Lễ Chúa Hiển Dung
Lễ Hiển Dung
(Đn 7,9-10.13-14; 2Pr 1,16-19; Mt 17,1-9)
————————
6-8-2017
Chúng ta đang sống năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha (1917-2017). Ngày 13-5-2017, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tới Fatima để phong thánh cho hai anh em ruột Phanxicô và Giaxinta. Hai anh em là con bà cô của chị Luxia.
Phanxicô sinh ngày 11 tháng 6 năm 1908 là con của ông bà Manuel (Ma-nu-en) và Olimpia de Jesus Marto (Ô-lim-pi-a đệ Giêsu Mác-tô). Khi Đức Mẹ hiện ra năm 1917 ở Fatima, Phanxicô mới 9 tuổi, Giaxinta 7 tuổi, và Luxia 10 tuổi.
Trong lần hiện ra đầu tiên, chị Luxia hỏi Đức Mẹ :
– Phanxicô có được lên thiên đàng không ?
Đức Mẹ đáp:
– Được, nhưng em phải đọc Kinh Mân Côi nhiều.
Biết mình sẽ được gọi về thiên đàng, Phanxicô ít quan tâm đến việc học. Khi đến gần trường, cậu nói với Luxia và Giaxinta: “Chị và em cứ tiếp tục đi, em vào nhà thờ để thăm Chúa Giêsu Thánh Thể, và cầu nguyện xin Chúa thương những người tội lỗi.”
Tháng 10 năm 1918, Phanxicô ngã bệnh nặng. Nhiều người trong gia đình bảo cậu sẽ nhanh chóng khỏi bệnh, nhưng cậu trả lời : “Đức Mẹ muốn con ở với Mẹ trên trời!”
Trong cơn bệnh hoạn, cậu tiếp tục hiến dâng những kinh nguyện để an ủi Chúa Giêsu đang bị xúc phạm bởi quá nhiều tội lỗi.
Một ngày kia cậu nói với chị Luxia: “Chỉ một ít lâu nữa thôi, em sẽ được lên Trời. Trên đó, em sẽ an ủi Chúa và Đức Mẹ. Giaxinta sẽ cầu nguyện rất nhiều cho những người tội lỗi, cho Đức Giáo hoàng và cho chị. Chị sẽ ở lại đây vì Đức Mẹ muốn điều đó. Hãy làm tất cả mọi thứ như Đức Mẹ nói với chị”.
Khi cơn bệnh trầm trọng và sức khoẻ cạn kiệt dần, Phanxicô không còn đủ sức để đọc Kinh Mân Côi. Một ngày, cậu gọi to: “Mẹ ơi, con không còn có thể đọc được kinh Mân Côi. Đầu con như đang nằm giữa đám mây”.
Ngay cả khi sức mạnh thể lý của mình đã suy sụp, tâm trí cậu vẫn hướng về cõi trường sinh. Cậu đã gọi cha mình, xin cho được rước Mình Thánh Chúa (vào thời đó cậu chưa được Rước Lễ Lần Đầu). Tự chuẩn bị để xưng tội, cậu gọi chị Luxia và em Giaxinta đến bên giường và xin hai người nhắc lại cho cậu những tội lỗi mà cậu đã phạm. Nghe thấy một số tội nhẹ mà cậu đã phạm, Phanxicô rơi nước mắt, nói: “Em đã xưng thú những tội này, nhưng em sẽ xưng những tội này lần nữa. Có lẽ vì những tội đó mà Chúa Giêsu rất buồn, xin cả hai cầu Chúa tha thứ tất cả tội lỗi cho em.”
