Lễ Thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng
Chúng ta bắt đầu vào tháng Đức Mẹ, tháng Mân Côi. Đầu tháng Mân Côi là lễ thánh Têrêsa Hài Đồng. Con đường nên thánh của thánh nữ được mệnh danh là “con đường nhỏ”.
Khi nghĩ đến những vị thánh như Phaolô, Âutinh, Phanxicô Xaviê, chị Têrêsa run sợ. Chị chỉ là “hạt cát chẳng ai biết đến”. Còn các thánh là những “ngọn núi cao ngất ngưởng“.
Thánh Têrêsa đọc những tập vở mà chị Céline, chị ruột của mình, đã chép lại những câu Kinh Thánh. Thánh Têrêsa bắt gặp câu này trong sách Châm Ngôn : “Hỡi người bé nhỏ hãy đến với Ta” (9,4) và một câu trong sách ngôn sứ Isaia : “Các ngươi sẽ được ẵm vào lòng, được nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (66,12-13).
Thời đó người ta đã phát minh ra thang máy. Chị sang Rôma đã được đi thang máy. Nên khi tìm được con đường nên thánh “nhỏ”, chị đã sung sướng reo lên : “Đây là chiếc thang máy nên thánh”. Chị nên thánh bằng cuộc sống nhỏ bé của một chị dòng kín, với những công việc bổn phận, những hy sinh nhỏ bé.
Chẳng hạn, khi thánh nữ giặt quần áo, chẳng may bắn nước giặt vào một chị nữ tu ngồi bên cạnh. Chị bị la mắng. Nhưng khi chị nữ tu kia làm bắn nước giặt sang thánh nữ, bắn nước nhiều hơn, thánh nữ không mắng lại, mà hy sinh nhịn nhục, để cầu cho các linh hồn.
Trong dòng có một nữ tu thánh nữ không thích, không thích gặp, không thích nói chuyện. Trông thấy chị ta, thánh nữ muốn tránh đi lối khác. Nhưng thánh nữ đã hy sinh: thánh nữ gặp chị ta như một người thân yêu nhất. Chị vui vẻ nói chuyện. Chị cầu nguyện cho chị ta. Chị nữ tu đó có lần buột mìệng hỏi : “Này chị Têrêsa Hài Đồng, chị có thể cho tôi biết tại sao chị mến tôi như thế, không hiểu sao hễ nhìn tôi chị tủm tỉm cười !”
Làm sao chị thánh có thể nhịn nhục, biến thù thành bạn ? Nhờ hai nguồn năng lực : đó là Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria. Giáo Hội Hoa Kỳ xuất bản cuốn sách nhan đề “Những Vị Thánh Đáng Nhớ”.. Tập sách đã viết về thánh nữ Têrêsa như sau : “Hai lòng mến lớn lao nhất của thánh nữ là Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ Maria” (100 Truyện Tích Chuỗi Hạt Mân Côi, 238).
Chúng ta mừng thánh nữ Têrêsa, chúng ta còn biết ơn thánh nữ. Thánh nữ đã muốn sang tu ở dòng kín Hà Nội, để cầu nguyện cho Gíao Hội Việt Nam.
Tháng 11-1896, trước một năm qua đời, thánh nữ Têrêsa được bề trên cho phép sang dòng Kín Hà Nội để cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam. Thánh nữ làm tuần 9 ngày cầu nguyện với thánh Thêô Ven. Chưa hết tuần, thánh nữ bị bệnh nặng, dấu hiệu cho biết thánh nữ không thể sang VN.
7g20 chiều ngày 30-9-1897, thánh nữ tắt thở trong vòng tay Đức Mẹ. Trên trời, chắc chắn thánh nữ không quên xin Đức Mẹ Mân Côi thương GHVN.
———————————————–
Theo Đạo Nhờ Gương Sáng
15-10-2014
Trong bộ phim Tiểu Sử Thánh Têrêxa thành Lisieux đạo diễn đã chọn nữ diễn viên Lindsay Younce thủ vai Têrêxa. Điều đáng nói là sau khi hoàn thành bộ phim, nữ diễn viên ngoại đạo này đã xin theo đạo Công Giáo.
Cô nói: “Quá trình trở lại đạo công giáo của tôi đã bắt đầu ngay trước lúc tôi khởi sự cuốn phim, tuy nhiên tôi đã đợi cho xong phim rồi mới hòan thành quá trình đó. Tôi nghĩ rằng việc được biết thánh Têrêxa đã dẫn tôi tới nhiều khía cạnh của đức tin công giáo mà tôi chưa được làm quen, đặc biệt là niềm vui phát sinh từ đau khổ khi bạn dâng nó lên Thiên Chúa như một của lễ. Bạn xin cho được đau khổ, bạn thấy vui trong đau khổ và đó có thể là những điều nhỏ mọn mà bạn tiến dâng lên mỗi ngày”.
Điều mà cô cảm phục chính là thái độ sống nhịn nhục và phục vụ ân cần của thánh Têrêxa với nữ tu già Augustine. Một người nữ tu rất khó thương, thế mà thánh nữ vẫn yêu thương và biến hành vi ấy thành của lễ cứu độ trần gian, để rồi thánh nữ đã có thể nói: “Nếu có tình yêu thì dù cúi xuống nhặt một cái kim cũng đủ cứu độ thế giớ”i. Và ngài cũng nói: “Ơn gọi của tôi là tình yêu”.
Ở đời người ta rất cần gương sáng. Gương sáng của người vợ có thể biến đổi người chồng nghiện ngập sa đọa thay đổi đời sống. Gương sáng của cha mẹ sẽ dẫn dắt con cái đi trong chân thiện mỹ. Gương sáng của người tín hữu có thể biến đổi người lương dân và giúp họ đón nhận Tin Mừng.
Nữ diễn viên Younce đã được ơn theo đạo Công Giáo nhờ đọc tiểu sử và nhập vai thánh Têrêxa. Và có lẽ đời chúng ta nếu sống đúng tinh thần ky-tô hữu là sống cho tình yêu thì chắc chắn sẽ mang về cho Chúa biết bao linh hồn.
Nhưng đáng tiếc, vì cuộc sống phản chứng của chúng ta đã khiến bao người lương dân ngã lòng, thất vọng khi chúng ta sống thiếu công bình, bác ái, yêu thương. Đôi khi chúng ta còn gây nên những bất đồng, khổ đau cho tha nhân như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã từng đại diện cho toàn thể Giáo hội xin lỗi anh em lương dân vì đời sống phản chứng Tin Mừng.
CHÂN DUNG THÁNH NỮ THÉRÈSE DE LISIEUX: “LẠY CHÚA GIÊSU, CON YÊU CHÚA” |
BÀI GIÁO LÝ NGÀY THỨ TƯ 06.04.2011. Anh Chị Em thân mến, Hôm nay tôi muốn được nói với Anh Chị Em về Thánh Nữ Thérèse de Lisieux, Thérèse Chúa Giêsu Hài Đồng , một Vị Thánh chỉ sống có 24 năm ở trần gian nầy, vào cuối thế kỷ XIX. Thánh Nữ đã có một đời sống rất đơn sơ và ẩn dật. Nhưng sau khi chết đi và được phổ biến các bản văn của mình, Thánh Nữ đã trở nên một trong những Thánh Nữ được biết đến và yêu chuộng nhứt. “Thérèse bé mọn” không hề ngưng giúp đỡ những tâm hồn đơn sơ nhứt, những kẻ bé mọn, nghèo khổ và đau khổ kêu cứu đến Thánh Nữ. Nhưng Thánh Nữ cũng đã soi sáng cho cả Giáo Hội bằng giáo lý sâu xa về đàng thiêng liêng của mình, đến nỗi Đức Thánh Cha Đáng Kính Gioan Phaolồ II , năm 1977, đã ban tặng cho Thánh Nữ tước hiệu Tiến Sĩ Giáo Hội, thêm vào tước hiệu Quan Thầy Truyền Giáo, mà Đức Thánh Cha Pio XI đã phong tước cho Thánh Nữ năm 1919. Đức Tiền Nhiệm qúy mến của tôi đã định nghĩa Thánh Nữ là “nhà có kinh nghiệm khoa học yêu thương” (scientia amoris) (Novo Millenio ineunte, 27).
Thánh Nữ diễn tả ra nhứt là trong quyển tường thuật lại đời sống mình, được phổ biến một năm sau khi chết, với tựa đề Tiểu Sử Của Một Linh Hồn. Quyển sách lập tức gặt hái được thành công vĩ đại, được dịch ra nhiều thứ tiếng và phổ biến khắp thế giới. Tôi muốn được mời gọi Anh Chị Em hãy khám phá ra kho tàng bé nhỏ-vĩ đại nầy, quyển chú giải đầy ánh sáng Phúc Âm đã được sống trọn vẹn . Thật vậy, Tiểu Sử Của Một Linh Hồn là một lịch sử Tình Yêu, được tường thuật lại một cách chính danh, đơn sơ và trong sáng khiến cho người đọc không thể nào không say mê được ! Nhưng Tình Yêu đó là tình yêu nào đã làm tràn ngập cuộc đời của Thérèse, từ lúc thơ ấu cho đến chết ? Các bạn thân mến, Tình Yêu đó có một diện mạo, một danh xưng, đó là Chúa Giêsu! Thánh Nữ vẫn tiếp tục nói về Chúa Giêsu. Như vậy, chúng ta thử duyệt qua trở lại con đường, các khoảng thời gian dài cuộc sống của Thánh Nữ, để có thể đi vào được tâm điểm giáo lý của Thánh Nữ. 1 – Thérèse sinh ngày 2 tháng giêng năm 1873 ở Alençon, một thị trấn ở vùng Normandie, bên Pháp. Cô là con gái út của Louis và Zelie Martin, vợ chồng và song thân gương mẫu, cùng được phong chân phước chung nhau ngày 9 tháng 10 năm 2008. Hai vợ chồng có chín người con; bốn đứa mất đi lúc còn non thiếu. Còn lại năm chị em gái, tất cả đều trở thành nữ tu. Thérèse lúc 4 tuổi, phải chịu đau khổ thật sâu đậm vì mẹ chết (Ms A, 13). Cha và các cô con gái dời về thị trấn Lisieux, nơi mà vị Thánh Nữ sống suốt cuộc đời mình. Sau đó Thérèse bị một chứng bệnh thần kinh trầm trọng, được chữa khỏi nhờ ơn Chúa, mà chính cô định nghĩa đó là “nụ cười của Đức Bà” ( ibid., 29v-10v). Kế đến cô được Rước Lễ Lần Đầu, được cô sống một cách rất sốt sắng (ibid., 35r), và đặt Chúa Giêsu vào tâm điểm của đời sống mình. “Ơn Giáng Sinh” năm 1886 đánh dấu một khúc quanh quan trọng, được cô gọi là “cuộc sám hối toàn vẹn” ( ibid., 44v-45r). Thật vậy, Thérèse được lành mạnh khỏi chứng cực kỳ nhạy cảm của thời thơ âu và khởi đầu “một cuộc chạy của người khổng lồ “. Lúc 14 tuổi, Thérèse càng lúc càng đến gần hơn, với đức tin cao cả, với Chúa Giêsu Chiụ Đóng Đinh, và đặt tâm lưu ý đến trường hợp, bên ngoài có vẻ tuyệt vọng, của một tội nhân bị lên án tử hình và không chịu ăn năn sám hối (ibid., 45v-46v). ” Tôi muốn bằng bất cứ giá nào ngăn chận anh ấy khỏi phải sa hoả ngục “, Thánh Nữ viết. Với lòng xác tín rằng lời cầu nguyện của mình có thể làm cho anh ấy liên hệ được với Máu Cứu Độ của Chúa Giêsu. Đó là kinh nghiệm đầu tiên và căn bản của Thánh nữ về “tình mẫu tử thiêng liêng”: – “Tôi có lòng tin cậy to lớn vào lòng Nhân Từ Không Bờ Bến của Chúa Giêsu”, Thánh Nữ viết. Đối với Mẹ Maria Chí Thánh, cô gái trẻ Thérèse thương yêu, tin cậy và hy vọng với “một tâm hồn người mẹ ” ( cfr PR 6/ 10r), lúc đó mới 15. Tháng 11 năm 1887, Thérèse đến hành hương ở Roma cùng với cha và người chị Celina (ibid., 55v-67r). Đối với cô, thời điểm thượng đỉnh đó là Buổi Yết Kiến Đức Giáo Hoàng Leo XIII, mà nàng đến xin phép ngài được hội nhập, lúc đó mới 15 tuổi, vào dòng Carmelo ở Lisieux. Một năm sau, ước vọng của cô được thực hiện, Thérèse trở thành nữ tu dòng Carmelo, “để cứu các linh hồn và cầu nguyện cho các Linh Mục ” ( ibid. 69v). Đồng thời cũng khởi sự cơn bệnh tâm thần đau đớn và nhục nhã của người cha. Đây là một nỗi đau khổ to lớn hướng dẫn Thérèse đến việc chiêm ngắm Diện Mạo Chúa Giêsu chịu Khổ Nạn (ibid., 71rv). Từ đó tên Nữ Tu của Thérèse – chị Thérèse Chúa Giêsu Hài Đồng và Khuôn Mặt Thánh – nói lên chương trình cả cuộc sống của Thérèse, trong mối thông hiệp với các Mầu Nhiệm chính yếu của công cuộc Nhập Thể và Cứu Độ. Cuộc lễ tuyên khấn tu sĩ của nàng, vào dịp Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria, ngày 8 tháng 9 năm 1890, đối với nàng là một cuộc hôn nhân thiêng liêng đích thực trong “sự khiêm nhường Phúc Âm ” được biểu tượng bằng cành hoa. – “Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria đẹp biết bao, để trở thành vị hôn thê của Chúa Giêsu “, Thánh Nữ viết – Đó là Trinh Nữ Thánh bé nhỏ một ngày kia dâng một cành hoa bé nhỏ cho Chúa Giêsu bé nhỏ ” ( ibid., 77r). Đối với Thérèse, “nữ tu có nghĩa là hôn thê của Chúa Giêsu và mẹ của các linh hồn“ (cfr Ms B, 2v). Cũng trong cùng ngày, Thánh Nữ viết lên một lời nguyện nói lên định hướng của cuộc đời nàng: xin Chúa Giêsu ban cho con Tình Yêu vô hạn của Ngài, xin ban cho con được là người bé nhỏ nhứt, và nhứt là xin Chúa cứu độ cho tất cả mọi người: – “Ước gì ngày hôm nay không có linh hồn nào bị án phạt ” ( Pr 2). Rất quan trọng lời tuyên khấn “Hiến Dâng cho Tình Yêu Nhân Từ” (Offerta all’Amore Misericordioso , được Thérèse tuyên hứa trong Lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh năm 1895 (Ms A, 83v-84r; Pr 6): lời tuyên khấn mà Thèrèse cùng đồng chia xẻ lập tức với các chị em đồng môn, bởi vì Thérèse đã trở thành nữ phó giáo viên nhà tập. 2 – Mưới năm sau “Ơn Giáng Sinh”, năm 1896 là đến “Ơn Phục Sinh”, bắt đầu khai mở giai đoạn cuối cùng đời sống của Thérèse, được khởi đầu bằng sự đau khổ của nàng hiệp thông sâu đậm với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Đó là cuộc đau đớn thân xác, với cơn bệnh dẫn đưa nàng đến sự chết trải qua những cơn đau đớn mãnh liệt, nhưng nhứt là đó là sự đau khổ tâm hồn, với sự thử thách rất đau đớn về đức tin ( Ms C, 4v-7v). Với Mẹ Maria bên thập Giá Chúa Giêsu, Thérèse sống đức tin còn anh hùng hơn nữa, như là ánh sáng trong bóng tối đang xâm chiếm linh hồn. Vị Nữ Tu Carmelitana ý thức rằng mình đang sống cơn thử thách to lớn đó để cứu rỗi các linh hồn ngoại đạo của thế giới tân tiến, mà nàng gọi là “anh em”. Như vậy nàng càng sống nồng nhiệt hơn nữa tình yêu huynh đệ (8r-33v): đối với các chị em đồng môn của cộng đồng mình, đối với hai anh em thiêng liêng đang là các nhà truyền giáo, đối với các Linh Mục và tất cả mọi người, nhứt là những người ở xa xôi. Thật sự Thérèse trở thành một “ngưòi chị hoàn vũ” ! Đức bác ái của nàng dễ thương và luôn mĩm cười thể hiện niềm vui sâu xa, mà nàng vén màn bí mật cho chúng ta biết: – “Lạy Chúa Giêsu, niềm vui của con là yêu Chúa ” (P 45/7). Trong bối cảnh đau khổ đó, bằng cách sống tình yêu cao cả nhứt trong những vật bé mọn nhứt trong cuộc sống, vị Thánh Nữ hoàn tất ơn gọi của mình là Tình Yêu trong lòng Giáo Hội (Ms B, 3v). Thérèse chết đi buổi chiều ngày 30 tháng 9 năm 1897, trong khi thốt lên những lời nói đơn sơ: – “Lạy Chúa, con yêu Chúa ! “, trong khi nhìn vào tượng Chúa Chịu Đóng Đinh mà Thánh Nữ siết chặt trong tay. Những lời nói cuối cùng vừa kể của Thánh Nữ là chìa khoá của giáo lý của Thánh Nữ, của chú giải Phúc Âm của nàng. Động tác tình yêu, được diễn tả ra trong hơi thở cuối cùng của nàng, đó là những gì như hơi thở tiếp tục của linh hồn nàng, như là nhịp đập của con tim nàng. Các lời nói ” Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa ” là tâm điểm của tất cả các bản văn của Thánh Nữ. Động tác tình yêu đối với Chúa Giêsu làm cho Thánh Nữ chìm ngập mình vào Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Thánh Nữ viết: – “À Chúa biết, Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa, / Chúa Thánh Thần Tình Yêu đốt nóng con bằng lửa của Người, / Trong khi yêu Chúa, con lôi cuốn Chúa Cha ” (P 17/2). 3 – Các bạn thân mến, cả chúng ta cùng với Thánh Nữ Thérèse Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng ta cũng phải lập lại mỗi ngày với Chúa rằng chúng ta muốn sống yêu thương với Người và với những người khác, chúng ta hãy học ở trường các thánh biết yêu thương một cách chính đáng và trọn vẹn. Thánh Nữ Thérèse là một trong những người “bé nhỏ” của Phúc Âm để cho Chúa dẫn dắt mình vào Mầu Nhiệm sâu thẩm của Người. Đó cũng là sự dẫn dắt cho tất cả, nhứt là cho những người trong cộng đồng Dân Chúa, hành xử phận vụ các nhà thần học. Với lòng khiêm nhường và bác ái, đức tin và niềm hy vọng, Thánh Nữ Thérèse liên tục đi vào trung tâm của Thánh Kinh, nơi chứa đựng Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô. Việc đọc Thánh Kinh, được nuôi dưỡng bằng “khoa học yêu thương”, không đối nghịch lại khoa học hàn lâm viện. Thật vậy, khoa học của các thánh, mà chính Thánh Nữ đề cập đến trong trang cuối cùng của Tiểu Sử Của Một Linh Hồn, là nền khoa học thượng đẳng. – “Tất cả các Thánh đều biết điều đó và một cách đặc biệt các đấng bậc đang làm cho vũ trụ tràn ngập ánh sáng của giáo lý Phúc Âm. Không phải từ lời cầu nguyện mà Thánh Phaolồ, Thánh Augustino, Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Tôma d’Aquino, Thánh Phanxicô, Thánh Domenico và bao nhiêu Thân Hữu thời danh của Chúa đã múc lấy khoa học Thiên Chúa nầy, làm cho những bậc đại thiên tài nhứt cũng phải mê man sao ?” (Ms C, 36r). Không thể tách rời khỏi Phúc Âm, Thánh Thể đối với Thánh Nữ Thérèse là Bí Tích của Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình xuống tận cùng để nâng nhắc chúng ta lên đến tận Người. Trong bức Thư Cuối Cùng (ultima Lettera), trên một hình ảnh diễn tả Chúa Giêsu Hài Đồng trong Bánh Lễ đã được truyền phép, Thánh Nữ viết những lời đơn sơ nầy: – “Tôi không thể run sợ trước một Thiên Chúa vì tôi mà Người đã làm cho mình trở nên bé nhỏ như vậy ( …) Tôi yêu Người ! Thật vậy, Người không có gì khác hơn là Tình Yêu và Lòng Nhân Từ ” (LT 266). Trong Phúc Âm, Thánh Nữ Thérèse khám phá ra nhứt là Lòng Nhân Từ của Chúa Giêsu, đến nỗi Thánh Nữ xác quyết: – “Cho tôi, Người đã ban Lòng Nhân Từ vô hạn của Người, qua đó tôi chiêm ngưỡng và thờ lạy các điều trọn hảo khác của Chúa ( …) Như vậy, tất cả đều thể hiện ra cho tôi chiếu đầy ánh sáng tình yêu, chính sự Công Chính (có lẽ còn hơn cả bất cứ đặc tính nào khác) tôi cũng thấy dường như được bao bọc bằng tình yêu ” ( Ms A, 84r). Như vậy Thánh Nữ giải thích cả trong những dòng cuối của Tiểu Sử Của Một Linh Hồn: – “Vừa liếc sơ qua Phúc Âm, tôi liền thở được mùi thơm đời sống của Chúa Giêsu và tôi biết phải chạy về đâu … Không phải chạy về chổ cao nhứt, nhưng về chỗ cuối cùng nhứt là tôi phóng mình… Đúng, tôi cảm nhân như vậy, mặc dầu tôi có trên lương tâm tất cả các tội có thể phạm được, có lẽ tôi đi, với trái tim tan nát vì thống hối, để lăn xả mình vào đôi cánh tay của Chúa Giêsu, bởi vì tôi biết Người yêu thương đứa con trai hoang đàng biết bao đang trở về với Người ” (Ms C, 36v-37r). Như vậy “tin cậy và yêu thương” là điểm cuối cùng của việc tường thuật lại về đời sống của mình, đó là hai lời nói như hai chiếc đèn pha đã soi sáng con đường hành trình thánh thiện của Thánh Nữ, để có thể hướng dẫn những người khác cũng chính trên “con đường bé mọn tin cậy và yêu thương ” của mình, của thời niên thiếu thiêng liêng (cf Ms C, 2v – 3r; LT 226). Tin cậy, như là thái độ tin cậy của một đứa trẻ phó thác mình vào tay của Chúa, nhưng tin cậy không thể tách rời được khỏi chuyên cần mãnh liệt, tận gốc rễ của tình yêu thương đích thực, đó là thái độ dâng hiến hoàn toàn mình, mãi mãi, như những gì Thánh Nữ đã nói, khi Thánh Nữ chiêm ngắm Mẹ Maria: – “Yêu là cho tất cả, hiến tặng cả chính mình” (Perché ti amo, o Maria, P 54/22). Nhu vậy Thánh Nữ Thérèse chỉ cho chúng ta đời sống Ki Tô hữu gồm ở việc sống hoàn hảo ơn Phép Rửa, bằng cách dâng hiến hoàn toàn mình cho Tình Yêu Chúa Cha, để sống như Chúa Ki Tô, trong lửa của Chúa Thánh Thần, chính là Tình Yêu của Người cho tất cả mọi người khác. Cám ơn Anh Chị Em. Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập. |
Linh mục Nguyễn Trung Thành