Lễ Chúa Hiển Linh
LỄ CHÚA HIỂN LINH
5-1-2010
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Tam Kỳ
GIÁO HUẤN SỐ 6
Lời Thiên Chúa nói gì về người trẻ (tt)
Chúa Giêsu, Đấng luôn mãi trẻ trung, muốn trao cho chúng ta quả tim trẻ trung mãi mãi. Lời Chúa yêu cầu chúng ta “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1Cr 5,7). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta cởi bỏ “con người cũ” và mặc lấy con người “tươi trẻ” (Cl 3,9.10). Khi giải thích ý nghĩa của việc mặc lấy sự tươi trẻ, “được đổi mới” ấy (c.10)., ngài đề cập đến “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau nếu người này oán trách người kia” (Cl 3,12-13), Tóm lại, tuổi trẻ đích thực có nghĩa rằng có một trái tim biết yêu thương, trong khi bất cứ sự gì chia rẽ chúng ta thì đều làm cho linh hồn trở nên cằn cỗi. Vì thế, Thánh Phaolô kết luận: “Trên hết mọi sự, anh em phải có đức ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14) (Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống số 13).
——————
LỄ CHÚA HIỂN LINH
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Trong cái chết của thầy giảng Anrê có kể rằng : trước khi bắt thầy Anrê, ông tổng trấn Quảng Nam đã bắt một ông già cũng có tên là Anrê. Khi xét xử thì ông chỉ lên án thầy Anrê, còn ông già Anrê thì ông tha. Ông tổng trấn nói với cha Đắc Lộ : “Đối với ông lão, ông tha chết, vì thương hại các con cái của ông lão” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, Tập I, trang 89).
Ông già Anrê là ông Anrê Sơn. Ông được rửa tội năm 1584. Ông là ông trùm của xóm đạo Thanh Chiêm, Phước Kiều ngày nay. Ông là nhà nho uyên bác. Ông có hai người con tên là Emmanuel và Louis. Louis là linh mục Louis Đoan, người Việt thứ ba, chịu chức năm 1676. Ba cha con ông già Anrê Sơn đã dịch sách Kinh Thánh phần Ngũ Thư thành 4000 câu thơ bằng tiếng Việt (Đinh Trọng Uyên, Đinh Bá Truyền, Dinh Trấn Thanh Chiêm, 2010, trang 96-97).
Năm 1627 cha Đắc Lộ được sai ra Đàng Ngoài (Miền Bắc) giảng đạo. Ba năm sau năm 1630 cha bị đuổi ra khỏi Đàng Ngoài. Trong số những người theo đạo có công chúa Catarina, chị của Trịnh Tráng. Bà đã làm thơ bằng tiếng Việt kể lại từ việc Thiên Chúa sáng thế đến Chúa Giêsu xuống thế (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 132-133).
Qua hai câu chuyện Kinh thánh của gia đình ông già Anrê họ Thanh Chiêm và cô Catarina Hà Nội, các tín hữu Công giáo Việt Nam lúc khởi đầu đã ý thức tầm quan Lời Chúa trong đời sống đức tin.
Lễ Chúa Hiển Linh hôm nay cũng cho thấy Kinh Thánh Lời Chúa là yếu tố quan trọng để tìm kiếm Chúa.
BTM : Ngôi sao dẫn các nhà chiêm tinh đến thủ đô Giê-ru-sa-lem rồi biến đi. Các ông phải vào hỏi vua Hê-rô-đê. Vua Hê-rô-đê hỏi các thương tế và kinh sư. Họ trả lời : “Tại Be-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Be-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,5).
Sau khi được lời Kinh Thánh xác thực, ngôi sao lại xuất hiện dẫn các nhà chiêm tinh tới Be-lem. Như thế, nhờ Kinh Thánh các nhà chiêm tinh đã tìm thấy Chúa, và đã được gặp Chúa.
Trong các nhà thờ ngày nay : một bên là bàn thờ Kinh Thánh, một bên là bàn thờ Thánh Thể.
Công đồng Va-ti-ca-nô II viết : “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (Hiến chế Mạc Khải, số 21).
Để biết Chúa, Kinh Thánh là yếu tố quan trọng. Thánh Giê-rô-ni-mô nói : “Nếu không đọc Kinh Thánh thì không biết Chúa, cũng giống như không biết những chữ cái ABC thì không biết đọc chữ”.
Bài đọc 1 : Cha Hồ Thông cắt nghĩa bđ1 như sau : “Trước đây cuôc hồi hương trở về đã đem lại cho những người lưu đày một niềm phấn khởi vô bờ; nhưng khi đụng chạm đến thực tế, họ mới vỡ mộng. Thành thánh Giê-ru-sa-lem bần cùng, dân cư thì thưa thớt, chẳng khác gì một làng quê. Cảnh Đền Thờ hoang phế trơ gan cùng tuế nguyệt ngót bốn mươi năm trường. Đất đai bị những người ngoại kiều, nhất là dân Sa-ma-ri chiếm đoạt. Cuối cùng những nỗ lực tái thiết Đền Thánh phải dừng lại dang dở.
Chính vào lúc ấy, một sứ điệp vang lên để an ủi những ai mất can đảm : ‘Vùng lên ! Bừng sáng llên ! Giê-ru-sa-lem hỡi’. Làm sao mà thất vọng được khi Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho họ trở về quê đất tổ : ‘Vì ánh sáng của ngươi đến rồi, vinh quang Chúa trên ngươi chiếu tỏa’. Những kẻ áp bức bị trừng phạt : ‘Kía bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân’. Cuộc hồi hương này được ví như buổi bình minh. Thiên Chúa được sánh ví như vầng kim ô chói lọi : ‘Còn trên ngươi Chúa lại chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi’. Những biến cố sau đó còn rực rỡ hơn nữa” (Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 122-123).
Dân Ít-ra-en thất vọng, buông xuôi, nhờ ngôn sứ I-sai-a đem Lời Chúa đến an ủi, khích lệ, họ đã vững tâm, tiếp tục tái thiết quê hương, và xây lại Đền thờ.
Bài đọc 2 : Lời nguyện đầu lễ Hiển Linh hôm nay là “Lạy Chúa , hôm nay Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin dẫn lối đưa đường”.
Lễ hôm nay ngày xưa gọi là lễ ‘Ba Vua’; ngày nay gọi là ‘Hiển Linh’. Lễ Hiển Linh là ‘lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại nơi bản thân các đạo sĩ’ (J.Gélineau, Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, Tập I, trang 267).
Bài đọc 2 hôm nay đọc thư thánh Phao-lô gửi cho công đoàn Ê-phê-sô. Cha Hồ Thông cũng giải nghĩa bài đọc 2 như sau : “Thánh Phao-lô viết bức thư này có lẽ ở trong cảnh xiềng xích ở Rô-ma vào những năm 61-63. Bức thư được gửi đến cho các tín hữu Ê-phê-sô, và qua cộng đoàn Ê-phê-sô được chuyển cho các cộng đoàn khác nữa ở miền Tiểu Á…
Những cộng đoàn ở miền Tiểu Á đa số là những Ki-tô hữu gốc lương dân. Thánh Phao-lô nhắc nhớ họ ơn gọi tông đồ của ngài. Nhiệm vụ của ngài là loan báo cho họ rằng không còn một dân tộc hưởng đặc quyền đặc lợi nữa, vì muôn dân được chấp nhận đồng hưởng cùng một ơn cứu độ như con cái Ít-ra-en” (Sđd trang 125).
Chúng ta đang sống trong Năm Thánh nhớ ơn Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu cách nay 135 năm để bảo vệ, che chở con cái. Trong kinh “Đức Mẹ Trà Kiệu” có câu chúng ta khẩn thiết kêu xin :
“Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu,
Mẹ đầy ơn phước và quyền năng…
Chúng con xin Mẹ thương đến những người chưa biết Chúa
để họ nhận ra Chúa là Chúa tể càn khôn
hầu chúng con cùng Mẹ hát bài ca
chúc tụng Chúa Ba Ngôi trên Thiên Quốc.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành