Lễ Mẹ Thiên Chúa


Lễ Mẹ Thiên Chúa

(Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21)

 

Trong tạp chí National Geographic của Mỹ ngày 16-12-2015, ông Maureen Orth đã viết một bài dài về Đức Mẹ. Nhan đề là “How the Virgin Mary Became the World’s Most Powerful Woman” (Làm thế nào Đức Trinh Nữ Maria Đã Trở Nên Một Người Nữ Quyền Năng Nhất Thế Giới).

Cô Trần Oanh đã đọc và đã viết những cảm nghĩ. Sau đây là một trong những cảm nghĩ của cô : “Không phải là điều thông thường khi xã hội thế tục trao tặng một danh hiệu cao quý như vậy cho Mẹ Thiên Chúa đầy lòng khiêm nhường, Đấng mà những người Công Giáo yêu mến một cách rất sâu sắc. Có gì trong con người Maria mà đã làm cho niềm tin vào Đức Mẹ mạnh mẽ vĩ đại đến như thế ?“.

Tạp chí trích lại lời tiến sĩ Bunson nói. “Trong thông điệp của mình, Đức Mẹ mời gọi sự ăn năn, với lời hứa sẽ bảo vệ và chăm sóc chúng ta, Đức Mẹ như là mô hình của một môn đệ giúp chúng ta luôn tập trung vào Con của Người, Chúa Giê-su Ki-tô. Thông qua cuộc hiện ra của Mẹ, hàng triệu người đã hoán cải cuộc sống để từ bỏ tội lỗi và đã được về với Chúa Kitô“.

Mẹ quyền năng vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Lời Chúa trong thánh lễ Mẹ hôm nay đã nói lên địa vị cao trọng đó của Mẹ.

Bđ1 : Bđ1 lấy trong sách Dân số. Sau cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, và sau khi Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Xi-nai, ông Mô-sê đã tách chi tộc Lê-vi ra để dâng lễ vật, và thi hành việc phụng vụ thờ kính Thiên chúa thay cho các chi tộc khác.

Bđ1 là  lời Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê, để ông nói với ông A-ha-ron chúc lành cho dân chúng. Thiên Chúa truyền rằng : “Hãy nói với ông A-ha-ron và các con nó rằng : Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này : ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em’” (Ds 6,22).

Sách Kinh Thánh của Nhóm CGKPV cắt nghĩa việc chúc lành như sau : “Ở đây dân chúng giữ luật thanh sạch, nên Thiên Chúa đáp lại lòng tinh tuyền thánh thiện của họ mà ban phúc lành cho họ qua ông A-ha-ron và các con ông” (Bản dịch 2011, trang 250).

Dân Do Thái giữ lòng trong sạch được Thiên Chúa chúc phúc, huống hồ là Đức Mẹ “đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30), như thiên thần nói. Bà Ê-li-sa-bét đã khen ngợi Mẹ : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1,42). Và bà đã gọi Mẹ là ‘Mẹ Thiên Chúa’ : “Bởi đâu tội được Thân Mẫu Chúa viếng thăm thế này” (Lc 1,43) : “

Bđ2 : Qua thư thánh Phao-lô gửi cộng đoàn tín hữu Ga-lát, thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, Mẹ là người sinh Con Thiên Chúa : “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4).

BTM: BTM là lời ca ngợi địa vị Mẹ Thiên Chúa của thánh Lu-ca. Xã hội thời Chúa Giê-su và cả xã hội Việt Nam ngày nay, nữ giới được xếp hạng dưới nam giới, thế mà thánh Luca kể Đức Mẹ trước thánh Giu-se : “Các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời… Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,15-16).

Nếu Mẹ không là Mẹ Thiên Chúa thì làm sao thánh Lu-ca dám xếp Mẹ trước thánh Giu-se ?

Lới Chúa qua ba bài đọc chứng minh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc, vì Mẹ sinh ra Đức Giê-su là Thiên Chúa.

Thế mà đâu phải là không có người, có những bậc cao trọng trong Giáo Hội chối từ. Đọc lại tín điều Mẹ Thiên Chúa, chúng ta mới thấy tín điều cũng trải qua những chống đối kịch liệt.

Thế kỷ III và thế kỷ IV, các thánh Giáo phụ đều đồng thanh cao rao chúc tụng Mẹ Thiên Chúa. Năm 325, Công đồng Ni-xê I (nay là Iznik, bắc Thổ nhĩ kỳ) lên án lạc giáo A-ri-ô, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt kinh Tin kính (gọi là kinh Tin kính Nicêa đọc trong thánh lễ). Tín điều này chứng minh Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công đồng Ê-phê-sô sau này.

Đến thế kỷ V, trong khi tín lý Mẹ Thiên Chúa đang được các Giáo phụ rao giảng rất minh bạch và phấn khởi, thì Nes-tô-ri-ô, thượng phụ giáo chủ thành Con-stan-ti-nô-pô-li lên tiếng trong các bài giảng phản đối, vì ông chủ trương rằng: Chúa Giê-su có hai bản tính, nên có hai ngôi vị. Đức Ma-ri-a chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giê-su, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa. Năm 430, một hội đồng tại Rôma lên án lạc giáo Nes-tô-ri-ô, và Đức Thánh Cê-les-ti-nô I viết một bức thư khuyến cáo Nes-tô-ri-ô. Nes-tô-ri-ô tâu xin hoàng đế Thê-ô-đô-si-ô I triệu tập Công đồng Êphêsô năm 431. Nhưng thánh Cy-ril-lô, Thượng phụ giáo chủ thành A-lê-xan-dri-a, được Đức Thánh cha Cê-les-ti-nô uỷ nhiệm chủ toạ công đồng gồm khoảng 250 giám mục Đông phương, một giám mục Tây phương và một phó tế thành Car-tha-ge cùng với ba đặc sứ của Đức Cê-les-ti-nô. Mặc dù sự phản kháng của 68 giám mục tán đồng lạc giáo Nes-tô-ri-ô và sự cản ngăn của Can-đi-a-nô, sứ giả của hoàng đế Thê-ô-dô-si-ô, Công đồng vẫn khai mạc ngày 22 tháng 6 tại đền thờ Đức Mẹ tại Ê-phê-sô. Công đồng minh định Chúa Giê-su có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ thật của Chúa Giê-su, Mẹ thật là của Thiên Chúa. Rồi Công đồng long trọng tuyên tín: “Nếu ai không tuyên xưng Em-ma-nu-el là Thiên Chúa thật, và do đó Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông”. Đồng thời, các Nghị phụ ký giấy ra vạ cho Nes-tô-ri-ô: “Vì Chúa Giê-su Ki-tô bị Nes-tô-ri-ô xỉ nhục, thánh Công Đồng này đã tuyên bố Nes-tô-ri-ô bị loại trừ khỏi chức phẩm giám mục và khỏi mọi hiệp thông linh mục”.

Mẹ quyền năng, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Năm nay kỷ niệm 100 năm (1917-2017) Đức Me hiện ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha.  Ba lời Mẹ nhắn nhủ : Hãy lần chuỗi Mân Côi, hãy ăn năn đền tội, hãy tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được hàng triệu người thực hành. Nhất là lời khuyên ‘Hãy lần chuỗi’. Nhờ đó, biết bao người được nhiều ơn lành Mẹ ban (1-1-2017).

Linh mục Nguyễn Trung Thành