Lược Sử Giáo Xứ Bình Phong _ Giáo Hạt Tam Kỳ
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ BÌNH PHONG
Bình Phong là một làng được thành lập cách đây trên 300 năm, thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách quốc lộ 1A khoảng 600m về hướng Tây. Trước năm 1956 mặc dù chỉ cách Giáo Xứ An Sơn kỳ cựu khoảng 5km, nhưng mãi đến năm 1956 mới có người đón nhận Tin Mừng.
- Giai đoạn thành lập.
Năm 1956, ông Võ Lục (Tam), người đón nhận Tin Mừng từ giáo xứ An Sơn, khi được tận mắt thấy những sinh hoạt kinh lễ tại Nhà Thờ, rồi về truyền lại cho một số người và cùng tập trung học giáo lý tại nhà ông Võ Tại, một người có uy thế trong vùng này, Cha xứ An Sơn cử ông Antôn Lê Hân đến dạy.
Năm 1956, Cha Phêrô Nguyễn Quang Sách về thay cha Gioan Baotixita Trần Đức Tuấn. Ngài cho dựng một nhà nguyện bằng tranh tại Miếu Đôi, là nơi nổi tiếng linh thiêng thời đó, nhưng đã được ông Võ Lục khai phá và dâng cúng.
Việc học Giáo lý tiến triển tốt, ngày 27/3/1957, Cha Phêrô mời 12 Cha về cùng rửa tội cho 197 người. Tháng 9-1958, Cha Phaolô Huỳnh Ngọc Cảnh đến thay cho Cha Phêrô Nguyễn Quang Sách. Ngài mở lớp dạy giáo lý ra cho các vùng lân cận và tổ chức rửa tội tại Văn An với số giáo dân tòng giáo đông hơn năm 1957 rất nhiều. Từ đây các chi họ tòng giáo được thành lập thuộc giáo xứ An Sơn.
Năm 1959, Cha Simon Nguyễn Kim Ngọc về Quản xứ An Sơn. Ngài cho xây dựng ngôi Thánh đường và lấy Lễ Truyền tin làm lễ bổn mạng của giáo họ, tiếp đến ngài xây dựng nhà xứ kiên cố, khang trang.
Năm 1964, do chiến tranh nên giáo dân An Sơn tản mác khắp nơi, Cha Ngọc về làm quản hạt Tam Kỳ và Tòa giám mục cử cha Phêrô Vũ Văn Khóa phó xứ Tam Kỳ về coi Bình Phong và Hà Lam.
- Giai đoạn phát triển và thử thách.
*Cha Phêrô Vũ Văn Khoá (1968-1974)
Năm 1968 Cha Phêrô Vũ Văn Khoá là cha Quản Xứ tiên khởi của Giáo Xứ Bình phong. Từ năm 1968 – 1975, chiến sự xảy ra khắp nơi, nên giáo dân tề tựu về quanh nhà thờ rất đông: Bình Nam, Bình Sa, Bình Trung, Việt An, An Sơn, ……Ngài còn phụ trách luôn cả Tam Thành và Hà Lam. Ngài mở rộng địa bàn truyền giáo đến vùng xa như Phương Tân và thành lập ở đây thêm một chi họ. Công việc bác ái của Ngài đã làm cho lương giáo bạn thù đều kính phục. Năm 1970, Ngài xây dựng trường trung học Tín Đức, giúp rất nhiều em vùng quê được học tập cao hơn.
Năm 1972 Giáo Xứ Hà lam được tách ra và thành lập, bản quyền giao địa sở Hà Lam cho Cha Phaolô Mai Văn Tôn.
*Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Vy (1974-1975)
Coi xứ được một năm thì biến cố 1975. Sau 1975 giáo dân trở về quê cũ. Cha Vy được cử về An Sơn, Cha Ngô Đình Chính về giáo xứ Bình Phong.
*Cha Giuse Ngô Đình Chính (1976-1991)
Đây là giai đoạn khó khăn nhất của giáo xứ: Sinh hoạt hạn chế, nhiều tín hữu rời khỏi đoàn chiên, nhiều nhà nguyện bị trưng dụng. Với hoàn cảnh này, cha đặt nặng việc dạy giáo lý : Giáo lý cộng đồng, giáo lý theo nhóm nhằm cũng cố để giữ đức tin cho đoàn chiên.
*Cha Ph. Xaviê Nguyễn Đình Thương (1991-1995)
Tháng 3/1991 về nhận xứ, Cha củng cố lại giáo lý, khơi dậy việc dấn thân cho giới trẻ dâng mình cho Chúa. Năm 1993, xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Năm 1994, xây dựng nhà Huấn Nghiệp. Kế hoạch xây dựng ngôi nhà thờ mới cũng được tính tới, thì Chúa đã gọi về ngày 06/01/1995 sau một cơn bạo bệnh.
*Cha Phêrô Lê Hưng (1995-2001)
Cha Phêrô là Quản xứ An Sơn, được Tòa Giám Mục cử kiêm nhiệm luôn Giáo xứ Bình Phong, sau khi cha Thương qua đời. Mặc dầu đi lại lo mục vụ hai Giáo xứ khó khăn nhưng với nhiệt tình nhà Chúa, Ngài đã đem được nhiều người gia nhập đạo Chúa, đặc biệt vùng Gò Tre xã Bình An. Vào ngày 25.01.1997, Ngài đã mời các nữ tu dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng đến cộng tác với Ngài lo cho việc mục vụ và bác ái.
*Cha Giuse Nguyễn Văn Thú (2001-30/6/2006)
Ngày 20.9.2001 Cha vê nhận xứ. Quan tâm của Cha là việc
học giáo lý và văn hoá cho giới trẻ nên Ngài cho xây dựng phòng học. Hè 2004 xây tường rào khuôn viên nhà xứ và năm 2005 xây dựng ngôi nhà thờ khang trang như ngày hôm nay.
*Cha Giuse Lê Văn Cường (30/10/2006-7/2007)
Nhận chức chưa đầy 9 tháng thì Cha được cử đi học tại Pháp.
*Cha G. Baotixita Phan Đình Lượng (7/2007-2010)
Ngài quan tâm đến việc nâng cao kiến thức cho các em, đặc biệt là các em con nhà nghèo, khó khăn nên mở lớp học hè từ lớp 6 đến lớp 9.
*Cha Ph. Xaviê Nguyễn Ngọc Hiến (2010-2017)
Trong thời gian cha làm quản xứ việc học giáo lý phát triển mạnh, các hội đoàn được thành lập và cũng cố. Cha xây dựng nhà nguyện Thái Đông, xây phòng học giáo lý và nhà cơm. Bộ mặt giáo xứ khởi sắc, mọi hoat động đi vào nề nếp.
*Cha Giuse Nguyễn Trí Dũng (10/2017 đến nay)
Ngày 18/10/2017 Cha về nhận quản xứ Bình Phong. Ngài quan tâm xây dựng đời sống cộng đoàn, khuyến khích việc đọc kinh gia đình với nhau, đi tìm để qui tụ những con chiên lạc đàn qua các thời kỳ, duy trì các lớp giáo lý của cha tiền nhiệm. Về xây dựng, Cha đã tu sửa lại các phòng giáo lý xuống cấp, giải tỏa ngôi nhà xứ để mở rộng khuôn viên nhà thờ, giữ gìn không gian cây xanh, chỉnh trang lại nhà thờ … và đặc biệt cố gắng phát triển khu vực Cánh Đông của Giáo Xứ, để tập trung sinh hoạt tại nhà nguyện Thái Đông, cho người giáo dân đỡ vất vả đường xa về Nhà Thờ xứ. Hy vọng trong tương lai, khu vực Cánh Đông sẽ được tiến lên thành Giáo Họ biệt lập và sẽ được tách khỏi Bình Phong để trở thành một Giáo Xứ mới.
III. Qui mô và thành quả của giáo xứ
Giáo xứ Bình Phong thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trải rộng trong 4 xã: Bình An, Bình Trung, Bình Nam và Bình Sa, gồm có 1 Giáo Họ Thái Đông, với 9 chi họ Bắc Lâm, Tây Mỹ, Kế Xuyên, Văn An, Thăng Xuân, Giu Nghĩa, Bình Phương, Đông An, và Cổ Linh, và 4 giáo khóm tại Bình Phong.
Số giáo dân 1968 là 2.700 người. Năm 1974 đông nhất là 3.211 người. Đến năm 1999 là 725 người và nay là 1031 người.
Con cái của giáo xứ dấn thân trong đời sống thánh hiến đến nay đã được 4 linh mục Giáo Phận : Phaolô Ngô Tấn Thu, Giuse Lê Thiện Thuật, Phaolô Hồ Quang Phúc, Stephanô Võ Ngọc Đính, và 6 nữ tu, gồm : (dòng Phaolô) : Isave Lâm Thị Hạnh Phụng, Anê Bùi Thị Liên, Anê Lâm Thị Nguyệt; (Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn) : Maria Trần Thị Thủy; (Dòng Nữ Vương Hòa Bình) Anê Lâm Thị Thắm; và (Dòng Bác Ái Vinhsơn) : Anê Ngô Thị Thùy Liên.
- Quí sơ dòng Phaolô phụ trách tại giáo xứ:
Dòng Phaolô đã gửi đến Giáo Xứ quý sơ phụ trách : Maria Nguyễn Thị Hiên; Francois Nguyễn Thị Khoa; Elisabeth Nguyễn Thị Ân; Clara Nguyễn Thị Phương Dung; Maria Nguyễn Thị Bích Liên; Maria Nguyễn Thị Tĩnh; Maria Nguyễn Thị Nhi; Anna Phạm Thị Huê.
Tạ ơn Chúa, qua bao thăng trầm của thời cuộc, nhưng với ơn Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ truyền tin, Giáo Xứ Bình Phong vẫn tiến lên và mỗi ngày trưởng thành hơn.