Lễ Giáng Sinh


LỄ GIÁNG SINH

(Is 9,1-6; Tt 2, 11-14; Lc 2,1-14)

Nói đến Lễ Giáng sinh là phài nói đến ca nhạc, đến điện đèn, đến ngôi sao, đến hang đá…Nhưng hang đá là quan trọng nhất, hang đá diễn tả ý nghĩa Chúa giáng sinh nhất.

Hang đá có từ bao giờ?

Truyện thánh Phan-xi-cô kể lại như sau: “Hai tuần trước lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô mời ông Gio-an Vô-li-ta, một nhà quí tộc. Thánh Phan-xi-cô đề nghị ông: Ông bạn ạ, tôi muốn diễn lại cảnh Be-lem xưa, để thông cảm hết nỗi thiếu thốn của Chúa. Ông gắng giúp tôi một tay. Ông chọn một hang đá rộng rãi trên sườn núi, rồi chuẩn bị một máng cỏ, và dắt vào đó một con bò và một con lừa.

Lễ Giáng Sinh năm 1223 không khác gì ở Be-lem xưa. Mầu nhiệm Thiên Chúa ra đời được diễn tả lại. Giữa đêm khuya đêm tối, hàng ngàn ánh đuốc chập chờn kéo nhau theo con đường dốc ngoằn ngoèo đi lên hang đá. Ông Gio-an Vô-li-ta dọn sẵn: có máng cỏ, có bò lừa. Tất cả chờ đợi Con Chúa ra đời. Rừng cây, hang đá lấp lánh ánh sáng và vang dội tiếng hát mừng Chúa ra đời” (Antôn, Thánh Phanxicô Assisi, trang 288).

Hài Nhi Giê-su đã hiện ra trong máng cỏ và nhoẻn miệng cười với thánh Phan-xi-cô. Ngài bế Hài Nhi mềm yếu trong tay, ôm Hài Nhi vào lòng. Ngài và Chúa nói chuyện với nhau… Các nông dân tham dự thánh lễ đã được mắt thấy tai nghe Hài Nhi Giê-su hiện ra nói chuyện với thánh Phan-xi-cô. Lòng họ bừng sáng, vui sướng” (Murray, Thánh Phanxicô, Hành Trình và Ước Mơ, trang 85).

Còn ở Việt Nam, ai làm hang đá đầu tiên?

Trong cuốn ‘‘Người Chứng Thứ Nhất”, sử gia Phạm Đình Khiêm kể lại: “Lễ Giáng Sinh năm ấy (1643) thày giảng Anrê Phú Yên (tử đạo ở Thanh Chiêm, Phước Kiều), có bàn tay vàng, khéo léo làm một hang đá rất đẹp. Máng cỏ ở giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Giáo hữu khắp vùng lân cận đến viếng Chúa Hài Đồng. (Ngươi Chứng Thứ Nhất. tr. 91).

Hang đá, không những diễn tả ý nghĩa Chúa sinh ra đời, còn diễn tả một ý nghĩa sâu xa khác.

Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết: “Đức Ma-ri-a lấy tã bọc con. Hài Nhi mới sinh được đặt trong tả lót, báo trước cái chết của Ngài. Cũng vậy máng cỏ được cắt nghĩa như một bàn thờ.

Ngài viết tiếp: “Thánh Âu-tinh giải thích ý nghĩa “máng cỏ” hết sức độc đáo. Trước hết là nơi thú vật tìm thấy thức ăn nuôi dưỡng. Nhưng giờ đây, máng cỏ được dùng để đặt Đấng là bánh từ trời, bánh hằng sống, là thức ăn thiêng liêng nuôi dưỡng con người, là của ăn mang lại cho con người sự sống chân thật, sự sống vĩnh cửu. Theo nghĩa này máng cỏ chính là bàn tiệc mà Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận Bánh hằng sống.” (Phạm Đình Phước chuyển dịch, trang 69-70).

Be-lem, nơi Chúa sinh ra, có nghĩa là “nhà bánh“, “house of bread” (Scott Hahn, Catholic Bible Dictionary). Như thế, chẳng những máng cỏ hàm ý Chúa là “bánh hằng sống”, mà Be-lem cũng hàm ý nghĩa ấy.

Tội lỗi làm loài người phải chết, nhưng Chúa Giêsu đến cho loài người được sống. Lời Chúa trong thánh lễ đêm nay cho chúng ta ý nghĩa “cứu sống”.

Bài đọc 1: Bđ1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. Đoạn sách này cho biết hoàn cảnh của dân Í-ra-en lúc đó là “Một dân tộc bước đi trong u tối và như là lãnh địa của người chết. Cả một dân tộc bị lưu đày sống dưới sự tàn bạo của đế quốc Assyrie (At-sua), tất cả đều vai mang ách, cổ mang gông, có một số người bị móc mắt. Đó là tội bất trung với Chúa. Nhưng dù tội đáng phạt, Thiên Chúa vẫn yêu thương. Phạt đối với Ngài là để cảnh cáo, để sửa chữa, để kêu gọi ăn năn, để cứu vớt. Vì thế, ý định của Ngài là sẽ can thiệp để cứu dân, muốn cho họ được nhìn thấy ‘ánh sáng chứa chan’ (Vô danh, Trình Bày Lời Chúa, trang 41).

Bài Tin Mừng : BTM thuật lại biến cố Chúa sinh ra. Trong đó có câu chuyện thiên thần đến báo cho các người chăn chiên. Họ đã đến và họ đã nghe các thiên thần hát :

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Binh an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Tập sách “Tin Mừng Dẫn Giải Giáng Sinh” của Trao Đổi viết: “Trong câu ‘cho loài người Chúa thương’ bản Vulgata (Phổ thông) dịch là ‘bình an cho người thiện tâm’. Từ lâu người ta phân vân không biết phải hiểu nghĩa nào vì không tìm thấy chữ ấy trong Cựu Ước. Sau nhờ chứng chỉ Qumran, người ta hiểu được Tin Mừng muốn chỉ nghĩa thứ nhấtTựu trung, vẫn là ơn cứu chuộc do kế đồ cánh chung của Thiên Chúa đã đến với nhân loại. Thiên Chúa đã đoái thương dân người. Ngài đến đế nối lại mối giao hòa đã bị rạn nứt giữa Thiên Chúa và người trần. Đấy cũng là kế đồ yêu thương từ muôn thuở của Thiên Chúa đã được hát trong thánh vịnh 85” (trang 151-152).

Trong các truyện giáng sinh có câu chuyện: “Bà Khách Cuối Cùng”.

Mục đồng đã đến, Ba Vua đã đến dâng lễ vật. Ai nấy đã về nhà… Đức Mẹ nói với thánh Giuse :”Chắc chẳng còn ai nữa đâu ?”. Đức Mẹ nói chưa dứt câu thì một bà cụ già, quần áo rách rưới, lưng còng, còng đến nỗi đầu lúc nào cũng cúi gần sát đất, khiến Đức Mẹ và thánh Giuse chẳng làm sao thấy mặt bà. Bà đến sát máng cỏ, quì xuống, lấy lễ vật ra, lễ vật gói trong vạt áo rách. Đó là trái táo. Bà không ngẩng mặt được, chỉ giơ được hai tay, để đặt trái táo vào tay Chúa Hài Đồng. Dâng xong, bà chắp đôi tay cầu nguyện. Thánh Giuse và Đức Mẹ chẳng nghe được lời nào, chỉ nghe thấy tiếng khóc, tiếng nức nở, tiếng thổn thức. Nước mắt xối xả tuôn chảy trên mặt bà. Thỉnh thoảng bà lấy vạt áo bạc màu lau mặt. Bụi đường bám trên mặt bà trôi theo dòng nước mắt. Bỗng bà cảm thấy trong người bà có một sức mạnh kỳ lạ, làm cho mặt bà ngẩng lên được, lưng bà cũng hết còng. Bà đứng lên. Lúc đó Đức Mẹ mới trông rõ khuôn mặt của bà. Không ngờ đó là bà Evà, vợ ông Ađam, người đàn bà đầu tiên Chúa dựng nên, người đàn bà đã ăn trái táo Chúa cấm trong vườn Địa Đàng. Và lạ lùng thay, trái táo bà dâng cho Chúa Hài Nhi nay đã trở thành qủa địa cầu, có 5 châu 4 bể, đủ các nước trên thế giới, mầu sắc rực rỡ, đẹp đẽ. Càng thấy sự lạ bà Evà càng khóc. Thấy bà khóc, thánh Giuse và Đức mẹ cũng khóc theo.

Qua câu chuyện “Bà Khách Cuối Cùng”, tội lỗi đã làm cho bà Evà cũng như tất cả chúng ta đau khổ, chết chóc. Trái lại thánh thiện đạo đức làm cho người ta vui sống. Nhưng ai tha thứ tội lỗi cho chúng ta ? Ai giúp chúng ta sống thánh thiện, đạo đức ? Đó là ước vọng của lòai người, là sự chờ mong của lòai người. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã xuống thế đẻ đáp lại điều lòai người mong chờ.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành