Lễ Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


CN 33 B

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Giáo xứ Hà Tân và Khánh Thọ

Chầu Thánh Thể

18-11-2018

GIÁO HUẤN SỐ 51

Niềm Vui của Tình Yêu Số 138

ĐỐI THỌAI (tt)

Hãy phát triển thói quen trao tầm quan trọng thực sự cho người kia. Điều này có nghĩa là biết trân trọng họ, nhìn nhận quyền tồn tại của họ, quyền suy nghĩ theo cách riêng và quyền được hạnh phúc của họ. Đừng bao giờ chế diễu những gì họ nói hay nghĩ, ngay cả khi bạn cần diễn tả quan điểm riêng của mình. Chính ở đây hàm ẩn một xác tín đó là tất cả mọi người mọi đều có cái gì đó để đóng góp, bởi vì mỗi người đều có một kinh nghiệm sống khác, mỗi người nhìn sự vật từ một quan điểm khác, mỗi người đều có mối quan tâm ấp ủ khác, những khả năng và những trực giác khác. Chúng ta phải nhận ra được sự thật của người kia, tầm quan trọng của mối bận tâm sâu xa nhất của người ấy, và những gì mà người ấy ngầm muốn nói, ngay cả thông điệp nằm đằng sau những ngôn từ gay gắt. Vì lý do đó ta phải cố đặt mính vào chỗ của người ấy, cố gắng nhìn vào trái tim của người ấy, hiểu ra những bận tâm sâu xa nhất của người ấy và lấy đó làm khởi điểm cho một cuộc đối thoại sâu xa hơn.

CN 33 B

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Mừng kính CTTĐVN hôm nay, trước hết chúng ta phải hãnh diện về mảnh đất Giáo phận Đà Nẵng của chúng ta : “mảnh đất mẹ”, “mảnh đất xuất phát”, “mảnh đất anh hùng”, “mảnh đất thiêng”.

Với những biến cố, những ngày tháng làm cho mảnh đất Đà Nẵng đáng ghi nhớ:

  1. Năm 1523 ông Duarte Coelho được sai làm sứ giả đến điều đình một cuộc liên lạc thương mại giữa người Việt và người Bồ. Gặp lúc trong nước đang rối loạn, không hy vọng có thể gặp nhà vua để điều đình, ông Duarte Coelho rút lui và có ghi lại ở vùng biển một hình Thánh Giá lớn làm kỷ niệm (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 33)
  2. Tháng 6-1556, 33 năm sau, ông Fernand Mendes Pinto, một giáo sĩ dòng Tên, qua biển Việt Nam gặp hình Thánh Giá nói trên ở Cù Lao Chàm. Thánh Giá được khắc trên một tảng đá lớn, ngoài 4 chữ INRI (Jesu, Nadaret, Rex-Vua, Judae-Do Thái); còn ghi năm và tên tác giả (BĐS, sđd, trang 33).
  3. Năm 1580 hai cha dòng Đaminh là cha Grégoire de la Motte người Pháp và cha Luis de Fonséca người Bồ từ Malacca vào đất Miên. Hai cha chẳng những giảng đạo cho dân Miên, mà còn giảng đạo cho dân Chiêm và dân Việt ở Quảng Nam, nơi Nguyễn Hoàng đã vào trấn đóng từ năm 1566. Năm 1586, nhân một cuộc chiến giữa Chiêm Thành và chúa Nguyễn hai cha bị vua Chiêm bắt về kinh thành Chà Bàn (Bình Định) với nhiều tù binh. Hai cha tiếp tục giảng cho các tù binh. Năm 1588, vua Chiêm khi nghe biết hai cha là những thừa sai Công giáo, liền lên án tử hình. Cha Luis de Fonséca bị chém chết khi đang đang dâng lễ. Còn cha Grégoire bị nhiều vết thương nặng, chạy thoát tới vùng ven biển, được một chiếc tầu buôn Tây Ban Nha chở về Malacca, giữa đường cha qua đời (BĐS, sđd, trang 51-52).
  4. Trước khi qua đời, cha Grégoire de la Motte được an ủi khi nghe tin cha Juan Maldonado và cha Pedro de la Bastida đang giảng đạo ở Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn (BĐS, sđd, trang 54).
  5. Năm 1596 đại úy Gallinato từ Malacca đến ra lệnh cho đoàn tầu theo bờ biển lên Quảng Nam. Đến Cửa Hàn, từ đàng xa trông lên ngọn đồi gần đấy có một Thánh Giá rất lớn. Theo tương truyền, 13 năm về trước có một bọn người định tâm phá Thánh Giá đã “bị Trời phạt”. Lên đất Cửa Hàn, đoàn người gặp hai cha Âutinh làm tuyên úy cho các thủy thủ và thương gia Bồ. Ngày 28-8-1596 hai cha dòng Âutinh mừng lễ thánh phụ (BĐS, sđd, trang 78).
  6. Đà Nẵng là mảnh đất hai cha Dòng Tên Buzomi và Cavalho đặt chân đến rao giảng Tin Mừng ngày 18-1-1615. Kể từ đó hạt giống Tin Mừng được tiếp tục gieo vãi trên cả nước
  7. Đà Nẵng là nơi có Nhà Thờ đầu tiên.
  8. Đà Nẵng là nơi 10 người Việt đầu tiên được rửa tội vào lễ Phục Sinh 1615, 10 bông lúa đầu mùa của Giáo Hội Việt Nam (BĐS, sđd, trang 91)
  9. Năm 1617 cha Phanxicô Pina được sai đến Việt Nam. Cha có tài học tiếng. Cha là người giảng không cần thông ngôn. Cha là người dạy tiếng Việt cho cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Năm 1625, tầu không vào được cửa biển, cha Pina ra nhận đồ lễ. Thuyền gặp bão, cha qua đời (BĐS,sđd, trang 108).
  10. Vĩnh Điện là nơi cha Pina với sự trợ giúp của các vị nho sĩ soạn một cuốn giáo lý bằng chữ Nôm đầu tiên.
  11. Ngày 7-12-1624 cha Alexandre de Rhodes, tên VN là Đắc Lộ, đặt chân lên đất Hội An. Lúc đó đã có cha Buzomi và cha Pina. Cha Pina nói sỏi tiếng Việt. Khi nghe người Việt nói như chim hót, cha Đắc Lộ thất vọng. Cha nghĩ là không thể tập nói được. Cha học tiếng Việt với cha Pina và một cậu bé độ 10,12 tuổi.

Về cậu bé, cha Đắc Lộ kể lại như sau : “Chỉ trong 3 tuần lễ, cậu bé đã dạy tôi biết tất cả những cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Âu châu, thế mà cũng trong 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời cậu học đọc, học viết tiếng Latinh và  có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu. Sau đó cậu trở thành Thày Giảng giúp việc các cha truyền giáo, và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của Thày và nơi Vương quốc Lào láng giềng” (Trong Internet Yahoo “Cha Đắc Lộ”).

Cậu bé dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ sinh năm 1612 tại Cây Trâm, giáo xứ Tam kỳ, Quảng Nam ngày nay. Tên Việt Nam của cậu có thể là Trang. Nhưng cậu nhớ ơn cha, lấy tên Rhodes của cha đặt tên cho mình, còn tên thánh là Raphael . Ông Raphael Rhodes xuất tu, làm thông dịch viên cho các thương gia Hòa Lan, Bồ tại Thăng Long và Phố Hiến. Ông có nhà tại Thăng Long và Phố Hiến. Năm 1670 đi thăm giáo phận Đàng Ngoài lần đầu tiên, Đức cha Lambert de La Motte lúc ở trên tầu, lúc ở trong nhà ông. Ông có công xây dựng Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Ông  giúp đỡ các thừa sai về tinh thần và vật chất. Sau 7 năm bệnh tật liệt giường, ông qua đời ngày 29-6-1687, thọ 75 tuổi. Đức cha Bourges hiện diện trong giờ chết của ông (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 7-8).

  1. Tháng 7-1625 dưới sự chủ tọa của cha kinh lý De Mattos, các thừa sai nhóm họp tại Hội An, để giải quyết vấn đề : Thầy Giảng, lễ nghi, danh từ tôn giáo. Một nhận định cuối cuộc họp : “Năm 1625 Đạo Công giáo đã được rao giảng khắp các thị trấn lớn ở xứ Nam. Chúng tôi với tất cả 10 cha dòng. Công việc thật vất vả, nhưng chúng tôi không lấy gì làm nặng nhọc, vì Đấng mà chúng tôi phụng sự đã nâng đỡ chúng tôi tỏ tường, giúp chúng tôi thu hoạch được những kết quả vượt khả năng và ước muốn chúng tôi (BĐS, sđd, trang 107).
  2. Từ Quảng Nam, hai cha Pina và Đắc Lộ ra Kẻ Hóa (Huế). Tại vương phủ Phúc An, một vương phi bà con họ gần với nhà chúa đương thời, là người rất sùng Phật, khi được nghe cha Pina rao giảng Tin Mừng, bà đã được ơn Chúa Thánh Linh, xin chịu phép rửa, tên thánh là Maria Mađalêna. Cha Đắc Lộ đã ca ngợi bà như sau : “Bà là chỗ nương tựa của giáo đoàn mới khai sinh. Gương mẫu và thế lực của bà trợ giúp rất nhiều vào công việc truyền đạo cho dân lương và làm cho những người đã chịu phép rửa vững đức tin” (BĐS, sđd, trang 108).
  3.   Đắc Lộ chọn 10 thanh niên có đủ tinh thần. Họ luôn sống bên cạnh cha để được thụ huấn. Họ trở thành những THẦY GIẢNG. Ngày 31-7-1643, lễ thánh Inhaxu, giáo dân tụ tập chật nhà thờ Hải Phố. Trước bàn thờ, cầm nến sáng trong tay, các thầy lần lượt tiến lên hiến dâng cuộc đời phụng sự Chúa , phục vụ Giáo Hội, khấn hứa sống độc thân, thanh bần, vâng phục các giáo sĩ hoặc  người đại diện. Thầy Inhaxu học thức hơn lại có địa vị trong xã hội, nhất là nhân đức thánh thiện, được đặt làm vị đại diện (BĐS, sđd, trang 180).
  4. Trong lần cha Đắc Lộ trở lại Quảng Nam năm 1640, xảy ra việc bắt bớ. Ông Anrê bị bắt cùng hai người con, bị trói, bị dẫn ra phố Hải Phố, và bị đánh đập (BĐS, sđd, trang 178). Do sự xúi giục của bà Tống Thị, quan Quảng Nam bắt ông Anrê vào tháng 7-1644. Cuối cùng, ông được tha vì có gia đình con cái (BĐS, sđd, trang 188)
  5. Phước Kiều là nơi Thầy giảng Anrê-Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên, đổ máu đào làm chứng cho Chúa ngày 26-7-1644 (BĐS, sđd, trang 186).
  6. Quan trấn Quảng Nam cho quan thừa lại vào Qui Nhơn bắt người Công giáo ra khai tên tuổi. Ngày đầu có 700 người, những ngày sau tăng thêm. Quan thừa lại thấy thế sợ có dấy loạn, ra lệnh ngừng việc điểm danh. Trong số những người ra khai tên, ông chọn 36 người. Chỉ một người chối đạo, còn 35 người, đứng đầu là ông trùm Antôn Ngữ, được đem về cho quan trấn Quảng Nam. Tất cả tỏ ra phấn khởi hân hoan. Quan trấn bỡ ngỡ, chỉ chọn 6 người. Ai cũng tranh nhau được chọn vào số 6 người. Sau cùng 6 người không bị án tử hình, mà chỉ bị đánh nhẹ tay 4,5 đòn (BĐS, sđd, trang 190).
  7. Ngày 3-7-1645 cha Đắc Lộ lên tầu vĩnh biệt Giáo Hội Việt Nam. Trước đó, cha bị giam trong nhà ông Phan sinh, người Nhật, có lính canh gác, để chờ tầu. Trong 22 ngày, đêm đêm, lính ngủ, ông bắc thang cho cha trèo sang một nhà có đạo bên cạnh, để cha gặp giáo dân, giải tội, dậy dỗ, rửa tội được 92 người, 2 giờ sáng dâng lễ. Lễ xong, cha trèo trở lại nhà ông Phan sinh (BĐS, sđd trang 198).
  8. Đức cha Lambert de la Motte sai Cha Louis Chevereuil, cha chính, đến Hội An ngày 26-7-1664 (BĐS, sđd, trang 213)
  9. Ngày 4-2-1665 bốn tín hữu từ Quảng Ngãi được dẫn ra Hội An. Đó là Tôma Tín, Tôma Nghệ, Đaminh và Biển Đức. Tại pháp trường ông Tín nói với dân chúng vây quanh : “Anh em chúng tôi rất vui mừng vì được chết để làm chứng cho đức tin của chúng tôi. Chúng tôi chỉ tiếc một điều là không có một ngàn cái chết để hiến dâng cho Thiên Chúa chúng tôi tin thờ, Đấng tạo thành trời đất. Nói xong cả 4 cái đầu rơi xuống đất (BĐS, sđd, trang 254).
  10. Cô Luxia 12 tuổi con ông Phêrô Kỳ, ông trùm giáo xứ Kim Long, chạy lại xin quan cho được chết cùng với cha vào ngày 22-12-1664. Quan chê cô còn bé, chỉ đánh cho mấy roi rồi đuổi về. Đến ngày 4-2-1665, bé Luxia vào Hội An xin được phúc tử đạo. Thấy nhiều con voi được dẫn đến, đám đông cho cô mất trí, còn cô vỗ tay nới : “Thưa quí ông bà, cháu không mất trí, không bao giờ cháu tỉnh trí bằng lúc này, bởi vì cháu đã chọn phần tốt nhất, hạnh phúc vĩnh cứu đang chờ đón cháu”. Hai con voi tiến lại gần lấy vòi cuốn cô bé tung lên trời. Đầu của trinh nữ được đưa về trao cho cha chính Chevereuil. Ngày 7-3-1665 cha chính sang Thái Lan trao cho Đức cha Lambert. Đức cha chôn ở dưới chân bàn thờ của nhà thờ Thánh Giuse (BĐS, sđd, trang 253-255).
  11. Hội An được Đức cha Lambert de La Motte (Lambe đờ La Mốt) chọn làm nơi họp công nghị đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong tháng 1-1672 (BĐS,sđd, trang 285).
  12. Trà Kiệu là nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1885 bảo vệ con cái Mẹ.
  13. An Sơn, Phước Ấm, Trường An, Phú Cường, Xuân Thạnh … còn những nấm mồ, những lỗ giếng…, nơi các tiền nhân bị sát hại vì Đạo thời Văn Thân.

Chúng ta hãnh diện Đà Nẵng là “nơi xuất phát”, là “mảnh đất mẹ”, là “đất thiêng” … Nhưng không phải chỉ có Đà Nẵng, mà trên mọi mảnh đất Việt Nam chúng ta đi, chúng ta đặt chân, chúng ta ở . . .đều có dấu tích của các anh hùng tử đạo.

Hôm nay là lễ kính 118 Thánh Tử Đạo. Ngày 19-6-1988 Giáo Hội đã tuyên phong 117 vị thánh. Đến năm 2000 phong Chân Phước cho một vị thánh trẻ 18 tuổi, thày Anrê-Phú Yên, bổn mạng của các anh chị giáo lý viên.

Thế nhưng, GHVN không phải chỉ có 118 vị tử đạo. Trái lại, rất nhiều, rất nhiều. Trong cuốn “Sống Đạo”, cha Hồng Phúc, linh mục dòng Chúa Cứu Thế, đã viết : “Đã có một thỉnh nguyện thư xin phong Chân Phước cho một con số không lồ là 1315 vị ‘Tôi tớ tử đạo Việt Nam’ được đệ trình ngày 14-11-1917. Trong đó có hơn 200 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, với lý lịch rõ ràng, đã đóng góp xương máu để xây dựng Giáo Hội Việt Nam từ lúc ban đầu” (trang 448).

Trong cuốn “Lịch Sử Những Cuộc Bách Đạo tại VN” in tại Paris, ông Trần Minh Tiết, một luật sư VN nổi tiếng ở Pháp, viết : “Các vị tử đạo Việt Nam, nếu xếp hàng 4 mà diễn hành trước khán đài, thì phải kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ”.

Cha Launay, sử gia Pháp, cất tiếng ca khen : “Hỡi GHVN, một trong những Giáo Hội bị bắt bớ hà khắc nhất trong các GH trên thế giới, một trong những GH kiên vững lạ lùng. Chúng tôi cúi đầu kính chào…Giáo Hội xứng đáng được danh thơm muôn thuở”.

Lạy CTTĐVN xin cầu cho các gia đình chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành