Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
23-5-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Phước Tường
GIÁO HUẤN SỐ 26
MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ
Thánh Thần của sự sống (tt)
Hãy xin Chúa Thánh Thần hằng ngày giúp các con kinh nghiệm lại sứ điệp tuyệt vời này. Tại sao không? Các con chẳng có gì để mất, và Ngài có thể thay đổi cuộc đời các con, lấp đầy nó với ánh sáng và dẫn nó đi con đường tốt lành hơn. Ngài chẳng lấy mất điều gì từ các con, nhưng giúp các con tìm thấy tất cả những gì mình cần, bằng một cách thế tốt nhất có thể. Các con cần tình yêu, đúng không? Các con sẽ không tìm thấy nó trong sự phóng đãng, trong việc dùng những người khác, hay trong cố gắng chiếm đoạt và thống trị. Các con sẽ tìm thấy nó theo một cách thế sẽ làm các con hạnh phúc đích thực. Các con đang kiếm tìm những cảm giác mạnh, đúng không? Các con sẽ không kinh nghiệm chúng bằng cách tích lũy mọi thứ đồ đạc vật chất, bằng cách tiêu tiền, săn đuổi miệt mài những sự đời. Các cảm xúc mạnh sẽ xảy đến, bằng một cách thức đẹp hơn và ý nghĩa hơn nhiều, nếu các con để mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 131).
—–
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20, 19-23)
Bí tích Thêm sức
Lễ Chúa Thánh Thần nhắc nhớ đến Bí tích Thêm sức. Sách Youcat (Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ) viết: “Thêm sức là bí tích hoàn tất bí tích rửa tội. Nhờ Thêm sức, Đức Chúa Thánh Thần ban ơn xuống cho ta. Bất cứ ai tự ý quyết định sống như con cái Chúa và xin ơn Thánh Thần xuống qua sự đặt tay và xức dầu thánh sẽ nhận được sức mạnh để làm chứng nhân cho tình yêu Chúa trong lời nói và việc làm. Nhờ đó họ trở nên phần tử đã cam kết và có trách nhiệm đầy đủ của Hội Thánh Công gíao” (số 203).
Ai được ban bí tích Thêm sức?
“Thường thường việc ban bí tích Thêm sức dành cho Đức Giám mục. Nhưng khi cần, Đức Giám mục có thể ủy cho linh mục quyền ban bí tích Thêm sức. Trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào cũng được ban bí tích Thêm sức” (sđd, số 207).
Tờ biểu ngày 15-7-1640
Cha Đỗ Quang Chính viết: “Trước khi tầu về Áo Môn, anh em giáo hữu Đàng Trong dâng một tờ biểu lên Đức Thánh Cha Urbanô VIII. Nội dung tờ biểu như sau; Từ khi các Thầy Dòng Đức Chúa Giêsu (dòng Tên) đến truyền giáo trong xứ này là 26 năm, số tín hữu hiện nay là 15.000, nhưng chưa ai được lãnh nhận bí tích Thêm sức. Vậy, cúi xin ĐTC ban phép cho cha nào trong số các cha ở đây được làm phép Thêm sức cho tín hữu, để họ trở nên chiến sĩ Đức Kitô trọn vẹn hơn, hầu chiến đấu cách trung thành trong cuộc chiến đấu đức tin” (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 82).
Thỉnh nguyện của cha Đắc Lộ 2-8-1650
Ngày 7-3-1645 cha Đắc Lộ vĩnh biệt VN về Áo Môn. Cha được bề trên sai về Rôma. Cuộc hành trình từ Áo Môn đến Rôma mất hơn 3 năm đầy gian khổ. Ngày 27-6-1649, cha mới về tới Rôma (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo VN, tập 1, trang 201).
Cha Đỗ Quang Chính viết : “Trong bản thỉnh nguyện ngày 2-8-1650 của Đắc Lộ gửi lên TBTG (Thánh Bộ Truyền Giáo) và hai bản khác (ngày 6-3-1651, tháng 5-1652) cũng của Đắc Lộ đệ lên ĐTC (Đức Thánh Cha) Innocentê X, trình bày tình trạng xứ truyền giáo Đàng Ngoài, Đàng Trong: cả hai xứ có từ 200.000 đến 300.000 tín hữu, mỗi năm số tín hữu ít ra cũng thêm 15.000, mà chưa ai được chịu phép Thêm sức; vì thiếu linh mục nhiều người chết không được chịu các bí tích, lại còn bị cấm đạo nữa làm cho 7 vị tử đạo. Đắc Lộ cho hay rằng; nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu của bổn đạo, thì phải gửi đến VN 300 thừa sai, nhưng trên đường từ Âu châu đến xứ này sẽ hao hụt (chết vì bệnh, bị tai nạn, quay trở lại) mất 100, vì vậy phải gửi 400 trừ số bị hao hụt là vừa. Thực tế, chẳng bao giờ có số thừa sai đông như vậy trong thời gian hai ba năm được phái đi châu Á; đàng khác làm thế sẽ bị chính quyền địa phương ngờ vực là người da trắng kéo quân đi xâm lược VN, điều đã xảy ra ở Nhật Bản trước đây. Trước mắt cần lập hàng giáo sĩ VN, “vì một điều đáng phàn nàn nhất là nhiều người ra khỏi đời này mà không được chịu các bí tích do thiếu linh mục” (thỉnh nguyện thư tháng 5-1652). Muốn thế phải gửi ngay các giám mục đến đây, để huấn luyện và truyền chức linh mục cho họ. Bằng chứng về sự kiên trì và trung tín của bổn đạo VN là các vị tử đạo, cho nên người Việt đã bền chí trong chức vụ linh mục, chứ đừng lo là họ hay thay đổi. Đắc Lộ còn nói rõ là ở VN hiện có một chủng viện tới 100 chủng sinh, đó là trường Kẻ giảng, mà người ta có thể chọn lựa những người có khả năng nhất làm linh mục, vì các thầy đó rất xứng đáng với chức linh mục cả về mặt đạo đức và tài trí…
Đắc Lộ vô cùng tha thiết trong vấn đề xin Tòa Thánh gửi các Giám mục đến VN và tìm cách phong chức linh mục cho người Việt. Chẳng những là Đắc Lộ xin phái khoảng 10 Giám mục, mà còn xin tới 2 Tổng Giám mục, hơn nữa xin lập tòa Thượng phụ Giáo chủ ở VN (Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, trang 57-58).
Đắc Lộ từ chối chức Giám mục
Cha Đỗ Quang Chính viết: “Đã có lần Đức Innocentê X ngỏ ý Đắc Lộ nhận chức vụ GM ở VN, cầm đầu phái bộ truyền giáo đi VN, nhưng cha xin từ chối…Đắc Lộ không chịu nổi những cuộc hành trình lâu dài đầy nguy hiểm. Chính Đắc Lộ đã viết: “Bây giờ tôi già rồi và hầu như sắp sửa đi xuống mộ” (Sđd, trang 70).
Hai Giám mục đầu tiên
-Ngày 13-5-1658 TBTG đề cử hai vị là Francois Pallu và Lambert de la Motte lên Đức Thánh Cha Alexander VII.
-Ngày 8-6-1658 ĐTC chấp nhận.
-Ngày 29-7-1658 bằng đoản sắc Apostolatus officium, ĐTC chính thức công bố Đức cha Francois Pallu làm giám mục hiệu tòa Héliopolis (nay là Balkek, phía đông bắc Beyrouth), còn Đức cha Lambert de la Motte làm GM hiệu tòa Béryte (tức là Beyrouth, thủ đô Liban ngày nay).
-Ngày 9-9-1659 với đoản sắc Super cathedram, phân chia ranh giới nhiệm sở:
Gm. Pallu coi sóc Giáo phận Đàng Ngoài.
Gm. Lambert coi sóc Giáo phận Đàng Trong
(Đỗ Quang Chính, sđd, trang 105).
Lễ Thêm sức đầu tiên ở Đàng Trong
Tập sách “Cuộc Đời Đức Cha Lambert của Jacques-Charles Brisacier, Cao Kỳ Phương chuyển ngữ” viết: “Khoảng hai tháng trước đó (8-5-1671), có 4 đại biểu (hai cha Giuse Trang và Luca Bền và hai giáo lý viên) từ giáo phận Đàng Trong đến Xiêm hối thúc Giám mục chủ quản Giáo hội của họ (Đức cha Lambert) cùng đi với họ để ra tay giúp đỡ giáo phận. Bởi vì họ mất đột ngột cùng lúc hai thừa sai (Hainques và Brindeau) mà ngài sai đến…
“Ngày 20-7-1671 Đức cha lên thuyền đi Đàng Trong…Chiếc thuyền chở ngài hơi chật chội, đến nỗi phải vất vả lắm mới tìm được một chỗ. Một giáo sĩ bên khu Bồ Đào Nha thấy ngài bị nhét vào chiếc thuyền bầu thiếu trang bị, và lại đóng không chắc chắn, cũng lại không có hoa tiêu, đã trình bày với ngài hiểm họa đương nhiên mà ngài và đoàn tùy tùng sắp phải đương đầu. Vị Giám mục cương quyết trả lời: ‘Kẻ cậy chiến xa, người nhờ chiến mã. Phần chúng tôi, chúng tôi chỉ kêu cầu Danh Chúa’ (Tv 20,8). Với nét mặt tươi cười rạng rỡ, ngài còn nói thêm là ngài tín thác vào Thiên Chúa quyền năng, nên đã đem theo một món hàng lậu thuế, đó là kho tàng đức tin Kitô giáo. Không lậu thuế là gì khi người ta đang cấm phổ biến món hàng đó trong vương quốc ngài sắp đến…
Họ cập bến một nơi thích hợp để mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời. Họ dựng một bàn thờ dưới một túp lều bằng lá cây. Sau khi đã chịu đựng mọi khó khăn suốt hai tháng, họ cập bến miền đất Đàng Trong, …Người ta chọn một nơi an toàn để cập bến ban đêm cho kín đáo. Và họ vào nhà một người giáo dân. Đây là nơi những giáo dân khác trong khu vực có thói quen tề tựu vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ.
Đức Giám mục Béryte gặp liên tiếp gần 800 tân tòng. Ngài Thêm sức cho khoảng 200 trẻ em và vài người lớn…
Ngài phải nằm liệt trong nhà đến 6 tuần. Tất cả các giáo đoàn trong vương quốc đều gửi thư bày tỏ lòng hân hoan vì được tin ngài đến. Mặc dầu còn yếu, ngài đã cương quyết đòi lên đường để tiếp tục chuyến viếng thăm. Ngài khởi hành vào ngày lễ Các Thánh Nam Nữ, sau khi đã dâng lễ, rửa tội cho 18 ngưới lớn, ban phép Thêm sức cho gần 200 người trong đó phần đông ngài tự tay cho rước lễ (sđd, trang 156-159).
Ba bài đọc thánh lễ hôm nay đều nói đến Chúa Thánh Thần
Hai ngày: Chúa Thánh Thần hiện xuống vào hai ngày:
1/ Chiều ngày chúa nhật phục sinh: “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến đứng giữa các ông và nói: ‘bình an cho anh em’ …Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ,” (Ga 20,19.22).
2/ Ngày thứ 50 sau phục sinh: “Khi đến ngày lễ ngũ tuần, mọi người đang tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,1-4).
Bài đọc 1: Bđ1 kể lễ Chúa Thánh Thần vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Cha Hồ Thông viết về lễ Ngũ Tuần: “Được gọi lễ ‘Ngũ Tuần’, vì ngày đại lễ này được cử hành vào ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua. Lễ Ngũ Tuần Do Thái tự nguồn gốc là ngày lễ mùa, ngày lễ kết thúc giai đoạn được khai mạc vào ngày lễ Vượt Qua…Đối với dân Chúa chọn, lịch sử cốt yếu là hành động của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua tưởng niệm cuộc xuất hành ra khỏi đất Ai Cập, Lễ Lều tưởng niệm cuộc lưu lạc trong sa mạc, sau cùng Lễ Ngũ Tuần tưởng niệm giao ước được ký kết trên núi Xinai. Lễ Ngũ Tuần không chỉ tưởng niệm việc ký kết giao ước, nhưng còn là dấu chỉ của việc làm mới lại giao ước hằng năm. Vào ngày lễ này, dân Do Thái lặp lại lời cam kết trung thành với Đức Chúa” …
Xưa kia một dân duy nhất trở thành đối tượng của việc Thiên Chúa tuyển chọn. Từ nay muôn dân đều được mời gọi hưởng cùng một ơn cứu độ. Vì thế, ơn huệ đầu tiên của Chúa Thánh Thần là ân ban nói các ngôn ngữ, nhờ đó các tông đồ mới có thể ngỏ lời với đám thính giả ‘từ các dân thiên hạ trở về’. Một danh sách liệt kê các dân tộc nhấn mạnh chiều kích phổ quát của sứ điệp Tin Mừng.
Như vậy, lễ Ngũ Tuần đối lập với chuyện tích Tháp Baben (St 11), ở đó sự lộn xộn ngôn ngữ và sự phân tán các dân tộc xuất hiện như một sự trừng phạt. Này đây Giáo Hội của Đức Kitô dâng hiến cho nhân loại một khả năng hiệp nhất được phục hồi.
Một ân huệ khác của Chúa Thánh Thần, có thể nhận thấy ngay, là ân huệ ‘Sức Mạnh’. Ngay khi được đầy tràn Chúa Thánh Thần, các tông đồ ra khỏi phòng cửa đóng then cài, họ loan báo cho tất cả mọi người những kỳ công của Thiên Chúa. Với sự dạn dĩ, họ phục hồi quyền của Đấng chịu đóng đinh và làm chứng Ngài đã sống lại” (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 280-282).
Bài đọc 2: Bđ2 đọc thư thứ nhất Côrintô. Trong thư này, thánh Phaolô nói đến các tài năng của mỗi người được chung sức chung lòng nhờ Chúa Thánh Thần: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung” (1Cr 12,4-7).
Bài Tin Mừng: BTM đọc sách Tin Mừng theo thánh Gioan. Cha Nguyễn Công Đoan giải nghĩa: “Sau cái đêm chạy tứ tán thoát thân khi Chúa bị bắt, chiều nay lại thấy các ông tụ họp nhau trong nhà, ắt là tại nơi đã ăn bữa tiệc ly trước khi Chúa bị bắt. Nhưng ‘các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái’. Hôm Lễ Lều, người Do Thái có thiện cảm với Chúa Giê-su xầm xì với nhau về Người, ‘nhưng không ai dám công khai nói về Người, vì sợ người Do Thái’ (7,13). Hôm nay Thầy đã bị người Do Thái bắt. Nhưng sao không trốn khỏi Giê-ru-sa-lem mà còn ở lại đó? Đóng kín cửa mà họ không bắt được hay sao? Có vẻ giống đứa trẻ sợ ma lấy mền trùm kín! Nhưng Chúa Giê-su vẫn đến và đứng giữa các ông. Chúa lên tiếng trước: ‘Bình an cho anh em’. Bình an (Sha-lôm) được dùng làm tiếng chào cho mọi tình huống: gặp gỡ, chia tay, sáng, trưa, chiều, tối. Nhưng trong mạch văn của Gio-an thì ý nghĩa không giới hạn ở tiếng chào thông thường, vì Chúa Giê-su đã nói trong bữa Tiệc Ly: ”Thầy để lại bình an cho anh em” (Ga 14,27-28).
Không đợi các ông phản ứng. ‘Người cho các ông xem tay và cạnh sườn’ để các ông thấy Người đang đứng trước mặt các ông chính là Thầy của các ông bị đóng đinh thập giá, bị đâm thủng cạnh sườn…
Nhưng Chúa đến với các ông chiều nay, không chỉ để cho các ông niềm vui đã hứa, nhưng còn để thực hiện một lời hứa khác nhằm giúp các ông thi hành sứ mạng; lời hứa ban Thánh Thần…
Sứ mạng Chúa đã trao cho các môn đệ ‘cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại’ (Ga 15,16) chỉ có thể thực hiện được nhờ hoạt động của Thánh Thần nơi các ông. Hôm nay Chúa ban Thánh Thần cho các ông và nói rõ hơn về sứ mạng của các ông khi trao quyền tha tội.’ Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ’ (Ga 20,22-23) …
Chúng ta thường có hình ảnh “tĩnh” về ơn tha tội; “xóa tội” như xóa những vết trên tường, trên áo. Ơn tha tội là cuộc tạo dựng mới nhờ quyền năng Thánh Thần, và sứ mạng loan báo ơn cứu độ để đưa người ta đến với Thiên Chúa, …
Tha tội là thông ban Thánh Thần cho người khác nhờ Lời Chúa và các bí tích để người ta được đổi mới” (Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Gio-an, tập II, trang 180-184).
Kết: Năm sự mừng thứ ba thì gẫm: Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Chúa Thánh Thần.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành