Lễ Mẹ Mân Côi
LỄ MẸ MÂN CÔI
6-10-2019
—————————
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Đông Vinh
GIÁO HUẤN SỐ 45
Những hoàn cảnh giảm khinh trong việc phân định mục vụ
Để hiểu cho đúng tại sao có thể và cần phải có một sự phân định đặc biệt trong một số hoàn cảnh gọi là “bất qui tắc”, có một vấn đề ta luôn lưu ý, đó là làm sao để đừng bao giờ làm cho người ta nghĩ rằng mình muốn giảm thiểu những đòi hỏi của Tin Mừng. Hội thánh có một lối suy tư vững chắc về những điều kiện và những hoàn cảnh giảm khinh. Bởi thế, người ta không thể nói rằng tất cả những người đang ở trong một hoàn cảnh, gọi là “trái qui tắc” là đang sống trong tình trạng tội trọng, mất đi ơn thánh hóa. Các giới hạn đó không chỉ tùy thuộc vào sự thiếu hiểu biết về luật. Một người, dù biết rõ luật, cũng có thể gặp khó khăn lớn trong việc hiểu biết “các giá trị hàm ẩn trong nguyên tắc luân lí”, hoặc có thể đương sự đang ở trong các điều kiện cụ thể không cho phép người ấy hành động khác đi và có những quyết định khác mà không mắc một tội mới. Như các Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã nói rõ “có thể có những nhân tố làm giới hạn khả năng quyết định”. Thánh Tôma Aquinô đã nhìn nhận rằng một người có thể có ân sủng và đức ái, nhưng không thể thi hành tốt một vài nhân đức, nói một cách khác, ngay cả khi người ấy sở hữu tất cả các nhân đức luân lí được ban cho, anh cũng không thể hiện rõ nét một nhân đức nào đó trong số đó, bởi vì việc thực hành bên ngoài nhân đức ấy gặp khó khăn : “Người ta nói rằng một vài vị thánh không có một số nhân đức nhất định, chính vì các ngài gặp khó khăn trong việc thể hiện bằng hành vi về các nhân đức ấy, {…} cho dù các ngài có các nhân đức khác” (Niềm Vui của Tình Yêu số 301).
————————————-
LỄ MẸ MÂN CÔI
(Cv 1,12-14; Gl 4.4-7; Lc 1,26-38)
Lời Chúa trong thánh lễ Mẹ Mân Côi hôm nay nói đến giá trị của việc cầu nguyện với Đức Mẹ, cách riêng với kinh Mân Côi.
Bđ1 là đoạn sách Công Vụ Tông đồ tường thuật biến cố các Tông đồ cầu nguyện với Đức Mẹ : “Tất cả các Tông đồ đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1, 14).
Bđ2 là đoạn thư Galat nói đến vai trò của Đức Mẹ trong việc cứu độ : “Khi thời gian tới hồi vên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Mình, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4).
BTM là trình thuật sách Tin Mừng theo thánh Luca về biến cố “truyền tin”. Nhờ Đức Mẹ “xin vâng” (Lc 1,38), Đấng Cứu Thế đã xuống thế làm người.
Nhìn lại đời sống Giáo Hội thế giới cũng như Giáo Hội Việt Nam, cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi đem lại bao ơn lành.
Lễ Mẹ Mân Côi hôm nay bắt nguồn từ biến cố vịnh Lêpantô tức là vịnh Côrintô của Hy Lạp. Ngày 29-5-1453, quân đội Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành Constantinople ở Hy Lạp. Từ đó Hồi giáo bành trướng sang Âu châu và Phi châu, chờ ngày đặt chân lên nước Ý, chiếm kinh thành Rôma muôn thuở. Trước sự đe doạ của Hồi giáo, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi vua chúa các nước đem quân cứu giúp. Vua Tây Ban Nha và Ý đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng.
Tướng Don Juan, em vua Tây Ban Nha, được cử làm tổng chỉ huy đoàn quân Thánh Giá. Ngày 8-9-1571 đoàn quân ra trận. Trước khi lên đường, mọi binh lính đều xưng tội. Đoàn quân kéo thẳng tới vịnh Lêpantô, nơi các chiến thuyền Hồi giáo đậu neo. 1g30 trưa ngày 7-10-1571 hai bên đụng độ nhau. Trên một chiếc thuyền nhỏ, tướng Don Juan chạy suốt mặt trận, tay cầm Thánh Giá chỉ huy. Khi tiếng kèn đồng vang lên, mọi quân binh Công giáo kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi và đọc kinh Kính Mừng. Tiếng súng đại bác của quân Hồi nổ vang cả vùng vịnh. Cuộc chiến bắt đầu. Lực lượng quân Thánh giá đã ít, lại chỉ có 209 chiến thuyền, thêm vào đó gió thổi ngược chiều. Còn quân Hồi vừa đông người, chiến thuyền vừa nhiều, 300 chiếc. Hai bên giáp chiến, đánh xáp lá cà, vật lộn, đâm chém suốt cả tiếng đồng hồ. Tướng Hồi giáo bị thương. Một binh sĩ Thánh giá nhanh chân nhảy sang thuyền của tướng địch, chém đầu. Như rắn mất đầu, quân Hồi giáo phải bỏ chạy để lại 284 chiến thuyền bị đắm, 30.000 quân bị giết, 3500 quân bị bắt làm tù binh.
Ở Vaticanô, Đức Giáo hoàng cùng với mọi người lần chuỗi Mân Côi. Bỗng ngài nhìn qua cửa sổ thấy đám mây trắng báo hiệu chiến thắng. Ngài đã cùng mọi người quì gối tạ ơn Đức Mẹ. Để ghi nhớ ơn Mẹ, Đức Giáo hoàng Piô V đã lập một lễ kính Đức Mẹ vào chính ngày chiến thắng 7-10. Người gọi lễ này là lễ Mẹ Chiến Thắng. Đức Giáo hoàng Innôxentê XI đổi là lễ Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Sau hết, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII đổi là lễ Mẹ Mân Côi.
Chính Đức Mẹ cũng tuyên bố vào ngày 13-10-1917 tại Fatima : “Mẹ là mẹ Mân Côi”. Từ tảng sáng ngày 13-10 người ta đã tuốn về tụ tập tại đồi Cova da Iria. Trời mưa như trút nước. Lầy lội bùn. Dù có che dù, người người cũng ướt đẫm. Tuy rét mướt, họ vẫn cầu nguyện và ca hát. Trong khi đó người ta đem ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta tới. Ba em cũng ướt. Dân chúng chen nhau để được chạm vào ba em, khiến em Giaxinta khóc. Khi thấy ông Ti Marto, ba mình, chen lấn phía sau, em Giaxinta kêu lên : “Hãy để ý đến ba em với”. Khi gần tới cây sồi, mưa càng nặng hạt, đất càng trở thành bùn trơn trượt. Họ đặt ba em xuống bãi bùn. Luxia bắt đầu lần chuỗi, rồi tự nhiên kêu lớn tiếng : “Mọi người hãy bỏ dù xuống !”, rồi nói với Phanxicô và Giaxinta : “Đức Mẹ đang tới ! Chị đã trông thấy chớp sáng”. Bà mẹ của Luxia hồ nghi về việc Đức Mẹ hiện ra, đã nhiều lần đánh đòn Luxia, nên nói với Luxia : “Nhìn kỹ con ơi, cẩn thận kẻo lầm” ! Nhưng con bà đã xuất thần. Một làn mây trắng lan ra chung quanh ba em, cao hơn 5 mét. Người ta nghe Luxia hỏi Đức Mẹ : “Bà muốn con làm gì” ? Đức Mẹ giải ánh sáng trước mặt ba em. Các em thấy mặt Đức Mẹ rất buồn . Đức Mẹ nói : “Mẹ là Mẹ Mân Côi. Mẹ muốn xây một nhà nguyện nơi đây để kính Mẹ. Chúng con hãy tiếp tục lần hạt. Chiến tranh (thế chiến I), sẽ sớm kết thúc, và các quân nhân không bao lâu nữa sẽ được trở về nhà”. Sau đó là phép lạ mặt trời quay.
Đức Mẹ hiện ra ở La Vang cũng là lúc giáo dân lần chuỗi van xin Mẹ. Năm 1798, vì những cuộc bắt đạo của nhà Tây Sơn, đoàn con của Mẹ phải chạy trốn vào rừng. Vừa sợ bị giết hại, vừa sợ thú dữ và nước độc nơi núi rừng. Đoàn con Mẹ chỉ biết chạy đến Mẹ. Họ tập họp dưới một gốc cây đa, lần chuỗi cầu khẩn Mẹ. Mẹ đã hiện ra. Mẹ rất vui vẻ và rất xinh đẹp. Mẹ mặc áo trắng và có ánh sáng bao quanh. Hai đứa trẻ xinh đẹp đứng hai bên, mỗi đứa cầm một bó đuốc. Mẹ đi đi lại lại nhiều lần trước mặt những người Kitô hữu đang rất đỗi vui mừng. Chân Mẹ chạm đất. Rồi Mẹ đứng lại. Bằng một giọng rất dịu dàng, Mẹ nói: “Hỡi các con, các con hãy tin tưởng, các con hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”. Rồi Mẹ căn dặn hái lá cây chung quanh để chữa bệnh. Nói xong, Mẹ biến đi, và một luồng sáng bao quanh Mẹ.
Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu như sau: Năm 1885 thời Văn Thân, Mẹ đến cứu đoàn con của Mẹ ở Trà Kiệu. Quân Văn Thân đầy đủ súng đạn, có cả đại bác và voi trận. Giáo dân Trà Kiệu làm sao chống nổi. Vì thế, họ đã lập bàn thờ Mẹ. Đốt nến hai bên. Suốt ngày đêm lần chuỗi van xin Mẹ. Mẹ đã hiện ra trên nóc nhà thờ, đứng hai bên Mẹ là hai đoàn thiên thần mặc áo trắng và đỏ. Mẹ đứng che chắn đạn quân Văn Thân bắn vào nhà thờ, và vào con cái Mẹ.
Chuỗi Mân Côi là thuẫn đỡ, là khiên che, là sức mạnh. Nên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã hết sức siêng năng lần chuỗi.
Thánh Anrê Kim Thông, ông câu họ Gò Thị, Qui Nhơn, đã dựng nhà nguyện dâng kính Mẹ Vô Nhiễm. Tối nào gia đình cũng vây quanh tượng Mẹ để lần chuỗi. Trước khi qua đời, ngài đã đọc kinh Kính Mừng.
Thánh Philípphê Phan Văn Minh, cha sở Mặc Bắc, Vĩnh Long, ngày 3-7-1853 bị đưa ra pháp trường chém đầu. Trên đường tiến ra pháp trường, cha vui vẻ, vừa đi vừa lần chuỗi.
Lạy Mẹ Mân Côi, xin cầu cho chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành