Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô – Năm C
Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô – Năm C
23-6-2019
————————
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Ngọc Quang
GIÁO HUẤN SỐ 30
Một số Hoàn Cảnh Phức Tạp (tt)
Lịch Giáo Phận trang 83
Trong khi thảo luận về phẩm giá và sứ mạng của gia đình, các Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã nhận định rằng “về các dự tính xem những kết hợp giữa những người đồng tính đồng nhất với hôn nhân, thì không có một nền tảng nào để đồng hóa những kết hợp đồng tính và kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình hoãc xem là tương tự, hoặc thậm chí chỉ giống xa xa”, và không thể chấp nhận rằng “các Giáo hội địa phương phải chịu sức ép về vấn đề này và các cơ quan quốc tế đặt điều kiện cho những viện trợ tài chánh cho các nước nghèo để dực vào các đạo luật cho phép lập hôn nhân giữa những ngườicùng giới” (Niền Vui của Tình Yếu số 251).
———————————
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
(St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17)
Đức tin Công giáo ở Fatima khá mạnh. Người ta sống Mười Giới Răn. Ai nấy đều siêng năng lần chuỗi.
Ở nước Bồ Đào Nha, từ năm 1910 chế độ Quân chủ qua đi và chế độ Công Hòa đến thay. Chính quyền nhanh chóng tỏ thái độ chống báng tôn giáo. Ông Bộ trưởng Tư pháp Afonso Costra tin tưởng bảo đảm rằng ánh sáng chính trị chiếu soi thì trong vòng hai thế kỷ tôn giáo sẽ hoàn toàn tàn lụi. Tự do có nghĩa là không vua chúa, không Thiên Chúa. Các tu viện, nhà dòng sẽ bị đóng cửa theo luật Cộng hòa.
Các gia dình nông dân ở Fatima sống nhờ những đàn vật và ruộng đồng. Năm 1915, Luxia dos Santos 8 tuổi, sinh ngày 22-3-1907, là con gái lớn trong 6 người con của ông Antonio dos Santos và bà Maria Rosa. Bà Olimpia de Jesus, em gái của ông Antonio và chồng Manuel Pedro Marco, với 7 người con sống gần bên. Phanxicô 7 tuổi, đứa trai út, sinh ngày 11-6-1908 và Giaxinta 5 tuổi, sinh ngày 11-3-1910. Cả hai gia đình tương đối là nghèo.
Hồi đó Luxia chưa biết năm, tháng, biết ngày trong tuần. Luxia với hai người em chăn chiên trên đồi Cabeco. Ăn trưa xong thì đi lần chuỗi.
Luxia thấy một đám mây lạ, trắng hơn tuyết bay lơ lửng trên các em. Đám mây trong suốt, đầy ánh sáng, với hình một thiên thần lớn. Về nhà, kể lại chuyện thiên thần, mẹ cô không tin, cho cô là “khùng”.
Một lần khác, Luxia đi chăn chiên trên đồi, lại thấy thiên thần bay lượn trên ngôi làng Fatima. Lần này cô không dám kể với ai, sợ bị la. Luxia thấy thiên thần lần thứ ba trên bầu trời Fatima.
Mùa xuân năm 1916, Luxia và hai người em họ Phanxicô và Giaxinta đi chăn chiên trên cánh đồng Chousa Velha, bên cạnh núi Cabeco, thì thấy chớp liền chạy vào hang đá lần chuỗi. Mưa tạnh, ba em ngồi ở cửa hang, ăn trưa và chơi. Bỗng các em nghe tiếng gió mạnh làm cây cối chung quanh nghiêng ngả. Luxia nhìn thấy những tia sáng hình thiên thần giống như hình ba lần trước Luxia đã thấy.
Trong Hồi ký “Fatima Trong Lời Lucia Kể”, Luxia kề : “Khi mưa tạnh, chúng tôi có thể phân biệt được hình dáng. Đó là một người thanh niên chừng 14,15 tuổi, trắng hơn tuyết, trong suốt như thủy tinh, mặt trời chiếu xuyên suốt, rất đẹp”.
Thiên thần đến gần nói :
“Đừng sợ, ta là thiên thần hòa bình, hãy cùng ta cầu nguyện”.
Thiên thần quì xuống đất. Cúi xuống, trán chạm đất và bảo chúng tôi lặp lại ba lần : “Lạy Thiên Chúa của con. Con thờ lạy. Con tin. Con tín thác và con yêu Chúa. Con xin Chúa tha cho những người không tin, không thờ lạy, không tín thác và không yêu Chúa”.
Rồi thiên thần đứng lên bảo ;
“Hãy cầu nguyện như thế. Trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria lắng nghe những lời cầu nguyện như vậy của các em”.
Những lời của thiên thần ghi sâu trong tâm trí chúng tôi không sao quên được. Chúng tôi thường noi gương thiên thần quì xuống cầu nguyện, lặp lại những lời cầu như thế. Tôi cũng cảnh cáo các bạn tôi giữ kín miệng, và cám ơn Chúa chúng thực hiện điều tôi muốn.
Một ngày kia chúng tôi đang chơi bên bờ giếng ở cuối vườn nhà cha mẹ tôi, bỗng chúng tôi nhìn thấy thiên thần đứng bên cạnh chúng tôi. Thiên thần hỏi :
- “Các em làm gì đấy ? Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện nhiều. Trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria thương yêu các em. Hãy không ngừng dâng lời cầu nguyện và những hy sinh lên Thiên Chúa.
Tôi hỏi :
“Chúng con làm những việc hy sinh cách nào ?”
Thiên thần trả lời :
“Làm những việc có thể làm. Dâng lên Thiên Chúa việc đền tội mà người ta xúc phạm đến Chúa, và cầu xin cho người tội lỗi ăn năn thống hối. Trên hết, chấp nhận và chịu đựng tất cả những đau khổ Thiên Chúa cho phép gửi đến cuộc đời chúng em. Bằng cách này, chúng em sẽ kéo hòa bình xuống quê hương chúng em. Ta là Thiên thần nước Bồ Dào Nha”.
Vài tháng trôi qua, Luxia kể :
“Chúng tôi đưa đàn chiên tới đồng cỏ… trên sườn đồi …Tới đó chẳng bao lâu, chúng tôi quì xuống, đầu chạm đất và bắt đầu lặp lại lời cầu của thiên thần : “Lạy Thiên Chúa của con. Con tin, con thờ lạy, con tín thác vào Chúa và con yêu mến Chúa”. Tôi không biết lặp lại lời cầu nguyện này bao nhiêu lần. Khi ánh sáng lạ soi chiếu, chúng tôi đứng lên xem cái gì xảy ra, và này thiên thần. Tay trái ngài cầm chén thánh, với Mình Thánh lơ lửng ở trên, từ Mình Thánh, một vài giọt máu rơi vào chén thánh. Thiên thần bỏ chén thánh trên không, thiên thần quì xuống bên cạnh chúng tôi và chúng tôi lặp lại ba lần : “Lạy Ba Ngôi chí thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Con dâng lên Ngài Mình và Máu rất châu báu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong tất cả các nhà chầu trên thế giới, để đền những tội vô ơn, xúc phạm đến Chúa. Và nhờ những công ơn vô hạn của Trái Tim Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, con xin Chúa thương những người tội lỗi được ăn năn thống hối”.
Rồi thiên thần đứng dậy, cầm lấy chén thánh. Ngài trao Mình thánh cho tôi, và Máu thánh trong chén thánh cho Giaxinta và Phanxicô và nói :
“Hãy cầm lấy và uống Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô bị xúc phạm qúa đỗi bởi những người vô ơn bạc đãi. Hãy đền tội cho họ và an ủi Chúa của chúng con”.
Lần khác, thiên thần quì xuống đất và nhắc chúng tôi ba lần lời kinh này : “Lạy Ba Ngôi cực thánh”. Rồi thiên thần biến đi.
Chúng tôi quì lâu giờ, lặp đi lặp lại nhiều lần lời kinh này. Cuối cùng chúng tôi đứng lên, chúng tôi thấy trời tối.
Mùa đông đến trên ngôi làng. Tâm hồn ba em mục đồng tràn đầy lời kinh Mân côi và lời kinh của Thiên Thần Bồ Đào Nha. Ai có thể tiên đoán được rằng Nữ Vương Các Thiên Thần đã sớm gửi đến cho ba em mục đồng ở Fatima kế hoạch hòa bình cho thế giới.
(Janicet. Connell, Meetings With Mary, trang 89-94).
Năm 1917, Đức Mẹ hiện ra ờ Fatima với ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta kêu gọi người ta : ăn năn đền tội, cải thiện đời sống, hằng ngày lần chuỗi và tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễn Mẹ. Vậy mà trước đó 1 năm, năm 1916, thiên thần còn hiện ra dạy người ta kính yêu Thánh Thể. Như thế, mới thấy bí tích Thánh Thể quan trọng biết bao. Sách Giáo lý viết : “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Ki-tô giáo” (số 1324). Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay cũng là một lời kêu gọi người ta kính yêu Thánh Thể.
Bài đọc 1 : Bài đọc 1 trong sách Sáng thế nói về tư tế Men-ki-xê-đê như sau : “Khi ông Áp-ram thắng trận trở về, có ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho ông Áp-ram…Rồi ông Áp-ram biếu ông Men-ki-xe-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (St 14,18.20).
Nhóm CGKPV giải nghĩa : “Với cử chỉ này, tổ phụ Áp-ram nhìn nhận vua Giê-ru-sa-lem thời ấy là tư tế chính thức và cao trọng, lâu trước khi có hàng tư tế A-ha-ron của luật Mô-sê (Hr7,4-7), (Kinh Thánh 2011 trang 51).
Trong thư Hip-ri, nhóm CGKPV giải nghĩa: trong thư Hip-ri : “Men-ki-xê-đê là một quân vương tư tế, nghĩa là nhà vua có chức tư tế trị vì tại Sa-lem (cũng là Giê-ru-sa-lem) được nói tới trong St 14,18. Ông là tư tế của Đấng Tối Cao ngay cả trước khi thành lập hàng tư tế Lê-vi. Ông tượng trưng cho Đấng Mê-si-a, người được xức dầu phong vương. Nhiều giáo phụ đồng ý cho rằng Con Thiên Chúa đích thân, xuất hiện nơi con người Men-ki-xê-đê. Hình ảnh Men-ki-xê-đê được dùng ở đây để áp dụng vào chức tư tế của Đức Ki-tô, một đề tài được khai triển dưới đây trong chương 7” (Kinh Thánh 2011, trang 2684)
Sách “Lời Chúa Là Nguồn Sống, Chúa Nhật Năm C, lm Hồng Nguyên viết : “Men-ki-xe-đê là hình ảnh tiên báo về Chúa Giê-su, vị Thượng tế tối cao, làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Ngài nhân từ và cảm thông mọi nỗi khổ của con người, và sẵn sàng ra tay trợ giúp con người khuất phục nó” (trang 163).
BTM : Nhóm CGKPV viết : “Lu-ca chỉ ghi một lần bánh được hóa nhiều (như Gio-an), trong khi Mát-thêu và Mác-cô ghi lại hai lần. Có thể Lu-ca bó buộc hoặc không biết có đoạn Mc 6,45 tt, hoặc có lẽ đúng hơn, Lc tránh sự trùng lặp của Mt và Mc. Quả vậy, dường như hai bài trình thuật là hai truyền thống song song ghhi lại cùng một biến cố : một truyền thống xuất phát từ giới Pa-lét-tin (phép lạ xảy ra ở bên bờ phía Tây trong Mt 14, với 12 thúng tượng trứng cho 12 chi tộc Ít-ra-en); một truyền thống xuất phát từ Ki-tô giáo gốc ngoại (phía lạ xảy ra bên bờ phía Đông trong Mc 8 với 7 giỏ tượng trưng cho 7 dân tộc Ca-a-an ngoại giáo trước thời chiếm cứ lãnh thổ). Nhưng tổng cộng, có tới 6 bài trình thuật tương tự trong bốn sách Tin Mừng; điều này cho thấy tầm quan trọng của phép lạ đối với các cộng đoàn sơ khai, đặc biệt trong các buổi hội họp bẻ bánh. Ngoài ra còn có ý nghĩa bữa tiệc trong vương quốc Đấng Mê-si-a (x.Mc 6,34+), (Kinh Thánh 2011, trang 2291).
Bđ2 : Nhóm CGKPV viết về bài Bữa Tiệc Của Chúa như sau : “Bài tường thuật của thánh Phao-lô’ gần với bài của thánh Lu-ca nhất, và chỉ có bài của thánh Lu-ca dẫn câu cuối : ‘Anh em hãy làm như Thầy vừa làm’ (Lc 22,19-20). Xét về mặt lịch sử, bài tường thuật trong 1Cô-rin-tô này rất quan trọng, vì là văn kiện Tân Ước tiên khởi lưu lại (các sách Tin Mừng viết muộn hơn). Đó là năm 57, vậy mà thánh nhân đã nhận và truyền lại như một truyền thống rồi”.
Nhóm còn giải nghĩa : “Bữa ăn riêng đối lập với ‘Bữa ăn của Chúa’ trong câu 20. Bữa ăn của Chúa đòi hỏi các Ki-tô hữu phải cùng nhau cử hành nghi lễ trong bác ái; nhưng tại Cô-rin-tô, trước khi cử hành bữa ăn này, người ta lại ăn uống với nhau. Và thay vì họp chung với nhau và để tất cả làm của chung, có nhiều người đã tách ra thành nhóm riêng có lẽ theo giai cấp của ngoài xã hội. Do đó, trong khi đáng lẽ không còn vấn đề giai cấp nữa, thì chính trong ‘bữa ăn của Chúa’, tình trạng không đồng đều lại càng rõ nét. Thánh Phao-lô chống lại tập tục đó” (Kinh Thánh 2011, trang 2540).
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam rất quí yêu Thánh Thể Chúa. Lễ Các Thánh ngày 1-11-1839, cha Trân đem Mình Thánh Chúa vào nhà tù. Vừa thấy cha Trân, cha Dũng Lạc chào đón : “Xin chào bác, tôi đợi bác đã lâu vì hết lương thực rồi”. Sau đó cha cung kính rước Chúa, và trao Mình Thánh cho cha già Thi (Bùi Đức Sinh, Uống Nước Nhớ Nguồn trang 459).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành