Lễ Đức Mẹ Mân Côi


CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

4-10-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Đông Vinh

GIÁO HUẤN SỐ 44

SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI KHỦNG HOẢNG (tt)

Quả thực, là những người nắm quyền lực có cung ứng sự trợ giúp nào đó, nhưng điều này thường gắn với một giá cao. Tại nhiều nước nghèo sự trợ giúp kinh tế từ các nước giầu hơn hay từ các tổ chức quốc tế thường được ràng buộc với việc chấp nhận các quan điểm của phương Tây về tình dục, về hôn nhân, về sự sống hay về công bằng xã hội. Tình trạng thực dân ý thức hệ này có sức tàn phá đặc biệt đối với người trẻ. Chúng ta cũng thấy cách mà một loại quảng cáo nào đó dạy cho người trẻ thường xuyên không thỏa mãn, và đóng góp vào nền văn hóa vứt bỏ, trong đó chính những người trẻ cuối cùng bị vứt bỏ. Nền văn hóa hiện nay khai thác hình ảnh của người trẻ. Vẻ đẹp được gắn kết với một dáng vẻ trẻ trung, với những món mỹ phẩm che lấp đi dấu vết của thời gian. Thân thể của người trẻ thường xuyên được quảng cáo như cách để bán các sản phẩm. Lý tưởng của vẻ đẹp là nét trẻ, nhưng chúng ta cần nhận ra rằng điều này chẳng liên quan bao nhiêu với người trẻ. Nó chỉ có nghĩa rằng những người lớn muốn níu giữ nét trẻ cho mình, chứ không có nghĩa rằng họ tôn trọng, yêu thương và chăm sóc người trẻ (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 78&79).

 —————————–

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Lễ Mẹ Mân Côi

(Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)

Chuỗi Mân Côi với Đức Mẹ Trà Kiệu

Theo Từ Điển Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trang 493 : “mân côi’ là “hoa hồng

Theo Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, “mân” là “thứ ngọc” (trang 550); “côi” là “quí lạ” (trang 116).

Như vậy, mân côihoa hồng, ngọc quí.

Sau cuộc binh biến chống Pháp tại đồn Mang Cá, Huế đêm ngày 4-7-1884 bất thành, quan Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy lên núi Ấu Sơn, Hà Tĩnh. Tại đây vua Hàm Nghi ban hịch: “Bình Tây Sát Tả”, Tây là Pháp, Tả là người Công giáo. Hịch viết: “Mọi người hãy cương quyết gắng công tiêu diệt cho kỳ hết bọn Da-tô… Nếu mục tiêu này được thực hiện thì quân Pháp chắc chắn sẽ bị hoàn toàn tê liệt như cua gẫy càng, không bò, không kẹp được nữa”.

Quân Văn Thân đánh Trà Kiệu từ trưa ngày 1 đến ngày 21-9-1885, 21 ngày gian khổ, song lại là 21 ngày vinh phúc, vì được Đức Mẹ đến che chở phù trì. Quân Văn Thân vừa đông vừa đầy đủ súng đạn, có đại bác, có voi trận…Về phía giáo dân chỉ có giáo mác…

Ngay từ ngày đầu giáo dân đã sợ hãi, chạy vào nhà xứ để xin cha sở, cố Nhơn, đầu hàng, nhưng cha cậy nhờ Đức Mẹ cứu giúp. Cha đặt bàn thờ Đức Mẹ trong phòng của cha, với hai cây đèn hai bên. Ngài kêu gọi giáo dân già, trẻ, lớn bé, đến lần chuỗi. Thậm chí khi đẩy lui được quân địch, cũng chạy về bàn thờ lần chuỗi cám ơn Đức Mẹ.

Trà Kiệu được thoát khỏi binh đao chết chóc, được bình an, nhờ chuỗi mân côi. Chuỗi Mân Côi của Đức Mẹ, một người mẹ tuyệt vời như Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay diễn tả.

Bài đọc 1 : Bđ1 đọc sách Công Vụ Tông Đồ. Sách viết về Đức Mẹ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống như sau : “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách một đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê. An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma. Ba-tô-lô-mê, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su (Cv 1,12-14).

Sách Kinh Thánh “Lời Chúa Cho Mọi Người” của hai anh em Bernard và Louis Hurault, do nhóm CGKPV chuyển ngữ, giải nghĩa như sau : “Đây là cộng đoàn đầu tiên đang cầu nguyện, một nhóm khoảng 120 người (c,15), trong đó có các Tông Đồ chiếm một vị trí đặc biệt. Các người phụ nữ được nhắc đến ở đây trước hết là những bà đã theo Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem (Lc 19,26), ở đây thánh Lu-ca cho chúng ta thấy tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Ma-ri-a : Mẹ có mặt ở đó, chia sẻ niềm mong đợi của các tông đồ. Chắc chắn Đức Ma-ri-a giữ một vai trò có tính quyết định trong những ngày này, những ngày các ông đem ra nghiền ngẫm tất cả những gì đã thấy và học hỏi được nơi Chúa Giê-su : chỉ mình Mẹ mới có thể kể cho các ông nghe về biến cố Truyền Tin, về đời sống ẩn dật của Chúa, giúp họ đi vào mầu nhiệm  nhân cách thần linh của Người. Nhưng về tất cả những điều đó thì thánh Lu-ca lại không nói gì : giờ đây Đức Ma-ri-a lui vào thinh lặng. Khác hẳn các anh em của Chúa đầy tham vọng nắm quyền trong Hội Thánh, Mẹ hiện diện ở đó, trầm lặng nguyện cầu. Từ những ngày đầu tiên này, Hội Thánh đã có phẩm trật; nhưng tất cả những người sẽ được nhận Thần Khí đều là những thành viên thực thụ của ‘cộng đoàn’ này, còn gọi là ‘nhóm hiệp thông’” (trang 1821).    

 Sách Kinh Thánh của hai anh em Hurault giải nghĩa sự hiện diện của Mẹ với các Tông đồ và công đoàn tiên khởi trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là : “Ở đây thánh Lu-ca cho chúng ta thấy tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Ma-ri-a : Mẹ có mặt ở đó, chia sẻ niềm mong đợi của các tông đồ”.

Bài Tin Mừng : Sách “Kinh Kính Mừng”, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết, ông Nguyễn Hiệu chuyển ngữ : “Vì Đức Maria đã cưu mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng của mình, Mẹ mang đến sự tái sinh cho vũ hoàn, Mẹ đã mang Thiên Chúa đến ở giữa nhân loại. Chính Mẹ đã đi đến Thiên Chúa, để Ngài đến giữa chúng ta. Cha Rupnik đã tưởng tượng hình ảnh về Đức Trinh Nữ và Hài Nhi: đôi tay của Đức Trinh Nữ là những bậc thang để Chúa Giêsu đi xuống, một tay Người cầm cuốn Sách Luật và tay khác, níu lấy vạt áo của Đức Maria. Thiên Chúa níu lấy áo choàng của một người nữ để đến giữa chúng ta. Đó là hình ảnh đầy ý nghĩa nói lên sự khiêm hạ của Thiên Chúa, Ngài tiến lại gần chúng ta nhờ một người nữ, nhờ vào lời “xin vâng” của một người trong chúng ta. Đó chính là lý do tại sao Satan căm ghét Đức Maria: vì Mẹ là khí cụ biểu lộ sự quan phòng của Thiên Chúa” (tr.60).

Bài đọc 2 : Qua thư gửi cho giáo đoàn Ga-lát, Thánh Phao-lô viết : “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5).

Sách Kinh Thánh của Nhóm CGKPV trang 2585 viết: “Đấng Cứu Độ là chính Con Thiên Chúa. Người Do Thái vẫn chờ đợi Đấng Cứu Độ xuất thân từ nhà Đa-vít (Lc 1,69). Ở đây nhấn mạnh đến mầu nhiệm nhập thể. Thiên Chúa làm người. Người nhập vào một dân tộc, sống trong thời gian nhất định trên giải đất cụ thể, làm con một người đàn bà. Điếu này gợi lên lời hứa trong St 3,16. Đức Ma-ri-a giữ vai trò quan trọng trong nhiệm cục cứu độ (Mt 1,17; Lc 1,31; Mc 6,3). Ngoài ra, Đức Giê-su chấp nhận một thân phận mỏng dòn và chia sẻ với loài người đang bị Luật giam hãm (3,23) và bị nguyền rủa (3,13)”.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu. Ngày xưa trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối thánh Gioan cho Mẹ : “Đây là con của Mẹ”. Chúng con sung sướng được Mẹ nhận làm con. Mẹ luôn che chở phù trì, Ơn của Mẹ làm sao con quên.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành