Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm C


Lễ Mình Máu Thánh Chúa

(St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17)

29-5-2016

Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay xuất phát từ một thị kiến của thánh nữ Giu-li-a-na. Ngài sinh tại Rơ-tin, Li-e-giơ, nước Bỉ năm 1193. Mồ côi cha mẹ từ 5 tuổi. Thánh Giuliana được nuôi dưỡng trong dòng Augustinô. Năm 14 tuổi thành nữ tu. Ngài tiến rất nhanh trên đường nhân đức, nổi tiếng có lòng yêu mến Đức Mẹ, sự thương khó của Chúa, và đặc biệt phép Mình Thánh. Đến tuổi 16 ngài được thấy những thị kiến. Một trong những thị kiến ngài thấy : đó là một mặt trăng tròn đầy sáng láng, song bị một vết đen che phủ. Ngài kể lại thị kiến cho mẹ bề trên, nữ tu Sapientia (Sa-pi-en-xi-a).

Ý nghĩa thị kiến chẳng ai hiểu. Cuối cùng, sau nhiều ngày cầu nguyện, thánh Giuliana nghe thấy tiếng Chúa từ trời cho biết :  « Điều làm xao xuyến lòng con, đó là Cha muốn thiết lập một lễ cho Giáo hội chiến đấu (tức tại thế) lễ Bí tích Bàn thờ cực thánh cực trọng. Mầu nhiệm này cho tới nay mới chỉ được cử hành vào Thứ Năm Tuần Thánh. Song ngày đó, những sự đau khổ và cái chết của Cha đã là những chủ đề chính yếu để suy gẫm. Vì thế, Cha muốn tòan thể Giáo hội cử hành một ngày khác. »

22 năm sau, thánh Giuliana mới được phép nói cho Đức cha Thôrêtê, giám mục Lìège, và Đức Pan-ta-lê-ông, tổng phó tế, biết. Sau này, ngày 29-8-1261, Đức Pantalêông được bầu làm giáo hòang, Đức Urbanô IV. Ngày 8-9-1264 Đức Urbanô thiết lập lễ Mình Thánh Chúa vào ngày thứ năm sau lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Các bản văn thánh lễ do thánh Tôma tiến sĩ sọan thảo.

Có ba lý do Chúa muốn thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa :

  • Niềm tin vào Phép Mình Thánh sẽ được lễ này làm cho vững mạnh, vì trong tương lai sẽ có những chống đối niềm tin này.
  • Nhờ việc tôn kính thành thật và sâu xa phép Thánh Thể, các tín hữu sẽ mạnh bước trên đường nhân đức.
  • Nhờ lễ Mình Máu Thánh Chúa sửa chữa lòng bất kính và vô phép với Thánh Thể.

Qua thị kiến của thánh nữ Giuliana, lễ Mình Máu Thánh Chúa giúp đức tin chúng ta thêm vững mạnh. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng muốn nói chúng ta như vậy.

BTM : Phép lạ bánh và cá trong BTM thánh lễ hôm nay là một phép lạ đặc biệt, vì đây là phép lạ duy nhất được cả 4 sách Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an kể lại. Mỗi tác giả kể lại một khác.

BTM đọc trong thánh lễ hôm nay là bài tường thuật của thánh Luca. Theo thánh Luca, trước khi làm phép lạ 5 chiêc bánh và 2 con cá ra nhiều cho nhiều người ăn, Chúa Giêsu “đã nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa” (Lc 9,11).

Như thế, của ăn tinh thần quan trọng hơn của ăn vật chất, Mình Máu thánh Chúa quí hơn bánh và cá.

Bđ1 : Sách Sáng thế trong bđ1 kể : khi chiến thắng các vua ngoại giáo trở về, ông Áp-ram được ông Men-ki-xê-đê tư tế của Thiên Chúa tối cao đem bánh và rượu đến chúc phúc cho ông Áp-ram.

Thư Híp-ri viết về tư tế Menkixêđê như sau : “Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thé, là ông giống Con Thiên Chúa, mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Hr 7,3).

Sách Kinh Thánh Tân Ước của Các Giờ Kinh Phụng Vụ, năm 2011, cắt nghĩa như sau : “Vua tư tế Men-ki-xê-đê không nói đến dòng dõi, gốc gác hậu duệ, khiến liên tưởng đến chức vụ tư tế độc nhất và muôn đời của Đức Kitô” (trang 1191).

Với chức “tư tế độc nhất” của Chúa Giêsu, Mình Máu Thánh Người cao trọng biết bao !

Bđ2 : Qua BTM và Bđ1, Mình Máu Thánh Chúa rất cao trọng, thế mà chúng ta coi thường. Ngày xưa thánh Phaolô đã cảnh cáo dân thành Côrintô ở Hy Lạp như sau : “Tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp công đoàn, anh em chia rẽ nhau… Khi anh em họp nhau không phải để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say… Về điểm này tôi chẳng khen đâu” (1Cr 11,17-22).

Sau khi than trách thái độ bất xứng của các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô mới nói việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nghe trong bđ2 : “Điều tôi lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : Đây là Mình Thầy hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,23-24).

Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ để minh chứng bánh và rượu là Mình Máu Thánh Chúa thật. Bà Gioanna Carroll Cruz, người Mỹ ở tiểu bang Lousianna, đã thu tập tất cả 32 phép lạ. Bà đã in thành tập sách nhan dề « Những Phép Lạ Thánh Thể ».

Hiện nay Chúa vẫn làm phép lạ, như phép lạ xảy ra ở Balan ngày 25-12-2013.

Đức Cha Kiernikowski trong thánh lễ sáng Chúa Nhật tại nhà thờ Thánh Jack ở Legnica thông báo :

Anh chị em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!

Với tư cách là Giám Mục Legnica, tôi long trọng công bố trước công chúng và thông báo về một sự kiện đã diễn ra tại giáo xứ Thánh Jack tại Legnica trong đó có các dấu ấn của phép lạ Thánh Thể. Vào ngày 25 Tháng Mười Hai 2013 trong khi phân phát Mình Thánh Chúa, một Bánh Thánh đã được truyền phép rơi xuống sàn nhà và sau đó được nhặt lên và được đặt trong một hộp chứa đầy nước. Ngay sau đó, những tia màu đỏ xuất hiện.

——————————————–

LỄ MÌNH THÁNH CHÚA

7-6-2015

Trong 118 thánh tử đạo Việt Nam, cuộc tử đạo của thánh Marchand (Mác-xăng) Du mang màu sắc bi tráng nhất. Với gần ba tháng trong chiếc cũi chật hẹp, và những cuộc tra tấn chết đi sống lại, ngài là vị duy nhất bị án bá đao, nghĩa là bị cắt xẻo 100 miếng thịt, trước khi thân bị chặt ra làm bốn, còn đầu bị nghiền nát đổ xuống biển.

Thánh Mác-xăng Du là linh mục Hội Thừa Sai Pa-ri. Chưa đầy mười tuổi : sau giờ tan học, cậu rủ các bạn hữu về nhà, khiêng bàn làm bàn thờ, trải khăn, trang hoàng hoa nến, đặt cây Thánh Giá, rồi bắt chước các cử điệu như khi linh mục dâng lễ cho các bạn xem.

Sau rước lễ lần đầu, ngài xin đi tu. Gia đình làm nông nghèo khổ, cần có người làm việc, cha mẹ không bằng  lòng. Nhưng Chúa muốn, cha mẹ không cưỡng lại được ý Chúa.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài tình nguyện sang Việt Nam vào tháng 3-1830, mới 27 tuổi. Học tiếng Việt xong, ngài được sai làm cha sở xứ Lái Thiêu, rộng tới Phan Thiết, với 25 họ, 7000 giáo dận

Trong thư đề ngày 13.6.1832 gởi về quê nhà cha viết : “… 25 giáo họ cách nhau rất xa. Muốn chu toàn bổn phận, con không thể bỏ phí một giây nào… từ năm giờ sáng đến chín giờ tối, nhiều ngày chẳng có lúc nào rảnh rỗi cả. Con chỉ có thể dành chút thời giờ chu toàn việc đạo đức riêng lo cho phần rỗi mình, còn thì luôn luôn phải làm việc để thánh hóa kẻ khác… Con chỉ tiếc một điều là không thể tận tụy hơn được nữa, để vừa giúp giáo dân, vừa giúp lương dân, lại cón phải bắt buộc di chuyển bằng thuyền, nên không thể đi mọi nơi, hầu dẫn về đoàn chiên Chúa Giêsu những con chiên bất hạnh lạc đường…“.

Nhận thấy vua Minh Mạng đối xứ vô ơn với tướng Lê Văn Duyệt, cha nuôi của mình, ngày 5.7.1833, ông Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm Sài Gòn và miền Lục Tinh. Để chiêu dụ người Công giáo, ông đã bắt cha Mác-xăng Du vào thành Sài Gòn ở với ông.

Ngày 08.9.1835 quân triều đình chiếm lại được thành Sài Gòn. Cha Du vừa cử hành thánh lễ xong thì bị bắt, bị đánh đập và bị nhốt vào cũi nhỏ, dài một mét (1m), rộng bảy tấc (0.7m), cao tám tấc (0.8). Cha chỉ có thể ngồi khom lưng suốt ngày đêm.

Sáng sớm 30.11.1835, bảy phát súng thần công nổ vang kêu gọi mọi người đến cửa Ngọ Môn Huế, tham dự cuộc xử án. Năm người lính cầm năm kìm nung đỏ kẹp vào bắp vế cha. Ba lần kìm kẹp, thân thể cha Du bị 15 vết bỏng. Song song với cuộc tra tấn là mẫu đối thoại như sau :

Quan hỏi :

  • Tại sao Gia Tô móc mắt mấy người gần chết?

Cha đáp :

  • Không bao giờ có chuyện móc mắt

Quan hỏi :

  • Tại sao mấy người kết hôn lại phải đến các thày đạo trước bàn thờ ?

Cha đáp :

  • Họ đến để thày cả chúc phúc và chứng nhận trước mặt các tín hữu.

Quan hỏi :

  • Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm phải không ?

Cha đáp :

  • Không, chẳng có điều gì quái gở.

Quan hỏi :

– Vậy sao có thứ bánh dùng làm bùa mê thuốc lú để phát cho những đứa đã xưng tội mà làm nó mê đạo đến thế?

Sau cuộc tra hỏi, cha Du bị dẫn ra sân nhà thờ Thợ Đúc. Lính trói cha vào cây cọc. Dân chúng bị đuổi lùi ra xa 30 thước. Có ba lý hình, một cầm kìm, một cầm đao, còn một đếm 100 miếng cắt. Trước đó, lính đã nhét nắm giẻ vào miệng cha, cột chặt, để cha không có thể kêu la.

Sau một hồi trống, lý hình cắt lớp da trên trán cha lật xuống che mặt, rồi cắt từng mảnh hai bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đau đớn, cha giẫy giụa, quằn quại, ngước mắt lên trời, rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa đời. Sau đó, quân lính cắt đầu, cởi dây, bổ thân cha làm bốn, ném xuống biển. Còn đầu cha, được đưa đi bêu diếu nhiều nơi, rồi bị bỏ vào cối giã nát và cho rắc xuống biển.

Ngày 27.5.1900 đức giáo hoàng Lêo XIII đã suy tôn cha lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Ngày 25-1-1836 vua Minh Mạng ra chiếu chỉ kể tội ác của đạo :

“Các thừa sai dùng một thứ bánh để mê hoặc dân chúng giữ đạo tới cùng. Người Công giáo móc mắt người gần chết trộn với nhang để làm thuốc trị bệnh. Trong lễ nghi hôn nhân, có những hành dộng ám muội” (BĐS,t.II,tr.68).

Các Thánh Tử Đạo là những người yêu mến và kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể.

Thánh linh mục Giuse Đỗ Quang Hiển là một cha xứ của một giáo xứ lớn. Cha hết lòng lo lắng cho con chiên bổn đạo, nhất là cổ động cho mọi người yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và siêng năng lần hạt mân côi sáng tối (NĐVC,tr.119)

Cha Triệu giả làm thường dân đem Mình Thánh Chúa đến nhà tù, thày Phêrô Trương Văn Đường viết thư cho cha Marette : “Hôm nay là ngày trọng đại, chúng con được rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm vơi nhẹ những xiềng xích của chúng con…Cửa thiên đàng đã mở sẵn, nghĩ đến hạnh phúc đang chờ đợi, chúng con chẳng còn ước ao sự gì ở thế gian này nữa” (BĐS,II,148).

Lễ Các Thánh năm 1839, cha Trân đem Mình Thánh Chúa vào ngục. Vừa thấy người, cha Dũng Lạc chào : “Kính chào bác, tôi đợi bác đã lâu, vì hết lương thực rồi”. Sau đó cha cung kính rước Chúa và trao Mình Thánh cho cha già Thi.

Cha Lê Bảo Tịnh vào nhà tù giải tội và đem Mình Thánh Chúa. Cha Bonard Hương nói : “Đã lâu chưa bao giờ tôi vui đến thế này được mang trong mình Vua Các Thiên Thần” (BĐS,II,309).

Đc Xuyên cầu nguyện trước Thánh Thể lâu giờ (BĐS,II,366).

Thánh Anrê Trông và người chèo đò đến một bến đò ở sông Hương vào giữa trưa. Ngài bước qua thuyền cha Ngôn, ngài quì xưng tội. Sáng hôm sau ngài rước Mình Thánh Chúa, rồi tiến ra pháp trường An Hòa, Huế chịu chém đầu (BĐS,t.II.tr.55).

Linh mục Nguyễn Trung Thành