Màu Tím Mùa Chay
Phụng vụ Mùa Chay đi liền với màu tím: màu tím của lễ phục, của phông màn và các trang trí trong thánh đường. Cùng với những bài thánh ca “sám hối” của Mùa Chay, màu tím tạo một không gian thiêng liêng, đưa hồn ta vào bầu khí cầu nguyện, để gặp gỡ Chúa và tìm lại chính mình. Màu tím của Mùa Chay có những thông điệp riêng nhắn gửi đến chúng ta.
Trước hết, màu tím là sắc màu của sám hối. Con người rong ruổi ngược xuôi, cần lắm những giờ phút lắng đọng để nhận ra tình trạng thật của mình. Vì ham làm giàu, vì muốn hòa nhập, vì thỏa chí đam mê… nên nhiều khi chúng ta đánh mất mình. Người ta gọi đó là tình trạng “vong bản”. Khi đã trót nhúng chàm, người ta tiếp tục trượt sâu trên triền dốc sa đọa, bất chấp cả những lời khuyên của cha mẹ bạn bè. Sám hối giống như khoảng lặng trên bản nhạc cuộc đời, tránh xa những ồn ào để nhìn lại lời nói, tư tưởng và việc làm của mình. Nhờ sám hối, chúng ta khiêm tốn nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa. Sám hối cũng giúp chúng ta thành tâm nhìn nhận những khuyết điểm đã gây ra cho anh chị em mình. Là những Kitô hữu, ai trong chúng ta hẳn đều đã trải nghiệm tâm trạng thanh thản nhẹ nhàng sau khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Quả vậy, tội lỗi làm cho con người luôn trong tình trạng bất an. Kẻ phạm tội luôn chạy trốn, mặc dù chưa bị phát giác và không có ai săn đuổi. Càng cố tình chìm sâu trong sa đọa, lương tâm con người càng bị hành hạ. Vua Đavít đã diễn tả tâm lý nặng trĩu của người phạm tội:
“Vâng, con biết tội mình đã phạm,
Lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
Dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 50, 5-6).
Sám hối đem lại cho chúng ta bình an nội tâm, khỏe mạnh phần xác, an vui phần hồn. Việc sám hối phải đi liền với quyết tâm canh tân cuộc đời, để lời nói việc làm của chúng ta được ơn Chúa và lương tâm hướng dẫn. Nói cách khác, sám hối làm cho chúng ta nên con người mới, tươi sáng, hân hoan; đoạn tuyệt với con người cũ bi quan u sầu.
Màu tím là màu của hy vọng. Nếu chúng ta sám hối ăn năn, là vì chúng ta tin vào lòng bao dung nhân hậu của Chúa. “Danh Ngài là Thương Xót” – Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như thế khi muốn diễn tả lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài cũng dùng khẳng định này để đặt tựa đề cho một cuốn sách do chính ngài viết. Lịch sử nhân loại, nhất là lịch sử cứu độ, là những câu chuyện về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chân dung nhân hậu của Ngài được phác họa trên từng trang của Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước. Vì Chúa bao dung nhân hậu, “chậm bất bình và hết sức khoan nhân”, nên chúng ta mới mạnh dạn xin Ngài tha thứ. Màu tím của Mùa Chay nhắc ta, dù tình trạng tâm hồn có bi đát đến mấy đi nữa, hãy cậy trông vào Chúa và xin Ngài tha thứ. “Mỗi đấng thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai” – một tác giả đã viết như thế để diễn tả niềm hy vọng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Lịch sử Giáo Hội có nhiều vị thánh đã có thời hoang đàng lầm lạc, nhưng nhờ ơn Chúa, các ngài đã hồi tâm và trở nên con người mới, ví dụ: thánh Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, thánh Maria Mađalêna… Trong một bài giảng ở Nguyện đường thánh Matta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa là Đấng chờ đợi chúng ta. Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho chúng ta. Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn mệt mỏi cầu xin Ngài”. Đức Thánh Cha còn quảng diễn Lời Chúa khi sử dụng ngữ vựng của giới kinh doanh: “Bảy mươi lần bảy, luôn luôn là như thế. Chúng ta hãy tiến về phía trước với sự tha thứ của Ngài. Từ quan điểm kinh doanh, cán cân luôn luôn là âm. Ngài luôn luôn thua lỗ: Ngài thua lỗ trong cán cân thu chi nhưng chiến thắng trong tình yêu”. Chúng ta còn gặp lại màu tím trong phụng vụ Mùa Vọng. Đây là thời điểm chờ đợi Chúa. Tâm tình chờ đợi không chỉ gói gọn trong thời gian 4 tuần của Mùa Vọng, mà còn trải dài trong suốt cuộc đời của người tín hữu, cho đến giây phút cuối của cuộc đời. Lúc ấy, họ sẽ được gặp Chúa, mặt giáp mặt, không còn như trong gương nữa. Đó cũng là cuộc hội tụ hồng phúc mà họ mong đợi suốt cuộc đời. Cuộc chờ đợi nào cũng cần đến lòng trung thành. Trong cuộc sống xô bồ bát nháo hôm nay, lòng trung thành đang có nguy cơ bị đánh mất. Người ta bất trung trong tình nghĩa vợ chồng, giữa những đồng nghiệp, nơi bạn bè phố xóm. Màu tím nhắc nhở chúng ta hãy trung thành với Chúa và với anh chị em, để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình.
Sau cùng, màu tím là màu của yêu thương. Gần đây, nhiều người tổ chức đám cưới trang trí màu tím cạnh màu trắng. Đó là cách trang trí du nhập từ nước ngoài. Màu trắng là biểu tượng cửa sự tinh khiết, màu tím trượng trưng cho tình yêu chung thủy. Màu tím trong phụng vụ nhắc nhớ chúng ta tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Màu tím cũng nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương anh chị em mình. Yêu thương là mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Một khi chúng ta sống trong tình mến Chúa yêu người, chúng ta sẽ kiên trì nhẫn nại trước những khó khăn thử thách, với ý thức rằng chính những khó khăn thử thách ấy sẽ tinh luyện chúng ta, giống như vàng thử lửa. Trong bối cảnh hiện tại, mệnh lệnh yêu thương có nguy cơ bị biến thành những khẩu hiệu suông. Bởi lẽ người ta thường xuyên nói đến tình yêu, nhưng trong thực tế, tình yêu bị quên lãng. Hoặc giả có một số người thực hiện những nghĩa cử yêu thương, nhưng là nhằm đến danh lợi cá nhân hoặc nhằm mục đích cho mình nổi tiếng. Màu tím của Mùa Chay tượng trưng cho tình yêu chân thật. Yêu là gánh chịu những bất tiện để người khác được nhẹ nhàng; là mang lấy những thiệt thòi cho người khác được vui; là chấp nhận chết đi để người khác được sống. Đó là tình yêu đích thực. Chúa Giêsu dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chính Chúa đã thể hiện tình yêu cao cả nhất, đó là hy sinh mạng sống và chết trên thập giá. Trong Mùa Chay, chúng ta ngước lên thập giá để cảm nhận tình yêu vô biên của Người, đồng thời cầu xin cho chúng ta được can đảm thực thi đức yêu thương, kể cả đối với kẻ thù hay đối với những người đã xúc phạm đến mình.
Hành trình của Mùa Chay là hành trình biến đổi cuộc đời, trở nên con người mới. Biến đổi nào cũng cần có hy sinh, như cây nho cần được cắt tỉa để sinh trái dồi dào. Hạnh phúc nào cũng phải trả giá, như người mẹ sinh con đau đớn, rồi sau đó vui mừng vì đã sinh một người con cho đời. Hạnh phúc trong tâm hồn hôm nay, và hạnh phúc Nước Trời ngày mai, đó chính là kết quả của những cố gắng nỗ lực hoán cải canh tân của chúng ta. Hãy hối cải trở về, hãy nhận ra lòng bao dung nhân hậu của Chúa; hãy thực thi đức yêu thương với đồng loại. Đó là ngôn ngữ được phát biểu qua màu tím của Mùa Chay.
Hà Nội, Mùa Chay thánh 2019
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên