Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-Tô


LỄ MÌNH MÁU THÁNH

(Đnl 8,2-3.14-16; 1Cr 10,16-17; Ga 6,31-58)

Để sửa soạn Ba Em gặp Đức Mẹ, Thiên Thần Hòa Bình đã hiện ra với Ba Em ba lần. Lần thứ ba với Bí Tích Mình Máu thánh Chúa.

Vào mùa thu năm 1916, tháng 9 hay tháng 10, ba em đem chiên tới đồng cỏ Ca-bê-cô, Thiên Thần hiện ra lần thứ ba. Các em đang quì cầu nguyện và đầu cúi xuống đất, một ánh sáng chói sáng chiếu chung quanh và trên người các em. Các em ngẩng đầu lên thì thấy Thiên Thần Hòa Bình. Tay trái cầm chén thánh. Mình Thánh đứng lơ lửng trên chén thánh. Những giọt máu từ Bánh Thánh rơi xuống chén thánh.

Thiên Thần bỏ tay, chén thánh và Mình Thánh lơ lửng trên không. Thiên Thần quì xuống bên cạnh ba em. Thiên Thần bảo các em chầu kính Thánh Thể. Các em cùng Thiên Thần cúi đầu sát đất, thờ lạy Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Thiên Thần dạy ba em lời cầu nguyện quan trọng này : “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, con thờ lạy Chúa. Con dâng Chúa Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong các nhà chầu trên thế giới, và đền tội những xúc phạm, những bất kính, những khinh thường Chúa. Nhờ công ơn vô biên của Trái Tim rất thánh Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, con xin Chúa thương cho những người tội lỗi được trở về”.

Thiên Thần bảo các em lặp lại lời cầu nguyện này ba lần. Sau đó Thiên Thần đứng dậy cầm chén thánh và Mình Thánh. Thiên Thần đến gần Lu-xi-a và cho em rước Mình Thánh, cho hai em Phan-xi-cô và Gia-xin-ta rước Máu Thánh.

Thiên Thần lại cúi đầu xuống đất và cầu lời nguyện này ba lần. Các em cũng cầu nguyện như Thiên Thần. Thiên Thần biến đi, các em vẫn cầu nguyện. Ơn Chúa hoạt động mạnh mẽ nơi tâm hồn các em, giúp các em sửa soạn đón gặp Đức Nữ Vương Thiên Đàng (Trong tập sách “Our Lady Of Fatima” của bà Donna-Marie Cooper O’Boyle. Nhà xuất bản Franciscan Media 2017).

Sau phép lạ Mặt Trời, ba em tiếp tục lần chuỗi hằng ngày, làm những hy sinh để những người tội lỗi và thế giới hoán cải. Chúng cũng nhớ Đức Mẹ đã báo trước Phan-xi-cô và Gia-xin-ta chẳng bao lâu nữa sẽ rời bỏ thế gian.

Một năm sau phép lạ tháng 10, một bệnh dịch kinh khủng xuất hiện làm 20 triệu người chết. Bệnh dịch cũng tác hại gia đình ông Mar-tô. Tháng 10 năm 1918, trừ ông Mar-tô, cả gia đình ông đều bị nạn dịch. Ông khỏe có thể giúp gia đình. Bé Phan-xi-cô bị bệnh nặng. Nhưng em dựa vào đức tin can đảm chịu đựng. Mặc dầu em muốn sống để phục vụ Chúa, nhưng em tin vào lời Đức Mẹ hứa là em sẽ lên trời sớm. Em không muốn để uổng phí những đau đớn mà dâng cho Thiên Chúa. Trước khi bị bệnh, Gia-xin-ta đến bệnh viện thăm và nhắc Phan-xi-cô : “Đừng quên dâng những đau khổ lên Thiên Chúa để cầu cho người tội lỗi”. Phan-xi-cô rất đau đầu, nhưng đáp : “Đúng, nhưng trước hết là để yên ủi Chúa và Đức Mẹ, sau đó là để cầu cho người tội lỗi và Đức Thánh Cha”.

Đức Mẹ cũng đến thăm Phan-xi-cô và Gia-xin-ta. Đức Mẹ cho biết Mẹ đưa Phan-xi-cô về trời sớm, còn Gia-xin-ta thì cũng chẳng lâu sau. Gia-xin-ta nói cho Lu-xi-a biết về cuộc viếng thăm của Đức Mẹ. Đức Mẹ bảo Gia-xin-ta còn sống ít lâu nữa để cứu các linh hồn. Gia-xin-ta bằng lòng. Gia-xin-ta biết rằng sẽ phải vào nhà thương và chịu đau khổ để cứu các linh hồn.

Phan-xi-cô bị sốt rét, biết giờ ở thế gian sắp hết. Phan-xi-cô xin ba được rước Mình Thánh Chúa trước khi chết. Mặc dầu đã được rước Máu Thánh từ Thiên Thần Hòa Bình ban cho, nhưng Phan-xi-cô chưa được rước lễ lần đầu. Cha sở được mời, giải tội cho Phan-xi-cô, hứa sáng hôm sau sẽ đem Mình Thánh Chúa cho Phan-xi-cô rước. Phan-xi-cô bị đau, nhưng cám ơn Chúa sẽ được rước Chúa. Ở nhà thương Phan-xi-cô cầu nguyện cho người tội lỗi hối cải.

Sáng hôm sau linh mục đem Mình Thánh Chúa đến nhà thương như đã hứa. Phan-xi-cô mặc dầu rất yếu, không thể ngồi lên được, nhưng đã rước Mình Thánh Chúa. Cậu ta nhắm mắt cầu nguyện, dâng mình như lễ vật tình yêu, an ủi và đền tội Thiên Chúa.

Lu-xi-a cũng đến thăm, từ biệt Phan-xi-cô và nói : “Nếu em tối nay lên trời thì đừng quên chị nhé !”. Phan-xi-cô cầm tay Lu-xi-a nói : “Em không quên chị”. Lu-xi-a khóc, muốn giúp Phan-xi-cô can đảm : “Em đừng muốn gì khác nhé !”. Phan-xi-cô thì thào : “Không muốn !”. Rồi Lu-xi-a chào từ biệt Phan-xi-cô và nói : “Chị em ta sẽ gặp nhau trên thiên đàng”.

Ngày 4-4-1919 Phan-xi-cô lại xin lỗi về những lỗi của mình để sẵn sàng đi về Nhà Chúa. Gia-xin-ta đến thăm và đến bên giường của anh. Cô ta khóc. Cô không thể cầm được nước mắt khi nghĩ đến việc phải xa anh. Tuy nhiên cô biết anh sẽ ra đi bình an về với Chúa. Lời Đức Mẹ hứa đủ làm cho cô an ủi. Cô nói : “Cho em gửi lời yêu mến Chúa và Đức Mẹ. Em sẽ chịu đựng đau khổ như Các Đấng muốn, để cầu cho người tội lỗi trở về và đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Ma-ri-a”.

Gia đình vây quanh Phan-xi-cô. Phan-xic-ô qua đời được 10 tuổi. Sau lễ an táng, Phan-xi-cô được an táng tại nghĩa trang giáo xứ Fa-ti-ma. Ngày 12-3-1952 di hài được chuyển vào nhà nguyện bên cạnh Vương Cung Thánh Đường tại Cova da Iria (Trong tập sách “Our Lady Of Fatima” của bà Donna-Marie Cooper O’Boyle. Nhà xuất bản Franciscan Media 2017).

Bđ1 : Thánh Phan-xi-cô đã sống lời ông Mô-sê nhắn nhủ dân Ít-ra-en trên núi Nê-bô trước khi vượt qua sông Gióc-đan để vào Đất Hứa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8,3).

BTM : Thánh Phan-xi-cô đã ăn “bánh từ trời xuống” mà Chúa Giê-su nói với dân Do Thái tại hội đường Ca-phác-na-um : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).

Bđ2 : Và ai ăn bánh đó thánh Phao-lô bảo : “Đó chẳng phải là dự phần vào THân Thể Người sao ?“.

Không chỉ thánh Phan-xi-cô ở dưới đất mới ăn “bánh” đó, mà cả các phi hành gia trên vũ trụ cũng ăn như câu chuyện sau đây :

Phi hành gia người Mỹ Mike Hopkins (Mai-kồ Hốp-kin) không muốn lỡ dịp rước lễ vào Chúa nhật, kể cả khi ông đang du hành trên vũ trụ!

Trong Trạm Không gian Quốc tế (ISS), có một địa điểm ngổn ngang các thiết bị máy móc. Tuy nhiên, các nhà phi hành vũ trụ đều thích quy tụ ở nơi mà họ gọi là Coupole (Đỉnh vòm), với bảy cửa sổ nhô ra bên ngoài giúp phi hành đoàn có thể thưởng lãm vẻ đẹp ngất ngây của Trái đất.

Trong chuyến bay vào không gian đầu tiên và duy nhất (từ tháng 9.2013-3.2014) của mình, ông Hopkins cũng đã đến Coupole. Những gì nhìn thấy tại đây khiến ông sững sờ và thán phục. Phi hành gia này bày tỏ: “Khi bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của Trái đất từ ISS, bạn sẽ tin rằng phải có một quyền năng tối thượng tạo nên tất cả những điều ấy”.

Chính tại Coupole, ông Michael Hopkins đã cầu nguyện và rước lễ nhiều lần. Nhờ được phép đặc biệt của chủ chăn Tổng giáo phận Galveston-Houston và với sự trợ giúp của cha James H. Kuczynski, Chánh xứ nhà thờ Sainte-Marie-Reine ở Friendswood (bang Texas), giáo xứ của phi hành gia, ông đã mang theo mình một hộp gồm sáu Bánh Thánh đã được truyền phép. Mỗi bánh chia làm bốn phần, đủ để rước lễ mỗi tuần một lần trong thời gian 24 tuần ông phải ở trên trạm ISS. “Đối với tôi, điều này rất cực kỳ quan trọng”, ông khẳng định.

Phi hành gia 47 tuổi này sinh trưởng tại ngoại ô thành phố Richland (bang Missouri), trong một gia đình theo giáo phái Methodiste hợp nhất. Cách đây vài năm, ông theo học giáo lý, lớp khai tâm Ki-tô giáo dành cho người lớn và trở thành tân tòng ngay trước chuyến du hành vũ trụ. Ông Hopkins giải thích lý do cải đạo không chỉ vì vợ và hai con gái lớn đã theo Công giáo, nhưng còn do “tôi đã cảm thấy còn thiếu điều gì trong đời sống của mình”.

Phi hành gia Mike Hopkins đã thực hiện hai chuyến du hành đến trạm ISS cùng đồng nghiệp Rick Mastracchio để thay đổi một ống dẫn khí của mô-đun bị hỏng. Trước mỗi lần làm nhiệm vụ, ông đã rước lễ. Ông chia sẻ với trang tin Catholic News Service: “Việc sửa chữa ngoài không gian rất căng thẳng. Có Chúa Giê-su đồng hành khi bước ra khoảng không bao la của vũ trụ là điều cực kỳ quan trọng đối với tôi”.

Theo ông Hopskins, các phi hành gia, đặc biệt là những người Công giáo, vẫn sống đạo dù đang làm nhiệm vụ ngoài không gian, và điều này được tất cả mọi người tôn trọng: “Các bạn đồng hành với tôi ở ISS biết rõ tôi có mang theo Mình Thánh Chúa. Vị chỉ huy người Nga biết điều gì đang diễn ra. Mọi người đều biết, chẳng cần tôi phải nói ra. Họ tôn trọng đức tin và mong ước của tôi là được sống đức tin ấy khi còn ở trên quỹ đạo, trong không gian” (XUÂN VĨNH theo trang tin Aleteia)

——————————-

LỄ MÌNH THÁNH CHÚA

 

Trong 118 thánh tử đạo Việt Nam, cuộc tử đạo của thánh Marchand (Mác-xăng) Du mang màu sắc bi tráng nhất. Với gần ba tháng trong chiếc cũi chật hẹp, và những cuộc tra tấn chết đi sống lại, ngài là vị duy nhất bị án bá đao, nghĩa là bị cắt xẻo 100 miếng thịt, trước khi thân bị chặt ra làm bốn, còn đầu bị nghiền nát đổ xuống biển.

Thánh Mác-xăng Du là linh mục Hội Thừa Sai Pa-ri. Chưa đầy mười tuổi : sau giờ tan học, cậu rủ các bạn hữu về nhà, khiêng bàn làm bàn thờ, trải khăn, trang hoàng hoa nến, đặt cây Thánh Giá, rồi bắt chước các cử điệu như khi linh mục dâng lễ cho các bạn xem. Sau rước lễ lần đầu, ngài xin đi tu. Gia đình làm nông nghèo khổ, cần có người làm việc, cha mẹ không bằng  lòng. Nhưng Chúa muốn, cha mẹ không cưỡng lại được ý Chúa.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài tình nguyện sang Việt Nam vào tháng 3-1830, mới 27 tuổi. Học tiếng Việt xong, ngài được sai làm cha sở xứ Lái Thiêu, rộng tới Phan Thiết, với 25 họ, 7000 giáo dân.

Trong thư đề ngày 13-6-1832 gởi về quê nhà, cha viết : “… 25 giáo họ cách nhau rất xa. Muốn chu toàn bổn phận, con không thể bỏ phí một giây nào… từ năm giờ sáng đến chín giờ tối, nhiều ngày chẳng có lúc nào rảnh rỗi cả. Con chỉ có thể dành chút thời giờ chu toàn việc đạo đức riêng lo cho phần rỗi mình, còn thì luôn luôn phải làm việc để thánh hóa kẻ khác… Con chỉ tiếc một điều là không thể tận tụy hơn được nữa, để vừa giúp giáo dân, vừa giúp lương dân, lại còn phải bắt buộc di chuyển bằng thuyền, nên không thể đi mọi nơi, hầu dẫn về đoàn chiên Chúa Giê-su những con chiên bất hạnh lạc đường…“.

Nhận thấy vua Minh Mạng đối xứ vô ơn với tướng Lê Văn Duyệt, cha nuôi của mình, ngày 5.7.1833, ông Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm Sài Gòn và miền Lục Tỉnh. Để chiêu dụ người Công giáo, ông đã bắt cha Mác-xăng Du vào thành Sài Gòn ở với ông.

Ngày 08.9.1835 quân triều đình chiếm lại được thành Sài Gòn. Cha Du vừa cử hành thánh lễ xong thì bị bắt, bị đánh đập và bị nhốt vào cũi nhỏ, dài một mét (1m), rộng bảy tấc (0.7m), cao tám tấc (0.8). Cha chỉ có thể ngồi khom lưng suốt ngày đêm.

Sáng sớm 30.11.1835, bảy phát súng thần công nổ vang kêu gọi mọi người đến cửa Ngọ Môn Huế, tham dự cuộc xử án. Năm người lính cầm năm kìm nung đỏ kẹp vào bắp vế cha. Ba lần kìm kẹp, thân thể cha Du bị 15 vết bỏng. Song song với cuộc tra tấn là mẫu đối thoại như sau :

Quan hỏi :

– Tại sao Gia-Tô móc mắt mấy người gần chết?

        Cha đáp :

  • Không bao giờ có chuyện móc mắt

Quan hỏi :

  • Tại sao mấy người kết hôn lại phải đến các thày đạo trước bàn thờ ?

Cha đáp :

  • Họ đến để thày cả chúc phúc và chứng nhận trước mặt các tín hữu.

Quan hỏi :

  • Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm phải không ?

Cha đáp :

  • Không, chẳng có điều gì quái gở.

Quan hỏi :

– Vậy sao có thứ bánh dùng làm bùa mê thuốc lú để phát cho những đứa đã xưng tội mà làm nó mê đạo đến thế?

Sau cuộc tra hỏi, cha Du bị dẫn ra sân nhà thờ Thợ Đúc. Lính trói cha vào cây cọc. Dân chúng bị đuổi lùi ra xa 30 thước. Có ba lý hình, một cầm kìm, một cầm đao, còn một đếm 100 lát cắt. Trước đó, lính đã nhét nắm giẻ vào miệng cha, cột chặt, để cha không có thể kêu la.

Sau một hồi trống, lý hình cắt lớp da trên trán cha lật xuống che mặt, rồi cắt từng mảnh hai bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đau đớn, cha giẫy giụa, quằn quại, ngước mắt lên trời, rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa đời. Sau đó, quân lính cắt đầu, cởi dây, bổ thân cha làm bốn, ném xuống biển. Còn đầu cha, được đưa đi bêu diếu nhiều nơi, rồi bị bỏ vào cối giã nát và cho rắc xuống biển.

Ngày 27.5.1900 đức giáo hoàng Lêo XIII đã suy tôn cha lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Ngày 25-1-1836 vua Minh Mạng ra chiếu chỉ kể tội ác của đạo :

Các thừa sai dùng một thứ bánh để mê hoặc dân chúng giữ đạo tới cùng. Người Công giáo móc mắt người gần chết trộn với nhang để làm thuốc trị bệnh. Trong lễ nghi hôn nhân, có những hành động ám muội” (BĐS,t.II,tr.68).

Các Thánh Tử Đạo là những người yêu mến và kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể.

Thánh linh mục Giuse Đỗ Quang Hiển là một cha xứ của một giáo xứ lớn. Cha hết lòng lo lắng cho con chiên bổn đạo, nhất là cổ động cho mọi người yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và siêng năng lần hạt mân côi sáng tối (NĐVC,tr.119)

Cha Triệu giả làm thường dân đem Mình Thánh Chúa đến nhà tù, thày Phêrô Trương Văn Đường viết thư cho cha Marette : “Hôm nay là ngày trọng đại, chúng con được rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm vơi nhẹ những xiềng xích của chúng con…Cửa thiên đàng đã mở sẵn, nghĩ đến hạnh phúc đang chờ đợi, chúng con chẳng còn ước ao sự gì ở thế gian này nữa” (BĐS,II,148).

Lễ Các Thánh năm 1839, cha Trân đem Mình Thánh Chúa vào ngục. Vừa thấy người, cha Dũng Lạc chào : “Kính chào bác, tôi đợi bác đã lâu, vì hết lương thực rồi”. Sau đó cha cung kính rước Chúa và trao Mình Thánh cho cha già Thi.

Cha Lê Bảo Tịnh vào nhà tù giải tội và đem Mình Thánh Chúa. Cha Bonard Hương nói : “Đã lâu chưa bao giờ tôi vui đến thế này được mang trong mình Vua Các Thiên Thần” (BĐS,II,309).

Đức cha Xuyên cầu nguyện trước Thánh Thể lâu giờ (BĐS,II,366).

Thánh Anrê Trông và người chèo đò đến một bến đò ở sông Hương vào giữa trưa. Ngài bước qua thuyền cha Ngôn, ngài quì xưng tội. Sáng hôm sau ngài rước Mình Thánh Chúa (BĐS,t.II.tr.55) (7-6-2015)

 

—————————————————————–

LỄ MÌNH MÁU THÁNH

Lễ Mình Máu Thánh Chúa xuất phát từ một thị kiến của thánh nữ Ju-li-a-na (Giu-li-a-na). Thánh nữ sinh gần Liege (Li-e-giơ), nước Bỉ năm 1192. Mồ côi cha mẹ từ 5 tuổi. Thánh nữ được các nữ tu dòng thánh Au-gut-ti-nô ở trên núi Comillon (Cô-min-ông) nuôi dưỡng. Năm 14 tuổi thành nữ tu. Ngài tiến rất nhanh trên đường nhân đức, nổi tiếng có lòng yêu mến Đức Mẹ, sự thương khó Chúa và đặc biệt phép Thánh Thể. Đến 16 tuổi, ngài được thấy những thị kiến.

Một trong những thị kiến ngài thấy : đó là một mặt trăng đầy sáng láng, song bị một vết đen che phủ. Ngài kể thị kiến cho mẹ bề trên, nữ tu Sa-pi-en-ti-a (Sa-pi-en-xi-a). Nhưng chẳng ai hỉểu ý nghĩa của thị kiến.

Sau nhiều ngày cầu nguyện, thánh Ju-li-a-na nghe thấy tiếng Chúa từ trời cho biết : “Điều làm con xao xuyến, đó là Cha muốn thiết lập một lễ cho Giáo hội chiến đấu, lễ Bí tích Bàn thờ cực cao cực trọng. Mầu nhiệm này cho tới nay chỉ được cử hành  vào thứ Năm Tuần Thánh. Song ngày đó, những sự đau khổ và cái chết của Cha đã là chủ đề chính để suy gẫm. Vì thế Cha muốn toàn thể Giáo hội cử hành một ngày khác.

22 năm sau, thánh Ju-li-a-na được phép kể thị kiến cho Đức cha Tho-re-te (Thô-rê-tê), giám mục Lì-e-ge, và Đức Pan-ta-le-on (Pan-ta-lê-ông), tổng phó tế. Ngày 29-8-1261 Đức Pan-ta-lê-ông được bầu làm giáo hoàng  Ur-ba-no (U-ba-nô) IV. Ngày 8-9-264 Đức Ur-ba-no thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa vào ngày thứ năm sau lễ Chúa Ba Ngôi. Các bản văn thánh lễ do thánh Tôma tiến sĩ soạn thảo.

Ba lý do Chúa Giê-su muốn thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa :

1- Niềm tin vào phép Mình Thánh sẽ được lễ này làm cho vững mạnh, vì có những chống đối niềm tin này.

2- Nhờ việc tôn kính thành thật và sâu xa phép Thánh Thể, các tín hữu sẽ mạnh bước trên dường nhân đức.

3- Lễ Mình Máu Thánh Chúa sửa chữa những bất kính và vô phép với Thánh Thể.

Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ (Youcat) gọi bí tích Thánh Thể bằng nhiều tên : Thánh Lễ, Hi Lễ, Bữa Tiệc của Chúa, Bẻ Bánh, Cuộc Tập Họp Tạ Ơn, Cuộc Tưởng Nhớ sự Khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa, Phụng vụ Thần Thánh, Mầu nhiệm thánh, Hiệp lễ thánh (số 212).

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nhấn mạnh ý nghĩa Bí tích Thánh Thể là “Bàn Tiệc của Chúa”, là của ăn nuôi sống.

Bđ1 : Sách Đệ Nhị Luật trong bđ1 ghi lại lời ông Mô-sê nhắc nhớ dân Do Thái trước khi vào Đất Hứa. Sợ khi vào Đất Hứa được ăn no nê, giầu có mà quên Thiên Chúa, ông Mô-sê nhắn nhủ : “Khi anh em được ăn, được no nê, khi anh em xây nhà đẹp để ở, khi anh em có nhiều bò bê và chiên cừu, nhiều bạc nhiều vàng và mọi thứ của cải, thì lòng anh em sinh kiêu ngạo mà quên Đức Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá cứng nhất chảy ra cho anh em uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết” (Đnl 8,12-16a).

BTM : Đến thời Tân Ước, Chúa Giê-su cho chúng ta ăn chính Thịt Máu của Chúa, như Chúa nói với dân Do Thái mà thánh Gio-an đã ghi lại : “Thật, tôi bảo thật các ông; nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).

Bđ2 : Trong bđ2, thánh Phao-lô cũng nhắn nhủ về bí tích Thánh Thể cho giáo đoàn Cô-rin-tô ở Hy lạp mà ngài đến rao giảng trong 18 tháng, từ năm 50 đến năm 52. Bản văn ngài viết cho dân Cô-rin-tô là bản văn đầu tiên của Tân Ước đề cập đến bí tích Thánh Thể. Ngài viết : “Thưa anh em, khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ?” (1Cr 10,16).

Khi cho rước Mình Thánh Chúa, linh mục nói : “Mình Thánh Chúa Kitô”. Người rước Mình Thánh thưa : “A-men”. Thánh Au-gus-ti-nô cắt nghĩa : “Lời thưa A-men là lời tuyên bố lòng tin : con tin thật đây là Mình Thánh Chúa. Con thờ lạy và cung kính rước Chúa”.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người yêu mến và khao khát rước Mình Thánh Chúa. Ngày lễ Các Thánh ngày 1-11-1839, cha Trân lén đem Mình Thánh Chúa vào nhà tù cho cha Trần An Dũng Lạc và cha Trương Văn Thi. Vừa thấy cha Trân, cha Lạc kêu lên : “Xin chào bác. Tôi đợi bác đã lâu, vì hết lương thực rồi”. Cha Lạc sung sướng rước Chúa, rồi đem cho cha già Thi rước Chúa.

Gia đình chúng ta ai nấy siêng năng tham dự Bữa Tiệc của Chúa và sốt sắng rước Chúa, gia đình chúng ta sẽ có sức sống của Mình Máu Thánh Chúa (22-6-1014).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành