Lược Sử Giáo Họ Biệt Lập Mông Triệu – Giáo Hạt Hoà Vang
Giáo họ Mông Triệu nằm trên địa bàn thôn Một, Hòa Ninh, Hòa Vang, Đà Nẵng. Nhiều người lần đầu đến Giáo họ Mông Triệu liền đặt câu hỏi: Tại sao ở một nơi vùng sâu vùng xa, chung quang là người Quảng lại có một thôn nói giọng Bình-Trị-Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế)? Lý giải cho câu hỏi này cũng là lịch sử hình thành nên giáo họ Mông Triệu hôm nay.
Thời kỳ chiến tranh trước 1975, nhiều gia đình từ Bình-Trị-Thiên lánh nạn vào trạm trú ở các giáo xứ thuộc thành phố Đà Nẵng ngày nay. Sau khi thống nhất đất nước 1975, chính quyền tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã vận động những gia đình này đi định cư ở vùng kinh tế mới. Cha Giuse Đinh Công Hạnh, lúc đó làm Quản xứ Giao xứ An Hòa lãnh trách nhiệm đi tìm đất và giúp các đình này có chỗ ở ổn định.
Ngày 30/05/1975, Cha Hạnh và 12 anh em đi thăm quan khu đất do Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng giới thiệu. Ngày hôm ấy, Cha họp giáo dân để quyết định hướng đi. Nhận xét chung của Cha sở, ở nơi đây có được ba điểm: đất tương đối, khí ôn hòa, nước trong lành.
Ngày 03/06/1975 là ngày lên đường đi tìm đất sống. Đến ngày 18/06/1975, tăng cường đăng ký đợt 2, tổng số chủ hộ đại diện cho các gia đình đi canh tác lên đến 220 hộ gồm các giáo xứ: Phước Tường, Tam Tòa, Nội Hà, Thanh Đức, Hòa Thuận, Hòa Cường, Gia Phước, An Hải, An Hòa, Chính Tòa. Đó là nguồn gốc xuất xứ giáo họ Mông Triệu.
Tháng 7/1975, Cha Hạnh cho xây một hội trường lợp tranh, vách nứa có 5 gian để làm nhà kho và nơi hội họp, dần dần hợp thức hóa để làm nhà nguyện. Đó là nhà nguyện đầu tiên của giáo họ Mông Triệu. Từ đây vào thứ 6 hằng tuần, Cha Giuse từ giáo xứ An Hòa lên dâng lễ và làm cử hành bí tích cũng như để an ủi khích lệ giáo dân.
Ngày 26/12/1980, Cha Hạnh bị bệnh nặng và không thể tiếp tục chăm sóc mục vụ cho giáo dân Mông Triệu được nữa. Ngày 14/02/1981, Cha Phao-lô Lê Đình Chiến được giao trách nhiệm để thay thế Cha Hạnh để lo mục vụ cho giáo họ Mông Triệu. Từ đây Giáo họ Mông Triệu trực thuộc giáo xứ Hòa Ninh.
Thấy ngôi nhà nguyện cũ đã xuống cấp, tháng 8/1982, Cha Chiến kêu gọi giáo dân vào rừng đốn gỗ và nhờ anh em thợ mộc ở Quảng Bình tình nguyện vào làm giúp. Khi mọi sự đã sẵn cho việc dựng nhà thờ thì chính quyền địa can thiệp, buộc ngưng việc xây dựng và buộc tất cả anh em phải rời khỏi địa phương. Sau sự cố này, phần lớn giáo dân đã bỏ giáo họ để trở về thành phố hay vào lập nghiệp ở các tỉnh phía Nam, nên số giáo dân còn lại rất ít.
Tháng 6/1989, cha Chiến kêu gọi giáo dân đổ móng xây dựng lại nhà nguyện và khánh thành vào 15/8, ngày kính Đức Mẹ hồn xác lên trời, bổn mạng giáo họ.
Tháng 6/1993, Cha Mác-ti-nô Trần Văn Đoàn được bổ nhiệm làm Quản xứ Hòa Ninh. Cha rất quan tâm đến đời sống của anh chị em giáo họ Mông Triệu. Năm 1996, Cha đã cho xây dựng lại nhà thờ cho kiên cố hơn. Ngoài việc lo mục vụ, cha còn giúp những gia đình khó khăn xây dựng hoặc sửa chữa nhà cửa, giúp học bổng cho các em học sinh, giúp giáo dân làm kinh tế bằng việc chuyển đổi cây trồng. Từ đây đời sống của giáo dân được ổn định và phát triển hơn.
Sau cha Đoàn là các cha Quản xứ Hòa Ninh: Cha Giuse Huỳnh Công Duy Minh (2003 – 2007), cha Tô-ma Nguyễn Văn Tâm (2007 – 2012), cha Giuse Lê Thiện Thuật (2012 – 2018), lên chăm lo mục vụ cho giáo họ. Các ngày lễ trọng và chiều thứ Bảy hằng tuần, các cha lên dâng thánh lễ thế cho ngày Chúa Nhật.
Năm 2016, cha Thuật xây tháp chuông bên phải tiền đường nhà thờ.
Ngày 04/12/2018, giáo họ Mông Triệu bước qua một trang sử mới, khi Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân tách giáo họ Mông Triệu khỏi giáo xứ Hòa Ninh và nâng lên thành Giáo họ Biệt lập trực thuộc Tòa Giám mục. Đồng thời Đức Cha cũng bổ nhiệm cha Phao-lô Ngô Tấn Thu làm Quản nhiệm Tân Giáo họ biệt lập này.
Cha Quản nhiệm tiếp tục những công việc còn dang dở của Cha Tiền nhiệm Hòa Ninh để lại. Thánh lễ được cử hành hằng ngày, tổ chức các lớp giáo lý, lập hội đoàn, sửa chữa và xây thêm cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu mục vụ của giáo họ.
Giáo họ Mông Triệu hiện nay có 88 gia đình với 275 nhân khẩu, chia làm 2 giáo khóm: Giáo khóm thánh Phê-rô và Phao-lô và giáo khóm thánh Giuse. Giáo họ có 65 em học sinh giáo lý chia làm 4 lớp. Các ngày cuối tuần và lễ trọng có các Sơ dòng Mến Thánh Giá-Huế thuộc cộng đoàn Hòa Ninh lên lo mục vụ giúp cha quản nhiệm.
Lược sử này được chúng tôi góp nhặt từ những vị cao niên trong giáo họ kể lại để làm dữ liệu cho con cháu mai sau.