Lễ Giáng Sinh Trong Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Lễ Giáng Sinh Trong Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Cha Alexandre de Rhodes đã ghi lại các lễ Giáng Sinh tại VN, trong hai tập hồi ký : Relations des Progrès de la Foi au Royaume de la Cochinchine vers les Derniers Quartiers du Levant, Paris 1652, và Voyages et Missions du Père Alexandre de Rhodes de la Compagnie de Jésus en la Chine et Autres Royaumes de L’orient. 1653. Trong bài này, các phần trích dịch được lấy từ cuốn ‘‘Lịch sử Truyền Giáo tại VN’’ của Lm. Nguyễn Hồng. Và ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’ của Phạm Đình Khiêm.
Lễ Giáng Sinh trong các Giáo Đoàn VN đầu tiên
Theo Ký sự của Cha Đắc Lộ, Lễ Giáng Sinh trong các giáo đoàn đầu tiên được tổ chức cách đặc biệt. Ngoài thánh lễ theo nghi thức Roma, còn có các nghi thức phù hợp với dân tộc Việt Nam. Vừa làm cho ngày đại lễ trở thành long trọng vừa hân hoan nhất, lưu lại tâm tư mỗi người, từ già cả đến lớp trẻ thơ những kỷ niệm êm đềm nhất trong đời.
Vào ngày vọng Giáng Sinh, trước nửa đêm, Cha cử hành trọng thể phép Rửa Tội cho những tân tòng. Để làm nổi bật ý nghĩa tái sinh của những người gia nhập kitô giáo. Sau lễ Rửa Tội, giáo dân cùng nhau ca hát những bài vãn Sinh Nhật, do cha đặt và tập công phu từ nhiều tháng trước. Tiếp đến, rước tượng Chúa Hài Đồng, có kèn trống, bát âm, đốt cây bông cây hoa và bắn cả súng hỏa mai. Cha giảng về mầu nhiệm Chúa Cứu Thế cứu chuộc giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Sau bài giảng, mọi người thi lễ ‘‘Qùi gối bái lạy Chúa Hài Đồng’’, và thánh lễ Nửa Đêm bắt đầu. Sau lễ, cha và giáo dân lần lượt ‘‘quì gối bái lạy’’ và hôn chân Chúa Hài Đồng. Lễ Nửa Đêm còn nhiều ràng buộc, nên ít nữ giới. Lễ ban ngày thì có mặt đủ thành phần.
Lòng mộ Đạo của các giáo Đoàn tiên khởi
Nhờ tinh thần thích ứng khôn khéo của các thừa sai, mà giáo dân đã thâm nhiễm sâu xa về mầu nhiệm Phúc Âm qua các dịp lễ Giáng Sinh, Ba Ngày Tết, Lễ Nến, Mùa Chay, Tuẩn Thánh…
Đời sống thanh sạch vô tội và lòng đạo của những tân tòng trong giáo đoàn xứ Bắc là bằng chứng hiển nhiên. Ơn Chúa phù hộ chúc phúc hơn cả những ơn lạ Ngài ban. Tôi có thể nói thực rằng điều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó bao nhiêu người công giáo là bấy nhiêu thiên thần và ơn Phép Rửa Tội đã ban cho họ một tinh thần mà chúng ta đã gặp thấy ở các Tông Đồ và các Thánh Tử Đạo của Giáo Hội tiên khởi. Họ có đức tin xâu sa vững mạnh không có gì có thể nhổ khỏi lòng họ.
Lòng mến chuộng đức tin đã được lãnh nhận cho họ một lòng kính trọng không thể tưởng được đối với tất cả những nghi lễ dù nhỏ mọn mà họ được dự. Họ coi những vị thừa sai đến giảng đạo như những thiên sứ và lấy làm hân hạnh được vâng phục các ngài trong những điều nhỏ mọn. Không lần nào tôi trình bày cho họ về Thánh Giá mà không thấy họ cảm động rơi lệ. Có những người ở xa 15 ngày đường đến để được xưng tội rước lễ. Còn những người ở xa nhà thờ không quá 50 hoặc 60 dặm đường thì không bao giờ chịu mất lễ các ngày lễ buộc. Họ đến từ chiều hôm trước và mãi đến hôm sau, sau khi dự hết các nghi lễ mới về, nghĩa là lúc chiều tà. Suốt cả ngày hôm đó, họ ở nhà thờ cầu nguyện, khiêm nhượng sốt sắng hết sức, khiến tôi rơi lệ.
(Voyages et Missions. Bản dịch Lm. Nguyễn Hồng. tr. 12)
Lễ Giáng Sinh, thầy giảng Anrê Phú Yên dọn Hang Đá (1643)
Trong cuốn ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’ (1959, Sàigòn) của nhà văn Nguyễn Đình Khiêm, theo tài liệu trong ký sự của Cha Đắc Lộ, tác giả có viết về Thày giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên tại VN, có ghi lễ Giáng Sinh khá đặc biệt:
Lễ Giáng Sinh năm ấy (1643) đoàn Thày Giảng đang có mặt tại Kinh đô. Và lịch sử Giáo Hội VN đã được ghi một cuộc mừng Lễ Sinh Nhật khá ly kỳ, tổ chức ngay trong dinh ông Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức. Tại đây, thày giảng Anrê Phú Yên, vốn có tài khéo léo dựng nên một hang đá rất đẹp. Máng cỏ ở giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Giáo hữu khắp vùng lân cận đến viếng Chúa Hài Đồng. Chính ông Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu, gia nhân đến thờ lạy và triều yết ‘‘Vua vinh hiển xuống thế làm người’’. Không có cha, không có thánh lễ, nhưng đặc biệt có một phụ nữ mạnh dạn và sốt sắng lên tiếng trước mặt giáo hữu và quan khách giảng về sự cao cả Chúa giáng trần. Phụ nữ ấy chính là bà Minh Đức, mẹ quan Tổng Trấn, bà dì của chúa Thượng. (Ngươi Chứng Thứ Nhất. tr. 91)
Thiết tưởng cũng nên ghi thêm : Bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi là tiết phụ của chúa Tiên, tức chúa Nguyễn Hoàng, con trai Đại thần Nguyễn Kim, thủy tổ nhà Nguyễn. Bà là dì ruột chúa Sãi Vương, là thân mẫu của Nguyễn Phúc Khê, Nghĩa Hưng Quận Công. Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê là con thứ 6 của Nguyễn Hoàng. Trong cuốn ‘‘Lịch Sử truyền giáo tại VN’’ (Q. I tr. 250), tác giả thuật lại lời nhà truyền giáo ghi công ơn bà Minh Đức như sau : Lúc sinh thời bà che chở cho giáo dân trong những cơn bách hại, bà hoạt động truyền giáo rất nhiệt thành. Sau 24 năm trung thành với Đạo Chúa và hoạt động tông đồ, bà từ trần vào cuối năm 1648, thọ hơn 80 tuổi. Giáo đoàn miền Nam thiệt hại rất nhiều vì cái chết của Bà. Một cây cột cái trong nhà giáo đoàn xứ Nam, và là vị lãnh đạo can trường của họ trong thời bị bách hại.
Lễ Giáng Sinh trong cảnh giam cầm, quản thúc (1644)
Lễ Giáng Sinh được giáo dân tổ chức âm thầm lén lút trong lúc Cha Đắc Lộ phải chạy trốn, giam cầm và quản thúc. Đây cha thuật lại:
Từ trước đến giờ tuy bách hại giáo dân, nhưng quan trấn Quảng Nam vẫn không dám động đến tính mệnh cha Đắc Lộ, bắt giam cầm hay nhục mạ. Dầu sao cha vẫn đưọc người được chúa Thượọng kính nể, vì muốn bang giao với người Bồ để thương mại, hàng hóa, mua súng ống. Nhưng lần này ông ra lệnh bắt giam cha, nhưng rồi chúa Thượng ra lệnh giải phóng.
Sau 6 tháng bí mật hoạt động, ông đã được hay biết cha có mặt trong vùng ông quản trị. Đánh rắn phải đánh vào đầu. Mất chúa chiên đoàn chiên phải tan rã. Lần này ông nhất định không để cha lọt tay ông một lần nữa. Biết giáo dân quen mừng lễ Giáng Sinh trọng thể, ông chờ dịp đó để bắt cha, đồng thời bắt giáo dân đến mừng lễ với cha.
Một xóm đạo làm muối được chọn làm chỗ hội họp mừng lễ Sinh Nhật. Và Thánh Lễ Nửa Đêm sẽ dâng tại nhà ông Nicola Hào. Một căn nhà rộng rãi và đẹp đẽ rất tiện cho buổi lễ hôm đó.
Do một nguồn tin nào đó, quan trấn đã biết được chỗ của cha. Hôm vọng lễ, một toán lính bí mật đến thình lình ập vào nhà ông Hào. Tưởng thế nào cũng bắt được cha đang hành lễ tại đó. Nhưng may mắn hôm đó cha dâng lễ tại nhà bên cạnh. Không bắt được tang vật gì, tra hỏi cũng không ai chịu nói, họ đành rút lui, để rồi lại trở lại.
Suốt hôm đó, cha tiếp tục giải tội và rửa tội cho 22 tân tòng. Đến đêm sang nhà Ông Nicola Hào thì đã có đến 7, 8 trăm người chờ sẵn, tất cả đều quì gối chu chu chắm chắm, thật sốt sắng cảm động. Và theo cha Đắc Lộ, phải có mặt hôm đó, thì mới hiểu được thế nào là một đêm Sinh Nhật sốt sắng. Trong thầm lặng của đêm thanh vắng, cha tưởng tượng được thấy tất cả được sáng ngời của Thiên Quốc, mà cha sẽ không bao giờ có thể tả được hết những niềm yên vui đã được. Có thể nói tất cả những tráng lệ của thánh đường tây phương với những nhạc du dương đêm đó, cũng chưa đem sánh gần được. Không ai có thể hiểu hết được nếu không chính mình đã tìm được cảm nếm yên vui đó. (Voyages et Missions, tr. 219)
Hình như có linh tính trước, lễ vừa xong, trước rạng đông, cha đã ra lệnh cho tất cả phải rút lui về. Đúng thế, vừa mới tảng sáng, toán lính hôm trước lại ập tới. Nhưng cha đã tạm lánh đi nơi khác, chỉ còn 5 cộng tác viên của cha, trong đó có thày Inhaxu. Sau một đêm nhọc mệt giảng cho dân chúng, thày thiếp ngủ, lúc quân lính đến vây, thày không trốn kịp, bị họ bắt trói một cách tàn nhẫn. Nhưng họ đã không trói được miệng thày. Thày đem những lời hay lẽ phải ra nói cho họ hiểu và ‘‘trước sức mạnh bất dịch của Thánh Linh’’. Đấng đã nói qua miệng thày. Họ đã kinh ngạc rút lui, quên không cởi trói cho thày.
Biết bị họ theo dõi, cha Đắc Lộ và các thày giảng xuống thuyền lánh ra chỗ hẻo lánh, cách xa chừng bốn dặm. Cha vẫn chưa muốn rời xa vùng đó, vì còn nhiều giáo dân chưa kịp xưng tội và rước lễ Sinh Nhật. Họ tiếp tục bí mật đến gặp cha. Nhưng chiều vọng lễ thánh Stephano (vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội thời các thánh Tông Đồ) đang giải tội, thì một thày cai đến yêu cầu cha và thày Inhaxu đến gặp quan đề xin cho ở lại trong họ đạo. Tại nhà ông Nicola Hào, nơi cha đang dâng lễ Nửa Đêm Sinh Nhật, ông tiếp đãi cha tử tế, và giao cho các hương chức tuần đinh bên lương canh giữ cha đêm đó.
Tuy bị bắt giam nhưng tinh thần truyền giáo của cha và thày Inhaxu vẫn không hề lay chuyển, còn sống còn hoạt động. Tất cả cơ hội đều được lợi dụng để gieo vãi Tin Lành Cứu Chuộc. Suốt cả đêm hôm đó, cha và thày Inhaxu giảng đạo cho hương chức và các tuần đinh, công việc mà cha Đắc Lộ coi là thú vị gấp ngàn lần giấc ngủ. Cha giúp họ hiểu ra lẽ phải của đạo và tất cả đều cho lời cha nói là phải. Nhưng cha phàn nàn vì họ thiếu can đảm để bước quyết định. Họ đưa ra nhiều vấn nạn để bào chữa cho thái độ của họ mà vấn nạn chính vẫn là : ‘‘ Nếu đạo phải đạo tốt, sao nhà chúa không theo.’’
(Voyages et Missions, tr. 220)
Lễ giáng Sinh tại Hội An (1656)
Cuối năm 1648, bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi từ trần. Sau khi bà mất, giáo dân không còn chỗ nương tựa, nên nhiều cuộc bách lại tiếp tục. Ông Phêrô Văn Nết, một người liêm chính được bà Minh Đức đặt làm quản lý trông coi đền bà. Vì lòng nhiệt thành với Đạo, ông dùng nhà riêng của ông nhóm họp anh chị em giáo dân để kinh nguyện. Ông cũng dùng gia cư của ông để làm nơi các tân tòng qui tụ để ông dạy giáo lý. Ngoài ra, ông là người tận tụy giúp đỡ những người nghèo khó bệnh tật. Chẳng may, do một tên phản bội tố cáo các hoạt động truyền giáo của ông, nên ông bị bắt. Ông can đảm tuyên xưng đức tin và anh dũng nhận bản án trảm quyết. (1606-1856)
Nhưng rồi từ 1656 và 1657, chúa Hiền Vương thắng được chúa Trịnh, chiếm được Bắc Bố Chánh và mưu toan thừa thắng kéo ra Bắc… Nhờ đó, giáo đoàn xứ Nam được hai năm hòa hoãn Đàng khác vì chúa Hiền Vương muốn chiều lòng các giáo sỹ truyền giáo để mong nối lại buôn bán với người Bồ Đào Nha. Từ đó, giáo dân được tự do đến gặp các giáo sỹ không còn lén lút trong đêm khuya như trước.
Riêng các giáo sỹ vẫn bị bó buộc không được rời khỏi khu vực cửa Hàn và cửa Hội An. Giáo sỹ Francisco Rivas ở cửa Hội An và giáo sỹ Petro Marquez ở cửa Hàn. Lợi dụng thời gian yên ổn này, cha Francisco Rivas tổ chức lễ Giáng Sinh năm 1656 rất long trọng để nhóm lại lòng đạo đức của giáo dân. Đây là một trong những lễ Giáng Sinh có nhiều kỷ niệm nhất trong giáo đoàn miền Nam nước Việt.
Lễ Giáng Sinh là biến cố văn hóa của dân Việt
Phần này, xin trích dẫn một đôi dòng về ý nghĩa văn hóa VN của Lễ Giáng Sinh trên đất nước VN :
– Nếp sống người dân Việt
Hơn 400 năm qua (1533-1984) giở lại những trang sử cũ, đốt nén tâm hương, hướng lòng về dĩ vãng, người kitô VN hãnh diện về những nỗ lực của tổ phụ mình trong công cuộc đóng góp vào việc phát triển dân tộc, những đóng góp có thể nói là đầy máu và nước mắt của giáo sỹ và giáo dân.
Đây là giai đoạn mở đầu cuộc xây dựng miền Nam, nơi mà ngày nay ta huởng tự do và cũng là thời kỳ tiếp nhận thông điệp Phúc Âm có ảnh hưởng nếp sống tinh thần của người Việt.
Gs. Trương Bửu Cầm, (Giám Đốc Viện khảo Cổ, Sàigòn 1959) Tựa cuốn ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’
Ngày nay người ta không thể nói tới văn hóa VN hay cuộc sống của người VN trong bất cứ phạm vì nào mà không nói tới sự hiện diện vai trò và sự đóng góp của người công giáo. Gs. Phạm Cao Dương.(sử gia ngoài công giáo)
Một đại lễ của dân tộc VN
Bên cạnh những ngày lễ cổ truyền như giỗ tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Thich Ca thành đạo, Phật Đản, Khổng Tử… Giáng Sinh, Phục Sinh, Các Thánh… đã trở thành những ngày nghỉ pháp định quen thuộc. Các từ ngữ chỉ những ngày này đã trở thành gắn bó với đời sống của học sinh, sinh viên. Đối với những thành phần trẻ này, Giáng Sinh, Phục Sinh… một phần đã mang ý nghĩa của những ngày sống thanh thản, nghỉ ngơi, những ngày của sinh hoạt thanh niên, những ngày rong chơi, câu cá, thả diều ở đồng ruộng.
Riêng Lễ Giáng Sinh sau này đã trở thành một đại lễ, đúng ra là ngày đại hội quan trọng đối với đa số thanh niên VN, ít ra ở các thành thị. Không nhất thiết là những người có đạo, người dân Sàigòn trong những trước năm 1975 cảm thấy lòng mình chợt ấm áp, nao nức và trẻ trung trở lại khi thời miền Nam chuyển mình với những buổi sáng, chiều bỗng dưng mát dịu, đôi khi hơi lành lạnh, song song xuất hiện những gian hàng quen thuộc được dựng lên theo các hè phố, trên các đại lộ… Những gian hàng này được giữ nguyên từ Giáng Sinh tới Tết nguyên đán.
Muốn nhìn thấy sự nhịp nhàng của cuộc sống dân Sàigòn nói riêng và của dân VN nói chung, trong những đổi thay của vũ trụ và của lòng người. Người ta chỉ cần đến sinh hoạt thủ đô miền Nam trong đầu mùa mưa tới đầu năm Âm lịch thì thấy rõ. Trong thời gian này, đêm Giáng Sinh phải được kể những biến cố đáng chú ý nhất của sinh hoạt Người Việt hiện đại bên cạnh ngày Tết. Nó không còn là ngày lễ thuần túy công giáo mà trở thành biến cố chung của mọI người. Tinh thần hòa đồng tôn giáo của ngườI Việt một phần nào được bìẻu hiện trong ngày lễ này. (Cộng Đồng. 2.1980)
Lucia Phương Thảo
Nguồn : giaoxuvnparis