Lễ Mẹ Mân Côi


LỄ MẸ MÂN CÔI

7-10-2018

——————————————

Giáo Huấn 45

ANH CHỊ EM (TT)

Lịch Giáo Phận trang 112

Quãng đời lớn lên giữa anh chị em cho ta một kinh nghiệm tuyệt vời về việc chăm sóc lẫn nhau, qua sự giúp đỡ và được giúp đỡ. Bởi thế, “tình huynh đệ trong gia đình tỏa sáng cách đặc biệt khi chúng ta thấy những quan tâm, những ứng xử kiên nhẫn, những tình cảm thương yêu của anh chị vây bọc các em nhỏ yếu đuối nhất, lúc ốm đau hoặc mang khuyết tật”. Phải nhìn nhận rằng “có một anh em trai, một chị em gái yêu thương mình, là một kinh nghiệm mạnh mẽ vô giá, không gì thay thế được”; tuy nhiên, cần phải kiên nhẫn dạy cho con cái đối xử với nhau như anh chị em. Công việc đào tạo thực hành như vậy, đôi khi mệt nhọc đấy, nhưng thật sự là một trường dạy về tính xã hội. Tại một số nước tồn tại một xu ướng mạnh mẽ đó là mỗi gia đình chỉ có một con, thì kinh nghiệm tình anh em một nhà bắt đầu ít phổ biến. Trong trường hợp không thể có nhiều hơn một đứa con, ta sẽ tìm cách bảo đảm đứa trẻ không lớn lên đơn độc hoặc cô lập” (Niềm Vui của Tình Yêu số 195).

 

ĐỨC MẸ MÂN CÔI

(Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)

Lễ Mẹ Mân Côi hôm nay bắt nguồn từ biến cố vịnh Lêpantô tức là vịnh Côrintô của Hy Lạp. Ngày 29-5-1453, quân đội Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành Constantinople ở Hy Lạp. Từ đó Hồi giáo bành trướng sang Âu châu và Phi châu, chờ ngày đặt chân lên nước Ý, chiếm kinh thành Rôma muôn thuở.

Trước sự đe doạ của Hồi giáo, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi vua chúa các nước đem quân cứu giúp. Vua Tây Ban Nha và Ý đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng.

Tướng Don Juan, em vua Tây Ban Nha, được cử làm tổng chỉ huy đoàn quân Thánh Giá, để chống lại quân Hồi. Ngày 8-9-1571 đoàn quân ra trận. Trước khi lên đường, mọi binh lính đều xưng tội. Đoàn quân kéo thẳng tới vịnh Lêpantô, nơi các chiến thuyền Hồi giáo đậu neo. 13g30  trưa ngày 7-10-1571 hai bên đụng độ nhau. Trên một chiếc thuyền nhỏ, tướng Don Juan chạy suốt mặt trận, tay cầm Thánh Giá chỉ huy. Khi tiếng kèn đồng vang lên, mọi quân binh Công giáo kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi và đọc kinh Kính Mừng. Tiếng súng đại bác của quân Hồi nổ vang cả vùng vịnh. Cuộc chiến bắt đầu. Lưc lượng quân Thánh giá đã ít, lại chỉ có 209 chiến thuyền, thêm vào đó gió thổi ngược chiều. Còn quân Hồi vừa đông người, chiến thuyền vừa nhiều, 300 chiếc. Hai bên giáp chiến, đánh xáp lá cà, vật lộn, đâm chém suốt cả tiếng đồng hồ. Tướng Hồi giáo bị thương. Một binh sĩ Thánh giá nhanh chân nhảy sang thuyền của tướng địch, chém đầu. Như rắn mất đầu, quân Hồi giáo phải bỏ chạy để lại 284 chiến thuyền bị đắm, 30.000 quân bị giết, 3500 quân bị bắt làm tù binh.

Ở Vaticanô, Đức Giáo hoàng cùng với mọi người lần chuỗi Mân Côi. Bỗng ngài nhìn qua cửa sổ thấy đám mây trắng báo hiệu chiến thắng. Ngài đã cùng mọi người quì gối tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Để ghi nhớ ơn Mẹ, Đức Giáo hoàng Piô V đã lập một lễ kính Đức Mẹ vào chính ngày chiến thắng 7-10. Ngài gọi lễ này là lễ Mẹ Chiến Thắng. Đức Giáo hoàng Innôxentê XI đổi là lễ Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Rồi, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII đổi là lễ Mẹ Mân Côi.

Chính Đức Mẹ cũng tuyên bố vào ngày 13-10-1917 tại Fatima : “Mẹ là Mẹ Mân Côi”. Từ tảng sáng ngày 13-10 người ta đã tuốn về tụ tập tại đồi Cova da Iria. Trời mưa như trút nước. Lầy lội bùn. Dù được che trong dù, người họ cũng ướt đẫm. Tuy rét mướt, họ vẫn cầu nguyện và ca hát. Trong khi đó người ta đem ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta tới. Ba em cũng ướt. Dân chúng chen nhau để được chạm vào ba em, khiến em Giaxinta khóc. Khi thấy ông Ti Marto chen lấn phía sau, em Giaxinta kêu lên : “Hãy để ý đến bố em với”. Khi gần tới cây sồi, mưa càng nặng hạt, đất càng trở thành bùn trơn trượt. Họ đặt ba em xuống bãi bùn. Luxia bắt đầu lần chuỗi, rồi tự nhiên kêu lớn tiếng : “Mọi người hãy bỏ dù xuống !”, rồi nói với Phanxicô và Giaxinta : “Đức Mẹ đang tới ! Chị đã trông thấy chớp sáng”. Bà mẹ của Luxia hồ nghi về việc Đức Mẹ hiện ra, đã nhiều lần đánh đòn Luxia, nên nói với Luxia : “Nhìn kỹ con ơi, cẩn thận kẻo lầm” ! Nhưng con bà đã xuất thần. Một làn mây trắng lan ra chung quanh ba em, cao hơn 5 mét. Người ta nghe Luxia hỏi Đức Mẹ : “Bà muốn con làm gì” ? Đức Mẹ giải ánh sáng trước mặt ba em. Các em thấy mặt Đức Mẹ rất buồn. Đức Mẹ nói : “Mẹ là Mẹ Mân Côi. Mẹ muốn xây một nhà nguyện nơi đây để kính Mẹ. Chúng con hãy tiếp tục lần hạt. Chiến tranh sẽ sớm kết thúc, và các quân nhân không bao lâu nữa sẽ được trở về nhà”. Sau đó là phép lạ mặt trời quay.

Từ năm 1981 tới nay Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du, nước Bosnia. Ngày 12-6-1986, Đức Mẹ nói với các em : “Các con yêu dấu, bữa nay Mẹ năn nỉ các con hãy lần chuỗi Mân Côi với niềm tin sống động. Chỉ có cách này, Mẹ mới có thể giúp đỡ các con”.

Đức Mẹ hiện ra ở La Vang và ở Trà Kiệu cũng là lúc giáo dân lần chuỗi van xin Mẹ.

Năm 1789, vì những cuộc bắt đạo của nhà Tây Sơn, đòan con của Mẹ phải chạy trốn vào nơi rừng thiêng nước độc La Vang. Vừa sợ bị giết hại, vừa sợ thú dữ và nước độc nơi núi rừng. Đòan con cái của Mẹ chẳng biết làm sao tránh khỏi nguy nan, chỉ biết chạy đến Mẹ. Họ tập họp dưới một gốc cây đa, lần chuỗi cầu khẩn Mẹ. Mẹ đã hiện ra. Mẹ rất vui vẻ và rất xinh đẹp. Mẹ mặc áo trắng và có ánh sáng bao quanh. Hai đứa trẻ xinh đẹp, mỗi đứa cầm một bó đuốc, đứng hai bên Mẹ. Mẹ đi đi lại lại nhiều lần trước mặt những người Kitô hữu đang rất đỗi vui mừng. Chân Mẹ chạm đất như thể chiếm hữu nó. Rồi Mẹ đứng lại. Bằng một giọng rất dịu dàng, Mẹ nói  : “Hỡi các con, các con hãy tin tưởng, các con hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”. Rồi Mẹ căn dặn họ hái lá cây chung quanh để chữa bệnh. Nói xong, Mẹ biến đi, và một luồng sáng bao quanh Mẹ.

Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu như sau : Năm 1885 thời Văn Thân, Mẹ đến cứu đòan con của Mẹ ở Trà Kiệu. Quân Văn Thân đầy đủ súng đạn, có cả đại bác và voi trận. Giáo dân Trà Kiệu làm sao chống  nổi. Vì thế, họ đã lập bàn thờ Mẹ. Đốt nến hai bên. Lần chuỗi suốt ngày đêm van xin Mẹ. Mẹ đã hiện ra trên nóc nhà thờ, đứng hai bên Mẹ là hai đòan thiên thần mặc áo trắng và đỏ. Mẹ đứng che chắn đạn quân Văn Thân bắn vào nhà thờ, và vào con cái Mẹ.

Chuỗi Mân Côi là thuẫn đỡ, là khiên che, là sức mạnh. Nên Các Thánh Tử Đạo VN đã hết sức siêng năng lần chuỗi.

Thánh Anrê Kim Thông, ông câu họ Gò Thị, Qui Nhơn, đã dựng nhà nguyện dâng kính Mẹ Vô Nhiễm. Tối nào gia đình cũng vây quanh tượng Mẹ lần chuỗi. Trước khi qua đời, ngài đã đọc kinh Kính Mừng.

Thánh Philípphê Phan Văn Minh, cha sở Mặc Bắc, Vĩnh Long, ngày 3-7-1853 bị đưa ra pháp trường chém đầu. Trên đường tiến ra pháp trường, cha vui vẻ, vừa đi vừa lần chuỗi.

—————————————————-

Đức Mẹ Mân Côi

Hôm nay lễ Mẹ Mân Côi. Ở Fa-ti-ma, ngày 13-10-1917, Đức Mẹ đã xưng mình là Mẹ Mân Côi. Và một trong những mệnh lệnh của Mẹ Fa-ti-ma là “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi“.

Đối với người Công giáo Việt Nam, chuỗi Mân Côi chẳng những là bó “Hoa Hồng” tươi xinh, mà còn là “Chuỗi Ngọc”, “Chuỗi Ngà”. Theo tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, NXB Khoa Học Xã Hội năm 2000, ‘Mân” là “ngọc”; “Côi” là “quí lạ”. Người Công giáo Việt Nam rất quí trọng và “siêng năng lần chuỗi”.

Bị vu cáo là “một thứ đạo ngoại lai man rợ, xóa nhòa trong tâm can của dân chúng lòng hiếu nghĩa biết ơn đối với ông bà cha mẹ” nhất là “không thấy tầu buôn người Bồ cập bến mang hàng hóa vào cho chúa như mọi năm, chúa Sãi liền nghiêng về phía thù địch Công giáo, họ luôn tìm dịp để vu cáo bôi nhọ và làm mất tín nhiệm nơi nhà chúa” (Lm Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 80). Năm 1625 chúa Sãi ra chỉ dụ cấm đạo. Trước hết tập trung các cha về Hội An lấy lẽ “ở đó, đời sống các cha được bảo đảm hơn và được tự do truyền đạo hơn” (Sđd,80). Thứ đến là “bắt người Công giáo phải bỏ ảnh tượng, tràng hạt không được đeo trước ngực” (NH,I,80).

Cha Đắc Lộ kể : “Những người Công giáo đầu tiên rất sùng đạo và hiên ngang với đạo của mình. Với lòng mến ảnh tượng, giáo dân thường đeo ảnh tượng, tràng hạt ra ngoài, trước ngực. Một số quan ghét đạo đã yêu cầu chúa Sãi ra sắc chỉ cấm. Nhờ quan trấn cho biết trước và trì hoãn ngày công bố, các cha có đủ thời giờ loan báo cho giáo dân, bảo họ đeo ảnh tượng, tràng hạt vào bên trong” (NH,sđd,81)

Cha Đắc Lộ kể tiếp : “Họ lấy làm hổ thẹn, vì phải bỏ lỡ dịp may mắn để minh chứng đức tin, lòng trung thành của họ. Họ cho là một cử chỉ hèn nhát không xứng danh là người Công giáo, đem cất giấu những huy hiệu biểu dương lòng sùng kính của mình và làm rạng danh Chúa Giê-su Ki-tô. Nhưng khi chúng tôi cắt nghĩa cho họ hiểu rằng đạo Công giáo không cấm  chúng ta là những anh hùng can đảm xưng đạo, nhưng chỉ cấm chúng ta không được liều lĩnh, họ liền nghe chúng tôi” (NH,sđd,81).

Chẳng những đeo chuỗi, còn siêng năng lần chuỗi. Quan Trịnh Quang Khanh, tổng đốc Nam định, ngày 30-5-1840 đem 1000 binh lính đến vây giáo xứ Kẻ Báng, bắt ba cha Nghi, Ngân, Thịnh và hai giáo dân Thọ, Cỏn.

Con cái vào nhà tù thăm, ông Thọ dặn dò : “Các con thân yêu, cha không còn làm gì giúp chúng con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa muốn cha xa lìa chúng con mãi mãi, nhưng các con có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy thương giúp mẹ. Các con nhỏ phải kính trọng và vâng lời anh chị. Các con hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá, hãy bằng lòng theo chân Chúa và vững tâm giữ đạo” (Lm Bùi Đức Sinh, Đạo Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, trang 207).

Thậm chí bị điệu ra pháp trường Chà Và chịu chết, Cha Phêrô Đoàn Công Quí và ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng, vừa đi vùa lần chuỗi (BĐS,II,351).

“Mân Côi” là tước hiệu Mẹ Maria tuyên nhận lần hiện ra cuối cùng ở Fa-ti-ma nước Bồ Đào Nha 13-10-1917. Chính chị Lu-xi-a làm tờ trình cho Đức cha giáo phận như sau :

Hôm đó con ra khỏi nhà khá sớm, vì sợ lỡ có gì trục trặc xảy ra dọc đường chăng. Dân chúng kéo đi từng đoàn lũ, đông như kiến. Còn trời thì mưa tầm tã. Mẹ con đi kèm bên con, băn khoăn sợ hãi, vì bà cứ nghĩ đây có thể là ngày cuối cùng của đời con, và những gì bất ngờ đang chờ đợi phía trước, càng làm bà khổ tâm. Trên đường đi, các cảnh tượng tháng trước lại tái diễn, nhưng còn nhiều và cảm động hơn nữa. Dù cho đường đi bùn đất lầy lội bẩn thỉu cũng không ngăn cản được đám đông khiêm tốn quì gối xuống đất cầu nguyện. Khi chúng con đã tới được bên cây sồi, bỗng con nẩy ra ý nghĩ trong lòng là xin đám động cuộn dù che mưa lại để bắt đầu lần hạt. Liền sau đó một lát thì chúng con nhìn thấy trước hết là một tia sáng lóe lên và tiếp đến là Đức Mẹ đứng trên cây sồi.

– Bà muốn con làm gì ?

– Bà muốn nói cho con biết là Bà ước ao người ta xây ở nơi đây một nhà nguyện đê tôn kính Bà. Chính Bà là Đức Bà Rất Thánh Mân Côi. Người ta cần phải tiếp tục lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và chẳng bao lâu nữa các quân nhân lính tráng sẽ được trở về với gia đình họ…

Tiếp đến , với giọng đầy buồn bã, Đức Mẹ nói :

– Nhân loại đừng phạm đến Thiên Chúa nữa. Người đã bị xúc phạm quá nhiều rồi

(Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima, trang 77-78).

Đối với người Công giáo Việt Nam, Đức Mẹ  rất thương. Năm 1789 trong thời Tây Sơn bị bắt đạo, Đức Mẹ đã hiện ra ở La Vang, Huế an ủi che chở con cái Mẹ đang lần chuỗi kêu van ở dưới gốc cây đa. Năm 1885 trong thời Văn Thân tàn phá, Đức Mẹ đã hiện ra ở Trà Kiệu che chở bao bọc, khi con cái quì gối bên Mẹ lần chuỗi kêu cầu. Năm 1950, chiến tranh Việt Pháp, Đức Mẹ hiện ra che chở ở La Mã, Bến Tre.

Lạy Mẹ Mân Côi, xin thương các gia đình chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành