tuổi trẻ và dấn thân (tt)

Thượng Hội Đồng nhìn nhận rằng: dù bằng một cách khác với những thế hệ đi trước, sự dấn thân xã hội là một nét đặc biệt của giới trẻ ngày nay. Trong khi một số bạn trẻ thờ ơ, thì nhiều bạn trẻ khác sẵn sàng dấn thân vào sáng kiến làm việc thiện nguyện tích cực trong tư cách công dân và tinh thần liên đới xã hội. Họ cần được đồng hành và khích lệ để sử dụng các tài năng của mình cách sáng tạo, được khích lệ để đảm nhận các trách nhiệm của mình. Việc dấn thân xã hội và trực iếp đến với người nghèo vẫn là những nền tảng để tìm thấy hay đào sâu đức tin cũng như phân định ơn gọi của mình…Cũng ghi nhận rằng người trẻ được chuẩn bị được đi vào đời sống chính trị nhằm xây dựng công ích (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 170).

——————–

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

(Is 40, 1-5.11; Tt 2,11-14; 3,4-7; Lc 3,15-16.21-22)

Hai cái gai

Đối với các môn đệ đã sống bên Chúa Giê-su thì trước mắt điều không thể chấp nhận là cái chết của Đức Ki-tô trên thập giá; rồi khi đã nhận ra Chúa Giê-su là Chúa, là Con Thiên Chúa, là Đấng Công Chính thì việc Chúa Giê-su chịu phép rửa sám hối của ông Gio-an Tẩy Giả cũng là điều không thể chấp nhận. Nhưng đó là hai điều đã xảy ra. Có thể gọi đó là hai cái gai làm cho mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô trở nên ‘khó nuốt’ cho tới ngày nay. Nhưng nếu lý giải được thì hai cái gai này lại là mấu chốt để đi vào mầu nhiệm.

  1. Cái chết của Đức Ki-tô trên thập giá

Ánh sáng Phục Sinh và Kinh Thánh đã giúp các Tông Đồ lý giải được cái gai lớn nhất trước mắt các ông nhờ lời Chúa Giê-su và lời Kinh Thánh. Bốn sách Tin Mừng đều kể rằng Chúa Giê-su đã báo trước ba lần về cái chết và sự Phục Sinh của Chúa. Khi các phụ nữ ra mồ, thiên sứ giải nghĩa: “Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng chịu đóng đinh, Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,4-5). “Sao các bà lại tìm Đấng sống ở giữa kẻ chết?… Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại (Lc 24,5-7).

Sách TM Gio-an thì nói đến Kinh Thánh; “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9).

Sách TM Mác-cô cho thấy cái chìa khóa để hiểu lời loan báo cuộc thương khó là bài ca “Người tôi tớ đau khổ” (Is 52,13-53,12) khi Chúa Giê-su đặt câu hỏi cho các môn đệ: “Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê ? (Mc 9,12). Khi Chúa bị bắt thì Mác-cô có kể lời Chúa Giê-su: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm gậy gộc đến bắt ?… Nhưng thế này là để ứng nhiệm lới Sách Thánh” (Mc 14.49)… “Người đã bị liệt vào hạng tội nhân” (Is 53,12).

Sách TM Mát-thêu lại trích dẫn bài ca này ngay khi bắt đầu kể việc Chúa Giê-su  chữa lành bệnh tật: “Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: “Người đã mang lấy mọi bệnh tật của Ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,16-17).

Khi Chúa Giê-su bị bắt, một trong những kẻ theo Người tuốt gươm chém tên đầy tớ vị Thượng tế, Chúa Giê-su không cho dùng gươm để bảo vệ Chúa: “Thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy” (Mt 26,54).

Lời Kinh Thánh nào? Vào giờ ấy Đức Giê-su nói với đám đông: Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt ? … Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lới chép trong các sách Ngôn sứ” (Mt 26,55-56).

Sách TM Lu-ca kể rằng ngay trong bữa tiệc Vượt Qua Chúa Giê-su đã nói : “Thầy bảo anh em: cần phải hoàn tất nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: “Người đã bị liệt vào tên phạm pháp” (Lc 22,37). Nếu đọc kỹ thấy rằng trình thuật Cuộc Thương Khó của sách TM Lu-ca theo sát bài ca Is 52,13-53,12 và cho thấy mọi điều loan báo trong bài ca đã ứng nghiệm. Một số hình ảnh từ các thánh vịnh về người công chính bị bách hại cũng được đưa vào (Tv 21,22; 37,38; 68,69).

  1. Cái gai thứ hai là Chúa Giê-su chịu phép rửa.

Sách TM Mác-cô không ngại gây ‘sững sờ’ cho chúng ta khi kể sự việc mà không rào trước đón sau, như một đạo diễn điêu luyện, đặt những hình ảnh kế tiếp nhau và để cho những hình ảnh nói với chúng ta : “Hồi ấy Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán; ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’ (1,9-11).

Mác-cô không trích dẫn một cách minh nhiên, nhưng dùng một cụm từ của Is 63,19: ‘các tầng trời xé ra’, và thích ứng một câu trong Is 42,1 làm nội dung cho tiếng từ trời phán. Kết quả việc Đức Giê-su chịu phép rửa là lời cầu xin tha thiết của Is 63,19 đã được đáp lại: trời đã xé, Thần Khí ngự xuống, tiếng từ trời xác nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Trong Đức Giê-su, Thiên Chúa đã đến cai trị. Đức Giê-su chính là Nước Thiên Chúa, Triều Đại của Thiên Chúa.

Sách TM Mát-thêu rào đón  bằng một cuộc đối thoại giữa ông Gio-an Tẩy Giả và Chúa Giê-su, chỉ để cho thấy rằng đây là ý muốn nhiệm mầu của Thiên Chúa, không hiểu cũng cứ làm đi. Chúa Giê-su cầu nguyện và kết quả việc cầu nguyện này là trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống… Nhưng một chi tiết đặc biệt đáng lưu ý: Lu-ca kể việc ông Gio-an Tẩy Giả bị bỏ tù trước rồi mới kể việc Chúa Giê-su chịu phép rửa và nói rõ ‘khi toàn dân chịu phép rửa’. Nếu đưa lên màn hình thì ta thấy sau khi mọi người đã trút tội lỗi của họ xuống sông, Chúa Giê-su là người cuối cùng xuống sông chịu phép rửa. Vậy thì Chúa Giê-su xuống sông là để mang hết tội lỗi vào mình. Hình ảnh này gợi cho chúng ta hình ảnh người tôi tớ đau khổ: ‘Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta (Is 53,6). “Tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ ganh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11).

Như vậy, là cái gai thứ hai cũng được lý giải bằng chìa khóa Cựu Ước (Nguyễn Công Đoan, Ngài Đến Đây Làm Gì, trang 47-49).

Bài đọc 1 (Is 42,1-4.6-7): Bđ1 là bài ca thứ nhất ‘Người Tôi Tớ’. Sách KT của nhóm CGKPV viết: “Trong bài ca thứ nhất này, Người tôi tớ được giới thiệu như một vị ngôn sứ, nhưng lại có một sứ mạng trọng hơn các vị khác, vì chính ông là hiện thân của giao ước và là ánh sáng (c.6), thực hiện công trình giải phóng và cứu độ (c.7).

Cha Kevin O’Sullivan thì viết : “Trong phần II sách ngôn sứ I-sai-a (40-55) có một loạt về ‘Người Tôi Tớ Gia-vê’ đến. Người có những tư cách của ông vua, tư tế và ngôn sứ, nhưng cao trọng hơn. Người chịu đau khổ vì dân của Người và Người chịu chết vì Người thực thi ý Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa phục sinh Người, ban cho Người nhiều đặc ân. Tân Ước và Truyền thống Kitô-giáo luôn coi những lời này là những lời về Đấng Thiên Sai. Những lời này ám chỉ đến Đức Giê-su Ki-tô mà thôi” (The Sundays Readings, cycle C, trang 64).

Bài Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22): Cha Nguyễn Công Đoan viết: “Ông Gio-an dọn đường đã xong và đã nép mình trong nhà tù. Toàn dân đã trút hết tội lỗi xuống sông. Chúa Giê-su xuống sau cùng để vớt hết tội lỗi vào mình và đem lên thập giá (x. Cl 2,14; 1Pr 2,24).

Đang khi Chúa Giê-su cầu nguyện thì ‘trời mở ra’. Lời cầu xin trong sách I-sai-a: ‘Ước chi Chúa mở trời ra’ (Is 63,19) đã được Thiên Chúa nhận, nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. Thánh Thần ngự xuống, tiếng từ trời xác nhận: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’. Đó là lời phong vương trong Tv 2,7. Thế là Chúa Giê-su đã được chính Thiên Chúa xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần.

Con đường hạ mình mà thánh Phao-lô tả như ‘hóa ra không’ (Pl 2,7), mở đầu với mầu nhiệm nhập thể, Con Thn Chúa từ trong lòng Chúa Cha xuống ‘làm người’ trong lòng Đức Mẹ. Từ ‘nhà Cha’ đi xuống, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục cha mẹ. Bây giờ xuống sông Gio-đan, đứng chót trong hàng ngũ tội nhân, mang lấy tội lỗi toàn dân. Chúa Cha cũng bắt đầu tôn vinh Con bằng lời tuyên bố long trọng.

Một lần nữa Chúa Giê-su trương cờ hiệu thập giá, qua đó Chúa sẽ xuống tận đáy âm ty (Tĩnh Tâm với Sách TM Lu-ca, trang 80-81).

Bài đọc 2 (Tt 2,11-14.3,4-7) : Từ Điển Công Giáo của HĐGMVN giới thiệu thánh Ti-tô như sau: “Thánh Titus là Ki-tô hữu gốc Hy Lạp, là môn đệ và là người đồng hành với thánh Phao-lô trong sứ vụ truyền giáo (x. 2Cr 8,23). Thánh Titus luôn là cộng viên đắc lực của thánh Phao-lô. Ngài đã cùng đi với thánh nhân đến công nghị Giê-ru-sa-lem (x. Gl 2,1). Vì có lòng nhiệt thành ngài được thánh Phao-lô yêu quí, giao những trách nhiệm quan trọng như giúp các tín hữu Corinthus hòa giải với thánh nhân (x.2Cr 7,15) tổ chức lạc quyên cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (x. 2Cr 8,6). Thánh Titus cũng được gửi đến đảo Cretensis và ở lại đó để tổ chưc giáo đoàn (x. Tt 1,5). Về sau ngài đến Nicopolis gặp lại thánh Phao-lô (x. Tt 3,12) và tiếp tục đi đến Dalmatia (x. 2Tm 4,10). Theo truyền thống, Titus ở lại Cretes với tư cách là giám mục (x. Tt 1,5). Ngày nay Hội Thánh kính nhớ ngài vào ngày 26-1 hằng năm (trang 896).

Từ Điển cũng giới thiệu lá thư thánh Phao-lô gửi thánh Ti-tô như sau: “Theo truyền thống, thánh Phao-lô đã viết thư này. Tuy nhiên vì văn phong và vài tư tưởng của thư này khác với những thư trước của thánh nhân mà một số nhà chú giải cho rằng thư ký của thánh nhân đã ghi chép thêm bớt và chính sửa đôi chút. Qua thư này, thánh Phao-lô không chỉ dạy các tín hữu  mà còn đặc biệt khuyên nhủ ông Titus, người tổ chức và xây dựng giáo đoàn ở Crètes thời ấy. Thánh nhân đề ra một số đặc tính  mà các vị giáo đoàn cần phải có (x. Tt 1,5-9) (sđd trang 897).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái, xin cho chúng con là doàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành