Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa


LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA C

13-1-2019

Giáo xứ Thanh Đức

Chầu Thánh Thể

Giáo Huấn số 7

Thực trạng Gia đình (tt)

Lịch Giáo phận trang 34

“Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu trong một số xã hội đã ảnh hưởng đến các gia đình rất nhiều và càng đẩy gia đình vào tình trạng phải chơ vơ chống chọi với những khó khăn của mình. Các Nghị phụ đã khẳng định rằng ‘cái nghèo lớn nhất trong số những cái nghèo của nền văn hóa hiện nay là sự cô đơn, kết quả của tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống con người và tình trạng mong manh của những mối quan hệ. Người ta cũng có một cảm giác chung về sự bất lực khi đối diện với thực trạng kinh tế-xã hội, rốt cuộc thường đè bẹp gia đình. {…} Các gia đình thường cảm thấy như mình bị bỏ rơi vì thái độ thờ ơ và không mấy quan tâm của các cơ chế. Các hậu quả tiêu cực về mặt tổ chứa xã hội thật là rõ ràng : từ khủng hoảng dân số đến những khó khăn trong giáo dục, từ thái độ ngần ngại không sẵn sàng đón nhận con cái được sinh ra đến khuynh hướng xem người già như một gánh nặng, cho đến tình trạng gia tăng những cảm xúc bất ổn, đôi khi dẫn đến bạo lực. Nhà nước có trách nhiệm tạo ra các điều kiện mang tính pháp lý và tạo ra công ăn việc làm nhằm có thể bảo đảm cho tương lai của giới trẻ và giúp họ thực hiện dự phóng xây dựng gia đình của họ” (Niềm Vui của Gia Đình số 43).

————————————————

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA C

(Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14; Lc 3,15-16.21-22)

Năm 1615, cha Phanxicô Buzomi đến giảng đạo tại Hội An. Cha Buzomi giảng đạo từ năm 1615 đến 1639, lúc ở lúc bị đuổi, 24 năm. Biết bao công lao.

Cha Nguyễn Hồng kể theo cha Christophe Borri : “Trong thời kỳ ở Hội An…Một hôm cha Buzomi đi dạo trên bãi biển, thấy một bọn hát tuồng đang làm trò cho dân chúng xem. Dừng lại, cha chứng kiến một hài kịch sau đây : một con hát bước ra sân khấu với cái bụng độn rất to, theo sau là một con hát giắt một em nhỏ. Con hát bụng độn hỏi em nhỏ : con nhỏ muốn vào trong lòng người Hoa Lang chăng ? Em nhỏ thưa : có. Tức thì con hát đứng bên tìm cách nhét em nhỏ vào trong chiếc bụng độn giữa tiếng cười thỏa chí của khán giả. Hài kịch được diễn lại mấy lần, mà người đứng xem vẫn không chán” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 61).

Người Hoa Lang là người nào ?

Cha Đỗ Quang Chính viết : “Lúc đầu nhà cầm quyền và nhiều người trong nước gọi đạo Công Giáo là ĐẠO HOA LANG. Ngay vào những năm đầu truyền giáo ở Đàng Trong, đạo này đã được dân chúng gọi là đạo Hoa Lang…Cha Alexandre de Rhodes cũng nhắc tới từ ngữ đạo Hoa Lang, được phát âm ra là đạo Pha Lang. Khi những người Việt không theo đạo gọi đạo này bằng cụm từ đạo Hoa Lang, thì họ hiểu đó là đạo người Bồ Đào Nha…

 “Nguồn gốc cụm từ đạo Hoa Lang không rõ ràng. Có người cho rằng, vì những người Bồ Đào Nha đầu tiên đến Đàng Trong bán một thứ vải in hình “hoa rau lang”, nên dân ta gọi những người đó là người Hoa Lang. Các nhà truyền giáo đầu thế kỷ 17 cùng đi trên tàu buôn Bồ Đáo Nha tới Đàng Trong, nên dân chúng cũng gọi luôn đạo họ truyền bá là ‘đạo Hoa Lang’ (Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Antôn & Đuốc Sáng, trang 30-31).

Ông An Chi giải nghĩa như sau : “Tục của nước Tân La (nước Đại Hàn ngày nay), chọn trong con em các gia đình cao sang  những người xinh đẹp mà tô son điểm phấn, gọi là hoa lang. Vậy Hoa Lang hẳn phải là những trang thanh niên trắng trẻo, hồng hào, và đặc điểm này có lẽ chính là cơ sở cho cách dùng hai tiếng đang xét theo phép ần dụ để chỉ người Bồ Đào Nha chăng, vì nói chung họ cũng là những người hồng hào, trắng trẻo” (Đỗ Quang Chính, Hòa Mình Vào Xã Hội Việt Nam, trang 24).

Ngày xưa và cả ngày nay, người ta hiểu lầm theo đạo Công giáo là theo Tây, là bỏ ông bà tổ tiên, là bán nước… Quan Tổng đốc Hà Nội nói với cha Luca Vũ Bá Loan:

–  “Tại sao theo đạo ngoại quốc ?

Cha đáp :

– “Tôi chẳng theo đạo chúa của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa trời đất, Chúa của muôn loài” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Q.II, trang 183).

Đọc biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa qua 4 tác giả Tin Mừng, chúng ta sẽ hiểu phép rửa Chúa Giê-su lãnh nhận và bí tích rửa tội chúng ta được lãnh, không phải theo đạo ngoại quốc, mà theo đạo của Thiên Chúa, đạo của Chúa Giê-su.

Tin Mừng Mát-thêu (3,13-17) : Khi thánh Gio-an chối từ làm phép rửa cho Chúa Giê-su, thì Chúa Giê-su đáp lại : “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15).

Kinh Thánh sách Tân Ước 1994 của PVCGK cắt nghĩa : “Đây là lời nói đầu tiên của Chúa Giê-su trong cuộc đời công khai. Lời này  đưa ra  nguyên tắc chung cho cả cuộc đời của Chúa. Sự công chính của con người là ở chỗ đó. Ở đây Chúa Giê-su muốn chịu phép rửa của Gio-an để nhìn nhận công việc này là do Thiên Chúa, như là sự chuẩn bị cuối cùng vào thời đại Mê-si-a. Có thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha trong việc này, thì Chúa Giê-su mới lập nên được nền công chính mới, để kiện toàn luật cũ” (trang 61).

Tin Mừng thánh Mác-cô (1,9-12) : “Trình thuật về Chúa Giê-su chịu phép rửa nhằm nổi bật một khía cạnh của Đức Giê-su : mối tương quan của  Người với Chúa Cha. Có nhiều cách giải thích biểu tượng “chim bồ câu” tùy theo đoạn Cựu Ước nào được sử dụng.

Theo Diễm Ca 2,14; 5,2, đó là biểu tượng tình yêu Thiên Chúa đến với trần gian.

Theo Sáng Thế 1,2, biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa là khởi đầu tạo thành mới. Thánh Thần xuống trên Đức Giê-su là để tấn phong và xác nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ Thiên Chúa đã hứa (Sđd, trang 193-194).

Tin Mừng thánh Lu-ca (3,21-22) : Có hai điểm đặc biệt của Lu-ca là :

@ “Toàn dân chịu phép rửa” (21a) : “toàn dân” đối với Lu-ca là “dân đích thật của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su đồng hóa với “toàn dân”, Người hợp nhất với họ, để Người có thể đem họ vào thời đại Thánh Thần (The Oxford Bible Commentry, trang 931, cột 1)

@ “đang khi Người cầu nguyện” (21b) : thánh Luca đặt những việc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giê-su vào lúc cầu nguyện. Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giê-su cầu nguyện. Cầu nguyện như một hành vi chấp nhận ý nghĩa của phép rửa, như một cử chỉ vâng lời tiếng Chúa Cha mời gọi” (The Oxford Bible Commentry, trang 931, cột 2).

Tin Mừng thánh Gio-an (1,26-28) : thánh Gio-an Tẩy Giả nói đến những người được các nhà lãnh đạo Do Thái sai đến không nhận ra Chúa Giê-su : “Có một vị đang đứng giữa các ông mà các ông không biết”.

Tuy bốn tác giả Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giê-su chịu phép rửa khác nhau, nhưng những điểm khác nhau đó càng cho biết rõ Chúa Giê-su là Thiên Chúa và phép rửa Chúa Giê-su chịu là của Chúa Cha.

Như thế, chúng ta chịu phép rửa tội để theo đạo là theo đạo Thiên Chúa, theo đạo Chúa Giê-su, chứ không theo đạo của nước nào, của Hoa Lang, hay của Bồ Đào Nha, của Pháp, của bất cứ ai.

Youcat, Giáo Lý Cho Người Trẻ, viết : “Rửa tội là nền móng cho tất cả đời sống Kitô hữu, vì bí tích đó là cửa dẫn vào Hội Thánh. Nhờ bí tích Rửa tội, ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được trở thành chi thể của Chúa Kitô, và được hiệp thông với Thiên Chúa (số 194).

Trong sách Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Quyển I, trang 89-90, cha Bùi Đức Sinh viết : “Năm 1613, phong trào bài ngoại nổi dậy ở Nhật Bản. Ngày 14-2-1614, Nhật hoàng Daifusana, tức tướng quân Tokugawa Ieyasu (Đức Xuyên Gia Khang) hạ chỉ dụ cấm đạo, trục xuất hết nhà truyền giáo ra khỏi nước. Nhưng 47 thừa sai đã lén lút ở lại : 5 linh mục Nhật, 7 linh mục Đaminh, 7 linh mục Phanxicô, 1 linh mục Âutinh, 27 linh mục dòng Tên.

Bị trục xuất, các giáo sĩ dòng Tên tập trung ở Macao, chờ ngày có thể trở lại. Không muốn mất thời giờ, bề trên tỉnh dòng đã sai hai cha Francesco Buzomi (Ý) Diego Cavalho (Bồ) và hai thầy trợ sĩ José và Paolo (Nhật) sang xứ Nam Việt Nam cũng gọi là Nam Hà hay Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn. Chuyến tầu chở 4 nhà truyền giáo tới Hải Phố ngày 18-1-1615 (gần Tết Nguyên đán), sau 12 ngày vượt đại dương.

Ban đầu còn ở thế yếu, Nguyễn Hoàng chưa ra mặt chống họ Trịnh ở xứ Bắc, nhưng bên trong đã tìm cách củng cố chính quyền và binh lực, luyện tập quân sĩ, phòng bị lương thảo, khí giới, để có thể đương đầu với họ Trịnh sau này. Ngày 21-5-1613 Nguyễn Hoàng mất, trao quyền cho con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên, tức Sãi vương (1613-1635). Chúa Nguyễn được nhiều tướng tài giỏi giúp, công cuộc binh đao xây đồn đắp lũy phòng thủ tiến mau lẹ. Chúa cũng tìm cách giao thương với người Bồ Đào Nha để mua súng ống đạn dược. Người Bồ còn giúp nhà Nguyễn lập xưởng đúc súng ở Phú Xuân, nơi gọi là Phường Đúc hay Thợ Đúc ngày nay.

Đó là thời điểm cha Francesco Buzomi người thành Napoli đến truyền giáo cho xứ Nam. Vì mải lo củng cố binh lực, Sãi vương không để ý đến vấn đề tôn giáo, nên các cha tự do truyền đạo, lại còn được kính nể…

Cha Calvaho và hai thầy trợ sĩ ở lại Hải Phố phụ trách Nhật kiều Công giáo, đã vì đức tin phải rời bỏ quê hương, đến ở đất khách quê người. Cha là nhà truyền giáo cho dân Nhật, thông thạo tiếng nói và phong tục Nhật Bản. Tuy bị trục xuất, nhưng cha vẫn mơ ước có ngày trở lại. Sau hơn 1 năm sống bên giáo dân Nhật, bề trên đã gọi cha về Macao để tìm đường lén lút vào đất Nhật. Ngày 24-2-1624 cha đã được phúc tử đạo.

Tới Hải Phố, công việc đầu tiên của cha Buzomi là cất tạm một nhà nguyện cho giáo dân Nhật và cho người Bồ trong thời gian đến buôn bán, đồng thời cũng là trụ sở đầu tiên làm căn cứ truyền giáo cho vùng chung quanh. Lễ Phục Sinh năm 1615 cha sung sướng được dâng thánh lễ đầu tiên tại quê hương thứ hai của cha trong nhà nguyện mới, và đón nhận 10 tân tòng. Trong số những ‘bông lúa đầu mùa’ này có cậu Âutinh. Cậu đã ở giúp việc các cha, là người đầu tiên trong tổ chức Thầy Giảng ở xứ Nam”.

Trên mạng, cha Antôn Nguyễn Trường Thăng viết :

         “Sách Lịch sử công giáo Nhật Bản có ghi :Mối quan hệ giao thương nở rộ với Cochin China là nguồn gốc định cư của người Nhật Bản ở Touron (bây giờ là Đà Nẵng) và Faifo (Hội An). Các tu sĩ dòng Tên đầu tiên được gởi từ Macao đến những hải cảng này là Diego Carvalho bị trục xuất khỏi Nhật bản vào năm 1614 và Francesco Buzomi. Cả hai đến vào tháng Giêng năm 1615, Cha Carvalho săn sóc giáo hữu Nhật Bản ở Faiko( sic), ( Faifo, Hội An). Tuy nhiên, một năm sau Ngài trở về Macao, lại có thể xâm nhập vào Nhật Bản và đã chết tử đạo ở Sendai vào năm 1624, Cha Buzomi định cư ở Touron (Đà Nẵng) nơi Ngài đã xây dựng một Thánh đường, vài tháng sau thánh đường bị người bản xứ thiêu hủy, Buzomi ẩn nấp trong nhà của một giáo dân Công giáo người Nhật ở Faiko( Hội An ).

Như vậy, nhả thờ đầu tiên là ở Đà Nẵng, và 10 người Việt đầu tiên được rửa tội ở Đà Nẵng, chứ không phải ở Hội An.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa, nơi bàn tiệc thánh, Chúa đã cho gia đình chúng con được no lòng thoả dạ. Xin cũng giúp gia đình chúng con luôn trung thành nghe theo lời Con Một Chúa dạy bảo, để không những gia đình chúng con chỉ mang danh là con cái Chúa mà còn thực sự sống với Chúa cho phải đạo làm con. Gia đình chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành