Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Năm B
CN 1 TN B CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
(Is 55,1-11; 1Ga 5,1-9; Mc 1,7-11)
10-1-2021
Trong tập sách ‘Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam’ tập I, cha Nguyễn Hồng viết: “Ở Áo Môn (Ma Cao), các cha bề trên tỉnh dòng (Tên) theo dõi tình hình bách hại đạo ở Nhật, cơn mây bao phủ núi sọ của Giáo hội Nhật mỗi ngày một đen tối, không một tia hy vọng báo hiệu mùa phục sinh. Một số giáo dân Nhật, để có thể bảo toàn đức tin, vịn cớ buôn bán để xuất ngoại. Họ tản mác đến các khu cảng vùng Đông Á họp thành những họ đạo nhỏ. Không thể truyền giáo cho người Nhật ở trong nước, một số thừa sai ở Nhật bị trục xuất trước đây cũng theo họ đến ở những nơi đó. Tại cửa Hội An cũng có một số giáo dân Nhật đến trú ngụ buôn bán. Họ trông đợi một thừa sai đến sống với họ (trang 49)
Giữa lúc đó thì ông Ferdinand Costa, thuyền trưởng có tên tuổi ở vùng Đông Ấn đến gặp các cha. Ông vừa ở cảng chúa Nguyễn về, trình bày những hy vọng đầy phấn khởi của một cuộc truyền giáo rất có thể ở xứ đó. Ông cũng không quên nhấn mạnh về tính tình dễ dãi của người dân xứ Nam: ‘Họ xử đãi tử tế nhã nhặn với tất cả các ngoại kiều đến buôn bán ở đó, để ai nấy được tự do theo lối sống riêng của nước mình. Chính vua xứ đó cũng ủy nhiệm cho ông khi trở về Áo Môn, tìm cách dẫn dụ các thừa sai đến ở xứ Nam và ông yêu cầu các cha đừng từ chối lời yêu cầu chính đáng đó và lợi dụng thời cơ thuận tiện làm ích cho Giáo Hội (trang 50).
Cuộc liên lạc thương mại giữa người Bồ và người Việt bắt đầu từ giữa thế kỷ XVI, nghĩa là quãng năm 1540… Dạo đó Cửa Hàn nhất là Hội An, buôn bán giữa người Việt và người Trung Hoa, Nhật Bản đã sầm uất. Người Trung Hoa và Nhật Bản sống làm hai khu riêng biệt. Mỗi khu có quan khu trưởng riêng và sống theo lối sống riêng của mình (trang 50).
Năm 1557 người Bồ được chúa Nguyễn cho phép lập cửa hàng ở Hội An. Từ đó thường thường mỗi năm, một hai chuyến tầu tới Áo Môn vào quãng cuối tháng chạp sang giêng đem hàng hóa đến bán ở Hội An hay Cửa Hàn (trang 50).
Nghe biết câu chuyện, cha Buzomi, người thành Napôli Ý, liền tình nguyện đến mở đầu công cuộc truyền giáo ở xứ Nam. Đầu năm 1615, cha cùng với cha Carvalho và thầy Antôniô Dias-người Bồ, với thầy Giuse và Paulô-người Nhật, xuống tầu bỏ Áo Môn. Ngày 18-1-1615 thì tầu tới Cửa Hàn (trang 51).
Sau khi tới Cửa Hàn 18-1-1615, công việc đầu tiên của cha Buzomi là cất tạm một nhà nguyện cho giáo dân Nhật ở đó và cho người Bồ trong thời gian buôn bán, đồng thời cũng là trụ sở đầu tiên làm căn cứ truyền giáo cho vùng chung quanh. Lễ Phục Sinh năm đó, cha được dâng lễ đầu tiên ở quê hương thứ hai của cha trong nhà nguyện mới và đón nhận 10 tân tòng, những bông lúa đầu mùa của cha (trang 6).
Lời Chúa trong Chúa nhật Chúa chịu phép rửa hôm nay nói lên niềm vui hạnh phúc được rửa tội, được làm con Chúa.
Bài đọc 1 : bđ1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. Chúng ta đọc lại mấy câu đầu: “Đến cả đi hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây ! Dù không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng ? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị “ (Is 55,1-2).
Tự điển Kinh Thánh ‘Harper’ viết : “Đây là đoạn văn dùng kiểu thần linh mời tới dự tiệc. Sách Cách Ngôn viết : ‘Ai là kẻ ngây ngô, hãy qua đây ! Với kẻ dại khờ, Ngài nói : ‘Hãy đến, hãy ăn bánh của Ta, và uống rượu Ta đã hãm. Theo kiểu này, thần linh mời loài người tới dự tiệc” (trang 585).
Bài Tin Mừng : Thánh Mác-cô kể câu chuyện ‘Chúa Giêsu chịu phép rửa”. Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Giữa đám đông những người từ Giu-đê và Giê-ru-sa-lem đến, bỗng có một người tên là Giê-su, từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Một người giữa mọi người. Sự khác biệt chỉ lộ ra khi người ấy lên khỏi nước: ’Người liến thấy các tầng trời xé ra’. Trong các sách Tin Mừng khi kể chuyện này, Mát-thêu và Lu-ca dùng kiểu nói ‘các tầng trời mở ra. Chỉ có Mc dùng kiểu nói ‘các tầng trời xé ra’. Cả hai cách nói đều gợi lời cầu xin trong sách I-sai-a 63,19 : ‘Ước chi Ngài xé trời ngự xuống’. Vậy thì khi Đức Giê-su người Na-da-rét từ sông Gio-đan bước lên, Thiên Chúa đã ‘xé trời’ để đáp lời cầu xin: ‘Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Người, và tiếng từ trời ngỏ với Người: ‘Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con’. Thiên Chúa xé trời hiển linh: Cha, Con và Thánh Thần đang hiện diện trên mặt đất, Nước Thiên Chúa đã hiện diện nơi Đức Giê-su Na-da-rét, Người Con yêu dấu đẹp lòng Thiên Chúa, được xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần, với tiếng của Thiên Chúa từ trời vang xuống” (Người Này là Con Thiên Chúa : Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 27-28).
Cha Đoan kết luận : “Với 13 câu mở đầu này, Mác-cô đã cho chúng ta những bức tranh tổng hợp rất phong phú để chiêm ngắm và chuẩn bị tâm hồn, dọn con đường trong lòng chúng ta để đón Đức Giê-su Ki-tô. Con Thiên Chúa vào lòng, vào trí, vào cuộc đời của chúng ta, và trở thành môn đệ đích thật. Chúng ta hãy cầu xin những ơn mà đến cuối con đường đi theo Chúa các môn đệ vẫn chưa nhận được mắt để thấy, tai để nghe, trí để nhớ, lòng để hiểu (Mc 8,14-21) (Sđd trang 31).
Bài đọc 2 : Được chịu phép rửa để làm ‘con Chúa’, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Trong bài đọc 2, thánh Gio-an tông đồ khuyên chúng ta : “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1Ga 5,1).
Trong ngày lễ Chúa chịu phép rửa ngày 8-1-2018, Đức giáo hoàng Phanxicô khuyên chúng ta : “Ngày lễ Đức Giêsu chịu phép rửa gọi mời mỗi Kitô hữu nhớ lại phép rửa của mình… Chúng ta phải luôn nhớ ngày tháng này trong trí khôn, vì đây là ngày tháng của ngày lễ hội, ngày tháng mà trong đó chúng ta được thánh hóa lần đầu tiên, đó là ngày tháng mà Cha đã ban cho chúng ta Thánh Thần, là Đấng đã thúc đẩy chúng ta bước đi, đó là ngày tháng của cuộc tha thứ vĩ đại. Anh chị em đừng quên ngày rửa tội (GB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Trong Năm B trang 62)
Chúng ta cầu xin Rất Thánh Trinh Nữ Maria lấy tình mẹ hiền bảo vệ chúng ta, để cho tất cả mọi Kitô hữu có thể ngày càng hiểu được hồng ân phép rửa, và cam kết sống bí tích này một cách gắn bó, bằng cách làm chứng cho tình yêu của Cha và Con và Thánh Thần” (Sđd, trang 63).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành