Lễ Chúa Ki-Tô Vua Vũ Trụ


LỄ VUA GIÊSU.C

(2Sm 5,1-3; Cl 1,12-30; Lc 23,35-43)

Ai đến Vũng Tầu, nhất là người Công giáo, đều đến chiêm ngắm tượng Vua Giêsu đứng trên núi Tao Phùng. Tượng cao 32m. Phía trong bên vai tượng đủ chỗ cho 5,6 người đứng nhìn ra biển. Tượng được làm từ năm 1972. Đến năm 1975 đình lại. Năm 1992 được tiếp tục. Tháng 2-1994 thì hoàn thành.

Phần kỹ thuật bê tông do kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách; phần mỹ thuật do điêu khắc gia Văn Nhân cùng với 50 thợ lành nghề thi công. Điêu khắc gia Văn Nhân (hiện đang định cư ở nước ngoài) đã hoàn thành các bức phù điêu dang dở ở chân tượng. Vì tuổi cao, không đủ sức leo 800 bậc đá, nên ông ngồi dưới chân núi, chỉ đạo các học trò làm việc từng ngày, cho đến khi hoàn tất.

Tượng Vua Giêsu  ở Vũng Tầu cao 32m, nhưng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở Brasil cao 38m. Ngày 7-7-2007, UB Văn Hóa Liên Hiệp Quốc tuyên bố 7 kỳ quan mới của thế giới. Tượng Vua Giêsu  ở nước Brasil là 1 trong 7 kỳ quan mới này. Tượng do nhà điêu khắc Silva Costa phác thảo. Nhà điêu khắc Paul Landowski người Pháp thực hiện trong vòng 5 năm. Tượng được khánh thành ngày 12-10-1931.

Tượng Vua Giêsu  ở Brasil cũng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở nước Balan. Tượng ở Balan cao 51m, nặng 30 tấn, tốn phí 1,45 triệu đôla, do linh mục Sylwester Zawadzki chủ xướng. Tượng bắt đầu khởi công từ năm 2008, và hoàn thành ngày 7-7-2010. Ngày 21-11-2010 hôm nay là ngày khánh thành, ngày làm phép tượng. Ngày khánh thành tượng Vua Giêsu ở Balan hôm nay cũng là ngày lễ Giêsu Vua.

Biết bao người làm vua chỉ làm hại dân hại nước. Khi còn sống có đúc tượng xây lăng, chết đi người ta cũng giật đổ, phá tan. Còn Vua Giêsu trái lại, ai cũng nhớ thương, trọng kính. Người ta đúc tượng, xây đền để tôn thờ.

Đọc Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay để biết con người và sự nghiệp của Vua Giêsu.

Bđ1 : Vua Đavít trong bđ1 là hình ảnh của Vua Giêsu. Đavít là vua của hai chi tộc miền Nam, nhưng 10 chi tộc miền Bắc đã đến để xin làm vua họ. Các vua khác ham hố quyền hành, dùng bạo lực đàn áp, bắt ép người khác nhận mình là vua; còn vua Đavít người ta phải đến xin tôn lên làm vua. Họ nài xin :”Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en” (2Sm 5,1-2).

BTM : Đã không ham quyền cố vị, Vua Giêsu trong BTM còn hiền lành và khiêm nhường. Các thủ lãnh cười nhạo, lính tráng chế diễu, tên cướp nhục mạ, Vua Giêsu vẫn làm thinh, không hề mở miệng nói một lời, lại còn tha thứ và hứa thiên đàng cho tên trộm : “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Bđ2 : Đoạn thư Cô-lô-sê trong bđ2, thánh Phaolô đã tóm tắt con người và sự nghiệp của Vua Giêsu. Đó là “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,15.20).

Vua Giêsu đã từng dạy các tông đồ : “Thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,25-27).

Vua Giêsu chẳng những đã dạy, mà còn sống những lời đó.

Thánh Mi-ca-e Nguyễn Huy Mỹ người giáo xứ Kẻ Vĩnh, Nam Định. Dân làng bầu ngài làm lý trưởng. Đức cha phải khuyên ngài mới nhận. Nhân chức lý trưởng, ngài tận tình phục vụ dân chúng. Ngài liêm khiết, ngay thẳng, không bao giờ tham nhũng, lấy của dân, nhiều khi còn lấy của nhà bù đắp cho dân.

Thánh Mi-ca-e Nguyễn Huy Mỹ bị bắt, vì đã cho các linh mục ẩn nấp trong nhà. Sau những tháng năm giam cầm và bị tra khảo, thánh nhân bị chém đầu ngày 12-8-1838, mới được 38 tuổi.

Thánh Mỹ đã noi gương Vua Giêsu sống chết cho dân, vì dân (21-11-2010)

_______________________

VUA GIÊSU.C

Ông Arnold Toynbee (Ác-nôn Tôn-bi) là sử gia nổi tiếng của nước Anh. Ông đã viết một bộ sách lịch sử rất là đồ sộ, cho đến nay chưa có ai viết được như ông. Bộ sách có tên là “LỊCH SỬ THẾ GIỚI”. Kết thúc bộ sách qúi hiếm này, nhà sử học người Anh đã viết những dòng chữ đầy ngạc nhiên sau đây : “Khi chúng tôi bắt đầu công việc này, chúng tôi thấy mình như đang ngắm dòng người đông đảo diễn hành. Nhưng khi đòan diễn hành bước tới, thì tất cả bọn họ đều lần lượt ngã xuống từng người một bên vệ đường. Và bây giờ chỉ còn một bộ hành vẫn tồn tại và càng ngày càng lớn lên theo từng bước chân đi. Người bộ hành độc đáo ấy không ai khác là Chúa Giêsu Kitô”.

Tại sao vua chúa khác đã qua đi, còn Vua Giêsu thì vẫn tồn tại ?

Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay đã cho biết : các nhà lãnh đạo Do Thái và quan Philatô cứ nghĩ sẽ giết được Chúa Giêsu. Họ cứ nghĩ thập giá là cách kết liễu cuộc đời của Chúa Giêsu. Nhưng đâu có ngờ rằng họ mới chết, còn Chúa Giêsu vẫn sống.

Các nhà lãnh đạo Do Thái kết án Chúa Giêsu là phạm thượng, vì Chúa đã xưng mình là Thiên Chúa; nhưng không được phép kết án tử cho Chúa. Các ông mới mượn tay quan Philatô, để kết án Chúa chết. Nhưng kết án về tội gì đây ? Tội phạm thượng chăng ? Philatô không thể xét xử về những tội tôn giáo. Ông chỉ xét xử những tội chính trị. Vậy chẳng có tội chính trị nào đáng chết cho bằng tội chống phá nhà nước. Thế là các nhà lãnh đạo Do Thái vu oan cáo vạ cho Chúa Giêsu là đã xưng mình làm vua, chống lại nhà cầm quyền Rôma. Trong sách TM của thánh Luca kể : “Ông Philatô nói với các thượng tế và đám đông : ‘Ta xét thấy người này không có tội gì’. Nhưng họ cứ khăng khăng nói : ‘Hắn đã xúi dân nổi lọan’.” Vậy tòa án đạo thì kết án Chúa là phạm thượng. Còn tòa án đời thì kết án Chúa xưng mình là vua, chống lại nhà nước.

Ông Philatô hỏi : “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?”. Chúa Giêsu hỏi lại : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói ngài về tôi ?”. Câu nói của Chúa có nghĩa là chính quan Philatô nói Chúa là vua, hay là quan nghe các nhà lãnh đạo Do Thái xúi giục mà bảo Chúa là vua ?

Quan đã nhận là đã nghe người Do Thái xúi giục, khi quan trả lời Chúa : “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi.

Rồi quan hỏi Chúa Giêsu : “Ông đã làm gì ?”, nghĩa là Chúa đã làm gì để cho dân Do Thái tố cáo Chúa phản lọan, xưng làm vua.

Chúa Giêsu trả lời : “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian, nhằm mục đích này: là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, nghĩa là Chúa sinh ra để làm vua, nhưng là vua của sự thật.

Như vậy, vua chúa trần gian đã ngã xuống vì họ đã sống mưu mô giả dối. Còn Vua Giêsu vẫn tồn tại, vì Ngài đã sống theo sự thật.

Khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã dạy : “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác qủi” (Mt 5,37).

Thánh Phaolô còn qủa quyết Chúa Giêsu chỉ là ‘có’. Thánh nhân viết cho dân Côrintô :  “Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi rao giảng cho anh em, đã không vừa là ‘có’ vừa là ‘không’, nhưng nơi Người chỉ toàn là ‘có’” (2Cr 1,19).

Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta cần theo gương Vua Giêsu : sống theo sự thật, vì chung quanh chúng ta hầu như tòan là giả dối :  tiền giả, thuốc giả, bằng giả…;  rồi gian dối trong lời nói, gian dối trong cư xử, gian dối trong việc làm.

Nguyện xin Vua Giêsu, Vua của sự thật, giúp mỗi chúng ta sống theo sự thật, tránh gian dối, để đem lại hạnh phúc cho gia đình, cho gáo xứ và cho xã hội (2004)

________________________________

VUA GIÊSU.C

Ngày 20-11 vừa qua là ngày tử đạo của thầy Phanxicô Nguyễn Cần. Thầy là người của xứ đạo Sơn Miêng, Hà Nội.

Khi lớn lên thầy thích đi tu, nhưng mẹ thầy không đồng ý. Thầy nói với mẹ : “Mẹ ơi, nếu mẹ không cho con đi tu với cha xứ mình, thì con sẽ trốn đi xa ở với cha xứ khác. Lúc ấy mẹ đừng trách con”.

Học xong, Đức cha Liêu chọn thầy làm thư ký. Ngày 19-4-1836, Đức cha sai thầy đến xứ Kẻ Vạc chuẩn bị cho tuần tĩnh tâm Mùa Chay thì thầy bị bắt.

Quan đánh đòn, dùng mọi hình khổ bắt thầy đạp Thánh Giá bỏ đạo, thầy một mực từ chối. Quan dụ dỗ thầy : “Anh là người khôn ngoan lý sự, tôi rất thương và quí mến. Sao anh không chịu bước qua thập giá. Nếu không bước qua, thì viết giấy nhận bước qua cũng được”.

Thầy Cần đáp : “Vua Minh Mạng là người trần cũng phải chết, mà các ông không dám đạp lên ảnh vua, không dám nói một lời thất lễ. Vậy tại sao quan bắt tôi chối bỏ và đạp lên Thánh Giá Chúa tôi. Ngài là Chúa dựng nên trời đất, là Vua các vua. Chính Ngài ban cho chúng ta hằng ngày muôn vàn ơn lành. Tôi nhất quyết không bao giờ đạp lên Thánh Giá của Vua tôi”.

 Bị đánh đập tù đày hơn 8 tháng trời, ngày 20-11-1837 thầy bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy, Hà Nội chịu xử giảo. Khi những người lính cột giây vào cổ, thầy cám ơn và giơ tay chào vĩnh biệt mọi người. Hai người lính đứng hai đầu giây kéo cho đến khi thầy tắt thở. Thầy mới được 34 tuổi.

Bđ1 : Bđ1 thánh lễ nói về vua Đa-vít, một hình ảnh về Vua Giêsu.

Vua hay tổng thống ở đời khó mà có ai được chính người dân lựa chọn. Thường họ dùng tiền bạc để mua chuộc, dùng bạo lực ma giáo để bám chặt chiếc ghế. Họ muốn ngồi mãi, để bóc lột dân chúng, để vơ vét cho đầy túi tham. Đến khi tới tuổi phải xuống thì họ vẫn tiếp tục vơ vét, bằng cách cho con cháu họ ngồi tiếp cái ghế của họ.

Vua Đa-vít không phải là ông vua tham quyền cố vị, nhưng là một ông vua được Chúa chọn và dân thương. Vua Đa-vít là vua của hai chi tộc miền Nam, nhưng 10 chi tộc miền Bắc đã đến xin ông làm vua cả họ nữa.

Bđ2 : Có vua nào dám chết cho dân không, hay trái lại, dân phải chết vì chiếc ghế  của họ. Vua Giêsu thương dân đến nỗi đã chết vì dân.

Trong thư Cô-lô-sê đọc ở bđ2, thánh Phao-lô viết : “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).

BTM : Không phải chỉ người dân lương thiện công nhận Vua Giêsu tốt lành, mà kể cả người gian ác cũng công nhận, như anh trộm lành trong BTM  nói : “Chúng ta chịu như thế này thì cũng đáng, vì  chúng ta đáng chịu với những việc chúng ta làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái” (Lc 23,41). 

Vua Giêsu, đúng như lời anh trộm lành nói : “Ông này đâu có làm gì trái”, hay như thầy Phanxicô Nguyễn Cần nói : “Ngài là Chúa dựng nên trời đất, là Vua các vua. Chính Ngài ban cho chúng ta hằng ngày muôn vàn ơn lành” (Chợ Cầu 24-11-2013)

______________________

VUA GIÊSU.C

Trong mục “Cánh Cửa Rộng Mở” của báo Catholic Digest có một câu chuyện rất cảm động về một chủng sinh. Anh lớn lên trong một gia đình Công giáo. Anh là một tín hữu rất mộ đạo và thường tham gia vào các công việc ở nhà thờ. Anh vào chủng viện để được dâng mình cho Chúa làm linh mục.

Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, người chủng sinh đó đã bỏ chủng viện và gia nhập các cuộc biểu tình phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam. Không những thế, anh còn bỏ cả Giáo hội. Hơn nữa, anh còn tìm cách chống lại đức tin và lý tưởng mà một thời anh đã ôm ấp. Càng ngày anh càng coi tôn giáo như là một kẻ thù. Gia đình anh rất buồn và họ đều mất hy vọng cứu vãn được anh.

Vào một ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 1970, người thanh niên đó lái xe đi ngang qua một nhà thờ Công giáo. Anh nhận ra tên của linh mục mà anh kính trọng ghi trên tấm bảng trước cửa nhà thờ. Một cái gì đó đã thúc đẩy anh dừng xe lại và vào trong nhà thờ. Khi anh vừa bước vô thì nghi lễ suy tôn Thánh Giá cũng vừa bắt đầu. Anh ngồi xuống ở hàng ghế cuối hết và nhìn những người lên thờ lạy và hôn Thánh Giá. Trong khi ca đoàn hát câu : “Trong khi người ta đóng đinh Chúa tôi, bạn có ở đó không ?”, thì một sự đáng ghi nhớ đã xảy ra. Người chủng sinh bỏ đạo đã viết lại như sau : “Trong tâm hồn, tôi cảm thấy rất xúc động và tôi bắt đầu khóc. Cố gắng kìm hãm lại cảm xúc, tôi nhớ lại những năm trước đây khi còn là một chủng sinh sống trong sự bình an. Đức tin đơn sơ của những ngày tháng xa xưa đã bị phủ lấp và chìm sâu kín trong tâm hồn tôi bao năm qua, nay vụt bừng dậy. Một sức lực nội tại giục giã bắt tôi phải đứng lên, rời khỏi ghế đang ngồi và đến quì lạy trước Thánh Giá và hôn. Vị linh mục trong nhà thờ đã nhận ra tôi và đã đên ôm lấy tôi. Trong ngày đó, tôi lại được tái sinh trong đức tin Công giáo”.

Người chủng sinh đã nhìn thấy Thánh Giá, và Thánh Giá đã làm cho anh nhận ra Chúa Giêsu. Thật kỳ lạ ! Chẳng ai ở đời chấp nhận Thánh Giá, chấp nhận đau khổ, chấp nhận hèn hạ. Quyền cao chức trọng, xe hơi nhà lầu, tiền hô hậu ủng, thế mới là bậc quân vương hiển hách, mới là người quyền cao chức trọng.

BTM : BTM hôm nay cũng cho chúng ta thấy hai hạng người : hạng người không nhận ra Thánh Gia, và hạng người nhận ra.

Hạng thứ nhất là các thủ lãnh buông lời chế nhạo : “Hắn đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23,35). Đó là lính tráng : “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu mình đi”” (Lc 23,37). Đó là tên gian phi đã nhục mạ : “Ông không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa” (23,39).

Hạng người thứ hai đã nhìn ra Chúa. Đó là anh trộm lành : “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi” (23,41). Đó là viên đại đội trưởng : “Người này đích thực là người công chính” (23,47). Đó là “Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc xảy ra, đều đấm ngực trở về” (23,48). Đó là “Những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo người từ Galilê” (23,49). Đó là ông Gioxép thành Arimathê (23,50)…

Bđ1 : Bđ1 kể chuyện vua Đavít. Khi bỏ vua Saun, ông vua đầu tiên của người Ít-ra-en, Chúa đã chọn Đavít làm vua. Mặc dầu vua Đavít là người miền Nam, chứ không như vua Saun là người miền Bắc, nhưng người miền Bắc lại thương và xin vua Đavít làm vua họ. Vua Đavít đã thống nhất Nam Bắc, chuyển thủ đô từ Khép-ron đến Giêrusalem, vì Giêrusalem gần biên giới miền Bắc.. Vua Đavít là ông vua người Ít-ra-en thương nhất. Những lúc nước mất nhà tan, người Ít-ra-en đều mong muốn Thiên Chúa sai cho họ một ông vua giống vua Đavít. Chúa vào thành Giêrusalem, dân chúng tung hô : Hoan hô con vua Đavít” (Mt 21,9).

Bđ2 : bđ2 là thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôsê, một thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thánh Phaolô viết thư này khi đang bị tù ở Rôma. Ngài viết để nhắn nhủ họ đừng nghe theo những lời dậy dỗ của nhóm Ngộ Đạo. Chỉ có Chúa Giêsu mới là vua “giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1,13).

BTM hôm nay còn kể : “Khi đến nơi gọi là Đồi Sọ, họ đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 23,35). Đồi Sọ là nơi ngày xưa người ta khai thác đá. Thợ đá đã để lại một tảng đá to, cao đến 5m. Tảng đá có hình dáng như cái sọ người. Nên người ta gọi là Gôngôtha (tiếng Hy lạp), hay Canvariô (tiếng Latinh). Tương truyền rằng sọ của ông Ađam  cũng đã được chôn ở đây. Thánh giá Chúa đã được dựng trên Đồi Sọ. Chúa là vua giải cứu từ ông tổ đến mọi người. Chúa giải cứu bằng máu Chúa chứ không ”ngồi mát ăn bát vàng” như các vua ở trên đời.

Vua Giêsu là vua tình yêu, vua thương dân thương nước (PH. 26-11-2006).

Linh mục Nguyễn Trung Thành