Lộc Hoà Bước Sang Một Trang Sử Mới – Thành Lập Tân Giáo Xứ


I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH TÂN GIÁO XỨ LỘC HÒA

  1. DẪN NHẬP

Về vị trí địa lý, Giáo Tân Giáo xứ Lộc Hòa thuộc địa bàn xã Hòa sơn, huyện Hòa Vang, Thành Phố Đà Nẵng, cách Đà Nẵng 17 km về hướng Đông Nam, với núi đồi bao quanh. Trước đây, người dân vùng này sinh sống nhờ nương rẫy, ruộng đồng và làm thuê… Ngày nay, đa phần người dân chuyển sang nghề xây dựng, cụ thể là xây mộ và chăm sóc các phần mộ. Giáo họ Lộc Hòa gồm 5 giáo xóm (với khoảng 500 giáo dân). Quan Thầy Giáo họ là Thánh Giuse (19/03).

  1. LƯỢC SỬ
  2. Hình thành

Không rõ Tân Giáo xứ Lộc Hòa hiện diện và trực thuộc Giáo xứ Phú Thượng từ khi nào. Song dựa vào tư liệu của các nhà chuyên môn và truyền khẩu bao đời, Lộc Hòa được hình thành vào khoảng những năm 1798 – 1805.

Đầu tiên, theo nghiên cứu của Cha Phạm Phát Hườn, “Năm 1797 trong lúc Tây Sơn và Nguyễn Ánh đánh nhau, vua Cảnh Thịnh (1792-1801) bắt được một lá thư của Nguyễn Ánh ở Gia Định gửi ra cho Đức cha Labartette ở Huế. Cảnh Thịnh nghi ngờ người Công giáo là nội ứng cho chúa Nguyễn, nên bí mật truyền cho các quan, hẹn đến tháng 5, tiêu diệt tất cả người có đạo. Đa số giáo dân đoán trước tình thế, nên kịp thời chạy trốn. Kẻ lên rừng, người xuống biển. Tháng 3/1798, có 5 gia đình Công giáo ở Hội An cũng bỏ nhà xuống thuyền chạy ra Cẩm Lệ, tá túc nơi nhà bà con người lương. Nhưng sau khi thấy không đảm bảo an ninh, họ theo ông Lê Tuyên kéo nhau lên núi Phú Thượng, Lộc Hòa. Họ gia nhập với số người có trước và được coi như là Tiền Hiền gây dựng địa sở Phú Thượng, thời bấy giờ có tên là Phường Trạc và Lộc Hòa có tên là Kê-răm”[1].

Theo tài liệu khác, từ thời Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục tiên khởi Giáo phận Đàng Trong Việt Nam (1659-1679), khi còn ở Hội An, ngài đã mở một cuộc truyền giáo tại sông Cudé Trường Định. Lúc trở về ngài đã đặt chân lên Phú Thượng, An Ngãi và Tùng Sơn. Cũng theo tài liệu này thì tháng 1/1674, Thừa sai Courtaulin trình bày với Đức Giám mục Lambert de la Motte về Bàu Nghè (An Ngãi) có khoảng 1500 giáo dân, Phường Trạc (Phú Thượng) 200, và Kê-răm (Lộc Hòa) 400 giáo dân[2].

Thứ đến, theo truyền khẩu của những giáo dân thâm niên nơi đây, trước đây, Lộc Hòa có một nhà nguyện đơn sơ nằm trên ngọn đồi Bà Kính (hay còn gọi là Gò Dê) theo hướng Đông của thành phố Đà Nẵng. Nhà nguyện được làm bằng những cột gỗ, che chắn bằng phên tre và lợp bằng tranh, móng được làm bằng gạch thời xưa. Vào thời kỳ đạo Chúa bị cấm cách, nhà nguyện bị phá hủy, giáo dân sơ tán vào núi rừng ẩn núp. Sau khi ổn định, một số giáo dân đã quy tụ lại và cùng nhau xây dựng đời sống đạo. Năm 1805, mọi người quyết tâm dựng lại nhà Chúa trên một vùng đất mới (vị trí nhà thờ hiện tại) với vật liệu đá, đất sét, vôi, vỏ cây bời lời và dây bún rừng… Ngôi nhà thờ mới được xây dựng mang nét kiến trúc gô-tích của Pháp.

Thêm nữa, năm Canh Thân (năm 1860, thời vua Tự Đức) tại bến Chợ Củi (cũng gọi là bến Kẻ Tội) bên dòng sông Thu Bồn và Sài Giang, người ta đã chứng kiến chứng tá tuẫn đạo của Thầy Simon Nguyễn Văn Nguyên (nguyên gốc Lộc Hòa – Phú Thượng) và của Đạo trưởng Phạm Tín Lợi (nguyên gốc Lộc Hòa)”[3]. Vào năm 1870, Cố Tân được sai về chăm sóc Phú Thượng và đã coi sóc luôn các cộng đoàn chung quanh như An Ngãi, Tùng Sơn, Phú Hạ, Lộc Hòa[4]. Đến năm 1885, phong trào Cần Vương nổi lên. Sau khi Thống Hai tử trận tại Lộc Hòa, áp lực Cần Vương được giải tỏa, Giáo xứ An Ngãi và các họ đạo trở về xứ đạo của mình. Trong thời điểm này, Họ đạo Lộc Hòa có 38 giáo dân sống trong vùng sâu núi rừng[5]. Sau khi Cố Tân qua đời, Cố Thiên (1884 -1907) được bổ nhiệm thay cho Cố Tân.

  1. Phát triển

Năm 1995, Cha Vinh sơn Hoàng Quang Hải được bổ nhiệm làm quản xứ Giáo xứ Phú Thượng. Ngài đã nâng cấp, sửa sang mọi hạng mục và làm mới nhà thờ Lộc Hòa. Năm 2007, với tư cách là quản xứ Phú Thượng, Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng tiếp tục hoàn chỉnh nhà thờ Lộc Hòa với nhiều công trình – thiết kế lại phần cung thánh, xây dựng tháp chuông, tượng đài Thánh Giuse và đài Đức Mẹ. Năm 2012, Cha tiếp tục xây dựng và hoàn thành nhà xứ Lộc Hòa.

  1. Tình hình hiện nay

   Từ năm 2020 đến nay, nhờ sự chăm sóc của quý cha quản xứ, phó xứ Phú Thượng, Giáo họ lại có thêm những công trình khác phục vụ cho việc chăm sóc mục vụ và đời sống của người tín hữu nơi đây: nhà giáo lý, nhà máy nước sạch.

   Ngày 27/09/2022, Giáo họ Lộc Hòa được nâng lên thành giáo họ biệt lập, và Cha Giuse Nguyễn Kim Nhật được bổ nhiệm làm Cha quản nhiệm Giáo họ.

Và một ngày sang trang sử mới của cộng đoàn đức tin này, Ngày 22/7/2023, Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận đã về dâng Thánh Lễ Tạ ơn thành lập Tân Giáo xứ và bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Kim Nhật làm Quản xứ tiên khởi.

III. LỜI KẾT

   Với một thoáng nhìn lại lịch sử Giáo họ Lộc Hòa – vùng đất, con người, và đời sống đức tin – tin tưởng Tân Giáo xứ Lộc Hòa mãi mãi là vùng đất của phúc LỘC đầy tràn cùng những nỗ lực sống chan HÒA với Trời qua việc hiệp nhất, cùng sống đức tin, và loan báo Tin Mừng!

[1] Trích lại từ tài liệu Giáo xứ Phú Thượng, lưu hành nội bộ.

[2]Trích lại từ tài liệu Giáo xứ Phú Thượng, lưu hành nội bộ.

[3]https://antontruongthang.wordpress.com. Xem 21/8/2022.

[4]Trích lại từ tài liệu Giáo xứ Phú Thượng, lưu hành nội bộ.

[5]https://antontruongthang.wordpress.com. Xem 21/8/2022.

 

II. LỘC HÒA NGÀY THÀNH LẬP GIÁO XỨ.

Nhắc đến Giáo họ biệt lập Lộc Hoà, chúng ta sẽ nghĩ đến một ngôi nhà thờ nhỏ bé, nằm lặng lẽ dưới chân núi Hoà Sơn, trong một thung lũng bị bao bọc bở những phần mộ. Nhưng hôm nay (22/07/2023), ngôi thánh đường ấy lại rộn ràng bởi sắc cờ, sắc hoa và tiếng kèn Tây rộn rã. Nét vui mừng, phấn khởi hiện lên trên gương mặt của mỗi người nơi đây. Ai ai cũng háo hức trong ngày đại lễ mừng thành lập Tân Giáo xứ này.

Lúc 08g15 phút sáng, xe của Toà Giám mục đến trước cổng nhà thờ, toàn thể giáo dân đứng thành hàng để chào đón Đức Cha Giuse và Quý Cha trong Giáo phận. Dù là một xứ đạo nhỏ bé, thưa dân nhưng lòng hiếu khách và sự tiếp đón của cộng đoàn nơi đây cũng không kém phần long trọng. Người dẫn chương trình đọc lại lược sử giáo xứ từ ngày có những hạt giống Tin mừng đầu tiên đến hôm nay, để thấy được sự bền bỉ của đức tin trong lòng mỗi người giáo dân. Để rồi qua bao thăng trầm, thách thức, xứ đạo nhỏ bé ấy vẫn vươn lên, ngày một lớn mạnh và trở thành một Giáo xứ trong Giáo phận Đà Nẵng.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Cha Giuse cũng chia sẻ rằng hôm nay sẽ là ngày mà Lộc Hoà nói riêng và Giáo phận Đà Nẵng nói chung sẽ bước sang một trang lịch sử mới. Sau đó, Ngài mời gọi cộng đoàn bước vào nghi thức công bố thành lập Tân Giáo xứ. Tiếp đó, Cha Phaolô Phạm Thanh Thảo đã nhận và công bố văn thư  thành lập Tân Giáo xứ Lộc Hoà và bổ nhiệm Cha Quản xứ tiên khởi của Tân Giáo xứ. Niềm vui chính thức vỡ òa khi lời công bố vừa dứt bằng những tràng pháo tay thật to và thật dài.

Trong bài giảng khởi đi từ đoạn Tin mừng vừa được công bố về cuộc gặp gỡ của ông Gia-kêu và Đức Giêsu, Đức Giám mục Giáo phận cũng chia sẻ cho cộng đoàn câu chuyện và thân phận của Giakêu nói riêng và người thu thuế thời bấy giờ nói chung.

Thời Chúa Giê su, xã hội Do Thái,  Người thu thuế  bị coi là người tội lỗi ngang hàng với hạng đĩ điếm cho nên bị coi khinh, loại trừ. Nhưng với lòng thành của ông và với câu nói của Đức Giêsu: Ta sẽ ở lại nhà ông, mọi thứ đã được biến đổi. Và tình yêu và lòng thương xót Chúa luôn  nhìn nhận mọi người đều cùng một phẩm giá và được yêu thương như nhau.

Đối với Tân Giáo xứ Lộc Hoà, hành trình để đến ngày hôm nay là một hành trình rất dài. Qua kỷ yếu của Giáo phận, chúng ta được biết nơi đây trước đây thuộc huyện Hoà Vang của thành phố Đà Nẵng. Người dân đa số sống bằng nghề nông. Cho đến ngày thành phố phát triển và định hướng trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, và vùng đất này trở thành Nghĩa trang của thành phố. Nói tới khu vực này, là nói tới các mồ mã dày đặc, san sát. Nhưng không ai ngờ rằng ở nơi đây vẫn còn những người vẫn tiếp tục ở lại, tiếp tục sống trên mảnh đất quê hương của mình. Để rồi chúng ta đã có một Giáo họ biệt lập Lộc Hoà mà ngày hôm nay trở thành Giáo xứ.

Với tất cả sự quan tâm và hiểu biết, với các nguồn dữ liệu lịch sử khác nhau, Đức Cha chia sẻ: Hạt giống Tin mừng đã đến với Tân Giáo xứ Lộc Hoà từ thế kỷ XVIII, khi một vài giáo dân từ Hội An lánh lên đây, lúc bấy giờ gọi là Kẻ Râm. Sau này, Cha Cố Thiên đã quy tụ và xây dựng một ngôi nhà nguyện tạm và sau đó mới xây dựng nhà thờ. Từ năm 1975 – 1982, nơi đây trở thành nơi sinh hoạt, lao động, gặp gỡ của các chủng sinh của Giáo phận Đà Nẵng.

Khi chương trình của thành phố đã nẵng đưa nghĩa trang thành phố lên vùng núi Hòa Sơn này, ai ai cũng cảm thấy ái ngại và nghĩ rằng người dân vùng này sẽ tìm cách rời đi nơi khác. Thế nhưng, người giáo dân Lộc Hòa vẫn luôn tìm cách tồn tại trên mãnh đất chôn nhau căt rốn này. Và các linh mục cũng đã luôn tìm cách đồng hành nâng đỡ để niềm tin của cộng đoàn này được củng cố và đủ sức vượt qua những khó khăn mỗi ngày. Thời Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng làm Quản xứ Phú Thượng, ngài đã rất quan tâm phát triển Giáo họ. Thời Cha Marcello Đoàn Minh làm Quản xứ, Ngài đã lần đầu tiên trình cho Đức Cha Giuse biết về giáo họ Lộc Hoà và thỉnh nguyện lên Đức Cha mong ước của Giáo họ, trở thành một giáo họ biệt lập

Đức Cha Giuse chia sẻ thêm rằng, trước đây khi nói đến Lộc Hoà, Ngài chỉ nghe rằng ở đây có nhiều nghĩa địa và người dân sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước, sinh hoạt. Khi đặt câu hỏi có nên đưa Linh mục về đây không, thì có người nói chẳng nhẽ đưa Linh mục về đấy để rồi bệnh mà chết. Nhưng Đức Cha đã trả lời rằng tại sao giáo dân sống được? Nếu dân đã sống được thì tại sao Linh mục lại không?

Sau chuyến về thăm và cùng với những cố vấn, Đức Cha Giuse đã trao đổi với Cha Marcello về việc để cha phó Giáo xứ Phú Thượng lúc bấy giờ là cha Toma Phạm Phú Cường về ở đây vài ngày trong tuần. Vâng lời Ngài, Cha Toma đã ở và đồng hành với Lộc Hoà hơn một năm (2020 – 2021). Và ngày 27/11/2021, Giáo họ nhỏ này được chính thức nâng lên thành Giáo họ biệt lập.

Theo lời vị chủ chăn, thật vui và may mắn khi nhận được mong ước và  lời đề nghị từ Cha Giuse Nguyễn Kim Nhật để trả ơn Lộc Hoà – ơn mà Cha được nhận từ những ngày còn làm chủng sinh và sinh hoạt tại đây. Đồng thời, để ngài có thể gần gũi với phần mộ của Ông Bà Cố được chôn cất ở nghĩa trang thành phố này.

Trước khi kết thúc bài chia sẻ của mình, Đức Giám mục Giáo phận bày tỏ niềm vui khi ngày hôm nay, được trở lại với xứ Đạo Lộc Hoà và nhận thấy mọi thứ đã thay đổi. Thay đổi từ cơ sở vật chất đến tinh thần của người giáo dân. Những ánh mắt, những nụ cười rất thân thương và đầy sự sống. Sống cạnh nghĩa trang làm người ta cảm thấy an bình nhất. Không thấy ganh đua, giành giật, ghen tị mà chỉ là một sự thinh lặng của hoà bình. Ở đây là sự tưởng niệm của mối giao thoa giữa con người với tổ tiên ông bà. Hơn thế nữa, giờ đây, giáo dân Lộc Hoà còn có thêm một công việc mới cho mọi lứa tuổi, mọi thành phần để sống đức ái. Chính điều đó đã lan toả niềm vui và hi vọng. Và phải chăng những điều đó đã làm bừng lên một sức sống mãnh liệt, để rồi chúng ta thấy rằng người dân ở đây vẫn sống, vẫn mạnh khoẻ, vẫn bình an, vẫn phát triển và trở thành một Giáo xứ với hơn 650 giáo dân. Những gì đang thể hiện càng nói lên một điều quan trọng nhất: ở mọi nơi, Thiên Chúa đều hiện diện.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha Giuse cầu chúc cho Cha quản xứ và toàn thể giáo dân tại Lộc Hoà được tràn đầy hồng ân của Chúa để tiếp tục sống và lan toả tình Chúa, tình người.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Gioan Bosco Vũ Sỹ Sơn – Phụ tá Văn phòng Tòa Giám mục đã đọc phép lành Tòa Thánh. Tiếp đó, Đức Cha Giuse trao phép lành cho Tân Giáo xứ và Cha Quản xứ tiên khởi trong tiếng vỗ tay của toàn thể cộng đoàn phụng vụ hôm nay.

Cha Tân Quản xứ có đôi lời phát biểu, cảm ơn gửi đến Đức Cha, Quý Cha trong Giáo phận, những người đã giúp đỡ và hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển của Giáo xứ Lộc Hoà trở nên như ngày hôm nay. Ngài bày tỏ những tâm tình đơn sơ về sự lo lắng, mong đợi trước đại lễ và sau hết là lòng tạ ơn dành cho Thiên Chúa. Cái ơn lớn nhất mà giáo dân có được là sự trung thành với đức tin từ ngàn xưa. Điều cần nói và phải nói duy nhất – theo lời Cha Giuse: Tất cả là hồng ân mà thôi.

Đáp lại Ngài, Đức Cha Giuse bày tỏ lòng ghi nhận về cách đón tiếp của Tân Giáo xứ ngày hôm nay. Ngài nói rằng từ nay, lịch sử đã sang trang, chúng ta thấy mình được “lớn lên” mặc dù vẫn Cha xứ đó, nhà thờ đó, những con người đó. Sự lớn lên và thay đổi này đồng thời tạo nên một sức sống mới cho Lộc Hoà. Ngài mời gọi chúng ta chúc mừng và chia sẻ niềm vui với nhau trong ngày trọng đại này.

“Dẫu rằng biển rộng bao nhiêu

Dẫu rằng trời cao bao nhiêu

Nào sánh cho bằng tình Chúa thương yêu…”

Ước mong cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Lộc Hoà sẽ luôn cảm nhận được tình thương yêu của Chúa dành cho mình, để rồi càng ngày càng phát triển trong đời sống đức tin, đưa Giáo xứ trở nên lớn mạnh và vững vàng hơn nữa.

BTT/GP

Bài viết: Matta Thanh Thảo

Hình ảnh: Phêrô Võ Phước Thơ 

 
Failed to get data. Error:
Invalid album ID.