Lễ Đức Mẹ Lên Trời


Lễ Đức Mẹ Lên Trời

Năm nay kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha.

Fatima là một làng quê nghèo. Dân chúng sống bằng nghề nông và chăn nuôi, nhưng đạo đức. Năm 1910, nền quân chủ bị lật đổ, thay thế bằng nền cộng hòa. Ông Afonso Costa, bộ trưởng tư pháp, tuyên bố : “Ánh sáng cộng hòa chỉ chiếu sáng hai thế hệ thì tôn giáo tàn lụi. Tự do có nghĩa là không có Thiên Chúa. Tu viện, nhà dòng bị đóng cửa bởi luật lệ cộng hòa” (Janicet.Connel, Meetings with Mary,89).

Chúa nhật lễ Chúa Giêsu Lên Trời ngày 13-5-1917, ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta dẫn đàn chiên ra ăn ở đồng cỏ Cova da Iria. Bỗng ánh sáng chớp chói lòa. Các em sợ hãi. Chị Luxia kể lại với Đức Giám mục : “Con nói với hai đứa em họ của con là có lẽ mưa to, chúng ta phải mau lùa chiên về nhà. Khi đến lưng chừng đồi, gần bên cây sồi, chúng con thấy một tia chớp lóe lên. Bước thêm vài bước, chúng con thấy trên cây sồi có một Bà Đẹp, mặc áo trắng, sáng chói như mặt trời, từ Bà chiếu tỏa ra một luồng sáng rực rỡ. Chúng con dừng chân, đứng rất gần. Cả ba đều ở trong vùng ánh sáng.

Bà Đẹp nói :

Chúng con đừng sợ. Bà không làm gì hại chúng con.

Con hỏi :

Bà từ đâu đến ?

Bà trả lời :

Bà từ trời đến.

Con lại hỏi :

Bà muốn con làm gì ?

Bà đáp :

Bà đến xin chúng con một điều là trong vòng 6 tháng, các con hãy đến đây vào giờ này, vào ngày 13 mỗi tháng. Rồi Bà sẽ nói cho chúng con biết Bà là ai và Bà muốn gì.

Con hỏi :

Con có được về trời không ?

Bà trả lời :

Được, con được về.

Con hỏi tiếp ;

Em Giaxinta có được về không ?

Bà nói :

Giaxinta cũng được.

Con lại hỏi :

Em Phanxicô thì sao ?

Bà bảo :

Được, nhưng phải lần chuỗi nhiều.

(Hồi Ký Chị Luxia,197).

Hôm nay Lễ Mẹ Lên Trời. Sự chết là hậu qủa của tội lỗi, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội đã không nếm mùi cái chết. Vì thế các Giáo hội Đông phương thích dùng kiểu nói “Đức Mẹ ngủ” hơn là “Đức Mẹ lên trời”. Ngay từ thế kỷ VI lễ Mẹ Lên Trời, ngày 15-8, đã được cử hành ở Giêrusalem và Ai cập. Đến thế kỷ VII lan sang các Giáo hội Hy lạp và cuối thế kỷ đến Rôma.

Ngày 1-11-1950, Đức giáo hòang Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ lên trời : “Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời đã được kết hợp với Đức Giêsu Kitô một cách huyền nhiệm: vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh khi làm mẹ, cộng tác quảng đại với Đấng Cứu Thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hậu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân Người được, Đức Trinh Nữ cũng đã được gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ để nên giống Con mình. Sau khi chiến thắng sự chết, Người cũng được đưa lên vinh quang ở trên trời cả hồn lẫn xác, nơi Người được sáng láng, làm Nữ Vương bên hữu Con mình là Vua bất tử mọi thời” (LMTV, Gương Các Thánh,T.2,t.127).

Về ngày lễ Mẹ Lên Trời, Đức giáo hoàng Phaolô VI viết như sau : “Lễ Mẹ lên trời, ngày 15-8, là ngày Mẹ Maria đầy ơn phúc. Hồn vô nhiễm và xác trinh trong của Mẹ được vinh quang. Mẹ giống Chúa Giêsu phục sinh hoàn toàn nhất. Lễ này làm cho Giáo hội và nhân loại thấy được hình ảnh và bảo chứng êm ái cho niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta”.

Lời Chúa trong thánh lễ xác quyết đặc ân lên trời của Mẹ.

Trước hết là Bài Tin Mừng, Đức Mẹ ca ngợi mọi hồng ân Chúa ban : “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49). Trong đó làm sao không có ơn hồn xác được lên trời ?

Sau đó bài đọc 1 trong sách Khải Huyền, Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ trên trời cho Đức Mẹ : “Còn người phụ nữ trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở” (Kh 12,6a).

Cuối cùng là bài đọc 2 trong thư Côrintô của thánh Phaolô, Đức Mẹ lên trời vì Mẹ liên đới với Chúa Kitô : “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22).

Nói về Đức Mẹ trong những ngày thứ tư hằng tuẩn năm 1997, Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói về ơn hồn xác lên trời của Mẹ như sau : “Đức Maria đã đi vào vinh quang thiên quốc, vì Người đã đón nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng trinh khiết và trong trái tim của Người. Khi nhìn lên Đức Maria, người Kitô hữu học cách khám phá ra giá trị của thân xác mình và gìn giữ nó như đền thờ của Thiên Chúa, trong khi đợi chờ ngày sống lại. Việc lên trời của Đức Maria, một đặc ân được dành riêng cho Đức Mẹ Chúa Trời, trở thành một giá trị vô biên cho cuộc sống và thân phận của toàn thể loài người” (Phan Tấn Thành dịch từ bản tiếng Ý, Những Bài Huấn Giáo về Đức Maria 1999, trang 212).

Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, tử đạo ngày 28-4-1840, thọ 69 tuổi. Vì cha cao tuổi, quan trấn Ninh Bình muốn tha cha, nên khuyên cha :

Tôi chỉ muốn tìm cách cứu mạng ông. Xin ông chịu khó bước qua thập giá.

Cha đáp :

Tôi đã suy tính kỹ lắm rồi, càng nghĩ tôi càng cương quyết giữ vững đức tin cho đến chết.

Quan hỏi :

Thế ông không muốn sống à ?

Cha trả lời :

Mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi là con người có suy nghĩ. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng với người Kitô hữu, chết là cách sống đời đời trên thiên đàng.

Quan hỏi :

–  Ai bảo ông có thiên đàng ?

Cha đáp :

–   Đó là chuyện đương nhiên. Như nhà vua vẫn ban thưởng cho những trung thần, thì Chúa trời đất chẳng nhẽ không ban thưởng cho những tôi tớ trung thành phục vụ Người cho đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó, chúng tôi gọi là thiên đàng.

 Lên trời, lên thiên đàng là phần thưởng, ai mà chẳng cố gắng, chẳng lần chuỗi để được lãnh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành