Lễ Chúa GiêSu Chịu Phép Rửa – Năm A
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
12-1-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Thanh Đức
GIÁO HUẤN SỐ 7
Lời Thiên Chúa nói gì về người trẻ (tt)
Chúng ta cũng ghi nhớ rằng Đức Giêsu không ủng hộ những người lớn xem thường hay khống chế người trẻ. Trái lại, Người nhấn mạnh rằng: “Kẻ lớn nhất trong anh em phải trở thành kẻ nhỏ nhất” (Lc 22,26). Đối với Đức Giêsu, tuổi tác không tạo nên các đặc quyền, và sự kiện rằng người ta trẻ tuổi không có nghĩa rằng họ có ít phẩm giá hơn. Lời Chúa nói rằng người trẻ nên được đối xử “như anh em” (1Tm 5,1) và cảnh giác các bậc phụ huynh đừng “làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21). Người trẻ không được an bài để mà ngã lòng, họ được mời gọi mơ những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời xa rộng, hướng lên cao hơn, gánh vác thế giới này, đón nhận những thách đố và cống hiến nhiều nhất có thể để xây dựng một cái gì đó tốt đẹp hơn. Đó là lý do tại sao tôi thường xuyên khẩn khoản các bạn trẻ đừng để mình bị tước mất niềm hy vọng, cha muốn nhắc lại mỗi người trong các con. “Đừng để ai xem thường tuổi trẻ của con (1Tm 4,12) (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống số 14&15).
—————————————————-
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
(Is 42,1-4.6-7; Cv 40,34-38; Mt 3,13-17)
Ngày 18-1-1615, cha Buzomi tới Đà Nẵng. Cha dựng được một nhà thờ. Lễ Phục sinh cha sung sướng được dâng thánh lễ đầu tiên tại quê hương thứ hai của cha. Trong nhà thờ mới cha rửa tội được 10 tân tòng (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 91).
Năm 1617 cha Pina được sai đến Đàng Trong. Tại Thanh Chiêm, Phước Kiều, Quảng Nam cha chú trọng đến giới nho gia trí thức. Mở đầu cuộc truyền giáo của cha là cụ nghè Giuse. Cụ là người được kính nể trong trấn Quảng Nam, môn sinh rất nhiều. Đã hơn một năm trời từ ngày đến Quảng Nam, cha Pina tìm cách đi lại, trao đổi câu chuyện về tôn giáo, mong đưa cụ về với đạo thật. Nhiều khi cha đã ngã lòng vì tính cách bảo thủ rụt rè của cụ cũng như tất cả nho gia khác. Nhưng vẫn cố nuôi hy vọng, vì trong câu chuyện, cụ tỏ ra có tinh thần phục lý, muốn tìm hiểu đạo hơn là ghét đạo. Công cuộc chính phục thật là vất vả. Cuối cùng cha đã thành công. Trước khi bước cái bước quyết định, cụ còn bí mật xuống Nước Mặn (Gò Thị, Qui Nhơn) gặp cha Buzomi, để đối chiếu giáo thuyết của hai cha, xem có thật đạo của hai cha là đạo công giáo, là đạo của mọi người, của mọi thời đại, cùng một tin tưởng duy nhất. Trở về Quảng Nam, cụ xin lãnh nhận phép rửa tội với tên thánh là Giuse (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam. tập I, trang 74).
Cha Christophe Borri kể : “Trong thời kỳ ở Hội An… Một hôm cha Buzomi đi dạo trên bãi biển, thấy một bọn hát tuồng đang làm trò cho dân chúng xem. Dừng lại, cha chứng kiến một hài kịch sau đây: một con hát bước ra sân khấu với cái bụng độn rất to, theo sau là một con hát giắt một em nhỏ. Con hát bụng độn hỏi em nhỏ: con nhỏ muốn vào trong lòng người Hoa Lang chăng ? Em nhỏ thưa: có. Tức thì con hát đứng bên tìm cách nhét em nhỏ vào trong chiếc bụng độn giữa tiếng cười thỏa chí của khán giả. Hài kịch được diễn lại mấy lần, mà người đứng xem vẫn không chán” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 61).
Người Hoa Lang là người nào ?
Cha Đỗ Quang Chính viết: “Lúc đầu nhà cầm quyền và nhiều người trong nước gọi đạo Công Giáo là ĐẠO HOA LANG. Ngay vào những năm đầu truyền giáo ở Đàng Trong, đạo này đã được dân chúng gọi là đạo Hoa Lang… Cha Alexandre de Rhodes cũng nhắc tới từ ngữ đạo Hoa Lang, được phát âm ra là đạo Pha Lang. Khi những người Việt – không theo đạo – gọi đạo này bằng cụm từ đạo Hoa Lang, thì họ hiểu đó là đạo người Bồ Đào Nha…
“Nguồn gốc cụm từ đạo Hoa Lang không rõ ràng. Có người cho rằng, vì những người Bồ Đào Nha đầu tiên đến Đàng Trong bán một thứ vải in hình “hoa rau lang”, nên dân ta gọi những người đó là người hoa lang. Các nhà truyền giáo đầu thế kỷ 17 cùng đi trên tàu buôn Bồ Đào Nha tới Đàng Trong, nên dân chúng cũng gọi luôn đạo họ truyền bá là ‘đạo Hoa Lang’ …(Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Antôn & Đuốc Sáng, trang 30-31).
Ông An Chi giải nghĩa như sau : “Tục của nước Tân La (nước Đại Hàn ngày nay), chọn trong con em các gia đình cao sang những người xinh đẹp mà tô son điểm phấn, gọi là hoa lang. Vậy Hoa Lang hẳn phải là những trang thanh niên trắng trẻo, hồng hào, và đặc điểm này có lẽ chính là cơ sở cho cách dùng hai tiếng đang xét theo phép ần dụ để chỉ người Bồ Đào Nha chăng, vì nói chung họ cũng là những người hồng hào, trắng trẻo” (Đỗ Quang Chính, Hòa Mình Vào Xã Hội Việt Nam, trang 24).
Ngày xưa và cả ngày nay, người ta hiểu lầm theo đạo Công giáo là theo Tây, theo Mỹ, là bán nước, là bỏ ông bà tổ tiên. Quan Tổng đốc Hà Nội nói với cha Luca Vũ Bá Loan
– “Tại sao theo đạo ngoại quốc ?”
Cha đáp :
– “Tôi chẳng theo đạo chúa của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa trời đất, Chúa của muôn loài” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.II, trang 183).
Youcat, Giáo Lý Cho Người Trẻ, viết: “Rửa tội là nền móng cho tất cả đời sống Kitô hữu, vì bí tích đó là cửa dẫn vào Hội Thánh. Nhờ bí tích Rửa tội, ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được trở thành chi thể của Chúa Kitô, và được hiệp thông với Thiên Chúa (số 194).
Bài Tin Mừng : Lời cha Vũ Bá Loan nói đạo Công giáo là “Đạo Chúa” đúng như lời Chúa Giêsu nói về phép rửa trong bài Tin Mừng: “Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15).
Sách Tân Ước năm 1994 của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ viết : “Đây là lời nói đầu tiên của Chúa Giê-su trong cuộc đời công khai mà Tin Mừng ghi lại. Lời này đưa ra nguyên tắc chung cho cả cuộc đời của Chúa. Sự công chính của con người là ở chỗ đó. Ở đây Chúa Giê-su muốn chịu phép rửa của Gio-an để nhìn nhận công việc này là do Thiên Chúa (x,Lc 7,29-30) như là sự chuẩn bị cuối cùng đưa vào thời đại Mê-si-a. Có thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha trong việc này thì Chúa Giê-su mới lập nên được nền công chính mới (x.5,20) để kiện toàn luật cũ” (trang 63)
Bài đọc 1: Để đem “Đạo Trời” cho nhân loại, Chúa Giêsu phải hạ mình thành “người tôi trung” như ngôn sứ Isaia mô tả trong bài đọc 1: “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 43,2-3).
Bài đọc 2 : Đến lượt chúng ta, để đáp lại lòng thương bao la của Chúa, chúng ta phải nghe theo lời dạy của thánh Phêrô trong bài đọc 2 : “Kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành”.
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu,
Mẹ đầy ơn phúc và quyền năng
Chúng con xin Mẹ thương đến chúng con :
cho mọi tín hữu biết can đảm tuyên xưng đức tin
biết cải thiện đời sống
để trở thành một cộng đoàn hiệp nhất
chia sẻ và yêu thương. Amen
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành