Lễ Truyền Giáo


Lễ Truyền Giáo

Giáo Huấn Số 47

MỘT TRÁI TIM LỚN (tt)

Lịch Giáo Phận trang 114

Gia đình lớn này nên tiếp đón các thiếu nữ lầm lỡ, các trẻ không cha không mẹ, những bà mẹ đơn thân một mình nuôi dạy con cái, những người khuyết tật  thiếu thốn tình thương và sự gần gũi đặc biệt, những người trẻ đang chiến đấu để thoát khỏi nghiện ngập, những người độc thân, li dị hoặc góa bụa đang chịu cảnh sống cô độc, những người già yếu và bệnh tật không con cái đỡ nâng và đón tiếp, thậm chí cả những người bất hạnh nhất bởi lối sống thiếu đạo đức của họ. Gia đình lớn cũng có thể giúp đỡ bù đắp cho sự yếu kém của các cha mẹ, hoặc khám phá và tố cáo kịp thời những hoàn cảnh khả dĩ xảy ra bạo lực hoặc việc trẻ em bị lạm dụng, qua sự tỏ bày một tình thương lành mạnh và sự đỡ đần thân ái khi cha mẹ chúng không thể bảo đảm điều đó (Niềm Vui của Tình Yêu số 197).

———————————————

Lễ Truyền Giáo

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo. Đọc lại cuộc đời của cha Alexandre de Rhodes (A-léc-xăng đờ Rốt), tên Việt Nam là Đắc Lộ (nghĩa là ‘Tìm Được Đường Đi), để thêm lòng hăng hái truyền giáo. Cha Đỗ Quang Chính, sử gia, gọi cha Đắc Lộ là nhà truyền giáo số 1 của Việt Nam.

Cha sinh ngày 15-3-1593 tại Avignon (A-vi-nhông), mảnh đất thuộc Tòa Thánh. Năm 18 tuổi cha đi tu dòng Tên. Năm 25t cha chịu chức linh mục. Năm sau 26t cha được sai sang Nhật truyền giáo. Cha  đến  Goa, Ấn Độ, và chờ ngày vào nước Nhật. Vì Nhật Bản bắt đạo gay gắt, bề trên sai cha vào Trung Quốc truyền giáo. Cuối cùng bề trên sai cha tới Đàng Trong Việt Nam.

Ngày 7-12-1624 cha đặt chân lên đất Hội An. Lúc đó đã có cha Buzomi và cha Pina. Cha Pina nói sỏi tiếng Việt. Khi nghe người Việt nói như chim hót, cha thất vọng. Cha nghĩ không thể tập nói được. Cha học tiếng Việt với cha Pina và một cậu bé độ 10,12 tuổi, người Cây Trâm ở Tam Kỳ.

Về cậu bé, cha Đắc Lộ kể lại như sau : “Chỉ trong 3 tuần lễ, cậu bé đã dạy tôi biết tất cả những cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Âu châu, thế mà cũng trong 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời cậu học đọc, học viết tiếng Latinh và  có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu. Sau đó cậu trở thành Thày Giảng giúp việc các cha truyền giáo, và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của Thày và nơi Vương quốc Lào láng giềng” (trong “Cha Đắc Lộ” mạng Yahoo).

Cậu bé dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ sinh năm 1612 tại Cây Trâm, Tam Kỳ, Quảng Nam ngày nay. Tên Việt Nam của cậu có thể là Trang. Nhưng cậu nhớ ơn cha, lấy tên Rhodes của cha đặt tên cho mình, còn tên thánh là Raphael. Ông Raphael Rhodes xuất tu, làm thông dịch viên cho các thương gia Hòa Lan, Bồ tại Thăng Long và Phố Hiến. Ông có nhà tại Thăng Long và Phố Hiến. Năm 1670 đi thăm giáo phận Đàng Ngoài lần đầu tiên, Đức cha Lambert de La Motte lúc ở trên tầu, lúc ở trong nhà của ông. Ông có công xây dựng Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Ông  giúp đỡ các thừa sai về tinh thần và vật chất. Sau 7 năm bệnh tật liệt giường, ông qua đời ngày 29-6-1687, thọ 75 tuổi. Đức cha Bourges hiện diện trong giờ chết của ông (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 7-8).

Ở Hội An được 3 năm, năm 1627, cha Đắc Lộ được sai ra Miền Bắc truyền giáo. Ngày lễ thánh Giuse 19-3-1627 thuyền của cha tới Cửa Bạng, Thanh Hóa. Ngày 2-7-1627 cha tới Thăng Long. Trịnh Tráng xây nhà xứ nhà thờ cho cha. Theo cha Dỗ Quang Chính, địa điểm đó sát đền Bà Kiệu cạnh hồ Hoàn Kiếm (Tản Mạn LSGHVN, trang 279). Cha giảng đạo một ngày 4,6 lớp. Mỗi lớp 3 đến 5 chục người. Cuối năm cha rửa tội được 1200 người. Đặc biệt có công chúa Catarina. Công chúa làm thơ về công trình cứu độ của Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa cho đến Chúa Giêsu ra đời, và những năm tháng đầu tiên hạt giống Tin Mừng gieo vãi trên đất Việt.

Các quan và nhà giầu thời đó có nhiều vợ. Thấy đạo dạy một vợ một chồng, các quan đề nghị Trịnh Tráng cấm đạo và trục xuất cha ra khỏi xứ Bắc  Năm 1630 cha ra đi, giã từ hơn 7000 giáo dân mà cha đã rửa tội gần ba năm.

Cha về Macao, Trung Hoa, dạy học 10 năm. Đầu tháng 2 năm 1640 bề trên sai cha trở lại Đàng Trong. Cha không dám công khai, phải ẩn lánh nhà ông trưởng khu phố Nhật Bản ở Hội An. Nhờ ông, cha đem lễ vật ra Huế dâng cho chúa Nguyễn Phúc Lan. Cha ở nhà bà Minh Đức giảng đạo được 35 ngày, rửa tội được 92 người. Trở lại Hội An, cha bị quan trấn Vĩnh Điện Quảng Nam phát giác. Ngày 20-9-1640 ông đuổi cha ra khỏi nước.

Chỉ ba tháng sau, lễ Giáng sinh năm 1640, cha Đắc Lộ trở lại  Hội An lần II. Lợi dụng tầu buôn người Bồ trao đổi hàng hóa, cha lén lút đi giảng đạo xuống phía nam là Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên. Sáu tháng cha rửa tội được 1305 người, trong đó có thày Anrê-Phú Yên. Tầu nhổ neo, cha theo tầu về lại Macao ngày 2-7-1641.

Đến cuối tháng 1-1642 cha Đắc Lộ trở lại Hội An lần III. Cha dâng cho quan trấn Quảng Nam lễ vật quí báu, trong đó có chiếc đồng hồ. Quan làm ngơ cho cha ở lại. Cha chọn được 10 thày giảng. Ngày 31-7-1642 cha tổ chức lễ khấn cho 10 thày tại nhà thờ Hội An.

Đầu năm 1644 cha Đắc Lộ trở lại Hội An lần IV. Cha ra Huế dâng lễ vật cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn làm ngơ cho cha ở lại. Ban đêm cha gặp giáo dân ở nhà bà Minh Đức, ban ngày cha trốn xuống thuyền. Cha vào Hội An tổ chức Tuần Thánh. Rồi cha ra Quảng Bình thăm giáo dân. Cha trở lại Hội An. Quan Quảng Nam ra lệnh bắt thày Anrê. Ngày 26-7-1644, thày bị chém đầu. Cha tắm rửa và ướp muối thi hài thày. Gần một năm sau, ngày 3-7-1645, cha bị trục xuất. Cha rời VN đem theo thi hài thày Anrê về Macao.

Vĩnh viễn ra đi  không bao giờ trở lại, nhưng lòng cha Đắc Lộ không bao giờ quên 300.000 giáo dân và hàng trăm thày giảng Việt Nam. Ngày 20-12-1645 cha xuống tàu về Rôma, để xin Đức giáo hoàng sai 12 giám mục cho GHVN. Cha đem theo sọ thày Anrê. Sọ thầy hiện còn để ở nhà nguyện trụ sở Dòng Tên ở Rôma. Ngày 30-7-1652 Đức giáo hoàng đề nghị cha làm giám mục. Cha khiêm nhường từ chối. Cha về Pháp vận động. Đức giáo hoàng Alexandre VII chọn hai cha Francois Pallu và Lambert de la Motte làm giám mục đầu tiên cho hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong được thiết lập ngày 9-9-1659.

Năm  1654 cha Đắc Lộ được sai đi giảng đạo ở nước Iran. Cha qua đời ngày 5-11-1660, thọ 67 tuổi. Cha qua đời trước 1 năm thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Song đường xá xa xôi, có lẽ cha không biết tin vui này. Cha giảng đạo ở Iran 5 năm; ở VN 11 năm.

Tinh tình cha dịu dàng. Cha luôn cư xử như con chiên giữa bày sói. Đức khiêm nhường và vâng lời của cha tuyệt vời. Cha hạ mình làm những công việc thấp hèn nhất, những việc càng khó, cha càng tin tưởng vào Chúa. Đức trong sạch của cha không thể chê được. Cha thận trọng trong việc nhìn xem. Cha yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ. Cha viếng Chúa và lần chuỗi hằng ngày. Người ta coi cha là thánh. Nhiều người viếng mộ cha. Vì tin thân xác cha vẫn tươi xinh như khi còn sống, người ta đề nghị mở mộ cha, nhưng không mở.

         Xin Cha nhớ đến GHVN mà cha yêu mến và dầy công vun xới.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành