Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-Tô


Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-Tô

3-6-2018

Tông Huấn

NIỀM VUI YÊU THƯƠNG

Việc cầu nguyện trong gia đình là một cách thức đặc biệt để diễn tả và củng cố đức tin…  Có thể tìm ra vài phút mỗi ngày để qui tụ với nhau trước Thiên Chúa hằng sống, kể với Ngài những lo lắng  của chúng ta, xin Ngài nhìn đến những nhu cầu gia đình, cầu cho một ai đó đang gặp khó khăn, xin Ngài trợ giúp ta điễn tả tình yêu, tạ ơn về hồng ân sự sống và về bao ơn lành khác, và cầu xin Đức Mẹ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Chỉ một ít lời đơn sơ như thế, khoảnh khắc cầu nguyện này có thể đem lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình chúng ta. Những diễn tả khác nhau của lòng đạo đức bình dân là một kho tàng linh đạo cho nhiều gia đình. Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm nơi việc cùng nhau chia sẻ Thánh Thể , nhất là trong khung cảnh ngày lễ nghỉ Chúa Nhật. Đức Giê-su gõ cửa các gia đình, chia sẻ với họ Bữa tiệc Thánh Thể (x.Kh 3,20). Ở đó, vợ chồng luôn luôn có thể ký kết lại giao ước Vượt Qua, là giao ước kết hợp họ, là giao ước phải phản ảnh giao ước mà Thiên Chúa ký kết với nhân loại trên thập giá. Thánh Thể là bí tích của giao ước mới, ở đó công trình cứu chuộc của Đức Ki-tô được thực hiện (x.Lc 22,10). Mối liên kết chặt chẽ giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể, vì thế trở nên càng rõ hơn. Vì lương thực Thánh Thể cung cấp cho đôi vợ chồng sức mạnh và động lực cần thiết để sống giao ước hôn nhân mỗi ngày như một ‘Giáo Hội tại gia’ (số 318).

————————

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

(Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26)

Chiều ngày 31-5-2018 bế mạc Đại Lễ Mẹ Trà Kiệu. Cách nay 133 năm (1885-2018), Mẹ hiện ra cứu nguy, che chở phù hộ, con cái Mẹ.

Mở đầu là tiếng trống, tiếng hát, và những vũ điệu đầy sắc mầu của giáo xứ Phú Thượng, như  thúc giục con cái Mẹ hãy nhớ ơn Mẹ năm xưa, và sốt sắng tham dự đại lễ. Dù trời nắng chang chang, đoàn con Mẹ Giáo phận Đà Nẵng vang lên lời kinh, tiếng hát, cùng cung nghinh Mẹ lên đồi Bứu Châu, nơi cuối cùng Mẹ phù hộ, Mẹ che chở, sau 21 ngày vất vả chống chọi với voi trận, với đại bác, với súng đạn, để bảo vệ và giữ gìn đức tin.

Con cái Mẹ đông như rừng người, trang nghiêm, cung kính vây quanh bàn thờ của Đức Giêsu, Con Mẹ. Tiếng hát ca đoàn Tam Tòa, cùng ban Kèn Đồng Trà Kiệu nâng mọi con tim hướng về Mẹ, nhờ Mẹ hướng về Chúa Giê-su, Con Mẹ.

Lời giảng của Đức cha Giuse, giám mục Giáo phận, thúc giục các gia đình trong Giáo phận, hãy noi gương Mẹ đi viếng thăm Chúa, viếng thăm Mẹ, và viếng thăm nhau.

Kết thúc thánh lễ là nhạc cảnh “Thăm Viếng” của dòng Phaolô. Tình gia đình, tình họ hàng, tình láng giềng của Mẹ, thúc giục mọi gia đình, mọi họ hàng gắn bó với nhau, thành tổ ấm, thành nơi nâng đỡ, bên bờ giếng hằng sống. Những tiếng pháo nổ tí tách, những chùm bong bóng bay lên bầu trời, như muốn nâng tâm hồn mọi gia đình về với Chúa, về với Mẹ, và về với nhau.

Mẹ Maria luôn là mẫu gương của những bà mẹ Công giáo Việt Nam, nhất là trong những năm hạt giống Tình Mừng mới được gieo vãi. Bà mẹ thánh Anrê Trần Văn Trông người giáo xứ Kim Long, là hình ảnh sống động.

Biết mình đã đến ngày được đổ máu, rơi đầu để làm chứng cho đức tin, cho đạo, thánh Anrê Trần Văn Trông dù bị giam kỹ trong trấn phủ đã 6 tháng, cũng tìm cách về thăm mẹ lần cuối đang làm thuê ở Thợ Đúc. Nhất là nghe tin cha Ngôn đang ẩn núp trong một chiếc thuyền trên dòng sông Hương, Anh tìm cách gặp cha, để được xưng tội và được rước Chúa.

Ngày 28-1-1835, anh Anrê Trần Văn Trông, 21 tuổi (1814-1835) được đem đi xử trảm ở chợ An Hòa, Huế. Người mẹ nghe tin con được phúc tử đạo, vội vã đi đón con và theo chân con đến nơi xử. Khi lý hình vừa chém đầu con rơi xuống đất, bà vội chạy vào pháp trường kêu lớn tiếng : “Đó là cái đầu của con tôi, hãy trả lại cho tôi”. Nghe bà mẹ nói, ông quan chỉ huy thay vì giận dữ, lại cảm thương, ra lệnh trả lại chiếc đầu cho bà. Bà nâng vạt áo dài nâu hấng lấy đầu con, rồi ôm vào lòng. Bà vừa khóc, vừa hôn, vừa nói : “Ôi, con yêu quí của mẹ, nhớ cầu nguyện cho mẹ nhé !”.

Ngày 27-5-1900, khi phong chân phước cho người thanh niên 21 tuổi, Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII đã ca ngợi : “Trong các Đấng tử đạo Việt Nam, có An-rê Trông thời danh, không những vì chính Ngài dũng cảm, mà mẹ Ngài cũng anh hùng như con, vì bà đã bắt chước Đức Mẹ chịu đau khổ, đứng bên cạnh xem con mình chịu chết và khi con bị chém đầu rồi, thì ôm đầu con vào mình” (Vũ Thành, sđd, Tập II, trang 72).

Hôm nay là ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa. Mình Máu Thánh Chúa là sức mạnh, là niềm an ủi, nên Thánh A-rê Trần Văn Trông tìm mọi cách để xưng tội, để được rước Chúa.

Quan hỏi cha Marchand, người Pháp, tên Việt Nam là Du:

-Khi làm yến tiệc ở nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm phải không ?

-Không, chẳng hề có điều gì quái gở.

-Vậy tại sao có thứ bánh làm bùa mê thuốc lú, để phát cho những đứa xưng tội và làm chúng mê đạo đến thế ? (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, tr.424).

Theo chiếu chỉ ngày 25-1-1836 của vua Minh Mạng, thì một số tội ác của đạo Datô (Công Giáo) là: “Các thừa sai dùng một thứ bánh để mê hoặc dân chúng giữ đạo tới cùng. Người Công giáo móc mắt người gần chết trộn với nhang đèn để làm thuốc trị bệnh. Trong lễ nghi hôn nhân, có những hành động ám muội” (Vũ Thành, sđd, trang 86).

Trái lại, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam coi Mình Thánh Chúa là quà tặng vô giá .

Lễ Các Thánh năm 1839, linh mục Trân đem Mình Thánh Chúa vào ngục. Vừa thấy người, cha Dũng Lạc ra đón nói : “Kính chào bác, tôi đợi bác đã lâu, vì hết lương thực rồi”. Sau đó cha cung kính rước Chúa và trao Mình Thánh cho cha già Thi (BĐS,Thiên Hùng Sử,174).

Cha Lê Bảo Tịnh vào nhà tù giải tội và đem Mình Thánh Chúa. Cha Bonard Hương nói : “Đã lâu chưa bao giờ tôi vui đến thế này được mang trong mình Vua Các Thiên Thần” (BĐS,II,309).

Anh Lê Văn Giáp vào nhà tù đưa Mình Thánh cho thầy Đoàn Văn Vân. Được rước Chúa, Thày được an ủi quên mọi hình khổ (BĐS,II,323).

Đức cha Xuyên cầu nguyện trước Thánh Thể lâu giờ (BĐS,II,366).

Lời Chúa trong Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay cũng nói lên Mình Máu Thánh Chúa là sức mạnh, là niềm an ủi như Các Thánh Việt Nam tuyên xưng.

BTM: Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay tường thuật lại giây phút Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê-su phán: “Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ và nói : Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy. Và Người cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông ; Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24).

Cha Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ, viết trong tập sách “Này là Con Thiên Chúa”: “Khi bẻ bánh bắt đầu ăn thì Đức Giê-su cho lễ Vượt Qua một ý nghĩa mới : “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Mác-cô kể tiếp ngay ly rượu : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”. Rồi Người long trọng tuyên bố : “Thầy bảo thật anh em chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm cây nho nữa. cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Vậy thì đây là lần cuối cùng Đức Giê-su ăn lễ Vượt Qua theo ý nghĩa kỷ niệm cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Mình và Máu Người sắp hiến tế bằng cuộc thương khó này là lễ Vượt Qua mới và giao ước mới. Mình Thầy là chiên Vượt Qua mới, máu Thầy là máu lập Giao Ước, mở rộng cho muôn người, không còn giới hạn như Giao Ước Xi-nai.” (trang 204). 

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành