Lễ Mẹ Thiên Chúa – Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27
“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Ít-ra-en và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.
Trích sách Dân Số.
Chúa phán cùng Mô-sê rằng: “Hãy nói với A-a-ron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Ít-ra-en; hãy nói với chúng thế này: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con”. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Ít-ra-en, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con
Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.
Xướng: Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.
Xướng: Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.
Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”.
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Áp-ba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Dt 1, 1-2
Alleluia, alleluia! – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 16-21
“Họ đã gặp thấy Ma-ri-a, Giu-se và hài nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giê-su”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bê-lem, và gặp thấy Ma-ri-a, Giu-se và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Ma-ri-a thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giê-su, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA VÀ MẸ CHÚNG TA
(Hội An,01/01/2025)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú.
Giáo Hội đang sống trong tuần bát nhật của ngày lễ Chúa giáng sinh. Đây là chuỗi tám ngày liên tiếp Giáo Hội mừng Chúa giáng sinh, một tuần phụng vụ mà đa số Ki-tô hữu thờ ơ, vì nghĩ rằng niềm vui mừng lễ Chúa giáng sinh đã hết. Hôm nay ngày đầu năm mới và trong tuần bát nhật giáng sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta chú tâm vào chân lý độc đáo và tuyệt vời, đó là Thiên Chúa chọn đến làm người giữa thế giới trong lòng trinh nữ Maria. Chính trong niềm hân hoan thánh thiện này, Giáo Hội tuyên xưng: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta. Mẹ là đấng ban bình an cho nhân loại trong năm mới này.
- Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta
Danh xưng “Mẹ Thiên Chúa” là danh xưng cao trọng nhất của Mẹ nhận được. Trong quá khứ, đã có một số người chỉ xưng tụng Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, nhưng Giáo Hội còn tung hô Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đối với Giáo Hội, danh xưng “Mẹ Thiên Chúa” hàm chứa sự thật về Thiên Chúa và về chúng ta.
Sự thật về Thiên Chúa. Vào thời điểm trong ý định của Thiên Chúa, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người trong cung lòng Mẹ Maria và từ đó trong mọi thời gian và không gian, Thiên Chúa nhận lấy nhân tính con người trong bản thân Ngài. Mẹ được gọi là “Mẹ Thiên Chúa,” đơn giản chỉ vì người con Mẹ cưu mang là Thiên Chúa. Mẹ không chỉ là mẹ xác thịt của con mình, cũng không chỉ là mẹ vì đã sinh ra con, mà vì ngôi vị Thiên Chúa của người con trong lòng Mẹ. Người Con trong lòng Mẹ là Thiên Chúa, Ngài đã lấy xác thịt của Trinh nữ Maria, làm người và ở giữa chúng ta. Nghĩa là, từ đó, không có khoảnh khắc nào Thiên Chúa không là người, bởi thân xác Ngài mặc lấy trong lòng Mẹ là thân xác loài người giống chúng ta. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và mầu nhiệm Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa nhắc nhở cho chúng ta rằng Thiên Chúa ở gần với chúng ta và làm người như chúng ta. Đức Phanxicô cho rằng trong mầu nhiệm này, Thiên Chúa ở gần với chúng ta như đứa bé nằm trong bụng mẹ gần gũi với mẹ mình.
Sự thật về con người. Khi Ngôi Hai làm người trong lòng Mẹ Maria, Thiên Chúa không chỉ ở với chúng ta, mà còn giống chúng ta. Đó là niềm vui lớn lao Thiên Chúa ban cho con người, bởi từ nay thời kỳ cô độc kết thúc, từ nay con người không còn mồ côi nữa, vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhìn Hài Nhi Giêsu trong hang đá, mỗi chúng ta nhận ra Thiên Chúa đang ôm ẵm chúng ta trong chính thân phận của Ngài, dù chúng ta nghèo hay giàu, khỏe mạnh hay đau yếu. Chính vì tình yêu của Chúa, chúng ta còn nhận ra Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là mẹ của chúng ta. Chúa Giê-su đã ủy thác cho Mẹ sứ mạng đó.
Một người mẹ nuôi dưỡng sự sống của con cái. Cơ thể của người phụ nữ được tạo ra để nuôi dưỡng con cái. Việc nuôi dưỡng của bà không kết thúc khi đứa trẻ được cai sữa. Khi đứa trẻ lớn lên, bà tìm ra những cách mới để chăm sóc đứa con của mình. Đức Maria nuôi dưỡng chúng ta. Mẹ làm điều này bằng cách dẫn chúng ta đến với Chúa Giê-su, là Bánh hằng sống, là Con của Mẹ, để nuôi dưỡng tín hữu.
Một người mẹ liên tục dạy con mình. Hầu hết chúng ta học cách đi khi mẹ nắm tay dắt bước, học cách nói khi nghe lời mẹ, dạy ta cầu nguyện không chỉ bằng lời, mà còn bằng đời sống cầu nguyện của mẹ. Mẹ Maria còn dạy chúng ta yêu mến và vâng nghe theo Chúa Giê-su, nhất là dạy chúng ta gương mẫu của Mẹ trung thành đi trọn con đường thánh giá và chấp nhận như bị lưỡi gươm đâm thâu trái tim khi chiêm ngắm cái chết của Con mình trên thánh giá.
Một người mẹ không khi nào ngưng yêu thương con. Mẹ giữ lấy lời ủy thác của Chúa Giê-su trao nhân loại cho Mẹ và hết lòng yêu thương chúng ta như Chúa Giê-su yêu thương chúng ta. Một người mẹ chăm sóc con cái không chỉ vì bổn phận, mà còn vì tình yêu. Tình yêu của người mẹ biến gia đình thành một tổ ấm, người mẹ là trái tim của gia đình. Đó là cách chúng ta nhận biết lòng Mẹ Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Mẹ hiện ra an ủi và gìn giữ con cái mỗi khi con cái đang lâm vòng nguy biến. Mẹ ở với con cái tại La-vang (1792), tại Lộ Đức (1858), tại Fatima (1917) và nhiều nơi khác, để yêu thương con cái như Mẹ yêu thương Chúa Giê-su.
Vì thế, lòng tôn kính và yêu mến Mẹ không làm chúng ta xao lãng lòng kính thờ Chúa Chúa Giê-su; trái lại, tín hữu càng biết ơn Thiên Chúa đã cho Mẹ Thiên Chúa yêu thương và phù trợ chúng ta.
- Mẹ Thiên Chúa dẫn đường chúng ta đi vào những năm tháng tới
Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria mang trong mình sự thật Thiên Chúa làm người và ở cùng Mẹ. Sự thật này là một sự thật lớn lao, không thể một lần hay vài lần, nên Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ đức tin của Mẹ trước sự thật trọng đại ấy: “Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Quả thật, không có gì giúp cho chúng ta nghe lời Chúa rõ ràng hơn là thinh lặng trong tâm hồn, được bày tỏ sống động qua việc lắng nghe, nhận lấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Đức thánh cha Bênêđictô đã khẳng định: “Chỉ trong thinh lặng, lời Chúa mới tìm được nơi cư trú trong ta, như đã tìm được nơi Đức Maria, người phụ nữ của lời.” Chúng ta đừng quên thái độ lắng nghe, nhận lấy và nghiền ngắm lời Chúa, là thái độ đức tin của Mẹ trong một tương lai không mấy sáng sủa: không có chỗ trong nhà trọ, bị loại trừ vì gia nhân của Chúa không tiếp đón, một tương lai bấp bênh vì nơi trú ngụ chỉ là hang lừa, nhưng nhờ lắng nghe, nhận lấy và suy niệm lời Chúa, Mẹ khám phá ngày càng sâu xa sự thật Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ được bình an trong một tương lai không do Mẹ định đoạt, nhưng do Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” là lời tóm gọn lại sự bình an đó nơi Mẹ.
Vì vậy, trong năm mới này, không ai trong chúng ta biết rõ điều gì xảy ra, nhưng chúng ta tin nhờ lời cầu bàu của Mẹ Thiên Chúa, Thiên Chúa ban cho chúng ta những ngày tháng tới đầy tràn ân huệ của Thiên Chúa. Như Mẹ Maria, chúng ta thưa “xin vâng” trước mọi hoàn cảnh với lòng tin tưởng Chúa ở với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết như Mẹ, lắng nghe và thực hành lời Chúa, rước lấy Thiên Chúa làm người trong bí tích Thánh Thể, để những năm tháng sắp tới là thời gian chúng ta ở trong Chúa và Mẹ Maria. Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin phù trợ chúng con.
SUY NIỆM II
NGƯỜI MẸ LẶNG THẦM
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
Đón nhận trong im lặng
Sau khi các mục đồng thuật lại những chuyện mới xảy ra, thì Đức Maria “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.”(Lc 2,19).
Đức Maria không chỉ ghi nhớ những kỷ niệm vừa mới xảy ra, nhưng còn ghi nhớ tất cả những sự kiện xảy ra cho mình, kể từ ngày sứ thần Chúa đến báo tin Mẹ sẽ cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế. Chín tháng đã trôi qua, biết bao nhiêu điều xảy đến.
Sau những khoảnh khắc ngập tràn ánh sáng vì sự can thiệp của Thiên Chúa, đời thường trở lại nhịp sống của mình. Dường như cuộc đời ra khó hiểu hơn. Toàn là một màu xám và một lòng tin trơ trụi. Từ bối cảnh ấy, một câu hỏi bật lên: “Phải chăng Thiên Chúa đã quên?”
Ông Giuse cũng đợi chờ Con Trẻ ra đời. Trong thời gian ấy, để tìm được bình an, ông cũng cần được ánh sáng từ Trời chiếu soi mới có thể thoát khỏi cảnh đêm tối đang vây bọc. Nhưng rồi sau đó, chẳng có gì thêm nữa, hết ngày này qua ngày khác trong khi cái bụng của người vợ cứ lớn dần.
Tuy nhiên, trong quãng thời gian ấy, thời gian chịu đựng đầy kiên nhẫn, cũng có một tia sáng: những đứa trẻ nhảy mừng trong lòng mẹ, khi xảy ra cuộc gặp gỡ giữa người đàn bà già nua Êlisabet và thiếu nữ Maria. Một khoảnh khắc ngắn ngủi với những lời tán dương, những sấm ngôn và tâm tình thờ lạy. Rồi tất cả lại trở nên bí ẩn. Ngày vẫn nối tiếp ngày.
Trong thời gian đầu của cuộc hôn nhân, ông Giuse và bà Maria đã rất ư bối rối! Họ đã phải cùng nhau xây dựng cuộc sống chung như một lễ dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho Đức Kitô mà họ được giao nhiệm vụ săn sóc. Lòng kính trọng đối với Con Trẻ sẽ ra đời đem lại cho họ niềm vui lớn lao đến nỗi họ quên hết nhọc nhằn. Họ cảm thấy vui mừng, không chỉ là niềm vui bình thường của một đôi vợ chồng, nhưng là niềm vui linh thánh, niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa. Chính với tình yêu này, mà họ quan tâm và chăm sóc lẫn nhau.
Ông Giuse rất quan tâm đến bà Maria đôi khi tỏ ra khá mệt mỏi, nhất là trong cuộc du hành bất đắc dĩ này, khi bà Maria sắp đến ngày sinh. Các bà mẹ hẳn hiểu rõ nụ cười có giá trị biết bao trong lúc này.
Về phần mình, bà Maria đã cùng với ông Giuse trải qua thử thách. Bà âm thầm chịu đựng, đồng thời đón nhận những điều xảy đến cho mình với lòng tin tưởng.
Sau cùng, đứa trẻ đã ra đời. Đầu tiên, chỉ có hai ông bà thờ lạy Con Trẻ. Chẳng bao lâu sau đó, các mục đồng đã tìm đến nơi. Trong bóng đêm, họ đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Người đã soi sáng lòng tin chất phác của họ.
Họ đã gặp thấy Con Trẻ vừa ra đời trong nơi tạm trú của súc vật. Cùng với ông Giuse và bà Maria, họ thờ lạy đấng Mêsia, Đấng Cứu Tinh của dân tộc và cả nhân loại. Sau đó, họ lại ra đi và báo cho mọi người biết: Con Trẻ ấy chính là Đức Kitô đã được các ngôn sứ báo trước.
Đọc lại trình thuật Tin Mừng này, liệu người Kitô hữu có được cái nhìn sáng suốt như các mục đồng để có thể nhận ra dấu vết của Thiên Chúa trong những cuộc gặp gỡ hằng ngày? Trong những giờ phút đen tối, họ có biết, cùng với Đức Maria, chia sẻ ánh sáng mà Thiên Chúa đã soi chiếu trong lòng họ, khi ban cho họ Đức Giêsu?
Bức tranh tương phản
Xét bề ngoài, Đức Maria chiếm địa vị khá khiêm tốn trong bài Tin Mừng hôm nay, thế nhưng vai trò của Mẹ rất quan trọng. Mẹ quỳ đó, im lặng, trong khi các mục đồng và dân cư vùng Bêlem đứng vòng quanh, như mộr bức tranh tương phản, với vùng sáng và bóng tối.
Theo Tin Mừng Luca, có thể nói các mục đồng là những người ồn ào: sứ điệp do các thiên thần loan báo làm cho họ phấn khởi. Còn dân cư vùng Bêlem lại ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi nghe câu chuyện các mục đồng thuật lại: họ không nói nên lời.
Về phần mình, Đức Maria không có một cử động nào. Mẹ quỳ đó, im lặng, hoàn toàn trái ngược với đám mục đồng cũng như đám dân cư vùng Belem. Mẹ cũng ngạc nhiên, nhưng không xao động. Mẹ hoàn toàn chú tâm vào những điều tai nghe mắt thấy. Mẹ thu lượm tất cả, và cẩn thận ghi nhớ những gì xảy ra, cùng với xác tín rằng: tất cả những điều ấy đều có tính cách quan trọng.
Tin Mừng Luca ghi nhận: Mẹ “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Theo bối cảnh Kinh Thánh, thành ngữ này có ý nghĩa rõ ràng: khi suy đi nghĩ lại những điều các mục đồng thuật lại, Đức Maria chuẩn bị để sẵn sàng đón nhận tương lai sắp xảy đến (x.Lc 1,66). Tương lai của Con Trẻ đó là điều chắc chắn, nhưng cả tương lai của Mẹ nữa: vì Mẹ và Con Trẻ làm sao có thể tách rời nhau được? Chắc chắn rằng Mẹ chỉ hiểu rõ tất cả khi đứng dưới chân thập giá, nhất là sau khi Đức Giêsu đã phục sinh.
Đối với người Kitô hữu, đây lại không phải là một đề tài hấp dẫn để suy niệm khi họ bước vào một năm mới, trong đó Thiên Chúa vẫn luôn ở với họ? Cần phải học để nhận ra điều này. Và cũng phải biết tạ ơn.
Cả đời trong im lặng
Trong thời khắc linh thiêng này, Đức Maria chia sẻ bằng cách im lặng. Im lặng là tình trạng, là con đường, là cuộc đời của Mẹ. Cuộc đời của Mẹ là im lặng thờ lạy Lời Vĩnh Cửu. Khi cưu mang, khi bồng ẵm Lời đó, Lời ngang hàng với Chúa Cha, Lời trở nên con người yếu ớt, mỏng manh, mẹ lại càng thinh lặng và được biến đổi theo gương Ngôi Lời Nhập Thể cũng chính là Con của Mẹ, và là Thiên Chúa của Mẹ.
Như vậy cuộc đời của Mẹ luôn chìm trong thinh lặng: từ thinh lặng để thờ lạy sang thinh lặng vì được biến đổi. Tâm trí Mẹ luôn khao khát và bước đi trong thinh lặng.
Mẹ ở trong im lặng, ngây ngất vì sự thinh lặng của Đức Giêsu. Đây là một trong những hiệu quả linh thánh do sự thinh lặng của Đức Giêsu đem lại: Đức Maria hoàn toàn im lặng, một sự im lặng đầy khiêm tốn, thánh thiện.
Quả vậy, có thể coi như một điều lạ lùng khi thấy trong khung cảnh cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu, mọi người đều lên tiếng trong khi Đức Maria không nói gì cả. Các thiên thần nói với nhau và nói với mục đồng, còn Đức Maria giữ im lặng. Các mục đồng chạy đến và lên tiếng nói; Đức Maria giữ im lặng. Các vị đạo sĩ từ phương đông đến, họ nói chuyện với nhau và với cả thành, cả đế quốc, với cả Thượng Hội Đồng ở Giuđê, còn Đức Maria sống trong âm thầm và im lặng… Tại Đền thờ, ông già Simêon và nữ ngôn sứ Anna lên tiếng nói; tất cả những ai đang trông đợi ơn cứu độ cho Israel cũng lên tiếng nói; trong khi đó Đức Maria im lặng tiến dâng và nhận lại Người Con của mình. Sự yên lặng của Đức Giêsu đã có uy lực và ghi dấu ấn mạnh mẽ trên tâm trí Đức Maria. Sự yên lặng ấy đã chiếm lĩnh Mẹ và làm Mẹ ngây ngất.
Trong suốt quãng thời thơ ấu của Đức Giêsu, người ta chỉ nghe thuật lại về thái độ của Đức Maria: “còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đó là mối bận tâm duy nhất của Đức Trinh Nữ, đó là cuộc sống và hoạt động của Mẹ khi nhìn ngắm Đức Giêsu lúc còn thơ ấu!
(theo Pierre de Bérulle, Opuscule de piété, Aubier LX, trang 233-235).
SUY NIỆM III
Mẹ Thiên Chúa: Nguồn Cội Bình An và Sứ Vụ Hòa Giải
Jn.nvh
Hôm nay, trong ngày đầu năm mới, Hội Thánh mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Cùng lúc đó, chúng ta cũng suy niệm về sứ điệp hòa bình mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại qua Đức Maria, người Mẹ của chúng ta.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Ngày Hòa Bình Thế Giới 2025 mời gọi chúng ta hiểu rằng hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, mà là sự hiện diện của công lý, tình yêu, và lòng thương xót trong mọi mối quan hệ. Ngài khẳng định: “Chỉ khi chúng ta hoán cải tâm hồn và xây dựng hòa bình từ trái tim, thế giới mới có thể sống trong hòa bình.” Đức Maria là mẫu gương hoàn hảo của sự hoán cải và dấn thân cho hòa bình. Mẹ đã thưa “Xin vâng” với kế hoạch của Thiên Chúa, và trong hành trình đó, Mẹ luôn trở thành dấu chỉ của sự bình an, tình yêu và sự hợp tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ.
Kinh Thánh cũng dạy chúng ta về hòa bình từ những trang đầu tiên. Trong sách Dân Số (Ds 6,22-27), Thiên Chúa ban cho Mô-sê lời chúc lành đặc biệt dành cho dân Israel: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bình an cho con.” Đây không chỉ là một lời cầu chúc mà còn là lời hứa của Thiên Chúa về sự bình an. Đức Maria là người đầu tiên nhận lãnh sự bình an ấy khi Mẹ thưa “Xin vâng” trước sứ mệnh của mình, và chính Mẹ đã sinh ra Đấng Hòa Bình, Chúa Giêsu, Đấng mang lại bình an cho thế giới.
Lời chúc phúc này trong sách Dân Số là một hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Đức Maria chính là người đầu tiên trải nghiệm và chia sẻ sự bình an này. Mẹ không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu mà còn là Mẹ của tất cả những ai muốn tìm thấy sự bình an trong Chúa.
Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay (Lc 2,16-21) cho chúng ta một hình ảnh tuyệt đẹp về niềm vui và hòa bình đến từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Các mục tử, khi gặp Hài Nhi trong máng cỏ, không chỉ nhìn thấy một em bé yếu đuối, mà họ nhận ra đó là Đấng Cứu Thế, là Hoàng Tử Bình An. Chính vì thế, họ không thể giữ niềm vui này cho riêng mình mà đã “tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy.” Họ trở thành những người loan báo bình an, những người truyền đạt niềm vui và hy vọng mà họ đã nhận được.
Chúng ta cũng được mời gọi để sống như các mục tử, trở thành sứ giả của hòa bình trong thế giới hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng, để xây dựng hòa bình, chúng ta cần bắt đầu từ những hành động nhỏ trong gia đình và cộng đoàn. Cầu nguyện, chia sẻ và quan tâm đến những người nghèo khổ, những người bị gạt ra ngoài xã hội, chính là những cách thức cụ thể để làm cho hòa bình trở nên hiện thực trong cuộc sống. Trong Giáo Hội, chúng ta học được rằng hòa bình không chỉ là điều mà chúng ta chờ đợi, mà là điều chúng ta phải kiến tạo mỗi ngày qua việc sống công bằng, tha thứ và yêu thương.
Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời của sự tha thứ và hòa giải. Khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ không chỉ chứng kiến đau khổ của Con Mẹ, mà Mẹ còn là người tham gia vào công cuộc cứu độ của thế giới, khi Mẹ nhận lãnh trách nhiệm làm Mẹ của các tín hữu. Mẹ là Mẹ của những ai muốn sống trong hòa bình, bởi vì Mẹ luôn dẫn dắt chúng ta đến với Đấng Hòa Bình là Chúa Giêsu. Chính Mẹ là người đầu tiên sống đức tin trong sự khiêm nhường và hiệp nhất với Thiên Chúa, và qua Mẹ, chúng ta học được cách sống hòa bình trong thế giới đầy bất ổn này.
Trong một thế giới đầy rẫy chiến tranh và xung đột, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta dấn thân cho hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mỗi người chúng ta trở thành khí cụ hòa bình trong gia đình, trong cộng đồng và trong xã hội. Ngài nhắc nhở rằng hòa bình không thể đạt được bằng cách thức của con người, mà chỉ có thể đến khi chúng ta sống và hành động theo ý muốn của Thiên Chúa. Hòa bình là món quà của Thiên Chúa, nhưng cũng là một bổn phận mà mỗi người chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Chúng ta hãy dâng lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, lời cầu nguyện xin Mẹ ban cho chúng ta bình an thật sự. Xin Mẹ dạy chúng ta biết lắng nghe lời Thiên Chúa và luôn thưa “Xin vâng” trong mọi hoàn cảnh. Xin Mẹ giúp chúng ta xây dựng hòa bình trong gia đình, trong cộng đoàn và trong thế giới này. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con được sống trong bình an, như lời Thiên Chúa đã hứa.
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ CÁC LỄ ĐỨC MẸ
(Nguồn: giaophancantho.org)
- ĐỨC MẸ PHÙ HỘ
Nếu bạn có cơ hội đến thăm Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ ở thành phố Turin, miền bắc nước Ý, thì ở phía sau nhà thờ, bạn sẽ nhìn thấy một bức tranh mô tả giấc mơ nổi tiếng của người xây dựng vương cung thánh đường, thánh Gioan Bosco. Ở giữa bức tranh là một con tàu lớn đang chiến đấu một trận chiến ác liệt trên biển. Con tàu bị bao vây bởi một hạm đội lớn của kẻ thù đang nỗ lực bắn phá nó bằng đạn đại bác và bom cháy; nó húc các mũi nhọn sắc bén của chúng vào mạn tàu. Một người đàn ông mặc đồ trắng đứng ở mũi tàu cố gắng hướng dẫn nó vào bờ an toàn. Cách một khoảng bằng chiều rộng của con tàu là hai cột cao mà tàu phải đi qua để vào bờ. Trên đỉnh của một trong hai cây cột là hình ảnh của Mẹ Maria với dòng chữ “Phù hộ các giáo hữu” được viết bên dưới; trên đầu của cột kia là hình bánh thánh màu trắng, với dòng chữ “Ơn cứu độ của người tín hữu” bên dưới. Mỗi khi một tàu địch thành công trong việc tạo ra một vết nứt ở mạn tàu, một cơn gió nhẹ thổi đến từ các cột trụ vá lại lỗ thủng. Vào một lúc nọ, theo lời kể của giấc mơ, thuyền trưởng mặc áo trắng bị thương và chết, những người trong tàu của kẻ thù reo hò và vui mừng. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, mọi người trên con tàu bầu một thuyền trưởng mới, cũng mặc đồ trắng, đứng dậy ngay để tiếp tục hướng dẫn con tàu đến nơi an toàn. Cuộc chiến tiếp tục diễn ra ác liệt, nhưng thuyền trưởng mới thành công bẻ lái con tàu giữa hai trụ, đưa nó vào cảng. Ngay sau khi nó được neo vào hai cột, tất cả các tàu địch đã bỏ chạy, va vào nhau và vỡ ra từng mảnh. Đột nhiên, mặt nước tĩnh lặng, và một sự bình yên bao trùm trên biển. Cũng trong bức tranh này là những hình ảnh khác giúp chúng ta suy niệm về lễ trọng kính Đức Mẹ Mân Côi. Thánh Gioan Bosco, một vị thánh nhiều giấc mơ trong cuộc đời của mình, đã nhìn thấy cảnh tượng được mô tả trong bức tranh này vào một đêm tháng Năm năm 1862. Ngài hiểu ngọn cờ là hình ảnh của Giáo hội, thuyền trưởng mặc áo trắng là biểu tượng của Đức Thánh Cha, và những con tàu của kẻ thù là Satan đang đánh phá và bách hại Giáo hội. Hai cây cột và những hình ảnh đặt trên đó tiêu biểu cho sự bảo vệ và giúp đỡ mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ cung cấp cho Giáo hội lữ hành trên dương thế. Trong khi trình bày cách giải thích này, người ta cũng có thể đưa ra nhiều so sánh giữa những hình ảnh này với kinh nghiệm riêng của mỗi người khi tiến về phía trước trong cuộc hành hương về quê trời. (Cha David Rider; do cha Tony Kayala trích dẫn.
- MẸ LÀ MẸ CỦA CON
Năm 1929, chỉ 17 ngày trước sinh nhật thứ 9 của mình, cậu bé Karol Wojtyla – vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai – từ trường học về nhà vào buổi tối. Cậu đã quen với việc nhìn thấy cha mình – một người lính mạnh mẽ trong quân đội Ba Lan – quỳ gối cầu nguyện trên sàn gỗ cứng trong phòng khách nhà họ. Tuy nhiên ngày hôm đó, khi Karol nhìn thấy cha mình cầu nguyện, cậu thấy đầu gối cha mình ướt đẫm trong một vũng nước mắt. “Có chuyện gì vậy, Papa?” Giáo hoàng tương lai hỏi cha mình. “Karol à, mẹ của con vừa mới mất rồi!” là câu trả lời của cha cậu. Quá bất ngờ, và không biết phải làm gì, cậu bé tám tuổi chạy ra khỏi nhà, vội đến nhà thờ giáo xứ ở Wadowice, cách căn hộ Wojtyla chưa đầy nửa dãy nhà. Cậu bước vào nhà thờ và gần như theo bản năng, chạy lên lối giữa đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ, và với chính giọt nước mắt của mình, cầu nguyện với Ngài: “Lạy Mẹ Chúa Giêsu, con không biết tại sao Chúa bắt mẹ con về nhà Cha vào thời điểm này. Nhưng con biết một điều: Bây giờ Mẹ là mẹ của con!” Đức Thánh Cha, ngài đã phó dâng cho Đức Mẹ trước sinh nhật thứ chín, tiếp tục dâng mình cho Đức Mẹ luôn mãi. Khẩu hiệu của ngài, “Totus Tuus,” xuất phát từ lời cầu nguyện dâng mình cho Đức Mẹ của thánh Louis Marie Grignion de Montfort, người đã cầu nguyện mỗi ngày: “Hỡi Maria! Con là tất cả của Mẹ, và tất cả những gì con có đều là của Mẹ. Con hoàn toàn đón Mẹ vào nhà của con. Hỡi Maria! xin ban cho con trái tim của Mẹ,” để con có thể yêu mến Chúa hơn. (Theo cha Roger J. Landry)
- KHÁC BIỆT THẬT SỰ
Một cậu bé đánh giày miệt mài làm công việc của mình ở Nhà ga Trung tâm Thành phố New York. Khi cậu chà mạnh đôi giày sáng bóng của một người đàn ông sang trọng, tượng ảnh Đức Mẹ bằng bạc đeo trên cổ cậu lắc qua lắc lại. Người đàn ông tò mò hỏi: “Con trai, cái vòng bạc quanh cổ con là gì vậy?”- Đó là ảnh của mẹ Chúa Giêsu,” cậu bé trả lời. Người đàn ông hỏi tiếp: “Tại sao lại là ảnh của bà ấy?” Cậu bé nói: “Bà ấy cũng không khác gì mẹ của ông ạ.” “Có thể vậy đấy, nhưng thật sự có một sự khác biệt lớn giữa Con của bà và cháu.”
* Lòng sùng kính của cậu bé đối với Mẹ Maria có thể là lời nhắc nhở tôi: Mẹ Maria đóng vai trò gì trong đời sống của tôi? Mẹ đã giúp tôi lớn lên trong đời sống thiêng liêng thế nào? (Theo cha Mark Link, trong Vision 2000).
- AI LẠI KHÔNG CÓ MẸ
Đức ông Tonne kể câu chuyện về một linh mục ở một thành phố nhỏ tiểu bang Alabama, nơi hầu hết là những người theo đạo Tin lành Baptít. Mùa Giáng Sinh năm ấy, vị linh mục quyết định thiết kế một máng cỏ Chúa Hài Đồng ở quảng trường thành phố. Vị linh mục cùng với một số giáo dân đại diện giáo xứ đi đến một số doanh nghiệp và gia đình giàu có để quyên góp kinh phí. Khi họ đến gặp một biên tập viên giàu có của tờ báo địa phương, vị linh mục giải thích về công việc đầy ý nghĩa của mình: “Nhiều người, nhất là các trẻ em sẽ được truyền cảm hứng để nhìn thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ, thánh Giuse và các con vật dễ thương ngay tại trung tâm thị trấn.” Biên tập viên đồng ý giúp đỡ, nhưng với điều kiện không được đặt tượng Maria trong máng cỏ. Bởi vì “nó sẽ tôn vinh cộng đoàn Công giáo của các bạn”. Vị linh mục nói: “Hãy nói cho tôi biết làm thế nào một người con sinh ra mà không lại không có mẹ, thì tôi sẽ đồng ý để tượng Maria ra ngoài”. Người biên tập tờ báo không trả lời được, và Mẹ Maria với Chúa Con nổi bật ở quảng trường thành phố mùa Giáng Sinh ấy.
- BIỂU TƯỢNG CỦA NIỀM TIN
Knute K. Rockne không chỉ là cầu thủ nổi tiếng nhất trong lịch sử thể thao của Đại học Notre Dame; anh còn là một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Mỹ. Tuy nhiên sự nghiệp của Rockne đã kết thúc quá sớm và bi thảm. Chiếc máy bay mà anh đi vào ngày 31 tháng 3 năm 1931, đã bị rơi ở vùng nông thôn gần Bazaar, Kansas. Thật mau chóng, các nhà chức trách vội vã đến hiện trường nơi chiếc máy bay bị cháy rụi nằm đó. Họ truy tìm danh tính của các nạn nhân, nhưng đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thi thể của những người bị cháy sém. Nhưng họ không gặp vấn đề gì khi nhận ra huấn luyện viên nổi tiếng Rockne. Anh ta là người có một chuỗi Mân Côi vẫn còn cuốn quanh bàn tay.
* Cha Robert F. McNamara đọc câu chuyện này nói: “Tôi tin chắc rằng cả cái chết và sự sống…không thể tách anh ấy ra khỏi lòng yêu mến Đức Mẹ.”
- MỘT SỐ NGƯỜI TIÊU BIỂU
Người ta thấy Mẹ Têrêsa luôn đọc kinh Mân Côi ngay cả những lúc bận việc nhất. Ông Daniel O’Connell, một chính trị gia được mệnh danh là “Người cha của dân tộc Ireland” đã đọc kinh Mân Côi trong phòng riêng của mình trước mỗi phiên họp của quốc hội, và không có gì lạ khi Ireland được gọi là “Xứ sở của Kinh Mân Côi”. Người nổi tiếng phát động đọc Kinh Mân Côi, Fr. Peyton, thách thức chúng ta: “Dành ra mười phút để lần chuỗi Mân Côi ở nhà, bạn sẽ biến ngôi nhà của bạn thành thiên đàng bình an.” Nhà khoa học vĩ đại, William Ampere – khám phá ra điện năng-, khi về già đã truyền cảm hứng và cải đạo cho Frederick Osanam (người sáng lập Hội thánh Vinh Sơn Phaolô), bằng cách đọc Kinh Mân Côi hàng ngày tại một hang động. Những lời cuối cùng của nhà bác học Louis Pasteur với y tá của mình trước khi ông qua đời cách xa nhà mình là: “Hãy nói với vợ tôi rằng tôi chết đang lúc đọc kinh Mân Côi.”
- LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ
Tạp chí Life ước tính rằng lời cầu nguyện “Kính mừng Maria” được đọc khoảng hai tỷ lần mỗi ngày; và mỗi năm có từ năm đến mười triệu người hành hương đến Đền Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico. Nhiều tín hữu cũng thường đi hành hương đến các địa điểm của Đức Mẹ ở nhiều nơi khác trên thế giới. Đức Maria được cầu nguyện như là đấng bênh vực, che chở, và trợ giúp. Ngay cả trong lĩnh vực thể thao cũng đề cập đến sự can thiệp của Đức Mẹ: đường chuyền cứu nguy cuối cùng của một đội bóng đang thua cuộc từng được gọi là “đường chuyền kinh Kính mừng”. Đức Maria cũng được những tín đồ Hồi giáo tôn kính. Được biết, khi nhà tiên tri Muhammad dọn sạch các tượng thần ra khỏi Kaaba ở Mecca, ông chỉ cho phép duy nhất một bức bích họa của Đức Mẹ đồng trinh Maria ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng được ở lại. Trong Kinh Qur’an, Mẹ Maria được mô tả là người được gửi đến với danh hiệu “lòng thương xót cho thế giới.”
- BIỂU TƯỢNG SỐNG ĐỘNG
Có một câu chuyện rất ý nghĩa kể về một chuyến tàu lửa, trong chuyến hành trình dài và tẻ nhạt. Một số người lớn tuổi của một viện dưỡng lão muốn đi đến một điểm nghỉ dưỡng, vào thời gian nghỉ hè. Tại một nhà ga, một người mẹ trẻ với một cô gái nhỏ bước vào tàu. Đứa trẻ mỉm cười với tất cả những khuôn mặt nhăn nhó, ưu tư, cau có xung quanh mình và bắt đầu chạy lăng xăng từ lòng người này sang lòng khác nói chuyện, hét lên vui vẻ và vỗ nhẹ vào tay mọi người. Ngay lập tức, bầu không khí ảm đạm và im lặng ngột ngạt trong đoàn tàu được thay đổi thành một niềm vui và hạnh phúc.
* Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế giới vô vọng, không có niềm vui và tội lỗi này thành một nơi vui tươi và hạnh phúc.
- CHUYỆN VUI
Cô Thanh Lan là giáo lí viên dạy lớp giáo lí lớp sữa đức tin ngày Chúa nhật. Cô vừa giải thích xong về lễ Đức Mẹ Mân Côi cho các em trong lớp học của mình. “Bây giờ,” cô ấy nói, “những ai muốn lên Thiên đàng để nhìn thấy Đức Mẹ thì giơ tay.” Tất cả bọn trẻ đều giơ tay ngoại trừ cô bé Hân ngồi ở hàng ghế đầu. Cô Thanh Lan hỏi: “Em không muốn lên Thiên đàng sao, Hân?” Hân rưng rưng nước mắt nói: “Em không thể. Mẹ em bảo em phải về thẳng nhà ngay sau giờ học giáo lí!”.
Một ngày nọ, Chúa Giêsu đi dạo quanh Thiên đàng và bất chợt nhận thấy có một số người đang lẩn trốn tại các con đường quanh công viên, những người này đã được xét là không được vào Thiên đàng. Ngài vội tìm thánh Phêrô ở cổng và nói với ông: “Phêrô, anh đã được giao nhiệm vụ của mình mà không chu toàn; anh đưa sai người vào Thiên đàng.” Phêrô than van với Chúa: “Xin đừng trách con, Chúa ơi”. “Con từ chối họ giống như Chúa đã truyền lệnh. Nhưng họ lại đi vòng ra phía sau, và Mẹ của Chúa đã mở cửa cho họ vào! Và con thực sự là ‘bó tay chấm com luôn!’”
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm