Lễ Chúa Ki-Tô Vua Vũ Trụ


LỄ VUA GIÊSU.A

(Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46) 

Vào thế kỷ XI trước Chúa giáng sinh, thấy các nước láng giềng có vua lãnh đạo, người Ít-ra-en đến xin ông Sa-mu-en đặt cho họ một ông vua. Chiều lòng họ, ông Sa-mu-en chọn ông Sa-un làm vua, nhưng ông cảnh cáo : “Lúa thóc và vườn nho của anh em, ông vua sẽ đánh thuế thập phân…Các tôi tớ nam nữ ông sẽ bắt mà dùng vào việc của ông… Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông… Ngày ấy anh em sẽ kêu than vị vua của anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày ấy Đức Chúa sẽ không đáp lời anh em” (1Sm 8,16-18).

Chính Chúa Giêsu cũng nhận xét về các vua thế gian như sau : “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xung là ân nhân”.

Ngày 20-10-2011, đúng một tháng trước, ông Gaddafi, tổng thống nước Libia, bị lật đổ và bị thảm sát chết. 40 năm trên ngai vàng. Ông là con người, đúng như  ông Sa-mu-en và Chúa Giêsu nhận định. Ông vơ vét tài nguyên đất nước làm giầu cho ông và gia đình. Một tài sản kếch sù 200 tỉ đôla. Dân chúng nghèo khổ, một căn nhà trú thân không có. Trong khi chiếc ghế của con gái ông được làm bằng vàng. Lâu đài ông xây ở khắp nơi, trong nước ngoài nước, nguy nga tráng lệ…

Khi Đức giáo hoàng Piô XI thiết lập lễ Vua Giêsu vào năm 1925, nước Italia và thế giới cũng đang phải sống với những ông vua độc ác. Ở Italia là nhà độc tài Mussolini, ở Đức là nhà độc tài Hitler… Hai ông đã gây ra thế chiến thứ hai từ năm 1939-1945, với hơn 40 triệu người chết.

Lập lễ Chúa Giêsu Vua, Đức giáo hoàng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới noi gương Vua Giêsu: hãy lo cho dân, lo cho nước.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay phác họa chân dung của Vua Giêsu.

Bđ1 : Tinh thần lo cho dân, lo cho nước của Vua Giêsu, chính là tinh thần của Thiên Chúa, Cha của Người. Tinh thần của Thiên Chúa được phát biểu qua môi miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong bđ1 : “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào bị lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-16).

Bđ2 : Còn chính Vua Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, xuống thế làm vua để cứu dân. Nguồn gốc đau khổ của dân là tội lỗi, là sự chết. Vua Giêsu đã bằng lòng chịu chết, để xóa bỏ tội lỗi và hủy diệt sự chết cho nhân loại. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Côrintô trong bđ2 : “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1Cr  15,25-26).

BTM : Vua Giêsu chẳng những thương dân, mà còn muốn mọi công dân trong Nước của Người cũng có lòng thương như Người. Người phán : “Xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi han…Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,35-36.40).

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những công dân gương mẫu của Vua Giêsu. Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm và con trai là Luca Phạm Trọng Thìn, cả hai cha con thay nhau làm đầu trong đạo và ngoài đời.

Nhà của hai cha con là nơi trú ẩn của các cha. Được mật báo các cha đang trú ẩn trong nhà, quan tỉnh Nam Định cho lính đên bao vây làng Quần Cống, quê hương của hai ngài. Các cha đã trốn đi nơi khác, nhưng không kịp đem theo đồ lễ và ảnh tượng. Hai ngài bị bắt, và bị điệu về Nam Định. Hai ngài bị cột giây vào cổ và kéo cho đến chết. Hôm đó là ngày 13-1-1859. Trước khi chết thánh Đaminh Khảm nói với dân làng : “Hôm nay cha con chúng tôi được lên Nước Thiên Đàng”.

Hai ngài để lại cho dân làng bao nỗi mến thương. Mến thương vì đức tin trung kiên, mến thương vì lòng thương dân thương làng của hai ngài. Người ta nói : “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì thánh Khảm mới ăn”. Người ta còn kể rằng : “Đầy tớ của thánh Khảm rất đông, chưa Tết ngài đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng tuổi rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà họ biếu ngài. Thóc lúa  cho vay, ngài cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng được ngài châm chước. Khi bà nhà cằn nhằn, ngài an ủi : Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình” Có lần ngài tổ chức cuộc thi thả diều. Thắng thua đều được ngài đãi tiệc.

Dân làng nhớ ơn an táng hai ngài rất long trọng (26-11-2017) .

Những câu chuyện đọc thêm

Ngày 20-11-1837 là ngày tử đạo của thầy Phanxicô Nguyễn Cần. Thầy là người xứ đạo Sơn Miêng, Hà Nội. Khi lớn lên thầy thích đi tu, nhưng mẹ thầy không đồng ý. Thầy nói với mẹ : “Mẹ ơi, nếu mẹ không cho con đi tu với cha xứ mình, thì con sẽ trốn đi xa ở với cha xứ khác. Lúc ấy mẹ đừng trách con”.

Học xong, Đức cha Retord Liêu chọn thầy làm thư ký. Ngày 19-4-1836, Đức cha sai thầy đến xứ Kẻ Vạc chuẩn bị cho tuần tĩnh tâm Mùa Chay thì thầy bị bắt.

Quan đánh đòn, dùng mọi hình khổ bắt thầy đạp Thánh Giá bỏ đạo, thầy một mực từ chối. Quan dụ dỗ thầy : “Anh là người khôn ngoan lý sự, tôi rất thương và quí mến. Sao anh không chịu bước qua thập giá. Nếu không bước qua, thì viết giấy nhận bước qua cũng được”.

Thầy Cần đáp : “Vua Minh Mạng là người trần cũng phải chết, mà các ông không dám đạp lên ảnh vua, không dám nói một lời thất lễ. Vậy tại sao quan bắt tôi chối bỏ và đạp lên Thánh Giá Chúa tôi. Ngài là Chúa dựng nên trời đất, là Vua các vua. Chính Ngài ban cho chúng ta hằng ngày muôn vàn ơn lành. Tôi nhất quyết không bao giờ đạp lên Thánh Giá của Vua tôi”.

 Bị đánh đập tù đày hơn 8 tháng trời, ngày 20-11-1837 thầy bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy, Hà Nội chịu xử giảo. Khi những người lính cột giây vào cổ, thầy cám ơn và giơ tay chào vĩnh biệt mọi người. Hai người lính đứng hai đầu giây kéo cho đến khi thầy tắt thở. Thầy mới được 34 tuổi.

     -Ai đến Vũng Tầu, nhất là người Công giáo, đều đến chiêm ngắm tượng Vua Giêsu đứng trên núi Tao Phùng. Tượng cao 32m. Phía trong bên vai tượng đủ chỗ cho 5,6 người đứng nhìn ra biển. Tượng được làm từ năm 1972. Đến năm 1975  đình lại. Năm 1992 được tiếp tục. Tháng 2-1994 thì hoàn thành.

Tượng Vua Giêsu ở Vũng Tầu cao 32m, nhưng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở Brasil cao 38m. Ngày 7-7-2007, UB Văn Hóa Liên Hiệp Quốc tuyên bố 7 kỳ quan mới của thế giới. Tượng Vua Giêsu  ở nước Brasil là 1 trong 7 kỳ quan mới này. Tượng do nhà điêu khắc Silva Costa phác thảo. Nhà điêu khắc Paul Landowski người Pháp thực hiện trong vòng 5 năm. Tượng được khánh thành ngày 12-10-1931.

Tượng Vua Giêsu ở Brasil cũng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở nước Balan. Tượng ở Balan cao 51m, nặng 30 tấn, tốn phí 1,45 triệu đôla, do linh mục Sylwester Zawadzki chủ xướng. Tượng bắt đầu khởi công từ năm 2008, và hoàn thành ngày 7-7-2010. Ngày 21-11-2010 là ngày khánh thành, ngày làm phép tượng. Ngày khánh thành tượng Vua Giêsu ở Balan cũng là ngày lễ Giêsu Vua.

Biết bao người làm vua chỉ làm hại dân hại nước. Khi còn sống có đúc tượng xây lăng, chết đi người ta cũng giật đổ, phá tan. Còn Vua Giêsu trái lại, ai cũng nhớ thương, trọng kính. Người ta đúc tượng, xây đền để tôn thờ, để cầu nguyện.

     -Ông Arnold Toynbee (Ác-nôn Tôn-bi) là sử gia nổi tiếng của nước Anh. Ông đã viết một bộ sách lịch sử rất là đồ sộ, cho đến nay chưa có ai viết được như ông. Bộ sách có tên là “LỊCH SỬ THẾ GIỚI”. Kết thúc bộ sách qúi hiếm này, nhà sử học người Anh đã viết những dòng chữ đầy ngạc nhiên sau đây : “Khi chúng tôi bắt đầu công việc này, chúng tôi thấy mình như đang ngắm dòng người đông đảo diễn hành. Nhưng khi đòan diễn hành bước tới, thì tất cả bọn họ đều lần lượt ngã xuống từng người một bên vệ đường. Và bây giờ chỉ còn một bộ hành vẫn tồn tại và càng ngày càng lớn lên theo từng bước chân đi. Người bộ hành độc đáo ấy không ai khác là Chúa Giêsu Kitô”.

Tại sao vua chúa khác đã qua đi , còn Vua Giêsu thì vẫn tồn tại ?

     -Trong mục “Cánh Cửa Rộng Mở” của báo Catholic Digest có một câu chuyện rất cảm động về một chủng sinh. Anh lớn lên trong một gia đình Công giáo. Anh là một tín hữu rất mộ đạo và thường tham gia vào các công việc ở nhà thờ. Anh vào chủng viện để học làm linh mục.

Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, người chủng sinh đó đã bỏ chủng viện và gia nhập các cuộc biểu tình phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam. Không những thế, anh còn bỏ cả Giáo hội. Anh còn tìm cách chống lại đức tin và lý tưởng mà một thời anh đã ôm ấp. Càng ngày anh càng coi tôn giáo như là một kẻ thù. Gia đình anh rất buồn và họ đều mất hy vọng cứu vãn được anh.

Vào một ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 1970, người thanh niên đó lái xe đi ngang qua một nhà thờ Công giáo. Anh nhận ra tên của linh mục mà anh kính trọng ghi trên tấm bảng trước cửa nhà thờ. Một cái gì đó đã thúc đẩy anh dừng xe lại và vào trong nhà thờ. Khi anh vừa bước vô thì nghi lễ suy tôn Thánh Giá cũng vừa bắt đầu. Anh ngồi xuống ở hàng ghế cuối hết và nhìn những người lên thờ lạy và hôn Thánh Giá. Trong khi ca đoàn hát câu : “Trong khi người ta đóng đinh Chúa tôi, bạn có ở đó không ?”, thì một sự đáng ghi nhớ đã xảy ra. Người chủng sinh bỏ đạo đã viết lại như sau : “Trong tâm hồn, tôi cảm thấy rất xúc động và tôi bắt đầu khóc. Cố gắng kìm hãm lại cảm xúc, tôi nhớ lại những năm trước đây khi còn là một chủng sinh sống trong sự bình an. Đức tin đơn sơ của những ngày tháng xa xưa đã bị phủ lấp và chìm sâu kín trong tâm hồn tôi bao năm qua, nay vụt bừng dậy. Một sức lực nội tại giục giã bắt tôi phải đứng lên, rời khỏi ghế đang ngồi và đến quì lạy trước Thánh Giá và hôn. Vị linh mục trong nhà thờ đã nhận ra tôi và đã đên ôm lấy tôi. Trong ngày đó, tôi lại được tái sinh trong đức tin Công giáo”.

Người chủng sinh đã nhìn thấy Thánh Giá, và Thánh Giá đã làm cho anh nhận ra Đức Giêsu là Chúa, là vua. Thật kỳ lạ ! Chẳng ai ở đời chấp nhận Thánh Giá, chấp nhận đau khổ, chấp nhận hèn hạ. Quyền cao chức trọng, xe hơi nhà lầu, tiền hô hậu ủng, thê mới là bậc quân vương hiển hách, mới là người quyền cao chức trọng.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành