Lễ Truyền Giáo


LỄ TRUYỀN GIÁO

20-10-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Sơn Trà và Thánh Giuse Lao Công

GIÁO HUẤN SỐ 47

Những hoàn cảnh giảm khinh trong việc phân định mục vụ (tt)

Lịch Giáo Phận trang 111

Khởi đi từ việc nhìn nhận mức ảnh hưởng của những yếu tố cụ thể của hoàn cảnh, đối với một số hoàn cảnh mà người ta không thể hiện một cách khách quan về quan niệm hôn nhân của chúng ta được, thì trong thực hành, Hội thánh cần xét đến lương tâm của người ta nhiều hơn. Tất nhiên chúng ta cần khuyến khích sự trưởng thành của một lương tâm được khai sáng, được huấn luyện và được đồng hành nhờ sự phân định có trách nhiệm và nghiêm túc của người Mục tử, và khích lệ ngày càng tin tưởng hơn nữa vào ơn sủng Chúa. Thế nhưng lương tâm này có thể nhận ra không chỉ  có một hoàn cảnh không phù hợp cách khách quan với các đòi hỏi  chung của Tin Mừng, lương tâm đó cũng có thể nhận ra trong sự chân thành và trung thực điều mà lúc này đây có thể dâng lên Thiên Chúa đó là một sự đáp trả quảng đại, và việc khám phá với một sự chắc chắn luân lý nào đó chính là sự dâng hiến mà Thiên Chúa đang mời gọi giữa bao giới hạn của hoàn cảnh cụ thể phức tạp, dẫu nó chưa hoàn toàn là lý tưởng khách quan. Dù sao đi nữa, chúng ta hãy nhớ rằng sự phân định này có tính chất năng động và phải luôn mở ra cho những giai đoạn phát triển mới và những quyết định mới giúp thực hiện lý tưởng trọn vẹn hơn (Niềm Vui của Tình yêu số 303).

—————————————

LỄ TRUYỀN GIÁO

(Xh 17,8-13; 2Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8)

Trong cuộc Phỏng vấn Đc. Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Thư Chung 2019 và việc Xin Phong Thánh của Vân Yên SJ, Đức cha đã trả lời :

Trong Tông thư Super Cathedram, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII ra quyết định thiết lập hai Giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam, là Giáo phận Đàng Trong và Giáo phận Đàng Ngoài. Đức cha Lambert de la Motte là Giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong (11-6-1660), và Đức cha Francois Pallu là Giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của Giáo phận Đàng Ngoài (17-11-1658).

Còn Đức cha Jean Cassaigne (1895-1973) là Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Sài Gòn (1941-1955). Ngài từ nhiệm năm 1955 và sống những năm cuối đời tại Di Linh, phục vụ bà con mắc bệnh phong. Về Các Thánh Tử đạo, đã có 117 vị được tuyên thánh nhưng hồ sơ không chỉ có thế, còn rất nhiều vị tử đạo khác nữa, và chúng ta mong muốn có thêm các vị tử đạo được tuyên thánh.

HĐGM mong ước tiến hành hồ sơ phong thánh cho các ngài để (1) bày tỏ lòng biết ơn hai Giám mục Francois Pallu và Lambert de la Motte đặt nền móng cho Giáo Hội địa phương; (2) nêu cao gương bác ái, phục vụ của Đức cha Jean Cassaigne; (3) nêu cao gương chứng nhân, làm chứng cho đức tin, kể cả phải chịu đau khổ và chịu chết vì Danh Chúa”.

Về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha Hồng Phúc cho biết : “Đã có một thỉnh nguyện thư xin phong Chân Phước cho con số khổng lồ 1315 vị Tôi Tớ Tử Đạo Việt Nam được đệ trình ngày 14-11-1917. Trong số đó có hơn 200 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá với lý lịch rõ ràng” (Sống Đạo, trang 418).

Còn về Đức cha Cassaigne có tập tài liệu của Dom Jacques Marie Guilmard được Nguyễn Thế Bài dịch thuật 32 trang, in trong mạng Xuân Bích Việt Nam ngày 4-10-2009. Xin tóm tắt như sau :

 

Tuổi thơ

Ngày 30 tháng 1 năm 1895 tại Grenade nước Pháp, một cậu bé tên là JEAN CASSAIGNE chào đời. Jean là con một của ông Joseph  Cassaigne, một thương gia buôn bán rượu nho, và của một bà mẹ xinh đẹp tên là Nelly. Jean đạo đức và ngay thẳng, linh lợi và vui tươi.

Sau khi khám phá trong nhà kho mà Cậu hay tới ẩn nấp lần chuỗi, những cuốn sách làm Cậu say mê. Trong một cái hòm, có bộ sưu tập những Biên Niên Sử Về Truyền Bá Đức Tin, kể lại cuộc đời những nhà truyền giáo đã sang Châu Phi, Châu Á và cả Bắc Cực rao giảng Tin Mừng. Cậu đọc ngấu nghiến chuyện kể về Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), một linh mục Dòng Tên đã sang Việt-nam. Từ năm 1906, Jean có những tấm bưu thiếp đến từ đó. Những tấm bưu thiếp là cả một gia tài đối với Cậu. Năm ấy Cậu lên 11.

Cậu tự nhủ : “Nếu chính mình trở thành thừa sai thì sao nhỉ ?”. Ý tưởng ấy cứ quay đi quẩn lại thường xuyên trong đầu Cậu. Mẹ Cậu đã dạy Cậu những kinh nguyện đầu tiên. Jean ở trong ban ca đoàn, thích giúp lễ.

Năm 1907, Jean được rước lễ vỡ lòng. Cậu cho mẹ biết ước ao của Cậu được làm linh mục và thừa sai. Mẹ Cậu khóc. “Tại sao mẹ lại khóc ? linh mục và thừa sai là một ơn gọi tuyệt vời đấy chứ !”. Thật sự, Bà Nelly Cassaigne không khóc vì ân hận, mà khóc vì hạnh phúc khi biết con bà được Chúa gọi. Jean cảm thấy mẹ thấu hiểu Cậu và được mẹ nâng đỡ vô bờ. Nhưng bà cũng báo cho Cậu biết là cha Cậu sẽ chẳng muốn cho Cậu một tương lai như vậy, đứa con một mà ông yêu thương, nhưng muốn Cậu sẽ kế nghiệp ông.

Bà Nelly Cassaigne bị bệnh lao phổi nặng. Jean rất đau khổ. Khi Cậu rước lễ vỡ lòng, mẹ Cậu đã không có mặt tham dự. Bà từ trần ngày 18 tháng 8 năm 1907. Jean sẽ luôn gắn bó với người mẹ và Cậu cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hằng ngày với chuỗi hạt mà mẹ Cậu để lại. Lòng tôn sùng của Jean đối với Đức Maria luôn trung kiên và sâu thẳm.

 

Học nghề rượu

Vào năm học 1907, Jean được gửi đến Saint-Sébastien ở Tây-Ban-Nha, trong một trường trung học kỹ thuật do các sư-huynh Lasan điều hành. Cậu phải học nghề của bố. Cậu sẽ là nhà bán rượu. Điều làm Jean đau khổ, là không được chuẩn bị cho chức linh mục và nhà thừa sai. Jean biết cười và làm cho kẻ khác cười vui.

Về phần Jean Cassaigne, như mọi tuần, khoe với anh bạn hàng xóm tấm bưu thiếp xứ Bắc Kỳ nổi tiếng của cậu, chẳng mấy chốc mà tấm bưu thiếp chuyển từ hộc bàn nầy sang hộc bàn khác kèm theo những tiếng thì thầm. Vị Sư-huynh đã nhìn thấy, liền ra  lệnh : “Đưa cho Sư-huynh tấm bưu thiệp. Sư huynh tịch thu nó”.

Jean không tài nào học được nữa. Cậu nghĩ về tấm bưu thiếp. Cuối giờ học, Cậu đi tìm gặp vị sư-huynh để xin lại.

Trả lại cho trò ư ? Nhưng điểm hạnh kiểm của trò rất xấu – vị sư huynh trả lời – và tấm thiếp nầy có gì đặc biệt nào ?”

        – “Nhưng thưa Sư-huynh, nó đến từ Bắc Kỳ. Điều đó quan trọng với con”.

– “Tại sao ?”

– “Vì con sẽ là thừa sai và một ngày kia con sẽ đi sang xứ Bắc Kỳ”.

Sư huynh Zéphyrin bị ấn tượng bởi giọng nói chân thành của Cậu, đã trả tấm bưu thiếp lại cho Cậu.

Nhưng dù vậy Jean vẫn càng ngày càng hiếu động và lơ đãng. Vị Sư Huynh đã nhìn thấy rõ dưới bề ngòai hời hợt của cậu bé, một con tim ngay thẳng và sâu xa. Sư huynh cố gắng bảo vệ Cậu, nhưng năm kế đó, Sư Huynh Hiệu-Trưởng nhận thấy Cậu rất ít tiến bộ, đã không đồng ý nhận Cậu nữa. Jean và Bố phải quay về, từ Saint-Sébastien đến Grenade, không ai trao đổi lời nào, trong sự im lặng nặng nề. Bố Cậu không hài lòng. Ông thương cậu con trai và cậu cũng yêu bố, nhưng ông vẫn chưa chấp nhận ơn gọi của cậu.

Và thế là Jean Cassaigne bắt đầu học việc buôn bán rượu bên cạnh bố. Cậu duy trì thói quen đi xe đạp và trong các cuộc đua, Cậu thường về nhất.

Một hôm, Jean đã phạm một điều vụng về nghiêm trọng. Số là khi Cậu phải sang tỉnh bên cạnh, Mont-de-Marsan, một cỗ xe ngựa chở một thùng rượu lớn, thì con ngựa trượt chân. Chiếc xe đổ nhào. Jean nhảy mau xuống và tìm cách gỡ con ngựa đang nằm kẹt giữa hai càng xe, nhưng thùng rượu lớn đã bị bật nắp và lọai rượu qúy chảy tràn cả mặt đường. Ông bố giận nói : “Cở như mầy chỉ làm được ông cha xứ mà thôi ! ”

 

Đi tu

Joseph Cassaigne đành để cậu con trai theo tiếng gọi của Chúa. Về phần người bố, sự đau buồn vì chia ly với cậu con trai sẽ còn kéo dài rất lâu. Cậu muốn gia nhập Hội Thừa Sai Paris mà Cậu thuộc lòng địa chỉ từ lâu : 128, Phố du Bac, Paris 7e

Trường Thừa Sai đón nhận Cậu năm 1913, học một năm chăm chỉ và bình yên. Jean vui sướng vì đã tìm được con đường của mình.

 

Chiến tranh

Nhưng năm học sau bị gián đọan. Chiến tranh chống nước Đức nổ ra ngày 2 tháng 8 năm 1914. Thế Chiến Thứ Nhất kéo dài 4 năm, từ 1914 – 1918. Jean gia nhập quân đội dù chưa đủ tuổi. Cậu sẽ ở quân ngũ 5 năm. Nhờ đó cậu biết đời sống trong các chiến hào lạnh lẽo và ẩm ướt, đào sâu trong lòng đất, ở đó người lính cố gắng để tránh đạn pháo của quân Đức. Cuộc chiến thật gian nan, chết người.

Một bác sĩ giải phẩu quân y cần một y tá. Cậu được thâu nhận. Trong nhiệm vụ nầy, Cậu chứng kiến những đau thương tột cùng, vì các binh sĩ thỉnh thỏang bị thương rất nặng. Jean học được sự can trường thể chất và chín mùi cái nhìn Kitô-giáo về sự sống và sự chết. Cậu thấy các binh sĩ quảng đại hiến sự sống mình cho tổ quốc; các Kitô-hữu phải quảng đại dâng sự sống cho con người và cho Thiên Chúa. Tất cả điều ấy có một ý nghĩa, vì mục đích con người sống trên trái đất chính là đời sống vĩnh cữu trên trời. Chịu đau khổ chính là dịp hy sinh để dâng cho Chúa. Nếu ta dâng đau đớn cho Chúa, thì đau đớn không ngăn cản ta được hạnh phúc.

Một thương binh bị cụt một chân và Jean Cassaigne cầu nguyện thế nầy : “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy cất mạng sống con, con dâng mạng sống con cho Chúa. Nhưng nếu con còn sống, thì xin Chúa giữ đôi chân cho con, để con có thể trở thành nhà thừa sai”. Từ năm 1916, Jean làm công tác người đạp xe của bộ chỉ huy, với nhiệm vụ mang các chỉ thị vượt qua các chiến tuyến. Cậu sử dụng và làm hư cả thảy 11 chiếc xe đạp cho công tác nầy. Đó là một công tác đòi hỏi sự tháo vát và lì lợm. Cậu phải vượt qua giữa lằn đạn quân thù, trong một vùng bị chiến tranh tàn phá.

Sau cùng, nước Pháp đã chiến thắng vào ngày 11 tháng 11 năm 1918. Hiệp Ước được ký kết. Jean Cassaigne thấy mình được gắn huy chương : ANH DŨNG BỘI TINH. Nhưng chàng còn phải chờ cho đến tháng 9 năm 1919 mới được trở về nhà ở Grenade. Khi sắp ra đi, chàng đạp xe đạp đi gửi trả chiếc cuối cùng. Đó là chiếc thứ 12 !

Linh Mục

Sau đó, chàng đến ở Chủng-viện Hội Thừa Sai Paris để tiếp tục học thần học. Chàng dậy sớm : 5 giờ sáng ! Xuống đến chân cầu thang, chàng dừng lại một lát trước tượng Thánh Théophane Vénard (tử đaọ tại VN ngày 2-2-1861). Chàng xin Chúa : “Lạy Chúa, xin hãy làm cho con xứng đáng dõi bước theo thánh nhân”.

Chàng thường giúp lễ cho một linh mục vừa trở về từ Trung-Quốc hoặc Nhật-Bản. Chủng viện là trung tâm của một sinh họat truyền giáo và mỗi ngày đều nhận được những lá thư đến từ Châu Á, được viết bằng tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên, tiếng Cam-bốt, tiếng Thái…

Cuối cùng, thứ bảy ngày 19 tháng 12 năm 1925, Jean Cassaigne thụ phong linh mục trong nhà nguyện chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Chàng trở thành “Cha Cassaigne”. Ông Joseph Cassaigne có mặt trong ngày lễ và hãnh diện về cậu con trai của mình.

Thứ tư ngày 6 tháng 4 tiếp đó, nghi lễ đưa tiễn chính thức diễn ra. Người ta gióng quả chuông đã được mang từ Trung Hoa về vào thế kỷ 18. Trong nhà nguyện, ca đoàn xướng lên bản hát do Charles Gounod sáng tác. Mười vị thừa sai sắp ra đi, sắp hàng trước bàn thờ. Cha Bề Trên, các giáo sư, các chủng sinh, thân nhân diễu hành qua trước mặt họ, qùy gối và hôn chân những kẻ sắp đi rao giảng Phúc Âm.

Thừa sai Việt Nam

Tân linh mục được phái đến Sài Gòn. Cha Jean Cassaigne thực hiện được ước mơ thời thơ ấu. Thiên Chúa đã đặt trong tim Ngài ơn gọi phụng sự Chúa và giúp đỡ mọi người.

Cha Cassaigne được Đức Giám-mục Sài Gòn tiếp đón và sai đi đến một giáo xứ vùng quê để học tiếng Việt. Cha Cassaigne học rất nhanh, nhưng Ngài không hài lòng với việc coi sóc một giáo xứ toàn tòng, vì một thừa sai thì phải mang Tin Mừng cho những kẻ chưa tiếp nhận được Phúc Âm.

Chỉ mấy tháng sau, Giám mục cử Ngài đi thành lập điểm truyền giáo Di-Linh (Djiring) trên Cao Nguyên. Đúng là một sứ vụ cho một vị thừa sai. Những khó khăn có thể tiên đóan được chẳng làm Cha sợ hãi, vì “chịu đau khổ không ngăn trở người ta có hạnh phúc”, như chính Cha đã viết.

Ngài đến nhiệm sở vào tháng Giêng năm 1927. Trung tâm của xứ đạo là một xóm nhỏ gọi là Djiring. Trong căn phòng lớn nhất của ngôi nhà, Ngài đặt làm nhà nguyện. Đó là nơi Ngài sẽ dâng thánh lễ. “Lạy Chúa, Chúa đang ở nơi nhà Ngài đây”.

Ngài treo khẩu súng trên một bức tường. Một vị thừa sai đã tặng cho Ngài quả quyết : “Ngài sẽ dùng tới nó, cho dù chỉ là để giết mấy con hổ. Trên ngọn đồi đối diện, vị linh mục nhìn thấy những ngôi nhà lợp rạ của người dân tộc. Những cái chòi nầy với hai mái nhọn thẳng. Người ta trèo lên sàn bằng một cái thang.

Làm thế nào để tiếp cận với người dân tộc ? Kẹo cho bọn trẻ, tất nhiên rồi. Thuốc hút cho người lớn, đàn ông và đàn bà, vì nơi nầy, mọi người đều hút thuốc ngay từ khi còn rất nhỏ. Chỉ một thời gian rất ngắn, Cha Cassaigne được mọi người đánh giá cao, đến mức ông chủ làng đã mời Ngài uống rượu cần. Nhưng chính bọn trẻ mới là những người thầy đầu tiên dạy tiếng Kôhô cho vị khách mới đến.

Người dân tộc thường ăn uống rất kém. Bệnh tật thì nhiều, nhất là sốt rét do muỗi . “Tại sao Ông Noe lại cho lên tàu cái giống muỗi nầy ?”. Cha Cassaigne tự hỏi. Nhưng căn bệnh đáng sợ nhất là BỆNH PHONG CÙI. Đó là một tai ương mà nhân loại chịu đau khổ từ lâu. Trong Phúc Âm, bệnh phong cùi được dùng làm ví dụ để chỉ tình trạng tội lỗi gậm nhắm linh hồn. Quả thật, nó tấn công da và hủy hoại các chi thể con người. Những ngón tay rụng dần. Mắt hết thấy đường. Người bệnh phong cùi chứng kiến mình bị hủy hoại từ từ.

Người tín hữu đầu tiên

Cha Cassaigne bắt đầu đi thăm các thôn ấp quanh vùng Di-Linh. Nhờ cái bọc thuốc tây, Ngài sơ cứu nhiều bệnh nhân và băng bó cho họ. Ngài chiếm được lòng tin của tất cả mọi người. Các bệnh nhân phong đến nhà Ngài nhận sự chăm sóc chữa trị và chút ít thức ăn. Nhiều người đến rất thường xuyên. Một người đàn bà đã mười lăm ngày chưa thấy đến, Vị thừa sai đi tìm bà, như Mục Tử tốt lành đi tìm chiên lạc. Ngài tìm thấy bà ta đang hấp hối trong cái chòi tách biệt khỏi một ngôi làng bỏ hoang, nằm trong bóng tối, ngay trên mặt đất.

Chúa đáng chúc tụng ! Con đã tìm ra người đàn bà”. Ánh mắt bà ngước nhìn về phía người linh mục : “Thưa Ông Cố, xin Ngài hãy tránh xa đi. Ngài chẳng thể làm gì cho tôi được đâu !” Vị thừa sai ngồi xuống, nói với bà về Thiên Chúa. “Chúa là Cha chúng ta và Ngài muốn điều lành cho chúng ta. Con đừng sợ”. Đây là lần đầu tiên Ngài nói về Chúa bằng tiếng Kôhô. “Chúa sẽ đón con vào thiên đàng, nơi đó con sẽ được vui mừng luôn mãi. Con sẽ đổi da dẻ đầy mụn lở lấy một sắc đẹp vĩnh cửu. Chúa yêu người bị phong cùi và hết thảy mọi loài do Chúa tạo dựng”.

– “Con phải làm gì, thưa Cha ?” Người đàn bà hấp hối hỏi.

– “Con hãy dâng cho Chúa các đau khổ con chịu và hãy tha thứ cho những kẻ đã hất hủi con”.

Lòng nhân hậu của Vị thừa sai đã thuyết phục được người phụ nữ và bà đồng ý chịu rửa tội. Ngài đi tìm nước. Rồi Ngài cho bà ta uống, lau sạch mặt cho bà, sau cùng cho bà chịu bí tích rửa tội với tên thánh “MARIA”. Bà lập lại theo Ngài những câu trong kinh Lạy Cha, mà Ngài dịch ra tiếng Kôhô. Maria kiệt sức. Vị linh mục lần chuỗi trong khi chờ bà ta thiếp ngủ. Ngày hôm sau, bà mệt hơn. “Thưa Ông Cố, con sẽ nhớ đến Ông Cố nơi thiên đàng”, người đàn bà nói trước khi chết. Cha Cassaigne tự mình đào huyệt. Cái cột tế lễ người Sré dùng được làm cây Thánh Giá và dựng lên.

Hôm ấy là ngày 8/12/1927, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đối với vị thừa sai, người trở lại Đạo đầu tiên của người Thượng, là một người đàn bà bị phong cùi. Ngài hạnh phúc vì đã mang ơn cứu chuộc đời đời đến cho bà, người mà thế gian coi như rác rưởi, trong khi bà là con cái Chúa như bất cứ người mạnh nào. Người đàn bà phong cùi sẽ giữ lời hứa và người ta có thể nghĩ rằng những hoa trái tốt tươi do công lao vị thừa sai đem lại, cậy nhờ rất nhiều ở bà Marie, người đàn bà Sré đầu tiên trở thành Kitô hữu. “Đó là món quà ngày lễ mà Mẹ Thiên Chúa gửi tặng tôi. Tôi đi đến nhà nguyện đọc một kinh Magnificat với hai hàng lệ chan chứa mừng vui”.

Lập Làng

Một hôm khi vừa từ trong rừng đi ra, Vị thừa sai bị một nhóm người cùi với bộ dạng đáng sợ chặn lại. Ngài trở về chòi tranh của Ngài, tay lần chuỗi hạt, cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Họ cản đường Ngài : “Thưa Ông Cố, chúng con quá bất hạnh. Ông Cố hãy làm điều gì đó giúp chúng con. Xin Ông Cố thương xót chúng con”. Vị linh mục hứa. Lúc ấy họ mới để cho Ngài đi qua. Nhưng Ngài chẳng thể suy nghĩ được điều gì, nếu chưa cầu nguyện. Ngài đến trước Bí Tích Thánh Thể để hỏi Chúa Giêsu hiện diện điều Ngài phải làm. Câu nói : “Xin Ông Cố thương xót chúng con” vang trong đầu Ngài.

Ít lâu sau, Vị thừa sai đề nghị với các bệnh nhân phong cùi xây dựng một ngôi làng sẽ thành làng của họ. Sẽ không còn một người bệnh phong cùi nào bị hất hủi : mỗi người sẽ được chăm sóc, được cho ở, được dạy dỗ, và nếu sẵn sàng thì sẽ được rửa tội. Bởi không thể chữa lành những thân thể bị bệnh quá trầm trọng, Cha Cassaigne xoa dịu các tấm lòng và chữa lành linh hồn họ. Quả nhiên, chỉ ít lâu sau đã mọc lên một xóm nhà tranh do chính người phong cùi dựng lên, được một số người khỏe mạnh giúp đỡ. “Xây dựng, nghĩa là không chết”, vị linh mục nói. Ngài thán phục nghị lực của những bệnh nhân tật nguyền. Những bệnh nhân phong cùi biết rõ là họ được yêu thương. Họ tìm thấy ở đó sức mạnh giúp họ sống và làm việc.

Ngôi làng giống như một ngôi nhà, ở đó Vị linh mục quy tụ con cái mình. Bởi vì đối với vị thừa sai, những ngừơi cùi chính là con cái của Ngài. Và Ngài luôn gọi họ như vậy. Ngài quan tâm lo lắng cho những người cùi như một người cha lo cho con cái. Mỗi tuần ba lần, Ngài tự tay chăm sóc họ và băng bó lâu giờ.

Ngôi làng nhanh chóng rộng ra. Có một người phụ trách. Có những công việc phải làm. Những bệnh nhân lành lặn thì trồng cây ăn trái và rau quanh lều của họ. Rất kỷ luật trật tự. Có những ngày lễ.

Ngày lễ đầu tiên là ngày khánh thành làng vào tháng 4 năm 1929. Một số đàn ông mặc quần do Cha Cassaigne tặng. Thánh Lễ ngòai trời. Thánh lễ vừa mới chấm dứt, thì một tiếng chiêng mạnh mẽ dóng lên. Tất cả mọi người cười ồ lên. Mọi người hút thuốc xả láng, ngay cả những người đã cụt mất các ngón tay. Tất cả mọi người đến bên mấy vò rượu, uống bằng những cái vòi tre. Thực phẩm dồi dào : canh rau, cá nướng, sâu cây béo ngậy, thịt heo rừng phơi khô, thịt trâu được thưởng thức không giới hạn, Cơm người ta trộn với ớt cay xè. Mọi người vô cùng hài lòng. Tiếng cười đầy ắp. Một ngày hội đáng nhớ. Những người cùi trở lại làm người như những người khác.

Cha Cassaigne tổ chức những buổi chiếu phim, có cả phim Charlot.

Rất mau sau đó, làng có nhà nguyện cho rất đông anh em cùi trở lại đạo. Một ngôi làng có thể nào là một ngôi làng của niềm vui, nếu như không có một nhà nguyện; ở đó vị linh mục cầu nguyện với con cái của Ngài ? Không thể có niềm vui thật sự và bền vững, nếu không có cầu nguyện.

Với Cha Cassaigne, trường học cung cấp phương tiện tiếp xúc thường nhật với người dân tộc thiểu-số, và là dịp tốt để nói với họ về Thiên Chúa. Những cuốn sách giáo khoa đầu tiên đến từ Sàigòn. Dần dần, bọn trẻ đã đọc và học viết tiếng Kôhô, và một chút tiếng Pháp.

Người dân tộc thiểu-số thích thú tham dự bài học giáo lý được tổ chức dạy giữa trời. Đến để nghe vị linh mục nói là một thú giải trí : Ngài là một người kể truyện tuyệt vời. Những câu truyện rất đơn sơ của Ngài về cuộc đời Chúa Giêsu khiến họ thích thú. Họ hiểu các dụ ngôn của Phúc Âm, như dụ ngôn hạt giống tốt nẩy mầm trên đất tốt. Ngài đề nghị với họ lấy Chúa Giêsu và những lời giảng dạy của Chúa làm mẫu gương cho cuộc sống đời thường.

Ngài đã hòan tất một tập sách giáo lý nhỏ và một cuốn kinh bằng tiếng Kôhô. Ngài chú thích : “Đức Trinh Nữ sẽ có được thú vui hòan tòan mới khi nghe trẻ nhỏ người Sré cầu nguyện bằng tiếng Kôhô

 

Giám Mục Sài Gòn

Thế Chiến Thứ Hai nổ ra ngày 1 tháng 9 năm 1939. Ngày 20/2/1941, Ngài nhận được một bức điện tín khiến Ngài buồn bã. Đức giám mục Sàigòn vừa qua đời năm trước và Tòa Thánh trong thời kỳ khó khăn nầy, tìm một người “biết quy tụ hợp nhất” để kế vị và đã chọn người Cha của những bệnh nhân phong cùi.

Ngày 24/6/1941, ngay từ 7 giờ sáng, chuông các nhà thờ Sàigòn đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức Cha Cassaigne. Nghi lễ diễn ra ở Nhà Thờ Chính Tòa. Đám đông kín đầy : có những bạn bè đến từ xa… và những anh em Thượng đi thành đòan đại diện. Các anh em Thượng bận y phục ngày lễ. Khách tham dự thấy họ thì vui.

Tân giám mục bắt tay vào công việc. Đó là một con người đơn sơ. Lối vào Tòa giám mục rộng mở tự do và bất cứ ai cũng có thể gõ cửa văn phòng của Ngài. Các nhân chứng ngày nay vẫn còn nhớ lại đã thấy Ngài đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu nghèo ở Sài Gòn. Ngài dong duổi khắp địa phận rộng lớn của Ngài.

Người Nhật nhảy vào cuộc chiến bên cạnh người Đức và đã xâm nhập Bắc Kỳ ngay từ tháng 7 năm 1940. Một năm sau, vào tháng 9/1941, họ chiếm đóng Đông-Dương Từ năm 1943, Sài Gòn chịu nhiều trận bom của máy bay Mỹ. Đức Cha Cassaigne, tay cầm một cái xẻng, là một trong những người đẩu tiên đi đào bới những người bị thương dưới các đống đổ nát, cũng tận tụy và can đảm như khi Ngài làm y tá trong thời Đệ Nhất Thế Chiến hoặc chăm sóc bệnh nhân phong cùi.

Ngày 9/3/1945, quân Nhật đảo chánh chống người Pháp . Những người Pháp ở Nam Kỳ nhận được lệnh quy tụ về Sàigòn. Đức Cha Cassaigne cầm đầu một “Uỷ Ban Cứu Trợ Pháp”. Ngài làm việc tận tụy để tìm lương thực. Hai lần Ngài bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì bị tình nghi.

Ngày 15/8/1945, nước Nhật đầu hàng sau khi bị ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, nhưng tình hình chính trị ở Đông-Dương sục sôi cách mạng. Đầu của Đức Cha Cassaigne được ra giá. Một tấm biển gắn vào nhà thờ chính tòa còn cho biết giá được thưởng. Trong các tháng sau đó, những rối ren tiếp tục và chẳng bao lâu sau bắt đầu Chiến Tranh Việt-Nam lần thứ nhất. Về phía Việt-Nam, họ muốn có độc lập chính trị và sự ra đi của người Pháp. Cuộc chiến dai dẳng và khắc nghiệt,

Đất nước bị dằng xé. Tình hình rối ren : người tốt trộn lẫn với kẻ xấu. Tất cả những khuynh hướng và định hướng chính trị hoặc ý thức hệ va chạm nhau. Đức Cha Cassaigne thành công trong việc duy trì một sự hiệp nhất tinh thần và hành động cho hòa bình. Thái độ siêu nhiên của Ngài khiến mọi người, ngay cả các đối thủ  phải cảm phục. Các linh mục Sài Gòn dâng Ngài bức thư bày tỏ sự hậu thuẫn đối với Ngài. Ngày 16/10/1945, Ngài nhận một vinh dự bất ngờ từ một người Nhật. Khi đầu hàng, các sĩ quan Nhật phải giao thanh kiếm danh dự của họ ; đại tá Amano, quân phục tề chỉnh, lựa chọn việc giao thanh kiếm của ông ta, vốn thuộc về giòng họ của ông từ thế kỷ 16, cho Đức giám mục Sài Gòn.

Dù thế, đời sống của Giáo Hội vẫn tiếp tục và người ta thông báo có 4 vị thừa sai người Pháp mới sẽ đến trên chuyến tàu sắp tới. Phải xây dựng lại những nhà thờ bị bom làm sập nát hư hại. Đức Cha Cassaigne không quên một ai, nhất là các tín hữu sống trong những vùng nguy hiểm, không thể tiếp cận với các linh mục. Ngài tiêu hao sức chẳng quản ngại, không kể gì đến sức khỏe đang sa sút và những đợt sốt cách nhật. Mặc dầu có thể bị phục kích tấn công, tháng 12/1951 Ngài tổ chức một Đại Hội Thánh Thể. 100.000 người tham dự cuộc rước kiệu và cầu nguỵện cho Hòa bình.

Về phần các vị thừa sai, các Ngài ở lại. Ngay từ năm 1953, Đức Cha Cassaigne đã làm đơn từ chức gửi Tòa Thánh, để nhường chổ cho một giám mục Việt-Nam. Nhưng Đức Thánh Cha Piô XII không muốn thay đổi giám mục Sài Gòn trong một thời kỳ tế nhị như vậy. Sau năm 1954 hết sức cực nhọc đối với Đức Cha Cassaigne.. Đông đúc người di cư rời miền Bắc vào Sài Gòn. Trong vòng 6 tháng, có 800.000 người đã vào. Phải lo chổ ăn, chổ ở và ủy lạo. Đức Cha Cassaigne đã cống hiến hết mực. Ngài đã vắt kiệt sức mình.

Quả thật, ngày 19/12/1954, vào ngày kỷ niệm thụ phong linh mục của Ngài, Đức Cha Cassaigne dâng Thánh Lễ tạ ơn. Nhưng trong khi cử hành thánh lễ, Ngài thấy trên da mình, chổ phía trên cổ tay có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi thánh lễ kết thúc, Ngài lấy một cái kim châm vào chổ ấy : hòan tòan không cảm thấy đau ! Ngài hiểu đó là BỆNH CÙI. “Linh mục dâng hiến tế Thánh Thể, thì cũng phải trở thành hy tế”. Ngài viết như thế. Công việc vất vả sáu tháng vừa qua đã làm cho các bộ phận cơ thể Ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh cùi nằm phục từ lâu, nay phát tác.

Đức Cha Cassaigne giữ bí mật tin nầy, chỉ cho các bề trên của Ngài biết. Thuốc điều trị do các bác sĩ cho, đã làm Ngài suy kiệt. Sẽ phải mau chấm dứt thôi ! Vết hồng lan rộng gấp đôi. Ngày 5/3/1955, Ngài viết cho Cha Bề-trên Hội Thừa Sai Paris : ‘Tôi xin Cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Cùi Di-Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất. Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ”.

Lời cầu xin của Ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục kế vị , Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, được tấn phong ngày 30/11/1955. Ngày 2/12/1955, Đức Cha Cassaigne trở về Di-Linh. Ngài “hạnh phúc vì lại được trở thành  thừa sai, như Ngài đã hằng mong muốn”, Ngài tự nhủ như vậy.

Trở lại Di Linh

Đức Cha Cassaigne từ giã Sàigòn. Những con cái cùi hủi của Ngài đón chào sự trở về của Ngài với tiếng reo hò mừng vui. Chổ ở của Ngài là một ngôi nhà hết sức đơn sơ, giống hệt nhà của các bệnh nhân cùi khác. Trên các bức tường phòng, Ngài treo các kỷ vật của Thế Chiến 1914 và những tấm hình chụp. Một trong những tấm hình Ngài rất ưa thích là Giờ dạy giáo lý. Đức Cha Cassaigne sẽ sống ở chổ nầy cho đến ngày Ngài từ trần, 18 năm sau.

Mỗi buổi sáng, Ngài đi từ lều nầy sang lều khác, lo cho sức khỏe và các nhu cầu. Cuối buổi sáng, Ngài dạy giáo lý cho trẻ nhỏ. Sau trưa, Ngài dừng lại trước các ngôi nhà và ghi lại những thứ cần mua ở tỉnh cho người cùi – và không khi nào quên mua thuốc điếu. Bất cứ trong trường hợp nào, Ngài cũng tỏ bày một lòng nhân ái không giới hạn. Ngài thường lặp đi lặp lại : “Chỉ có những sự được chia s mới là tốt”.

Đối với các bệnh nhân cùi, Ngài tổ chức các ngày lễ hội. Đức Cha Cassaigne luôn vui vẻ và cười tươi tít mắt, luôn nêu bật mặt tốt của các sự vật và thích làm cho kẻ khác cười. Khách đến thăm Ngài rất đông. Ngài nói chuyện với họ một chút, rồi dẫn họ tới các ngôi nhà để giới thiệu với họ các bệnh nhân, như một người cha giới thiệu gia đình mình. Chiến tranh tiếp diễn, nhưng làng những bệnh nhân cùi xa các cuộc giao tranh.

Mặc dầu nhiều khốn khó như vậy, nụ cười vẫn không rời môi Ngài và làm thành nhân cách của Ngài, ngay cả khi cơn đau bủa vây Ngài. Đức Cha Cassaigne luôn là người có niềm vui sâu xa, niềm vui đến từ một tâm hồn an bình với Chúa, với bản thân và với tha nhân. Làm sao có thể buồn bã, bởi vì sự đau đớn, nếu được dâng cho Chúa bằng cả tình yêu, sẽ đem lại ơn cứu chuộc cho con người và cứu thóat nhân lọai. Vì vậy mà trong Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã hứa ban hạnh phúc cho những ai chịu đau khổ vì Danh Người. Một ngày nọ, một nữ tu xin Đức Cha  rằng : “Ngài có thể được chữa trị tốt hơn khi về Pháp”. Ngài trả lời : “Thưa Soeur,  tôi là người Pháp, nhưng trái tim tôi ở Việt-nam. Tôi muốn SỐNG, CHỊU ĐAU KHỔ, TRỤ LẠI và CHẾT NƠI ĐÂY”.Suốt cả cuộc đời, Đức Cha Cassaigne là một bệnh nhân vĩ đại. Sự đau đớn phát xuất từ bệnh cùi của Ngài gần như hết chịu đựng nỗi. Cho dù trong trường hợp của Ngài, bệnh ít lộ ra ngòai da, thì nó lại tấn công các trung tâm hệ thần kinh. Năm 1970, bệnh cùi của Ngài trở nặng : sốt rét, cột sống bị gặm nhấm và dạ dày “không chịu nỗi được cả rượu lễ. “Thật đáng giận cho con trai của một nhà buôn rượu”, Ngài nói vậy. Cuối tháng 10/1971, xương đùi Ngài bị gãy và buộc Ngài không rời khỏi giừơng được nữa.

Những ngày giờ cuối cùng của đời Ngài, không một thế nằm nào làm giảm nhẹ cơn đau được nữa. “Ôi cái khung cốt của tôi”, Ngài rên lên. Đó là cách mà Ngài nói về cột sống của Ngài. Năm 1972, cơn đau khiến Ngài không thể cử hành thánh lễ trong vòng 7 tháng. Đối với Ngài đó là cả một sự thiếu thốn to lớn. Thế rồi, nhờ thuốc làm giảm đau, Ngài lại tiếp tục dâng lễ. “Thật vui mừng thay ! “. Trong một lá thư, Ngài viết nguệch ngọac : “Tôi hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà chỉ có ân sủng mới cắt nghĩa được

Danh tiếng người của Thiên Chúa thật lớn. Ngay khi Ngài còn sống, người ta đã sưu tầm những chứng cớ về nhân đức của “ vị thánh giám mục”.

Tháng 10 / 1973 là thời điểm cận kề cái chết của Ngài. Đức Cha Cassaigne nói : “Nếu cần phải làm lại từ đầu, thì tôi sẽ vẫn đi lại con đường nầy”. Trong bưu thiếp cuối đời đề ngày 12/10/1973. Ngài viết : “Tôi rất đau đớn. Chúa yêu thương tôi vô vàn “.

Tạ Thế

Người ta mặc cho Ngài áo lễ và đội cho Ngài mũ Giám mục, như thể Ngài sắp cử hành thánh lễ cuối cùng. Một đoàn người đông đúc diễu hành trước quan tài. Trong 5 ngày 5 đêm, những bệnh nhân cùi còn khỏe mạnh mặc tang phục trắng – áo không có ống tay và bịt khăn tang – thay nhau canh thức thi hài người cha của họ.

Ngày 5/11, lễ an táng hết sức long trọng. Một lễ đài được dựng lên ngoài trời. Những cổng chào dựng khắp con đường mới dẫn đến Trại Cùi được trải đá và nhựa đường cho dịp nầy. Người ta đến như khách hành hương đi viếng một vị thánh. Hơn 3.000 người – cả người giàu lẫn kẻ nghèo, Công-giáo lẫn Phật-giáo – tham dự lễ an táng. Người ta đem “Ông Cố” về lòng đất ; nhưng những người cùi thì đưa người cha của họ về trời. Một người trong bọn họ, tên là K’Gil, đã làm chứng điều anh ta nói với người quá cố : “Cha đã chỉ cho chúng con con đường thật đi về Nước Trời. Cha đã dạy chúng con biết chịu đau khổ. Cha ơi, khi còn sống, Cha đã muốn nên giống hoàn toàn như chúng con, cha đã muốn bị phong cùi như chúng con : xin Cha hãy cầu nguyện cho chúng con”.

Sau thánh lễ, chính anh em Thượng khiêng quan tài. Họ bước đi theo nhịp nhạc tang, đến ngôi mộ được xây cạnh tháp chuông, nơi mà Đức Cha Cassaigne ước ao được chôn cất. Một cây thập giá trắng lớn được dựng lên, trên tấm đá lớn có khắc khẩu hiệu của Vị giám mục : “BÁC ÁI và YÊU THƯƠNG “.

Ở Di-Linh luôn có người cùi. Họ cầu nguyện trên mộ Đức Cha Cassaigne. Họ nói chuyện với Đức Cha. Họ âu yếm gọi Ngài là “Bác trên trời” của họ. Ngày nay, trên mộ Ngài bao giờ cũng đầy hoa tươi. Rất đông người đến cầu nguyện xin ơn. Họ thường xuyên được nhận lời. Một nhà thờ ở Sài Gòn chứa những bảng tạ ơn Ngài đã cầu bầu cùng Chúa cho họ. Người ta còn nói về cả những phép lạ nhờ Ngài cầu nguyện.

Lời Chúa trong ngày lễ truyền giáo hôm nay đề cao việc cầu nguyện.

Trước hết bài đọc 2, thánh Phaolô, qua thư Timôthê, khuyên dạy chúng ta : “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn lại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2).

Trong khi “Rao giảng Lời Chúa”, nếu có gặp không thuận tiện, thì “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Hãy noi gương ông Môsê trong bđ1 : “Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Ítraen thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế. Nhưng khi ông Môsê mỏi tay, người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông Aharon và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên. Nhờ vậy, tay ông Môsê giơ lên được mãi, cho đến khi mặt trời lặn” (Xh 17,11-12).

Trong Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu quả quyết : “Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng” (Lc 18,8).

Đức cha Cassaigne nói : “Không thể có niềm vui thật sự và bền vững, nếu không có cầu nguyện”. Người ta nói : “Ngài cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hằng ngày với chuỗi hạt mà mẹ Ngài để lại. Lòng tôn sùng của Ngài đối với Đức Maria luôn trung kiên và sâu thẳm”.

Linh mục Giuse Nguyễn trung Thành