Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu


THIÊN CHÚA ĐẶT TRÁI TIM CỦA NGÀI TRONG CHÚNG TA

(Hội An 16/6/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Chúng ta không là thiên thần. Vì thế, chúng ta cần những dấu hiệu hay biểu tượng khả giác để hiểu những điều sâu kín. Chúa biết rõ chúng ta như thế, vì Ngài dựng nên chúng ta, nên Ngài đã “trở nên người phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Hôm nay lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, Chúa cho chúng ta được hiểu tình yêu của Chúa qua hình ảnh Thánh Tâm.

            Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Ngay trong xã hội thời nay, trái tim vẫn được dùng làm biểu tượng của tình yêu, như ngày Tình Nhân (Valentine) là ngày của những trái tim. Trong Thánh Tâm Chúa Giê-su, tình yêu của Ngài không là cảm tình chóng qua, mà là một tình yêu vững bền và trao ban, từng được Chúa Giê-su diễn tả trong các sách Tin Mừng, trong các bí tích và trong đời sống của mỗi chúng ta: “yêu đến cùng.”

            Như nhịp đập của trái tim đều đặn từ ngày này sang ngày khác, liên tục từ năm tháng này sang năm tháng khác, tình Chúa yêu chúng ta không bao giờ đứt đoạn. Thiên Chúa đã nói như thế: “Ta yêu con bằng tình yêu muôn thuở” (Gr 31,3). Nếu chúng ta nghĩ rằng tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ kể từ thế kỷ 17 với thánh Margareta Maria Alacoque, vị thánh thị kiến thấy trái tim Chúa bị đốt cháy và đem lòng say mê chiêm ngắm Thánh Tâm, thì chúng ta phải nên hiểu rộng hơn, vì Thánh Tâm Chúa Giê-su tóm tắt mầu nhiệm nhập thể và cứu độ của Ngài. Thiên Chúa đi vào giới hạn của phận người để cứu độ con người, nên Ngài đã mang lấy một thân thể có một trái tim đầy lượng hải hà.

            Trong Cựu ước, Thiên Chúa được trình bày là Thiên Chúa yêu thương bao bọc dân Chúa bằng ân nghĩa với lượng hải hà (Tv 103). Lượng hải hà gợi lên trái tim thương xót của Chúa Giê-su. Tất cả điều này quả quyết với chúng ta, tình yêu của Chúa Giê-su không là tình yêu lý thuyết, vẽ vời, nhưng là tình yêu lớn hơn mọi thử thách và cả những tội lỗi của chúng ta. Tình yêu của Chúa lớn đến nỗi làm người ở giữa chúng ta và chịu lấy thánh giá để cứu độ chúng ta. Những vòng gai bọc chặt Thánh Tâm Chúa Giê-su công bố lượng hải hà Chúa và đang lan tỏa lượng hải hà ấy trong các bí tích của Giáo Hội, đặc biệt trong bí tích Giải Tội. Đó là lý do nhà thần học François Varillon đã nói: xin anh em đừng bao giờ tàn nhẫn đặt cái tên khác cho Thiên Chúa hơn là Tình Yêu. Chẳng những Thiên Chúa là tình yêu, nhưng Ngài chỉ là tình yêu. Ngài chỉ như thế. Thực vậy, tay của Chúa Giê-su đã chỉ vào trái tim của Ngài để cho ta thấy tình yêu đầy lượng hải hà này.

            Trước Thánh Tâm Chúa, chúng ta được mời gọi điều gì? Đức Phanxicô chia sẻ: “Chúng ta thật khó để Chúa yêu chúng ta hơn là để chúng ta yêu Chúa! Nhưng cách hay nhất là mở rộng trái tim của chúng ta và để Chúa yêu chúng ta.” Trái tim Chúa hằng mở rộng trước mắt chúng ta để mời gọi chúng ta mở toang cuộc đời chúng ta cho tình yêu Chúa rộng tình đối với chúng ta. Chúa Giê-su muốn như thế. Môsê từng nhắc cho dân Chúa ước muốn đó của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đặt trái tim của Ngài vào trong anh em và chọn anh em … chính vì yêu thương anh em” (Đnl 7,7-8). Những lời này không chỉ nhắc nhớ đến giao ước với Abraham, mà còn nói đến hiến tế thập giá của Chúa Giê-su. Thiên Chúa muốn đặt trái tim của Ngài vào trong mỗi chúng ta và làm bùng cháy tình yêu đó bên trong trái tim chúng ta. Đây thực là lời mời gọi của Chúa Giê-su: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).

            Tình yêu của Chúa được mong chờ đáp trả, vì vậy, yêu Chúa là một nghĩa vụ của tình yêu. Trước hết, tình yêu Chúa muốn chúng ta lớn lên trong lời cầu nguyện. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” Chỉ trong thinh lặng chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, suy tôn Thánh Tâm Chúa, Ki-tô hữu sẽ cảm nghiệm được nhịp đập yêu thương của trái tim Chúa liên lỉ trong suốt ngày đời của chúng ta. “Hồn tôi ơi hãy chúc tụng Chúa, chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài” (Tv 102).

            Trái tim Chúa mở rộng cho chúng ta biết Chúa là ai và yêu thương chúng ta thế nào. Trái tim Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta bước ra khỏi con người ích kỷ và hẹp hòi của mình, mà nối kết với bổn phận yêu thương, trao tay chúng ta vào tay Chúa, để khám phá sâu hơn nữa sự ngọt ngào và cứu độ của tình yêu Chúa khi chúng ta đưa dẫn anh chị em chúng ta tiến đến với Chúa để Chúa yêu họ và để họ biết yêu Chúa. “Hãy học cùng Chúa, vì Chúa có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.”

            Xin Thánh Tâm Chúa ban ngọn lửa yêu mến vào tận trái tim của mỗi chúng con, để con biết yêu Chúa và yêu những anh chị em đang xa Chúa, hầu giúp họ trở về với Chúa. Xin Chúa thương thánh hóa các linh mục, để các ngài trở về với công việc chính yếu của các ngài, một sứ vụ xuất phát từ trái tim Chúa là cứu độ con người, thay cho những việc làm vô bổ hay xa lạ với ơn gọi của các ngài.