Lễ Chúa Thăng Thiên – Chúa Nhật VII Phục Sinh – Năm B
LỄ THĂNG THIÊN B NĂM 2021
16-5-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Cẩm Lệ
GIÁO HUẤN SỐ 25
MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ (tt)
Thánh Thần của sự sống
Trong ba sự thật ấy – Thiên Chúa yêu thương các con, Đức Kitô là Đấng Cứu Độ của các con, Người đang sống – chúng ta thấy Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu. Chúa Cha và Chúa Con ở đâu thì Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ngài là Đấng lặng lẽ mở lòng các con đón nhận sứ điệp này. Ngài giữ sống động niềm hy vọng ơn cứu độ của chúng ta, và Ngài sẽ giúp các con lớn lên trong niềm vui nếu các con mở ra đón nhận hoạt động của Ngài. Chúa Thánh Thần đổ đầy trái tim của Đức Kitô Phục Sinh, và rồi chảy tràn vào đời sống các con. Khi các con đón nhận Thánh Thần, Ngài kéo các con vào sâu hơn trong trái tim của Đức Kitô, nhờ đó các con có thể lớn lên trong tình yêu của Người, trong sự sống và sức mạnh của Người (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 130).
————
LỄ THĂNG THIÊN B NĂM 2021
(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)
Cha thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan là cha sở xứ Phúc Nhạc, Phát Diệm. Năm 1837, 66 tuổi, cha bị bắt và bị giam trong nhà tù tỉnh Ninh Bình. Quan tỉnh Ninh Bình khuyên cha bước qua Thánh Giá để được tha về. Cha thà chết, chứ không bước qua.
Quan nói :
– Thế ông không muốn sống à ?
Cha đáp :
– Thưa quan, mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi là con người có suy nghĩ. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng, với người theo đạo Chúa, chúng tôi tin: chết thân xác đời này, nhưng sẽ có sự sống đời đời trên thiên đàng, do đó tôi không sợ chết vì đạo Chúa.
Quan hỏi :
– Ông tin có thiên đàng sao? Ai bảo ông là có thiên đàng?
Cha nói :
– Đó là chuyện đương nhiên. Như vua thưởng ban cho các trung thần, thì Chúa Trời Đất chả nhẽ không ban thưởng cho các tôi trung phục vụ Người đến chết sao? Nơi tưởng thưởng đó chúng tôi gọi là thiên đàng.
Quan hỏi :
– Nghe ông nói có lý, nhưng ai dạy ông biết là có Thiên Chúa ?
Cha trả lời :
– Thưa quan, không cần phải ai dạy. Chính trời đất vũ trụ là cuốn sách mở ra dạy ta biết. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu của thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng sáng tạo. Chúng tôi gọi Đấng ấy là Thiên Chúa. Người không có đạo thường gọi là Ông Trời.
xxx
Ba bài đọc Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đều nói đến việc Chúa lên trời.
– Bđ1, đọc sách Công Vụ Tông Đồ. Sách viết Chúa lên trời sau 40 ngày Người sống Lại (Cv 1,3)
– Bđ2 đọc thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô. Thánh nhân viết: “Người (Chúa Cha) đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngồi bên hữu Người trên trời (Ep 1,20)
– BTM nói đến sứ vụ Chúa trao cho các tông đồ khi Chúa lên trời: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15)
xxx
Bài đọc 1: Chúa Giêsu lên trời được sách Công Vụ Tông đồ và cả sách Tin Mừng tường thuật. Đức cha Batôlômêô viết Chúa lên trời trong sách CVTĐ như sau: “Cứ theo như lời sách CVTĐ: khoảng 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã lên trời trước mặt các Tông đồ. Một đám mây đã rước Người đi. Nhưng chính tác giả sách CVTĐ là thánh Luca, trong sách Phúc Âm III, lại kể việc Chúa lên trời liền với việc Người sống lại, hầu như trong chính hôm Chúa nhật Phục sinh. Thánh Luca đã tiền hậu bất nhất, hay chúng ta phải hiểu các sự việc trên đây thế nào ?
Khoa học Thánh Kinh ngày nay trả lời chúng ta như sau: câu chuyện kể trong bđ1 hôm nay chỉ muốn nói lên việc Chúa lên trời một cách hữu hình trước mắt các môn đệ. Đó cũng là câu chuyện Chúa hiện ra lần cuối cùng để không bao giờ hiện ra một cách công khai nữa, cho đến khi Người trở lại trong ngày tận thế.
Còn chính mầu nhiệm Chúa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, thì đã được bao trùm trong mầu nhiệm Phục sinh và thật sự đã xảy ra trong chính việc sống lại. Vì lên trời là gì, nếu chẳng là việc Chúa Giêsu trở về cùng Thiên Chúa Cha? Thế mà Phục sinh chính là lễ Vượt qua của Chúa Giêsu. Người vượt qua cõi đời này để trở về cùng Cha Người. Người từ bỏ thân xác phàm trần yếu đuối để mặc lấy ánh vinh quang sáng láng. Chính ánh sáng bao bọc thân thể Chúa Giêsu khi Người sống lại làm chứng Người đã ở trong vinh quang của Chúa Cha.
Thế nên không được phép tưởng tượng Chúa Giêsu sống lại, rồi còn ẩn khuất nơi nào trên trần gian trong 40 ngày, rồi sau đó mới về trời dứt khoát. Chúng ta phải tin thật rằng Chúa Giêsu khi sống lại đã lập tức ở trong vinh quang của Chúa Cha, đã ngự bên hữu Người và thỉnh thoảng hiện ra với các môn đệ để củng cố đức tin của họ, như bây giờ Người hay Đức Mẹ có thể hiện ra cùng một người nào đó. Như vậy câu chuyện lên trời như sách CVTĐ hôm nay, chỉ là câu chuyện lên trời hữu hình trước mắt các môn đệ cũng là câu chuyện chấm dứt các lần Chúa sống lại hiện ra một cách công khai.
Nhưng phụng vụ của Giáo hội sung sướng nắm lấy câu chuyện lên trời hữu hình này giúp chúng ta hiểu biết mầu nhiệm lên trời của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm lên trời vô hình và đích thực đã xảy ra rong mầu nhiệm Chúa phục sinh và có nghĩa là, sau khi hoàn tất sứ mạng cứu thế, Đức Kitô đã vượt qua đời này về ở trong vinh quang Chúa Cha, làm Đấng cầu bầu cho loài người và làm Chúa cứu chuộc chúng ta ngay ở trên trời. Kiểu nói ‘ngự bên hữu Chúa Cha’ có ý nói lên cả hai ý tưởng đó. Đức Kitô ở trên trời trở thành Đấng cầu bầu thế lực cho loài người; đồng thời Người được trao quyền bá chủ để dẫn dắt toàn thể tạo vật đến chốn vinh quang (Giải Nghĩa Lời Chúa Phụng Vụ Năm B, trang 216-217).
Bài Tin Mừng: Cha Hồ Thông viết: “Biến cố Thăng Thiên đánh dấu việc kết thúc sứ vụ trần thế của Đức Giê-su và việc khởi đầu sứ vụ của các tông đồ. Việc Đấng Phục Sinh sai nhóm Mười Một đi thi hành sứ vụ đều được nhắc lại trong cả 4 sách Tin Mừng. TM thánh Mát-thêu nhấn mạnh rõ nét nhất chiều kích phổ quát của sứ vụ này: ‘Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’ (Mt 28,19).
Mc 15,15 cũng nhấn mạnh không kém: ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo’” (Phụng vụ Lời Chúa Năm B, trang 273-274).
Bài đọc 2 : Cha Hồ Thông viết : “Đoạn thư thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Ê-phê-sô này được chọn là có chủ đích để tưởng niêm biến cố Thăng Thiên của Đức Ki-tô. Mặc dầu không nêu đích danh biến cố Thăng Thiên, nhưng thánh nhân cho biến cố này chiều kích thần học : Đức Giê-su về cùng Cha đón nhận vinh quang và uy quyền, đồng thời kêu mời mọi tín hữu hãy dự phần vào cùng một cuộc sống vinh quang này.
Thánh nhân viết từ Rô-ma trong cảnh giam cầm vào những năm 61-63. Trong những thư viết trong tù này, thánh nhân cho chúng ta những suy niệm cao vời của mình về mầu nhiệm cứu độ và mầu nhiệm Giáo Hội, thân thể của Đức Ki-tô.
Trong đoạn trích thư này, chúng ta có thể phân biệt hai phần: phần thứ nhất là lời cầu nguyện, và phần thứ hai là những mối liên hệ giữa Đức Ki-tô vinh hiển và Giáo Hội” (Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 353-354).
Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đức Mẹ đã chỉ cho ba em Luxia, Phanxicô, và Giaxinta phương thế để lên trời. Đó là chuỗi Mân Côi.
Trong lần hiện ra lần thứ nhất ngày 13-5-1917, khi thấy ba em Luxia, Phanxicô, và Giaxinta sợ hãi, Đức Mẹ trấn an nói :
– Đừng sợ, Ta không làm hại các con. Ta từ trời xuống.
Luxia run rẩy hỏi :
– Thưa Bà Đẹp, con có được lên trời với Bà không ?
Đức Mẹ bảo:
– Được !
Luxia hỏi tiếp:
– Còn Phanxicô và Giaxinta có được Bà đưa về trời không?
Đức Mẹ nói:
– Cả hai đều được về trời với Ta; riêng Phanxicô phải lần chuỗi nhiều.
Như vậy, muốn lên trời, lên thiên đàng, hãy siêng năng lần chuỗi. Tháng năm, tháng Đức Mẹ, đặc biệt là tháng Đức Mẹ Trà Kiệu, chúng ta siêng năng lần chuỗi, để có nhiều hoa Mân Côi dâng kính Đức Mẹ, xin Đức Mẹ giúp chúng ta về thiên đàng, được lên trời với Chúa, với Mẹ và với tổ tiên, người thân của chúng ta. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành