Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
LỄ CHÚA THÁNH THẦN
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3-13; Ga 20,19-23)
Chúa nhật tới lễ Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội Chính Thống dùng câu chuyện “Ba người khách đến báo tin cho ông Áp-ra-ham sang năm sẽ có con” làm hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Trong câu chuyện lúc thì kể : có ba người khách, như câu : “Khi ông Ap-ra-ham đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông” (St 18, 1-2a). Có lúc lại kể chỉ có một người khách, như câu : “Vừa thấy, ông Áp-ra-ham bèn từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói : ‘Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18,2b-3). Câu chuyện giống như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi : tuy là Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần; nhưng chỉ có một Chúa.
Còn Giáo Hội Công Giáo thì lấy câu chuyện Chúa Giê-su chịu phép rửa là hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa : Chúa Cha là một ông già đầu râu tóc bạc, Chúa Con là Chúa Giê-su chịu đóng đinh, và Chúa Thánh Thần là chim bồ câu (Mt 3,16).
Tại sao Giáo Hội Công Giáo dùng hình ảnh chim bồ câu để diễn tả CTT ?
Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ số 115 viết như sau :
“Hoà bình mà Thiên Chúa ký kết với loài người được diễn nghĩa bằng việc chim bồ câu hiện đến với ông Nô-ê. Thời cổ ngoại giáo cũng coi chim bồ câu là tượng trưng tình yêu. Nên các Ki-tô hữu đầu tiên đều hiểu ngay rằng Chúa Thánh Thần là tình yêu Thiên Chúa hóa thành ngôi vị, đã xuống trên Chúa Giê-su như chim bồ câu khi Chúa chịu phép rửa ở sông Gióc-đan. Ngày nay chim bồ câu là dấu chỉ hòa bình, được thế giới công nhận, và là một trong những tượng trưng lớn về sự hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại (St 8,10-11)”
Qua sách Giáo Lý cho người trẻ,
1- Chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình : biểu tượng này lấy từ câu chuyện nạn hồng thủy thời ông Nô-ê. Hết 40 ngày ông thả con quạ, con quạ không về, vì nó ở lại ăn xác chết; ông thả con chim bồ câu, bồ câu quay về, vì nước còn nhiều, không có chỗ đậu; bảy ngày sau, ông lại thả con chim bồ câu, bồ câu bay về mỏ ngậm cành thiên tuế ôliu. Ông Nô-ê biết là nước đã cạn.
2- Chim bồ câu là biểu tượng của tình yêu : các tôn giáo cổ đã dùng chim bồ câu làm biểu tượng của tình yêu. Sách Diễm ca cũng dùng chim bồ câu làm biểu tượng của tình yêu : “Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá ! Đôi mắt nàng là cặp bồ câu” (Dc 1,15; 2,14; 4,1; 5,12; 6,9).
Và sách TM thánh Mát-thêu kể lại cảnh Chúa Giê-su chịu phép rửa của thánh Gio-an trong dòng sông Gióc-đan như sau : “Khi Chúa Giê-su vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” ( Mt 3,16).
Các tín hữu đầu tiên đã hiểu chim bồ câu là hình ảnh về Chúa Thánh Thần (CTT), vì CTT là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con.
CTT là yêu thương và hiệp nhất.
Bđ1 : Sách Công Vụ Tông Đồ trong bđ1 kể chuyện CTT hiện xuống. Sau khi nhận được ơn CTT, các tông đồ ra ngoài rao giảng. Dân chúng “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6), “nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta” (Cv 2,8). Trái với cảnh chia rẽ của tháp Ba-ben.
CTT là hòa bình và phục vụ
Bđ2 : Thư Cô-rin-tô của thánh Phao-lô trong bđ2 cũng diễn tả sự hòa bình và phục vụ của các con cái Chúa, qua hình ảnh “có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa” (1Cr 12,5), hay “như thân thể người ta, chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận” (1Cr 12,12).
Làm sao có sự hiệp nhất yêu thương, hòa bình phục vụ ?
– Đó là nhờ có CTT tha tội
BTM : Trong BTM, thánh Gio-an kể Chúa Giê-su hiện ra ban CTT, đồng thời ban bí tích tha tội : “Người thổi hơi vào các ông và bảo : ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”. Sách giáo lý cho người trẻ thì viết : “Chim bồ câu là một trong những tượng trưng lớn về sự hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại“
Tội lỗi khiến chúng ta chia rẽ, ghen ghét nhau. Muốn gia đình được đầm ấm hòa thuận thì phải chừa tội lỗi, phải đi xưng tội. Như kinh CTT chúng ta đọc : “Xin sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”.
Nhưng làm sao để có CTT “xuống đầy lòng chúng ta” ?
– Phải cầu nguyện với Đức Mẹ.
Sách Công vụ Tông đồ kể rằng : sau khi được chứng kiến cảnh Chúa lên trời trên núi Ô-liu, thì “trở về nhà, các tông đồ lên lầu trên (tức là phòng Tiệc Ly) …Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,13…14)
Chúng ta đang sống trong năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fa-ti-ma (1917-2017). Ở Fa-ti-ma, Đức Mẹ xưng mình là “Mẹ Mân Côi”, Đức Mẹ mời gọi lần chuỗi Mân Côi. Vậy, chúng ta sốt sắng dâng nhiều hoa Mân Côi, để Mẹ cầu xin CTT xuống đầy lòng chúng ta (2-6-2012/4-6-2017).
—————————————-
LỄ CHÚA THÁNH THẦN
Sau khi chém đầu thầy Anrê-Phú Yên vào ngày 26-7-1645, quan trấn Quảng Nam ra lệnh bắt các giáo hữu ở Qui Nhơn. Quan Qui Nhơn nhận lệnh, bắt người Công giáo ở Qui Nhơn trình diện. Số người ra trình diện đông đến nỗi quan không ngờ là 700 người. Quan Qui Nhơn chọn 36 người dẫn ra cho quan Quảng Nam.
Quan Quảng Nam hỏi : – Các ngươi muốn gì ?
Tất cả đáp : – Chúng tôi muốn chết để được sống đời đời như lời Chúa Giêsu đã hứa cho những ai tin vào Người. Đước chết vì Người là một vinh dự.
Trong 36 người, có một ông nhà giầu, sợ hãi chối đạo, còn 35 người.
35 người quan chọn 6 người. Ai cũng tranh nhau được chọn vào số 6 người đó. Có hai cha con tranh nhau. Cha nói với con : – Cha đã lớn tuổi, sức khỏe yếu kém, cha đáng phải chết. Người con thưa : – Cha cần sống để lo cho gia đình.
Đứng đầu 6 người được chọn là ông Antôn Ngữ, ông trùm họ Qui Nhơn. 6 người bị đeo gông. Cha Đắc Lộ gọi chiếc gông là Thánh giá của người Việt Nam. 6 người chờ đón được chết vì đạo. Không ngờ quan Quảng Nam chỉ cho đánh ít roi rồi thả về. Lính đánh cũng khoan hồng chỉ đánh mỗi người 5 roi (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng,Tập.I, trang 33-35).
Cuộc sống hào hùng như thế phải được trợ lực biết bao ơn CTT.
Lời Chúa thánh lễ hôm nay cho chúng ta biết các ơn CTT.
Bđ1 : Bđ1 kể ơn nghe lời Chúa, ơn tin yêu Chúa.
Lễ Ngũ Tuần là lễ 50 ngày, kể từ ngày vượt qua Biển Đỏ tới núi Si-nai.
Lễ Ngũ Tuần ngày xưa, người Do thái mừng ngày Thiên Chúa lập giao ước với họ trên núi Si-nai. Ngày Thiên Chúa ban 10 giới răn. Giới răn là hiến pháp. Dân Do Thái từ nay có hiến pháp, có luật pháp để trở thành dân của Chúa.
Lễ Ngũ Tuần ngày nay là ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, như bđ1 kể : “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi… họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Cv 2,1-3).
“Lưỡi lửa” : “vừa để tẩy luyện tâm trí người nghe khỏi mọi tư tưởng sai lầm mà nghe lời Thiên Chúa, vừa để hun đúc trong tâm hồn người nghe lòng tin yêu Thiên Chúa” (PVCGK, Kinh Thánh Tân Ước,2008, trang 467).
BTM : BTM cho biết ơn can đảm của CTT : khi chưa được Chúa Thánh Thần hiện xuống, các tông đồ sợ hãi. Sách TMGa kể “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19).
Bđ2 : Bđ2 thư thánh Phaolô cho biết ơn hiệp nhất của CTT : nhờ ơn CTT, mọi người hiệp nhất nên một thân thể. Thư viết : “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể” (Ep 12,13).
Trong kinh Tiền Tụng hôm nay gọi lễ CTT là ngày khai sinh Hội Thánh.
Sách giáo lý dạy có 7 ơn Chúa Thánh Thần là :
1. Khôn ngoan
2. Thông hiểu,
3. Lo liệu
4. Sức mạnh,
5. Suy biết
6. Đạo đức
7. Kính sợ Chúa (Gl.số 1299).
Tóm lại, nhờ có Chúa Thánh Thần, các tông đồ, các bạn của ông Antôn Ngữ đã can đảm sống chết cho Chúa, đã một lòng một ý với nhau.
Đức Mẹ, 12 tông đồ và những người khác, gồm 120 người, đã cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly. Nhờ đó, CTT đã hiện xuống. Nếu gia đình chúng ta siêng năng đọc kinh, thì gia đình sẽ được Chúa Thánh Thần hiện xuống. Có Chúa Thánh Thần, gia đình chúng ta sẽ đạo đức, sẽ đoàn kết yêu thương nhau (8-6-2014) .
———————————-
LỄ CTT
Thánh linh mục Gia-cô-bê Đỗ Mai Năm sinh tai Đông Biên, Thanh Hóa. Sau khi chịu chức linh mục cha được sai về Nhà Chung Kẻ Vĩnh để dạy các chủng sinh. Vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo. Nhà Chung giải tán, cha phải ẩn trốn trong nhà ông trùm Tôn chừng 4 năm. Tình hình cấm đạo thêm gay gắt, cha phải bỏ nhà ông trùm, ẩn trốn nay đây mai đó. Ông trùm Đích thương cảm mời cha về nhà. Không may cha bị bắt. Cha bị tử hình ngày 12-8-1838, được 57 tuổi và 23 năm linh mục.
Trong tù, cha Giacôbê Đỗ Mai Năm luôn an ủi các bạn tù cùng bị giam với cha. Cha khuyến khích họ : “Với ơn Chúa giúp thì dầu hình khổ đau đớn mấy đi nữa, chúng ta vẫn có thể chịu đựng được, như thánh Lô-ren-sô bị nướng trên giường sắt nung đỏ, như ba em trong lò lửa…Chúng ta hãy luôn luôn tin cậy, kêu cầu Chúa giúp sức trong giai đoạn thử thách cực kỳ gay go này”.
Khi an ủi các giáo hữu trong tù, cha Gia-cô-bê Đỗ Mai Năm nhắc đến ơn Chúa giúp, tức là ơn CTT. Khi chịu phép Thêm Sức, ta nhận được 7 ơn CTT : khôn ngoan, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính sợ.
Bđ1 : Sách CVTĐ trong bđ1 diễn tả lại ngày lễ CTT hiện xuống. Các tông đồ tụ họp cầu nguyện với Đức Mẹ và với nhiều người khác. Số người đông tới 120 người. CTT hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần.
Lễ Ngũ Tuần là lễ Tạ Ơn được mùa. Sau khi gặt lúa về, dân chúng chọn những hoa trai tốt đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa, cám ơn Chúa đã cho mưa thuận gió hòa, cho được mùa.
Về sau người Do Thái mừng lễ Ngũ Tuần để nhớ lại biến cố nhận 10 giới răn trên núi Si-nai. Từ ngày thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập tới núi Si-nai đúng 50 ngày. Thiên Chúa lập giao ước với dân Do Thái. Kể từ đó, dân Do Thái là dân riêng của Thiên Chúa.
Lễ Ngũ Tuần năm xưa với 10 giới răn đã làm cho dân Do Thái thành dân riêng của Thiên Chúa. Lễ Ngũ Tuần sau 50 ngày Chúa Phục sinh, với CTT mọi dân tộc trở thành dân riêng của TC, tức là Giáo Hội.
Bđ2 : Trong Giáo Hội, mỗi người Thiên Chúa trao cho một nhiệm vụ. Những nhiệm vụ tuy khác nhau, nhưng không đối nghịch nhau, vì tất cả đếu là ơn CTT ban để phục vụ. Thư Cô-rin-tô trong bđ2, thánh Phao-lô viết : “Có nhiều đặc sủng khác nhau…, có nhiều việc phục vụ khác nhau…, có nhiều hoạt động khác nhau…, Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung” (1Cr 12,4-7).
BTM : Giáo Hội của Chúa ngày nay chia rẽ làm 4 nhóm : Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh Giáo.
Sự chia rẽ vì tội lỗi. Tội lỗi gây nên chia rẽ. Để hiệp nhất, đòan kết phải diệt trừ tội lỗi. Vì thế, BTM thánh lễ hôm nay thánh Gio-an kể Chúa Giê-su vừa ban CTT vừa ban bí tích tha tội. Chúa Giê-su phán với các tông đồ : “Người thổi hơi vào các ông và bảo : anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
Ngày xưa lễ CTT có sự hiện diện của Đức Mẹ. Đức Mẹ cùng các tông đồ cầu xin CTT hiện xuống.
Cha thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm đã khuyến khích các bạn tù cầu xin ơn CTT để chịu đựng những đau đớn thử thách. Cha cũngkhuyến khích giáo dân cầu nguyện với Đức Mẹ để vượt qua những nỗi buồn trong cuộc đời. Bà trùm Kính thuật lại : “Cha rất kính mến Đức Mẹ. Cha thường khuyên chúng tôi mỗi khi có sự gì vui buồn trong gia đình phải cầu nguyện với Đức Mẹ” (11-5-2008)
———————————
LỄ CTT
Đọc lời Chúa thánh lễ hôm nay, CTT hiện xuống vào hai ngày khác nhau. Bài Tin Mừng của thánh Gio-an kể Chúa Thánh Thần hiện xuống vào chiều ngày Chúa sống lại. Thánh Gio-an kể : “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần… Chúa Giê-su đến… Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (20,22).
Còn bđ1, sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Lu-ca, thì Chúa Thánh Thần hiện xuống sau ngày Chúa sống lại 50 ngày, tức là ngày lễ Ngũ Tuần. Thánh Lu-ca kể : “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần…Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy tràn đầy ơn Thánh Thần” (2,1.3-4).
BTM : Thánh Gio-an liên kết biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống với biến cố Chúa phục sinh. Trong ngày lễ Lều, Chúa Giê-su đã nói với người Do thái : “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giê-su muốn nói về Thánh Thần mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Chúa Thánh Thần, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7,37-39). Qua câu nói đó, khi Chúa Giê-su được tôn vinh, tức là chết và sống lại, thì Chúa Thánh Thần mới hiện xuống.
Theo thánh Gio-an, Chúa Thánh Thần phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giê-su. Thánh Gio-an viết : “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Máu biểu tượng Chúa Giê-su chết, nước biểu tượng Chúa Thánh Thần. CTT tạo lập Hội thánh. HT được tạo lập từ cạnh sườn Chúa Giê-su, cũng giống như bà E-và được dựng nên từ cái xương sườn của ông A-đam. Hội Thánh là E-và mới.
Thánh Gio-an nhìn công trình thành lập Giáo hội như công trình tạo dựng. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã thổi hơi vào lỗ mũi của cục đất sét. Nay với việc tạo dựng Giáo hội, Chúa Giê-su cũng “thổi hơi” vào các tông đồ (20,22).
Chúng ta nhớ câu chuyện “Những bộ xương khô” của ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Ngôn sứ được Thiên Chúa đem tới một thung lũng đầy xương, nhưng là những bộ xương khô. Thiên Chúa bảo ngôn sứ tuyên sấm trên các xương. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en kể : “Tôi đã tuyên sấm như tôi được lệnh. Vậy có tiếng động khi tôi đang tuyên sấm; có sự rung chuyển và các xương xích lại gần, ăn khớp với nhau. Tôi nhìn thì thấy trên chúng đã có gân, thịt đã mọc lên và da đã trải ra bên trên, nhưng thần khí chưa có ở nơi chúng. Người lại bảo tôi : ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí…hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh…Tôi tuyên sấm. Thần khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên.” (Ed 37,7-10).
Câu chuyện “Những bộ xương khô” của ngôn sứ Ê-dê-ki-en ám chỉ đến cuộc giải phóng khỏi cảnh lưu đày Ba-by-lon. Những người lưu đày chẳng khác nào những bộ xương khô. Và cuộc giải thóat trở về quê cha đất tổ thì cũng như những bộ xương khô được thần khí mà hồi sinh.
Như vậy, thánh Gio-an cho Chúa Thánh Thần hiện xuống vào chiều ngày Chúa sống lại, là vì ngài nhìn về nguồn mạch, về sự sống của Giáo hội. Chúa Thánh Thần chính là hơi thở, là sự sống của Giáo hội.
Bđ1 : Còn thánh Lu-ca kể Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần là lễ mừng ngày Thiên Chúa ban 10 giới răn trên núi Si-nai. Lễ đó vào ngày thứ 50, kể từ ngày ra khỏi Ai cập đến núi Si-nai thì được 50 ngày, ngũ tuần. 10 giới răn chính là hiến pháp làm cho dân Do thái thành dân của Chúa. Sách Xuất Hành kể như sau : “Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi Đức Chúa phán : Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái It-ra-en thế này : các ngươi thấy Ta đã xử với Ai cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta…Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.” (Xh 19,3-6). “Tòan dân nhất trí đáp lại : Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo.” (Xh 19,8).
Dân Chúa ngày xưa được hình thành bằng 10 giới răn, dân Chúa ngày nay, tức Giáo hội, được hình thành bằng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã hiện xuống vào lễ Ngũ Tuần.
Người ta gia nhập Giáo hội khi chịu phép rửa. Thánh Lu-ca đã ghi lại lời tiên báo của thánh Gio-an Tẩy giả về phép rửa trong Thánh Thần : “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, Người (Đức Giêsu) sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Vì thế trong lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với hình lưỡi lửa : “Những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu từng người một” (Cv 2,3). Chúa Thánh Thần đã rửa tội cho họ.
Bđ2 : Giáo hội gồm nhiều người và mỗi người Chúa trao cho một nhiệm vụ. Thánh Phao-lô viết trong thư Cô-rin-tô bđ2 như sau : “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều họat động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung” (1Cr 12,4-7). Thánh Phao-lô còn ví sự hiệp nhất trong Giáo hội như là thân thể. Ngài viết : “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể” (1Cr 12,12).
Còn thánh Lu-ca thì ví sự hiệp nhất trong Giáo hội như nghe cùng một tiếng nói : “Nào là những người từ Rô-ma đến đây, nào là người Do thái cũng như người đạo theo, nào là người đảo Cô-rê-ta hay người Ả rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).
Trái ngược với sự chia rẽ trong câu chuyện tháp Ba-bel của sách Sáng Thế : “Đức Chúa phán : Đấy, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa” (St 11,6-7).
Thế nhưng tại sao Giáo hội có chia rẽ ? Chia rẽ là do tội lỗi, do sai sót. Tha thứ cho nhau thì sẽ đòan kết hiệp nhất. Lãnh nhận CTT để trở thành Hội thánh, thì cũng phải tha thứ cho nhau để Hội thánh không bị chia rẽ. Nên ngay khi lãnh nhận CTT thì Chúa Giêsu cũng lập bí tích sám hối : “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23).
Chúa Thánh Thần đã khai sinh ra Giáo hội, nhưng ai đã xin Chúa Thánh Thần hiện xuống ? Thưa : Đức Mẹ. Vì thế thánh Luca viết : “Tất cả các ông dều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu” (Cv 1,14).
Thánh Gio-an luôn liên kết sự thành lập Hội thánh với công trình cúu chuộc của Chúa Giê-su. Và Đức Mẹ đóng một vai quan trọng trong việc hình thành Giáo hội, nên thánh Gio-an đã đặt Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá : “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người…Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói với môn đệ : ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,25-27). Thánh Gio-an là hình ảnh của Hội thánh. Chúa Giê-su đã trao HT cho Đức Mẹ.
Còn đối với thánh Lu-ca, HT được hình thành trong ngày lễ Ngũ Tuần, nên Đức Mẹ hiện diện trong buổi cầu nguyện đó.
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là chúng ta mừng ngày Giáo hội ra đời, Giáo hội khai sinh. Chúng ta cám ơn Chúa đã cho Giáo hội một người mẹ để săn sóc, để chở che.
Giáo hội VN trong mỗi cơn sóng gió đều có bàn tay vỗ vễ của Mẹ. Thời nhà Tây Sơn bắt đạo có Mẹ La Vang, thời Văn Thân tàn sát có Mẹ Trà Kiệu, và thời chiến tranh Việt Pháp có Mẹ La Mã, Bến Tre … Ở đâu có đau khổ, ở đâu có nước mắt, ở đó có Mẹ.
Chúng ta cũng cám ơn Mẹ, Mẹ đã ban cho Giáo hội những người con yêu : hết một lòng xây dựng Nước Chúa và lo cho Giáo xứ, cho Giáo họ. Gỉa như không có lòng nhiệt thành và hy sinh của những người đó thì giáo xứ và giáo họ hôm nay sẽ như thế nào.
Cám ơn Mẹ đã cho chúng con vào Hội thánh và cám ơn Mẹ Hội thánh đã có những người con “nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa” (15-5-2005)
Linh mục Nguyễn Trung Thành