Lược Sử Giáo Xứ Hội An – Giáo Hạt Hội An
- Hình Thành
Lịch sử giáo xứ Hội An gắn liền với công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Hội An trở thành chiếc nôi đức tin của tín hữu Đàng Trong.
Lịch sử cho biết, những năm đầu thế kỷ 16 đã có dấu chân các nhà truyền giáo ghé đến vùng đất này: chẳng hạn năm 1516, Duarte Coelho đã dựng Thánh giá ở Cù lao Chàm; năm 1596, linh mục Alonso Ximenez và Diego Aduarte đến Cachan (Kẻ chàm); năm 1598, linh mục dòng thánh Augustinô, Rafael Madre de Dios đến rao giảng Tin Mừng tại vùng nầy và rửa tội cho bà Gioanna và con gái là Phanxica tại Dinhcham, Thanh Chiêm. Đặc biệt, vào năm 1613 tại Nhật Bản có cuộc bách hại đạo dữ dội, nên nhiều giáo dân Nhật lợi dụng việc buôn bán đã đến Hội An sinh sống và lập gia đình với phụ nữ bản xứ. Sách Lịch sử công giáo Nhật Bản có ghi: Năm 1602, Dinh trấn Thanh Chiêm được xây dựng và Hội An là cánh cửa mở ra thế giới. Chính sách ngọai thương của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, con trưởng Chúa Nguyễn Hoàng đã giúp kiều dân Nhật Bản tại Hội An được tự do sống theo phong tục và đạo giáo mình, nhờ đó mà giáo dân Nhật, Việt dựng được những cơ sở thờ tự đầu tiên tại Cửa Hàn và Hội An. Để giúp về phần thiêng liêng gồm hôn nhân và rửa tội, cha giám tỉnh Dòng Tên tại Macau đã gửi một đoàn truyền giáo đến Turon (Cửa Hàn) và Hội An (Faifoo). Khởi hành từ Macau ngày 6/1/1615, phái đoàn do cha Francesco Buzomi cầm đầu đã đến Cửa Hàn ngày 18/1/1615, sau đó đến Hội An. Đây là một ngày đáng ghi nhớ.
Vào năm 1617, cha Francisco de Pina đã đến Hội An. Nhờ quen thân với Hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, cha Francisco Pina thiết lập nhà thờ đầu tiên cho người Việt tại Dinh trấn Thanh Chiêm và học tiếng địa phương tại đó. Đến năm 1622, cha Pina đã hoàn tất việc chuyển hóa ngôn ngữ từ âm tiếng Việt sang chữ Latinh và mở lớp dạy tiếng Việt cho các thừa sai. Thanh Chiêm trở thành cái nôi chữ quốc ngữ.
Năm 1621, linh mục Gaspar Luis, qua bản phúc trình viết bằng tiếng Ý, cho thấy công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong gặt hái nhiều thành quả. Trong một năm, 82 người bản xứ và 27 người Nhật đã đón nhận đức tin trong đó có nhiều bậc vị vọng.
- Các thời kỳ
Hội An, Dinhcham là cái nôi của Đạo thánh Đức Chúa Trời Đất tại vùng Đất Quảng nầy. Đây là căn cứ xuất phát của các đoàn truyền giáo ra phía Bắc đến bờ sông Gianh, ranh giới phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài hoặc đi về phía nam đến Dinh Trấn Biên Phú An, mà Đèo Cả là ranh giới hai nước Chiêm, Việt.
Kể từ khi phái đoàn truyền giáo do cha Buzomi dẫn đầu cho đến khi cha Đắc Lộ rời Đàng Trong, tức từ năm 1615 đến năm 1645, biết bao cuộc dâu bể, vui buồn. Giáo Hội tuy gặp gian nan thử thách nhưng vẫn tiến đều. Năm 1626 con số tín hữu đã lên 15.000. Năm 1639 lúc cha Buzomi và các bạn bị trục xuất, con số đã lên đến 40.000 người. Khi cha Louis Chevreuil, cha chính, đại diện Đức Cha Lambert de la Motte đến Hội An năm 1664, con số giáo dân lên đến 50.000 người.
Giáo đoàn Hội An đóng góp nhiều cho việc đặt nền móng xây dựng Giáo Hội Việt Nam và là nhịp cầu giao lưu Đông Tây. Nhiều môn học như lịch sử, địa lý, thiên văn, toán học, y học, khoa học kỹ thuật của Âu Châu được du nhập. Các giáo sĩ thích nghi văn hoá, đem thi ca, tuồng kịch đạo đức vào đời sống tôn giáo: Ngắm sự thương khó, rước kiệu, trồng Thánh giá thay cây nêu, tôn kính Chúa Ba Ngôi ba ngày Tết.
Ngày 9 tháng 9 năm 1659, hai giáo phận Đàng Trong (Cocincina) và Đàng Ngoài (Tonkin, Đông Kinh) được thiết lập. Đức cha Pierre Lambert de la Motte được chỉ định làm giám mục Đàng Trong. Đức Cha Lambert de la Motte đã mở công đồng tại Hội An vào năm 1672. Các Giám mục đến làm việc tại Hội An thời gian sau gồm có: Đức Cha Laneau, Đức cha Guillaume Mahot. Các linh mục: Louis Chevreuil (1664-1665), Vachet, Courtaulin, Antoine Hainques (1665-1670), Pierre Brindeau (1669-1671), Claude Guiart (1671- 1673).
Năm 1750, Võ Vương ra lệnh trục xuất toàn bộ giáo sĩ. Trên khúc ruột Miền Trung nầy xảy ra chiến tranh giữa Tây Sơn, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã giết chết nhiều dân số, sau đó kéo theo nạn đói kém, dịch bệnh. Thời gian chiến tranh đã xóa sổ hầu như toàn bộ những làng công giáo và các cơ sở tôn giáo vùng Đà Nẵng và Hội An. Giáo dân vùng đất nầy lưu tán khắp nơi, nhiều người di dân theo Chúa Nguyễn vào Đồng Nai. Năm 1802, vua Gia Long thống nhất đất nước, đạo thánh chưa kịp phục hồi thì năm 1835, vua Minh Mạng ra lệnh triệt phá đạo Công Giáo và công việc đó chỉ chấm dứt sau Phong trào Văn thân “Bình Tây Sát Tả” vào năm 1886.
Cộng đồng đạo thánh tại Hội An có thể coi như bị tận diệt: không nhà thờ, không linh mục, không lời kinh tiếng hát… Một lần nữa, giáo dân trốn lên vùng rừng núi hay dùng thuyền bè chạy vào vùng đất mới Đồng Nai, Gia Định, Lục Tỉnh.
– Joseph Lalanne tức cố Lân. Vào đầu thế kỷ 20, các linh mục thừa sai Paris quy tụ các giáo dân còn sót hoặc có công ăn việc làm tại Hội An thành một họ nhánh của Trà Kiệu. Cha Joseph Lalanne tức cố Lân, cha sở họ Trà Kiệu và các vùng phụ cận.
– Cha Pierre Auguste Gallioz (MEP) tức cố Thiết. Ngài coi sóc họ Phước Kiều và Vĩnh Điện, La Nang, Hội An. Đến năm 1935, Cha Gallioz chính thức xây dựng kiên cố nhà thờ Hội An bằng gạch đá với hai ngôi tháp xinh xinh, lập cô nhi viện chăm sóc các em mồ côi. Năm 1953, quá lao tâm lao lực, ngài đã qua đời và được an táng tại khu nghĩa trang bên cạnh nhà thờ.
– Cha Phaolô Nguyễn Tưởng (1953-1964) làm quản xứ. Đây là thời kỳ hoàng kim của Giáo xứ. Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, hòa bình trở lại trên vùng đất Quảng Nam, giáo xứ Hội An trở nên một vị trí thuận lợi vì nơi đây là thủ phủ hành chánh tỉnh Quảng Nam, số giáo dân vụt tăng với những anh em tân tòng các vùng Cẩm Hải, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Bàn Thạch, Cẩm Châu, Cẩm Hà, Vĩnh Xuân. Cha Tưởng xây trường Tiểu học Chân Phước Thiện, lập các phong trào thanh niên công giáo, Hùng Tâm Dũng Chí.
Song song với Hội An, họ đạo Lê Lợi do Cha Antôn Bùi Ngọc Trợ thành lập từ năm 1954, xây dựng Trường trung Tiểu học Lê bảo Tịnh hơn 500 học sinh. Tại Cẩm Hà, cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri xây dựng một nhà thờ dành cho giáo dân tỵ nạn lụt lội và chiến tranh. Cha Phaolô Tưởng đột ngột qua đời đang khi ngủ vào ngày 14/4/1964. Cha Phaolô Võ Hữu Tư, cha sở La Nang được Bề trên yêu cầu kiêm nhiệm Hội An cho đến 1965.
– Cha Giuse Lê Văn Ly (1965-1970) từ Hà Tân về làm chính xứ Hội An. Năm 1965 cha Giuse đã cho phá nhà thờ 1935 xây lại nhà thờ mới trên nền cũ với diện tích 720 mét vuông, tồn tại đến nay. Các cha phụ tá lúc này gồm có cha Antôn Trần Văn Trường, Giuse Vũ Dần, Phanxicô Xaviê Trần Quang Châu, Gioan Baotixita Đào Duy Khải (tuyên úy phụ trách Cẩm Hà).
– Cha Phaolô Trương Đắc Cần (1970-1974). Tuy đang thời kỳ chiến tranh, với tinh thần trẻ trung, hiểu biết và cầu tiến, ngài cũng cố cơ sở vật chất như làm tường rào, cổng nhà thờ, mua lô đất “cây xăng” 3200 mét. Ngài quan tâm giới trẻ, giáo dục thanh thiếu niên, dạy nghề, tạo công ăn việc làm và nhiều công tác cứu trợ giúp ngưới nghèo, nạn nhân chiến tranh.
– Cha Phêrô Lê Như Hảo (1974-2003). Biến cố 1975 đã khiến bộ mặt giáo xứ thay đổi, giáo dân từ 2.216 người tụt xuống con số dưới 1000 người. Giáo xứ mất hầu hết ruộng đất, cô nhi viện, trường học, đất đai giáo họ Lê Lợi… trong chế độ mới. Nhẫn nại, ngài hướng dẫn giáo dân vào cuộc sống đất nước bằng tinh thần đối thoại giữa đạo đời và các tôn giáo bạn. Tuy kinh tế khó khăn, năm 1995, giáo xứ cùng ngài xây dựng tháp chuông và những công trình nội thất nhà thờ. Một công trình quan trọng khác là nhà xứ Hội An và “Giảng đường giáo lý”.
Năm 1995, phố cổ Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới, du khách tìm đến và đời sống Hội An trở nên khá hơn, sinh hoạt của giáo xứ Hội An cũng thuận lợi hơn. Vào năm Thánh 2000, cha Phêrô đã đón tiến các đoàn hành hương và triễn lãm tài liệu lịch sử liên quan đến Giáo xứ Hội An. Năm 2003, ngài về hưu.
– Cha Bônaventura Mai Thái (2003-2006). Với sức trẻ và hiểu biết, ngài được nhiều người ủng hộ trong chương trình canh tân. Về vật chất, ngài quét vôi và lợp ngói lại thánh đường, xây dựng “ngôi nhà sinh hoạt mới khang trang” kiên cố bên hông nhà thờ. Về phần hồn, củng cố lại các giáo khóm, các đoàn thể, đặc biệt là Legio Mariae, giới trung niên và hợp thức hóa nhiều đôi hôn nhân.
– Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng (2006-2012). Với sự cộng tác của hai cha phó Tôma Võ Minh Danh (2006-2010) và Phaolô Trần Ngọc Hoàng (2010-2012), cha Antôn đã rà soát sổ sách lưu trữ của giáo xứ, làm mới hang đá Đức Mẹ, xây tầng hai phòng áo, làm lư hương tròn vuông có nét hội nhập văn hóa, mua 800m vuông đất Phước Kiều và nhận lại 2.700m vuông đất cây xăng. Ngài nỗ lực ghi chép và nghiên cứu văn hóa Chăm và Hội An. Thời này, giáo xứ Hội An kiêm nhiệm Giáo họ Phước Kiều và Gò Nỗi. Số giáo dân khoảng 1646 người.
– Cha Marcello Đoàn Minh (2014-2020). Sau hai năm được cha Phaolo Trần Ngọc Hoàng đảm nhiệm (2012-2014), cha Marcello được sai đến làm quản xứ. Cha đóng góp nhiều: tổ chức lễ kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến Hội An (2015), thánh lễ tiếng Anh vào Chúa Nhật, lập Caritas giáo xứ. Về cơ sở vật chất, ngài không ngừng làm mới và cải tạo: lót đá nền nhà thờ, sơn sửa nhà xứ, làm ghế mới trong nhà thờ (2014), cải tạo nhà lưu giữ tro cốt, trùng tu nhà bên hông nhà thờ (2015), xây cổng và hàng rao nhà thờ, tráng nhựa sân nhà thờ (2016), sơn sửa nhà thờ, thay toàn bộ cửa nhà xứ (2017), đặt hai tượng thánh Anê Thành và Anrê Phú Yên, trang bị học cụ các phòng học giáo lý (2018-2019), đổ bê-tông một số phòng ở tầng hai (2020). Thời gian này có cha phó Antôn Nguyễn Anh Tôn (OFM) cộng tác.
– Cha Giuse Nguyễn Văn Thú (2020-…). Giữa thời dịch Covid (8/2020-2022), cha Giuse đến nhận giáo xứ. Sau hai tháng quan sát và thẩm định, cha Giuse và cha phó Antôn Nguyễn Anh Tôn (OFM) cùng Hội Đồng Giáo Xứ chọn việc đào tạo Giáo Lý Viên và chỉnh đốn chương trình giáo lý cho các lứa tuổi, các dự tòng, các người trẻ chưa lãnh bí tích Thêm Sức làm ưu tiên cho hoạt động mục vụ cấp thiết của giáo xứ. Giáo xứ tạo được hai nhóm trẻ chia sẻ Lời Chúa và ban Bác Ái của giáo xứ.
Hiện giáo xứ có khoảng 1.562 giáo dân trong 7 giáo họ. Có 170 em học giáo lý. Các đoàn thể gồm có: Legio Mariae, Thăng Tiến Hôn Nhân, ca đoàn, ban Bác Ái, Caritas, Thiếu Nhi Thánh Thể.
(Tài liệu từ khởi đầu đến thời cha Antôn Nguyễn Trường Thăng được tóm từ tài liệu của cha Antôn Nguyễn Trường Thăng).