Cậu được Rước Lễ Lần Đầu (và cũng là lần cuối cùng) trong căn phòng nhỏ bé mà cậu đang nằm chờ chết. Không còn đủ sức mạnh để cầu nguyện, cậu xin chị Luxia và em Giaxinta đọc Kinh Mân Côi thật lớn để cậu hiệp ý. Hai ngày sau, gần cuối cuộc đời, cậu kêu lên: “Nhìn kìa, nhìn kìa, ánh sáng thật đẹp, ở gần bên cửa.” Đến 10 giờ tối, ngày 4 tháng Tư năm 1919, sau khi xin tất cả tha các tội lỗi của mình, cậu đã ra đi một cách thanh thản, không có dấu hiệu đau khổ, hay đau đớn nào. Mặt cậu sáng lên như thiên thần. Miêu tả cái chết của người em họ trong nhật ký của mình, chị Luxia viết: “Phanxicô đã bay về Thiên Đàng trong vòng tay của Mẹ Trên Trời.”
BTM : Được Đức Mẹ cho biết : muốn lên thiên đàng phải lần chuỗi nhiều, từ đó Phanxicô đã siêng năng lần chuỗi. Khi đau yếu, không thể lần chuỗi, thì Phanxicô xin Luxia, Giaxinta lần chuỗi giùm.
Cuộc hiển dung trong Bài Tin Mừng trong thánh lễ muốn dạy chúng ta bài học “Vinh quang của thập giá”. Theo kiểu nói của Victor Hugo, nhà văn Pháp : “Đầu đường thập giá cuối đường vinh quang”. Hay theo kiểu nói của người Việt Nam “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Chúa, thì các môn đệ ngỡ ngàng, kinh hoàng. Thánh Phêrô kéo Chúa riêng ra và nói : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (Mt 17,22). Cuộc hiển dung trên núi Tabo là hình ảnh vinh quang của thập giá. Cuộc hiển dung là thành quả của “sau sáu ngày” (Mt 17,1) thập giá lao nhọc. Có thập giá, có đau khổ mới có ngày Chúa Cha hài lòng, Chúa Cha long trọng tuyên bố : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 17,5).
Bđ1 : Bài đọc 1 đọc sách Đa-ni-en. Theo Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, sách Đanien được viết vào thời Ma-ca-bê (Kinh Thánh 2011, trang 1898). Thời Macabê là thời gia đình Mát-tít-gia dám đứng lên chống lại vua An-ti-ô-khô, Hy lạp, bách hại đạo Do Thái và xúc phạm Đền Thờ vào năm 168 tCN. Tác giả sách Đanien “hướng độc giả về thời cùng tận, về vương quốc của Thiên Chúa, về cuộc chiến thắng cuối cùng của Người… Củng cố đức tin, lòng can đảm và sức chịu đựng kiên trì của những kẻ tin giữa cơn bách hại… Cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trên thế gian là chuyện chắc chắn, và những ai trung thành phụng sự Thiên Chúa sẽ được chung phần chiến thắng của Người” (Sđd, trang 1901).
Trong cuộc hiển dung, biến hình “Dung nhan Người (Chúa Giêsu) chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2) là “những mầu sắc vinh hiển của các người công chính ở trong nước Chúa, theo sách Đanien 12,3” (Đức cha Nguyễn Sơn Lâm, Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm A, trang 403).
Như thế, cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là cuộc chiến thắng trước bách hại đau khổ.
Bđ2 : Bài đọc 2 là đoạn thư của thánh Phêrô, người môn đệ được Chúa cho chứng kiến cuộc hiển dung. Thánh Phêrô viết cho các tín hữu Rôma, khích lệ họ can đảm trong cuộc bách hại của các hoàng đế Rôma suốt hàng 300 năm : “Chúng tôi đã thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa ban vinh quang và danh dự” (1Pr 1,16-17).
Tóm lại, cuộc hiển dung, biến hình của Chúa Giêsu là cuộc chiến thắng của Chúa trước thập giá đau khổ.
Với thập giá của Chúa, gương chăm chỉ lần chuỗi của em Phanxicô, chúng ta mạnh dạn tiến bước trên đường đức tin.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành