Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi


Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi

27-5-2018

————————–

Tông Huấn

NIỀM VUI YÊU THƯƠNG

Sự Dịu Dàng Của Vòng Tay ôm

Với một sự chú nhìn của đức tin và tình yêu, của ân sủng và trung thành, chúng ta đã chiêm ngắm mối tương quan giữa các gia đình nhân loại và Ba Ngôi thần linh. Lời Chúa bảo chúng ta rằng gia đình được ký thác cho một người đàn ông, một người đàn bà, và con cái họ, để gia đình trở thành một sự hiệp thông nhân vị theo hình ảnh sự kết hợp giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và nuôi dạy con cái, về phần nó, phản ảnh công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình được mời gọi liên kết trong kinh nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và chia sẻ Tiệc Thánh Thể, nhờ đó lớn lên trong tình yêu và trở nên – ngày càng đúng nghĩa hơn – là một đền thờ cho Chúa Thánh Thần cư ngụ (số 29-Lê Công Đức chuyển ngữ).

Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi

(Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20)

Năm 1917 Đức Mẹ Fatima hiện ra với chị Luxia khi chị mới 10 tuổi.

Ngày 13-06-1929 trong dòng kín ở Tuy, Tây Ban Nha, chị Lucia được mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chị Lucia kể lại như sau :

«Tôi đã xin phép Mẹ Bề Trên và Cha Linh hướng, và tôi được phép làm Giờ Thánh từ 11 giờ cho tới nửa đêm thứ năm rạng thứ sáu.

Trong suốt cả đêm chỉ có mình tôi quỳ trước chấn song ngăn  nhà nguyện với căn phòng chúng tôi họp cầu nguyện. Tôi cúi sấp mình đọc các lời kinh Thiên thần. Khi tôi cảm thấy mệt, tôi ngước mặt lên, vòng chéo tay trước ngực theo hình Thánh Giá và cầu nguyện tiếp. Lúc bấy giờ trong nhà nguyện chỉ có ngọn đèn chầu duy nhất. Bổng chốc cả ngôi nhà nguyện bừng sáng lên bằng một ánh sáng siêu phàm, và trên bàn thờ xuất hiện một tượng Thánh Giá bằng ánh sáng, cao lên tận tới trần nhà. Trong môt vùng ánh sáng còn chói lọi hơn nữa, người ta thấy phần trên tượng Thánh Giá có khuôn mặt một Người Đàn Ông lộ ra từ đầu cho tới thắt lưng, trên ngực có hình một Chim Bồ Câu, và cũng được bao phủ bởi ánh sáng, còn trên Thánh Giá thì có một Người Đàn Ông khác bị đóng đinh vào đó. Lưng chừng giữa thắt lưng có một chén thánh đu đưa trên không với một bánh lễ to, và trên tấm bánh lễ to đó có những giọt máu chảy từ má và từ vết thương ở ngực của người bị đóng đinh. Từ tấm bánh lễ đó, những giọt máu lại chảy tràn vào chén thánh.

Đứng ở phía dưới tay phải tượng Thánh Giá là Đức Mẹ. Đó chính là Đức Mẹ Fatima với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, không có lưỡi kiếm đâm qua và không có các bông hồng, nhưng thay vào đó lại có một vòng gai và những ngọn lửa. Trên bức hình đó, người ta còn thấy Đức Mẹ cầm ở tay phải một tràng chuỗi Mân Côi.

Còn phía tay trái tượng Chúa Chịu Nạn có mấy chữ cái lớn, xem ra như thể làm bằng nước đá đông lại trong suốt và như chực chảy xuống trên bàn thờ. Những chữ cái lớn đó là chữ : «ƠN THÁNH và LÒNG THƯƠNG XÓT».

Tôi hiểu ngay rằng tôi đã được thị kiến Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và tôi còn được mặc khải những điều khác nữa về mầu nhiệm đó, nhưng tôi không được phép nói ra!”

(Lm Nguyễn Hữu Thy, Dịp kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima).

Đức Mẹ được mặc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa; còn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sống mầu nhiệm Ba Ngôi.

Ngày 5-8-1861 vua Tự Đức ban hành chiếu chỉ cấm đạo “Phân Sáp”. Chiếu chỉ gồm 5 nội dung chính :

1.Phân tán các làng Công giáo,

2.Sát nhập họ vào các làng lương dân,

3.Tịch thu tài sản ruộng nương,

4.Thích trên hai má những chữ “tả đạo” và “tên làng”,

5. Giao cho lương dân quản thúc.

Trong hòan cảnh đó, ngày 14-9-1861, năm thánh nông dân làng Ngọc Cục, Bùi Chu bị bắt, dù thánh Vinh Sơn Tương là chánh tổng, thánh Đaminh Nguyễn Đức Mạo là xã trưởng. Ba thánh khác là Anrê Tường, Đaminh Nhi, Đaminh Nguyên.

Quan phủ Xuân Trường ép các ngài đạp Thánh Giá. Các môn đệ Chúa dũng cảm khước từ. Các ngài bị giam cầm, cổ mang gông, chân tay bị xiềng xích, hai má bị thích những chữ “Tả Đạo” và “Ngọc Cục”. Hằng ngày các ngài lần chuỗi an ủi nhau, xin Chúa ban ơn trợ lực.

Ngày 15-6-1862 quan yêu cầu các ngài đạp Thánh Giá. Các ngài từ chối, quan bắt các ngài phơi nắng, không cho ăn uống. Sáng hôm sau quan dụ ngọt các ngài chối đạo để được tha. Thánh Đaminh Đạo thay mặt anh em đáp : “Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy ? Chắc quan tưởng chúng tôi là con nít khiếp sợ đau đớn, nên quan dụ dỗ chúng tôi xúc phạm đến Thiên Chúa ? Nếu chối đạo để được tha, thì chúng tôi đã chối ngay khi bị bắt ở làng. dại gì phải trải qua những ngày tháng bị giam cầm, bị tra tấn khổ cực. Chúng tôi không chối đạo đâu” .

Ngày 16-6-1862, năm ngài bị chém đầu. Các ngài xin chém ba nhát gươm : nhát thứ nhất kính Chúa Cha, nhát thư hai kính Chúa Con, và nhát thứ ba kính Chúa Thánh Thần (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, trang 167-171).

Khi sang Việt Nam truyền đạo, các cha thừa sai đã dùng những quan niệm của người Việt Nam để giải nghĩa về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là thuyết “Tam Phụ”, thuyết Ba Cha : Trời, vua và cha. Rồi thuyết  “Tam Tài” : Thiên, Địa, Nhân (Trời, đất, người); và thuyết : “Tam Cương” : cha, mẹ, và con cái. Ngay từ ngày theo đạo, các ngài đã am hiểu và mến yêu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thuyết “Ba Cha”, “Tam Tài”, “Tam Cương” là những tương giao tình yêu. Những thuyết đó đều diễn tả Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu.

Thánh Âu-tinh nói : “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi, một ngôi yêu, một ngôi được yêu và một ngôi là nguồn mạch của tình yêu” (Youcat, trang 55).

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nói về công nghiệp của Ba Ngôi.

Bđ1: Bđ1 trong sách Đệ Nhị Luật nói đến Ngôi Thứ Nhất, Chúa Cha, yêu thương chọn dân Do Thái và làm những việc vĩ đại cho họ. Ông Mô-sê nói : “Có dân nào đã được nghe Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không ? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em ở Ai Cập, trước mắt anh em không ? (Đnl 4,33-38).

Bđ2: Thư Rô-ma của thánh Phao-lô nói đến công ơn của Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên ‘Áp-ba! Cha ơi! Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14.15b-16).

BTM : Thánh Thần làm chúng ta trở nên con cái Chúa, thì đến lượt chúng ta phải làm cho người khác cũng trở nên con cái Chúa. Thánh Mát-thêu ghi lại lệnh truyền giáo của Chúa Giê-su như sau : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Vào mùa thu tháng 9 hay tháng 10 năm 1916, Thiên thần đã hiện ra dạy Ba Em Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta lời cầu nguyện Ba Ngôi Thiên Chúa này : “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, con thờ lạy Chúa. Con dâng Chúa Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong các nhà chầu trên thế giới, và đền tội những xúc phạm, những bất kính, những khinh thường đối với Chúa. Nhờ công ơn vô biên của Trái Tim rất thánh Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, con xin Chúa thương cho những người tội lỗi được trở về”.

Chúng ta hãy noi gương Ba Em, theo lời thiên thần, cầu nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi cho những người tội lỗi được ơn trở về với Chúa.

Cha Giuse Nguyễn Trung Thành