Lễ Mẹ Lên Trời
Lễ Mẹ Lên Trời
15-8-2019
Hôm nay lễ Đức Mẹ về trời, lễ Mẹ lên thiên đàng. Cám ơn Chúa, trời hay thiên đàng không chỉ là quan niệm riêng của người Công giáo, mà là quan niệm chung của cả loài người, của các đạo, nhất là của người Việt Nam.
Bởi vậy người Việt Nam, có đạo hay không có đạo, đều đã biết các từ : “miền cực lạc”, “cõi phúc”, “nơi chín suối”, “suối vàng”, “âm phủ”…
Người Việt Nam mơ uớc về cõi phúc, về miền cực lạc, vì người VN biết cõi đời trần thế này là phù du : “Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”, là vắn vỏi, không vững bền : “Vua Ngô 36 tấn vàng, chết xuống âm phủ có mang được gì”. Ngay cả tình nghĩa cũng tráo trở đổi thay : “Thế thái nhân tình gớm ghét thay, nhạt nồng trông chiếc túi vơi đầy, suy ra cho kỹ chi hơn nữa, bạc quá vôi mà mỏng quá mây”.
Vì thế, chỉ có đời sau mới là cõi phúc, là miền cực lạc, là thiên đàng. Người VN chẳng có ai phủ nhận đời sau, vẫn chân nhận thế giới bên kia là thực. Cái chết đối với người VN không phải là hết, mà là “qua đời”: bước qua đời này sang đời khác, là “khuất bóng”: đi xa không còn thấy bóng, là “khuất núi”: vượt qua ranh giới cõi thế.
Người VN tin có đời sau, vì người VN tin có Ông Trời, tin có Thượng Đế. Biết bao câu nói diễn tả niềm tin ấy: “Đội Trời đạp đất ở đời”, “không có Trời ai ở được với ai”, “đèn Trời soi xét”, “ai bảo Trời không có mắt”… Bởi thế, người VN bao giờ cũng hướng về Trời, vẫn dành một chỗ đặc biệt nhất cho Trời, dành trên đầu, dành trong nhà, trong thiên nhiên, nhất là trên núi cao, biển sâu. Các hang động được gọi là bồng lai tiên cảnh, thiên thai. Người ta đến thăm không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn để thỏa mãn khát vọng siêu hình, khát vọng tâm linh.
Đối với người VN, trí thức đã là qúi, song đạo sĩ còn quí hơn. Bia Linh Xứng viết : “Kẻ nhân trí vui là vui với núi sông, song truyền lại cho đời là Danh với Đạo. Nếu không dựng được chùa ở núi này núi nọ để mở đạo thì Danh cũng chưa đủ lấy làm quí”.
Cha Cardière, một thừa sai sống ở Huế, tìm hiểu nếp sống của người VN. Cha viết : “Người VN tin tưởng, hành động, đi lại trong bầu khí siêu nhiên. Siêu nhiên ám ảnh họ. Ám ảnh họ cả ban ngày và cả ban đêm. Những mộng mị trong giấc ngủ là những biểu hiện của thần linh”.
Tin có đời sau, cõi phúc, thiên đàng, nhưng là thế nào thì còn lờ mờ, chưa rõ ràng. Người Công giáo chúng ta biết rõ đời sau là gì, ở đâu, vì chúng ta đã được Chúa Kitô mạc khải, cho biết thiên đàng, trời, cõi phúc là Nhà Chúa, Nhà Cha, như Chúa Giêsu bảo bà Maria Mácđala : “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc hành trình từ Cha mà xuống thế gian, rồi từ thế gian về lại với Cha, như trong phòng tiệc ly Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ : “Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian, mà đến cùng Chúa Cha.”(Ga 16,28).
Chúa Giêsu đã về Nhà Cha, Nhà Thiên Chúa thì những ai thuộc về Chúa Giêsu cũng sẽ được về nhà Cha, như thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côrintô đọc trong bđ2 thánh lễ Mẹ hôm nay : “Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu…Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 20.23).
Thánh Phaolô nói: “Khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người”, tức là đến ngày tận thế. Đức Kitô quang lâm, thì người ta sống lại và lên trời. Bên mộ Ladarô, cô Mátta cũng nói với Chúa Giêsu như thế: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 11,24).
Giáo hội Công giáo thì cho rằng: Sự chết là hậu quả của tội lỗi, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, nên đã không nếm mùi cái chết. Vì thế các Giáo hội Đông phương thích dùng kiểu nói “Đức Mẹ ngủ” hơn là “Đức mẹ lên trời”. Và ngay từ thế kỷ VI lễ Mẹ Lên Trời, ngày 15-8, đã được cử hành ở Giêrusalem và Ai cập. Đến thế kỷ VII lan sang các Giáo hội Hy lạp và cuối thế kỷ đến Rôma. Cuối cùng, ngày 1-11-1950, Đức giáo hoàng Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ lên trời.
Về ngày lễ Mẹ Lên Trời, Đức giáo hoàng Phaolô VI viết như sau : “Lễ Mẹ lên trời, ngày 15-8 là ngày Mẹ Maria đầy ơn phúc. Hồn vô nhiễm và xác trinh trong của Mẹ được vinh quang. Mẹ giống Chúa Giêsu phục sinh hoàn toàn nhất. Lễ này làm cho Giáo hội và nhân loại thấy được hình ảnh và bảo chứng êm ái cho niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta”.
Cha Wilfried, dòng Biển Đức, truyền giáo ở Ndanda, Phi châu, kể: có một bé gái da đen 10 tuổi, tên là Hidega. Một lần kia em thơ thẩn trước cửa nhà thờ của cha. Em muốn nhìn tượng Đức Mẹ ở nhà thờ, nhưng ba má em cấm vào nhà thờ, vì nhà em theo đạo Hồi. Để em không có lỗi, cha bế em vào nhà thờ chiêm ngắm tượng Đức Mẹ. Tuần sau em bị đau nặng và qua đời vào 3 giờ chiều ngày lễ Mẹ Lên Trời. Trước giờ hấp hối, em khoe cha : “Con đã được rửa tội, được đặt tên là Maria, tên của Đức Mẹ. Con sẽ được về trời với Đức Mẹ”.
Mẹ lên trời quả là bảo chứng êm ái cho niềm hy vọng cuối cùng của em Hidega và của tất cả chúng ta.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành