Mặt nhật?
Mặt nhật gắn liền với việc chầu Thánh Thể, vật dụng dùng trong phụng vụ này đã có từ thời Trung Cổ.
Các hình thức biểu tỏ ra niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, đã phát triển qua dòng thời gian. Một trong những tiến triển đó là việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ và bên ngoài nhà tạm. Để cho việc cử hành phụng thờ này được thuận tiện, người ta đã dùng tới một vật dụng phụng vụ gọi là “mặt nhật”.
Monstrace (mặt nhật) có gốc La-tinh là monstrare, nghĩa là “trưng ra, bày ra”. Mục đích của mặt nhật là cung kính trưng bày Thánh Thể cho những người hiện diện kính thờ. Tiến triển của việc dùng tới mặt nhật này, được ghi nhận đã khởi đi từ thế kỷ XIII, khi các cuộc rước cung nghinh Thánh Thể được tổ chức tại nhiều nơi, khi lễ Mình và Máu thánh Chúa được thiết lập.
Thoạt đầu, Thánh Thể cung nghinh trong các cuộc rước này được đặt trong một bình thánh đậy kín (làm bằng vàng), và chỉ sau này chiếc bình thánh dùng trong các cuộc rước này, mới được làm dài ra, và có chỗ dễ nhìn để đặt chỉ một bánh thánh. Bách khoa Công giáo (Catholic Encyclopedia) đã giải thích rõ hơn về sự xuất hiện của mặt nhật thế này:
Ở giữa khối hộp tròn này có đặt một chiếc bánh thánh lớn, và một chiếc mặt nhật sẽ giữ nó ở vị trí đứng. Nhiều mặt nhật kiểu này vẫn còn được tìm thấy cho đến ngày nay. Tuy nhiên, ngay sau đó, người ta nhận ra rằng chiếc mặt nhật có thể được tuỳ chỉnh để thu hút ánh nhìn hướng về Thánh Thể hơn, bằng cách làm mặt nhật có phần trong suốt vừa đủ, và chung quanh đó là các hoa văn hình tia toả ra, giống như các tia toả ra từ mặt trời vậy. Các mặt nhật kiểu này, có từ thế kỷ XV, và không phải là hiếm thấy; trải qua mấy trăm năm nay, đây là kiểu mặt nhật phổ biến nhất.
Mặt nhật dùng để biểu dương và thu hút sự chú ý tới Đấng là Vua các vua, tức là Đức Giêsu Kitô, hiện diện một cách thực sự và bản thể dưới hình bánh. Đấy là lý do mà các mặt nhật thường được làm bằng vàng hay mạ vàng, và được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, cho thấy đích thật nó đang chứa đựng và biểu tỏ ra một mầu nhiệm thiêng thánh.
Philip Kosloski
Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org
Nguồn: Website Đa Minh Việt Nam