Mẹ Tôi Nhận Bí Tích Rửa Tội Nhờ Ơn Lành Chân Phước Anrê Phú Yên
Xưa kia Khổng Phu Tử nói: “ngũ thập tri thiên mệnh”. Nghĩa là tới tuổi năm mươi mới biết rõ mệnh trời. Tôi giờ đã quá tuổi tri thiên mệnh đó hơn hai thập niên. Và tôi nhận thấy, chắc đâu cần chờ lâu đến thế, bởi tôi thấu rõ ràng Ơn Trên đã ban cho tôi quá nhiều điều, từ mấy chục năm trước khi đạt tới tuổi tri thiên mệnh. Mọi điều tôi nhận được chẳng những tốt đẹp hơn những gì tôi mơ ước mà khó lòng tưởng tượng nổi, đôi khi còn chưa từng xảy ra trên cõi đời này nữa.
Tôi biết đích xác Người đã cầu bầu lên Thiên Chúa cho tôi đạt được những điều không tưởng đó. Nhân ngày giỗ lần thứ 375 của Đấng ấy sắp tới, tôi ghi chép ra đây vài mẩu chuyện đã xảy ra lẫn mới xảy ra trong gia tộc tôi hiện sinh sống tại Mỹ.
Câu chuyện giữa tôi với Đấng thiêng liêng ấy bắt đầu ngay sau ngày toàn cõi Miền Nam bị cướp bởi quân đội Cộng sản Việt Nam. Và tôi, một cựu chiến binh, chiến đấu bảo vệ miền đất phía nam con sông Bến Hải, liền bị bên thắng cuộc kết tội phản dân tộc. Họ bắt đi tù cải tạo cùng với hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức phục vụ thể chế Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Đến một ngày, khi tôi còn bị giam tại trại tù cải tạo Cạnh Đền thuộc tỉnh Cà Mau. Nhờ toàn thân người bị ghẻ lở, tên cán cán bộ quản giáo chỉ định tôi vào dọn dẹp lại một căn chòi lá tối tăm, ẩm thấp, vừa đủ một người chui lọt. Ánh sáng chiếu rọi vào bên trong bằng mỗi cái cửa ra vào thấp lè tè. Mắt tôi bị cận thị nặng, phải mất đến mấy phút mới khom lưng đi tới đi lui không bị vướng vấp. Thu dọn được độ một lúc, tôi khựng lại, cảm thấy bàn chân mình giẫm lên mấy thứ cồm cộm. Ngồi bệt hẳn xuống đất, tôi mới nhận ra nguyên một đống sách nằm lẫn lộn với mớ nồi niêu xoong chảo sứt càng gãy gọng. Nhặt vài quyển lên xem, tôi biết ngay đó toàn loại sách báo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chẳng rõ họ lôi ở đâu về, vứt vào cái chòi ọp ẹp này.
Vừa làm tôi vừa tính lén lấy một quyển, dù biết làm vậy quá mạo hiểm, nhưng sự khao khát thèm đọc chữ, nhất là mấy quyển sách sắp “bị giết” này, đốc thúc tôi vượt qua nỗi sợ hãi, cùng mọi trở ngại, khó khăn. Đầu óc đang miên man suy tính, tôi bỗng giật mình bởi có tiếng tên quản giáo gọi vọng vào, bảo tôi sửa soạn ra về. Trong hối hả tôi vẫn chưa chọn được quyển sách nào, cũng chưa biết dấu nó vào đâu. Tôi liền lấy đại một quyển nhét vội vào lưng quần. Bụng tôi lép xẹp, bởi chẳng bữa nào được ăn no, khiến cái lưng quần luồn bằng dây thun ngày một lỏng lẻo thêm. Chân chưa kịp bước, quyển sách đã chạy thẳng tuột ngay xuống dưới đất. Vừa định đá nó sang một bên, bỏ luôn ý định lấy cắp, bàn tay tôi bỗng quơ đụng nhằm một sợi dây. Tôi lôi mạnh sợi dây ra quấn quanh lưng quần, cúi xuống nhặt quyển sách lên nhét trở vào bụng thêm lần nữa. Xiết sợi dây thật chặt, lắc qua lắc lại cái bụng vài lần, tôi mừng thầm, quyển sách đã chịu nằm yên. Lúc ra tới bên ngoài, tôi sửa lại tướng đi cho tự nhiên, cố giữ lòng bình thản, thong thả bước tới.
Cái nóng hừng hực ban trưa hợp với sự hồi hộp trong lòng, làm người tôi bốc mùi thêm, khiến tên quản giáo càng cố tránh xa hơn. Nhờ vậy y không phát hiện ra sự ngượng ngập lúc tôi bước đi. Tôi an tâm, lòng nhẹ nhõm, nhìn hắn đeo súng trên vai, bước lên chiếc cầu khỉ trở lại đường cũ. Bóng y vừa khuất, nhìn trước ngó sau, thấy không ai chú ý, tôi rút nhanh quyển sách ra, nhét sâu vào trong túi đựng vật dụng. Trút bỏ cái khối lo nặng chịch xuống rồi, tôi đưa tay quệt mồ hôi rịn ướt cả trán.
Chiều đến, lợi dụng lúc bạn bè ra bờ kinh tắm giặt, tôi len lén mở cái túi ra xem của “lấy cắp” được là quyển sách gì. Tự dưng tôi lắc đầu chán nản, mất hết hứng thú, vì đó không phải loại sách tôi thích. Mà chính tôi cũng không hiểu sao, chỉ có một mình trong căn chòi, bên đống sách vở cũ những hơn ba tiếng đồng hồ, mà sao không lựa được một quyển theo đúng ý mình. Chẳng buồn mở sách ra, tôi bỏ ngay vào chỗ cũ, buộc chặt miệng túi lại, lẳng lặng tìm bạn bè ngồi tán gẫu.
Rồi đến một đêm, lúc nằm đếm từng hạt mưa nhẹ rơi trên mái lá, để ru mình vào giấc ngủ, tôi chợt nghe có tiếng muỗi vo ve trong mùng, bèn ngồi dậy, đốt đèn hột vịt lên soi. Bởi dầu khan hiếm, lại quá mắc mỏ, khó nhờ hỏi mua, tôi chỉ đốt đèn lên khi hết sức cần thiết. Giết xong vài con muỗi, nhìn thấy một lỗ rách nhỏ nằm ngay trên đỉnh mùng, tôi luồn tay mò mẫm bên trong chiếc túi đựng đồ đạc, định tìm kiếm khúc chỉ hay sợi dây cột tạm cái lỗ lại. Lúc còn đang loay hoay, bỗng quyển sách đánh cắp được từ mấy hôm trước rớt ra ngoài. Tôi hờ hững cầm nó lên, tiện tay nhét luôn xuống dưới cái gối. Túm xong cái lỗ, tôi nằm ngửa mặt dương mắt dò tìm xem còn sót chỗ nào muỗi chui vào không. Quyển sách lót dưới gối, cuộn bằng đủ thứ áo quần, làm đầu tôi bị cấn. Tôi bèn nhấc đầu lên, lôi nó ra thêm một lần nữa. Lần này tôi tiện tay đặt trước ngọn đèn dầu rồi bắt đầu đọc.
*
Tôi may mắn không gặp sự việc nào đáng tiếc xảy đến suốt thời gian lén lút đọc sách. Tính ra, phải mất hơn cả tháng trời tôi mới đọc hết quyển sách vỏn vẹn ngoài hai trăm trang giấy. Sau đó, hàng đêm tôi lại giở ra nghiền ngẫm mấy đoạn tôi thích.
Nhờ được học 4 năm dưới mái trường Lasan, hệ thống giáo dục do các Sư huynh Công Giáo dạy dỗ, tôi đồng cảm được hầu hết những gì tác giả nêu trong quyển sách. Khi đọc đến dòng cuối, tự nhiên tôi thầm cầu xin với vị Thầy, nhân vật chính trong sách, lẩm nhẩm cầu nguyện: “Thầy ơi, nếu Thầy trợ giúp con cùng gia đình con tới được bến bờ tự do, đến khi theo đạo, con nguyện sẽ nhận Thầy làm Thánh Bổn Mạng của con và của cả gia đình con!”.
Bỗng một hôm, tôi cảm thấy lòng bồn chồn, lo lắng, nếu chẳng may cán bộ hay quản giáo phát hiện ra tôi đang giữ quyển sách bên mình, hậu quả sẽ ra sao? Bỏ thì tiếc, giữ lại đâm lo, đắn đo mãi cuối cùng tôi dứt khoát đào lỗ chôn quyển sách.
Sách chôn ở đâu, chôn cách nào, sau gần nửa thế kỷ qua đi, không còn lưu lại chút gì trong ký ức tôi. Tôi chỉ nhớ rõ một điều, vài ngày sau khi đào lỗ chôn sách xong, trại tù cải tạo Cạnh Đền, nơi miền đất được lưu truyền trong dân gian qua câu ca dao bình dị của người Cà Mau: “Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”, xảy ra một cuộc kiểm soát đột xuất, tất cả mọi vật dụng của tù nhân. Cán bộ bắt mở tung mọi thứ, xem xét kỹ từng tờ giấy báo gói đồ đạc.
Quyển sách lấy cắp và đọc được đã nằm yên trong lòng đất, không còn gì khiến tôi phải lo sợ. Cán bộ có lục soát vứt bỏ bất cứ thứ gì tôi cũng mặc. Tôi biết chắc chắn một điều, niềm tin cùng sức sống mãnh liệt trong tôi không ai có thể tìm thấy và vứt bỏ đi được.
*
Thoạt nghe qua câu chuyện có một người đang bị tù cải tạo tự tổ chức trốn trại, đưa cả gia đình 14 người, ở cách nơi giam giữ ngoài 200 cây số, cùng với 3 đồng đội, tổng cộng 21 người vượt biển bằng an, đến được bến bờ tự do, ai cũng “khen” tôi quá giỏi giang, nhiều mưu lược, khiến tôi cảm thấy ngượng ngùng, nhưng đôi lúc cũng lầm tưởng mình tài giỏi thật. Rồi thời gian dần trôi, mọi chuyện đã qua từ từ ngấm sâu vào lòng, tôi biết chắc chắn vị Thầy mà tôi luôn cầu nguyện nhờ chuyển cầu lên Thiên Chúa, đã ban cho tôi mọi Ơn Lành và dìu dắt tôi qua chặng đường nguy hiểm của chuyến vượt biển lẫn từng ngày trong cuộc sống.
Năm tôi tròn 30, định cư trên đất Mỹ được ngoài nửa năm, lần đầu tôi hỏi xin bố mẹ cho phép vợ chồng tôi được rửa tội để trở thành tín đồ Công Giáo. Ông bà dứt khoát không cho với lý do tôi là con cả, sau này phải giữ việc thờ cúng bố mẹ. Mười năm sau, tôi lại xin lần nữa, và câu trả lời vẫn y hệt như cũ. Nhưng khác với trước kia, lần này tôi bị một động lực vô hình thúc bách, buộc không cho tôi tiếp tục chần chừ thêm nữa. Thế là vợ chồng tôi tự ý theo đạo, đã được lãnh nhận “Bí tích Rửa tội” lẫn “Thêm sức”. Đổi lại, bố mẹ đã “từ” tôi, kéo hết các em tôi dọn khỏi ngôi nhà do tôi và chú em Nguyễn Văn Lộc xây dựng cho cả gia tộc quây quần chung sống. Mãi tới 5 năm sau, việc theo đạo Công Giáo của vợ chồng lẫn con cái tôi, mới được bố mẹ tha thứ bỏ qua cho.
“Cuộc chiến tôn giáo” trong gia tộc tôi vẫn chưa dứt hẳn mà còn tệ hại hơn. Bởi bố mẹ tôi tự dưng tin tưởng và tu hành theo “Thanh Hải Vô Thượng Sư”, từ bỏ luôn việc thờ cúng ông bà. Anh em, con cháu tôi buồn vô hạn, tìm đủ mọi cách lôi kéo ông bà ra khỏi nhóm ấy, nhưng bao nhiêu sự cố gắng đều vô hiệu, cuối cùng đành phải chịu thua. Phần vợ chồng tôi chỉ còn cách phó thác mọi chuyện cho Thiên Chúa, rồi hằng đêm cầu nguyện để lòng được bình an trước bao nghịch cảnh trớ trêu xảy đến cho gia tộc.
*
Tôi xin tạm gác chuyện bố mẹ tôi theo Thanh Hải sang một bên để nêu ra một câu hỏi: Xưa nay có người Công Giáo nào được dự lễ phong thánh cho vị Bổn Mạng của mình chưa? Một câu hỏi chắc chắn không thể nào xảy ra được, vậy mà nó lại xảy đến với vợ chồng tôi. Điều này không bởi tôi nhận ra mà do người khác chỉ cho tôi thấy và xác nhận tôi chính là người con cả của Thánh Bổn Mạng mình.
Chuyện là như vầy. Quyển sách tôi lấy trộm và đọc được trong trại tù cải tạo Cạnh Đền vào cuối tháng 7 năm 1975, có cái tựa dài lê thê: Người Chứng Thứ Nhất Thầy Giảng Anrê Phú Yên, còn thêm hàng ghi chú nhỏ phía dưới: Lịch Sử Tôn Giáo Chính Trị Miền Nam Đầu Thế Kỷ XVII. Đọc qua bìa quyển sách, tôi thất vọng lầm bầm ngay: “Thật chán mớ đời! Thật uổng công! Phải chi mở mắt to thêm chút nữa để chọn lựa, thì đâu đến nỗi vớ nhằm quyển sách phải gió này!” Tôi vốn mê đọc sách, cũng thấu hiểu khá nhiều về đạo Công Giáo, nhưng chưa hề thích đọc loại sách đạo này.
Vậy mà tôi đã say mê đọc, và sau đó hoàn toàn tin tưởng vào Thầy giảng Anrê Phú Yên, luôn cầu nguyện cùng Thầy, nhờ Thầy chuyển cầu mọi điều tôi tâm tình lên Thiên Chúa. Vì vậy khi Linh mục Trương Trọng Nghĩa hỏi xem tôi muốn chọn vị nào làm Thánh Bổn Mạng lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào ngày 18-6-1988, tôi liền thưa ngay: con xin được chọn Anrê Phú Yên. Đương nhiên việc này không thành vì mãi về sau, đến ngày 5-3-2000, Anrê Phú Yên, vị Tử Đạo Tiên Khởi của Việt Nam mới được Tòa Thánh Vatican do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ II tuyên phong Chân phước. Tới khi đó, vợ chồng tôi mới được chính thức trở nên con cả của Thầy, và còn được sang tận Roma tham dự đại lễ tuyên phong cho Đấng mình hằng tin tưởng từ mấy chục năm trước. Cũng kể từ đó, ngoài 117 vị tử đạo tại Việt Nam được tuyên phong hiển thánh, dân tộc ta còn có thêm Anrê Phú Yên được tôn vinh lên hàng Chân Phước nữa.
Một số điều về Chân Phước Anrê Phú Yên, tôi đã viết trong chương “Đọc Sách” của Truyện ký Bước Chân Định Mệnh vừa mới phát hành vào tháng 6-2019, từ trang 71 đến trang 96. Nhân đây tôi cũng ghi lại tiểu sử vị Tử Đạo Tiên Khởi, được Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng tóm lược nguyên văn như sau:
– Thầy Giảng Anrê Phú Yên Việt Nam sinh năm 1625 hoặc 1626. Lãnh bí tích Rửa Tội cùng với mẹ Ngài năm lên 15 tuổi, do chính tay cha Đắc Lộ, nhà truyền giáo Dòng Tên. Năm 1642 được cha Đắc Lộ nhận vào nhóm cộng tác viên của Ngài và sau đó được gia nhập hội Thầy Giảng. Tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ cho bắt giam một số thầy giảng, trong đó có Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Ngày 26-7, đứng trước lòng quyết tâm theo Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa. Quan Nghè Bộ tuyên án tử hình và bản án đã được thi hành cùng ngày. Thầy Giảng Anrê Phú Yên bị một ngọn giáo đâm thâu nhiều lần và sau cùng bị chặt đầu. Nhưng trước khi tắt thở, cuối cùng Thầy còn kêu lớn tiếng tên Chúa Giêsu.
Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa đọc dứt lời, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ II long trọng tuyên bố:
– Ta chấp nhận cho tôi tớ Chúa là Anrê Phú Yên từ nay được gọi là Chân Phước và được cử hành lễ kính vào ngày 26-7 cho Chân Phước Anrê Phú Yên. Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
*
Giờ đây ngồi trước màn ảnh computer, tôi xin ghi thêm một phép mầu vừa xảy đến với gia tộc tôi chưa đầy 24 giờ qua. Sự việc này có đến mấy chục người chứng kiến tận mắt. Tôi nêu ra như một chứng từ, không chỉ bằng chữ do tôi viết mà còn cả hình ảnh lẫn lời nói nữa.
Ngày 4-6-2019, cụ bà Nguyễn Thị Sinh, mẹ tôi, người dứt khoát không cho phép vợ chồng tôi theo đạo Công Giáo, đã “từ” vợ chồng tôi ngay trong ngày chúng tôi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, bước qua tuổi 92. Cụ hiện sống với một bà bạn cũng đã ngoài 80, trong căn chung cư dành riêng cho người già từ ngoài 20 năm nay, đột nhiên trở bệnh nặng phải đưa vào phòng cấp cứu. Thấy mẹ quá yếu, vợ chồng tôi đã bàn nhau để đưa mẹ với bà bạn về ở chung với chúng tôi. Điều này được cả mẹ tôi lẫn các em đồng thuận.
Sau mấy ngày điều trị trong nhà thương, mẹ tôi được chuyển tới “nursing home” mang tên Jacop. Và đây mấy điều vợ tôi (Đinh Thị Dĩ), người con dâu trưởng kể lại:
Thứ Bảy 15-6-2019, vào khoảng 10 giờ sáng, có một người đàn ông trung niên bước tới trước của phòng bệnh của mẹ tôi, nở nụ cười hiền hòa. Lúc đó vợ tôi vừa đút cho mẹ ăn trái cây xong, ngước lên thấy một người không quen biết, hiện ra đứng trước cửa, vợ tôi liền lên tiếng trước:
– Chào anh.
Ông ta nhẹ gật đầu nói:
– Chào chị, tôi tên là Phạm Văn Nam, thuộc nhóm “Legio Mariae” bên nhà thờ Chúa Thánh Linh.
Vợ tôi biết ngay đây là một trong số người thuộc “Đạo Binh Đức Mẹ” của ngôi giáo đường mà dân San Diego vẫn quen gọi nôm na là “Nhà thờ 55”. Họ thường vào các nursing home thăm viếng bệnh nhân, hỏi xem có ai cần giúp đỡ về tâm linh không.
Vợ tôi mừng rỡ:
– Vậy thì tốt quá, mời anh Nam vào nói chuyện với bà cụ tôi. Bà hơi lãng tai, xin anh nói to một chút.
Nói dứt câu, vợ tôi đứng lên nhường chiếc ghế lại cho ông Nam, chuyển qua chiếc ghế đối diện hướng ra phía ngoài cửa. Vợ tôi vừa lắng nghe ông Nam nói, vừa để ý xem mẹ có nghe và hiểu gì không.
Mỗi lần ông Nam lập lại câu hỏi: “Cụ ơi, cụ có nghe con nói không?”, vợ tôi đều thấy mẹ gật đầu, đáp lại tiếng “có” rõ ràng, cho dù làn hơi phát ra còn yếu ớt, rồi tiếp tục chăm chú lắng nghe. Sau mỗi lần nhắc tới Thiên Chúa, ông Nam không quên hỏi: “Cụ ơi, cụ có tin vào Thiên Chúa không?”, lần nào cũng vậy, mẹ tôi đều nhẹ gật đầu. Vợ tôi sửng sốt, như không tin đây là sự thật, không dấu được xúc động, thỉnh thoảng phải đưa khăn lên chậm nước mắt. Vợ tôi linh cảm sự hiện diện của ông Nam nơi căn phòng bệnh này chính là do Thiên Chúa sai đến.
Vì muốn ông Nam đặc biệt quan tâm đến mẹ hơn, vợ tôi nói khẽ:
– Mẹ tôi đã tu theo cách của nhóm Thanh Hải hơn 20 năm nay rồi.
Ông Nam nhẹ gật đầu, tiếp tục nói về Chúa với cụ. Bất chợt tiếng điện thoại trong túi ông Nam reo lên. Ông lấy nó ra, vội trả lời:
– Tôi hiện ở tại phòng 210. Có một bà cụ đang cần tôi giúp đỡ lắm.
Cất điện thoại đi, ông Nam còn nói thêm với cụ một lúc nữa. Chắc sợ mẹ tôi mệt, ông nắm lấy bàn tay mẹ tôi, ghé sát tai cụ ngỏ lời xin:
– Cụ ơi, con là Nam, cụ cho phép con thỉnh thoảng ghé thăm cụ được không ạ?
Mẹ tôi gật đầu, ông Nam đứng lên, trao cho vợ tôi tấm danh thiếp. Vợ tôi cầm lấy, rối rít nói:
– Cám ơn anh Nam nhiều lắm, xin anh nếu có thời gian ghé qua nói chuyện với cụ để cụ hiểu biết về Chúa hơn.
Ngay lúc đó, có thêm mấy bà cùng nhóm Legio với ông Nam vừa tới. Sau khi nghe ông thuật sơ qua chuyện mẹ tôi, từng người một đến chào hỏi cụ. Lúc tiễn khách, ông Nam nói với vợ tôi:
– Tôi thấy cụ có nhiều biểu hiện rất tốt. Tôi nghĩ lần sau tôi tới gặp lại cụ, mà có mặt chị giống như lần này thì tốt quá!
Vợ tôi đáp ngay:
– Anh Nam ơi, lúc vợ chồng tôi vô đạo cách đây ngoài 31 năm, bà cụ nhất quyết không cho phép. Tôi nghĩ anh đến đây một mình tốt hơn là có mặt tôi ở đó.
*
Ngày lại qua ngày, mẹ tôi tiếp tục nằm tại nursing home. Anh em tôi sắp xếp, để suốt từ sáng đến tối, lúc nào cũng có một hai người vào với mẹ. Mỗi bữa đều có người nấu cơm, cháo, mấy món ăn Việt Nam mà mẹ thích mang vào đút cho mẹ ăn.
Khi bệnh tình thuyên giảm, mẹ tôi lại nói với vợ tôi:
– Các con cứ để mẹ ở trong căn nhà của mẹ, mẹ muốn ở đó cho tới khi mẹ chết, vì bố con cũng mất tại đó.
Anh em tôi chẳng ai phản đối, ở nơi nào miễn mẹ vui là được. Điều mẹ muốn càng dễ dàng cho tôi hơn, vì chỉ cần sắp xếp sao để lúc nào cũng có người bên cạnh chăm sóc mẹ là tốt.
Thấy vợ chồng tôi đôn đáo lo tìm thuê người, một đứa cháu khen ngợi chúng tôi lo lắng quá chu đáo cho bà. Tôi cười nói vui với cháu:
– Hai bác lo tìm người chăm sóc cho bà nội là lo cho bản thân hai bác, lo cho bố mẹ con với mọi người trong họ hàng nhà mình thôi. Một khi tìm được người tốt, thích hợp rồi thì cuộc sống của các con cháu bà nội mới ít bị xáo trộn.
Riêng phần tôi, bận rộn nhiều với việc lo in ấn Bước Chân Định Mệnh, quyển sách tôi bắt đầu viết mấy dòng đầu tiên vào tối hôm 21-2-2001. Và đến ngày 19-6-2019, tôi mới lên Little Saigon nhận sách từ nhà in, và trả lời phỏng vấn trong một chương trình Văn Học Nghệ Thuật của cô Phiến Đan trên đài truyền hình Little Saigon, coi như hoàn tất việc viết lách suốt gần 18 năm rưỡi. Quyển sách đã chào đời như tôi hằng mong đợi, còn nó sẽ đến được tay bạn đọc bằng cách nào tôi hoàn toàn phó thác vào Thầy Giảng Anrê Phú Yên, Thánh bổn mạng của gia đình tôi.
Đến Chúa Nhật 23-6-2019, ông Nam gọi tôi báo tin:
– Bà cụ chịu rửa tội rồi. Anh chị hãy đến gặp cha Phiên ngay để xin cha lo gấp việc này cho bà cụ.
Tôi bàng hoàng cả người. Vợ tôi cũng nghe rõ lời này qua cái loa chiếc iphone, ngồi như chết lặng trên chiếc sofa đối diện tôi. Trấn tĩnh lại, tôi mới nói thành lời và lên tiếng hỏi:
– Anh Nam có thể kể cho tôi nghe vì sao sự việc này đã xảy ra cho bà cụ tôi không?
Giọng ông vang lên:
– Hôm tôi tới phòng gặp cụ và chị lần đầu, dù tôi biết dãy phòng phía cụ nằm hết người Việt Nam rồi. Chẳng hiểu sao trong đầu tôi lại nghĩ, hay cứ đi thẳng tới xem có người Việt nào mới vào không? Vừa quẹo vào một lúc, tôi thấy ngay tên người Việt mình treo trước cửa phòng,…
Nghe tới đó, tôi liền hỏi tiếp:
– Anh Nam còn thấy gì khác lạ trong lần ấy nữa không?
– Có chứ! Tôi nhận ra sự bối rối của chị ngay khi tôi nói về Chúa với cụ. Đến khi được chị nói nhỏ cho biết, cụ đã tu hành theo cách của nhóm Thanh Hải từ mấy chục năm nay, tôi liền bảo cụ là một khi đã tin nhận Chúa là đấng tạo hóa, đấng dựng nên mọi sự, thì không thể thờ một người thế gian giống như mình được. Khi nói đến đây, tôi liếc thấy chị tỏ vẻ sợ sệt hơn. Tuy biết vậy nhưng tôi muốn cụ phải dứt khoát. Tôi thấy cụ lắng nghe một cách thích thú, tỏ vẻ biết ơn tôi nữa, và còn muốn tiếp tục nghe thêm.
Vợ tôi chen vào:
– Anh Nam nhận xét về tôi và mẹ tôi rất đúng.
Tôi hỏi tiếp:
– Anh ở trong phòng bệnh với bà cụ khoảng bao lâu?
– Chắc cũng khoảng 45 phút. Lần thứ hai tôi tới, trong phòng ngoài cụ ra không còn một ai khác. Chắc là người nhà đã sắp xếp như vậy để cho tôi được tự nhiên.
Vợ tôi liền nói:
– Dạ, lúc đó tôi vừa ra bên ngoài tản bộ vừa muốn nhìn cảnh sinh hoạt cả trong lẫn chung quanh nursing home.
Ông Nam kể tiếp:
– Hôm đó tôi vừa nói về Chúa để củng cố niềm tin thêm cho cụ, vừa rà soát mọi biến chuyển trên gương mặt lẫn lời cụ thều thào, vì cụ rất yếu. Thấy mọi biểu hiện đều tốt cả. Tôi hỏi thẳng cụ: “Giờ cụ đã tin Chúa chưa? Có muốn theo đạo Công Giáo không?” Tôi cũng hết sức ngạc nhiên thấy cụ gật đầu, chấp hai tay vào nhau như xá lạy trước bàn thờ vậy. Thú thật với anh chị, suốt mấy năm hoạt động trong Legio, tôi chưa thấy trường hợp nào lạ lùng như vậy. Tôi liền nói trước rồi xin cụ lập lại mấy câu để giúp cụ củng cố niềm tin, luôn tiện tuyên xưng đức tin, đại khái tôi nói mấy câu như: “Con tin Chúa Giêsu là đấng cứu độ. Con xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của con. Từ nay con tin Chúa và nhận Chúa là Chúa của con,…Tôi nói xong, cụ lập lại ngay mấy lời ấy. Tôi mừng quá, trở về nhà thờ trình rõ mọi sự việc lên cho cha Giuse Phạm Văn Phiên. Bởi tôi biết cha Phiên rất cẩn trọng, nên mới dặn anh liên lạc gấp với cha, để xin cha vào nursing home hỏi lại cho rõ trước khi ban Bí tích Rửa tội cho cụ.
Tôi nói nhanh:
– Cám ơn anh Nam nhiều lắm, tôi sẽ gọi điện thoại đến cha Phiên ngay, để xin phép cha rửa tội cho bà cụ mẹ tôi càng sớm càng tốt.
*
Cái tin mẹ tôi muốn rửa tội được loan ra, làm các con, các cháu, các chắt của mẹ tôi đều ngạc nhiên lẫn vui mừng. Bởi từ mấy chục năm qua mỗi người trong gia tộc tôi đã dùng trăm phương ngàn cách để đưa cụ quay về nẻo chánh của Thiên Chúa, rốt cuộc đành phải buông xuôi chào thua. Vậy mà chỉ vỏn vẹn 2 lần lắng nghe ông Nam nói về Thiên Chúa ngắn ngủi trong nursing home, mọi chuyện đổi thay ngay 180 độ, thì còn niềm hạnh phúc lớn lao nào có thể to lớn hơn vào lúc này đối với chúng tôi nữa.
Qua sáng thứ Hai 24-6-2019, vợ chồng tôi đến nhà thờ Chúa Thánh Linh dự thánh lễ sớm, sau đó xin gặp Linh mục Giuse Phạm Văn Phiên. Chúng tôi đến chẳng những mang theo quyển sách Bước Chân Định Mệnh, mà còn in riêng 2 chương sách liên quan tới việc chúng tôi bị ngăn trở khi xin theo đạo Công Giáo trước đây. Để phòng xa nếu cha Phiên không đủ thời gian đọc hết quyển sách ngoài 450 trang, thì với 2 trang sách kia cũng giúp cha hiểu phần nào về việc tôn giáo của gia tộc tôi.
Sau khi trình mọi sự việc lên cha Phiên, tôi không quên kể sơ qua về Thầy Anrê Phú Yên vị Tử Đạo Tiên Khởi. Sau đó cha bảo tôi, tự chọn ngày giờ rồi báo cho cha biết, cha sẽ vào nursing home hay đến tận nhà để làm lễ rửa tội cho mẹ tôi. Và rồi tôi chọn thứ Năm 27-6-2019 là ngày mẹ tôi chính được thức trở nên con cái Chúa vào lúc 6:00 pm.
Khi tin này được loan báo cho một số bạn bè thân quen, ai cũng ngạc nhiên, đều nhận biết ngay Ơn Lành Chúa sắp đổ xuống cho mẹ tôi lẫn gia tộc tôi. Ngoài việc chúc mừng ra, ai cũng hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho mẹ tôi. Riêng cháu Phạm Xuân Tạo, đứa con tuy không được sinh ra từ bụng vợ tôi, mà sinh ra từ trái tim của chúng tôi ngoài 30 năm nay, hiện đang là một linh mục thuộc Giáo Phận Melbourne, Úc châu, đã email chúc mừng: “Bố Mẹ kính mến! Con đã nhận được tin về việc Bà Nội chịu Bí tích Rửa tội. Con mừng lắm Bố Mẹ ạ! Hôm nay con dâng lễ tạ ơn Chúa và cầu nguyện đặc biệt cho Bà Nội và mọi người trong gia đình ta! Con kính chúc Bố Mẹ vui khỏe và chuẩn bị cho Bà Nội thật chu đáo để lãnh nhận Bí tích Rửa tội sốt sắng và ý nghĩa! Con: Phạm Xuân Tạo”.
*
Nếu bệnh tình mẹ tôi chưa thuyên giảm, lễ Rửa tội sẽ diễn ra tại nursing home là điều đương nhiên. Còn được phép về nhà, lễ rửa tội sẽ tổ chức tại đâu? Sự việc gấp gáp như vậy, tôi sẽ mời những ai?
Dù biết bác sĩ đã cho phép mẹ tôi trở về nhà vào trưa ngày thứ Năm, nhưng lúc múc cháo ra chén đưa cho mẹ, vợ tôi vẫn ân cần nhắc nhở:
– Mẹ ơi, mẹ phải ráng ăn cho khỏe thì trưa nay bác sĩ mới cho mẹ về. Đến chiều thì cha Phiên sẽ đến nhà mẹ để rửa tội cho mẹ.
Mẹ tôi vui hẳn lên, gật đầu liên tiếp mấy cái. Bữa sáng hôm đó mẹ tôi tự chậm rãi múc từng muỗng cháo ăn, đây cũng là bữa bà ăn được nhiều nhất kể từ ngày vào nursing home.
Tôi cũng biết trong khu chung cư mẹ tôi ở có một phòng hội với đầy đủ mọi tiện nghi, có thể để đón tiếp năm sáu mươi người. Nhưng vợ chồng tôi muốn tổ chức ngay tại nơi mẹ tôi ở suốt từ ngoài 20 năm qua, nơi bà muốn sống cho tới khi qua đời. Căn nhà từng ngập tràn phim ảnh lẫn hình ảnh cùng tiếng nói của “ni sư” Thanh Hải mà mẹ tôi tin theo. Tôi muốn cái ngày long trọng Chúa đến để ban riêng cho mẹ tôi đầy tràn ân sủng và kết thúc luôn “cuộc chiến” dai dẳng về tôn giáo, diễn ra trong gia tộc tôi suốt mấy chục năm qua.
Và rồi ngày trọng đại đó cũng đến, anh em tôi hân hoan đón mẹ từ nursing home về nhà, chuẩn bị cho mẹ sửa soạn đón Chúa vào nhà lẫn trong lòng. Vì là ngày thường, tôi không thể tụ họp tất cả em cháu lại được, nhưng như vậy cũng quá đủ, bởi ngôi nhà không thể nào chứa thêm người.
Ngày hôm ấy, nắng hè cũng đến với San Diego, tôi hân hạnh giới thiệu Linh mục Giuse Phạm Văn Phiên với mẹ, và cũng hân hạnh gới thiệu ông Nguyễn Văn Giáo bố đỡ đầu các con tôi, nhà thơ Sông Cửu, một tín hữu Tin Lành, cả hai vị cũng sắp tới tuổi 90 mươi cùng các em, các cháu hiện diện trong ngôi nhà. Đây là lần đầu tôi giáp mặt ông Phạm Văn Nam, ân nhân đã đem Chúa lại cho mẹ tôi. Ngoài ra còn cả ông bà Phạm Khắc Chiểu, chủ tịch Cộng đoàn Chúa Thánh Linh lẫn cụ bà thân sinh ra ông Chiểu, và nhiều người tôi chưa hân hạnh biết mặt, quen tên,…
Lời tôi giới thiệu về các thành viên trong gia tộc cũng để trả lời cho câu cha Phiên hỏi tôi mấy ngày trước: “Trong gia đình có ai ngăn trở việc cụ muốn tin nhận Chúa không?”. Và rồi mẹ tôi được cha Phiên rửa tội và ban Bí tích Thêm sức, biến giấc mơ của riêng tôi và toàn thể gia đình ôm ấp từ bao lâu nay thành hiện thực. Việc chọn tên thánh cho mẹ tôi là Maria Anrê Phú Yên cũng khiến mọi người ngạc nhiên. Nhờ vậy, tôi lại có cơ hội nói về vị Tử Đạo Tiên Khởi của Việt Nam mình.
Lúc tiễn ông Nguyễn Văn Giáo, một người sốt sắng dạy giáo lý cho bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ở San Diego, trong số đó có hai đứa con tôi Nguyễn Lập Duy và Nguyễn Lập Quốc, ông Giáo chia sẻ với tôi:
– Điều làm tôi ngạc nhiên là bà đã lớn tuổi, còn lãng tai nữa, chưa biết gì về Kinh Thánh, ngay cả chưa biết làm dấu thánh giá, nhưng có vẻ bà hiểu biết tất cả, mà không cần ai giải nghĩa, không cần ai giảng đạo hay dạy giáo lý gì hết. Bằng một cách nào đó Chúa Thánh Thần đã làm cho bà hiểu để bà đã làm rất đúng mọi sự. Một điều lạ nữa là cha chưa có tập, cũng chưa có ai nói cho bà biết về chuyện chịu Mình Thánh Chúa. Vậy mà bà vẫn có thể tôn kính Mình Thánh Chúa giống như một người có đạo từ lâu lắm rồi. Lạ lắm, lạ lùng lắm! Tôi nghĩ Chúa Thánh Thần đã ban ơn cho bà, để bà tự động hiểu rõ mọi sự, giúp bà sốt sắng, kính cẩn trong suốt buổi lễ Rửa tội và Thêm sức.
Riêng ông Nguyễn Đình Kỳ, anh họ tôi, cũng là giáo dân Công Giáo, người duy nhất được mời mà không đến dự. Đến khi tôi hỏi lý do, anh mới cho biết: sở dĩ anh không đến, vì anh không muốn chứng kiến việc vợ chồng tôi ép buộc mẹ tôi phải vào đạo. Còn các em tôi chẳng hề bận tâm ai đã lôi kéo được mẹ. Đến được với Chúa bằng cách nào cũng đều được, miễn là mẹ tôi thoát khỏi nhóm Thanh Hải đều tốt cả.
Đến khi sự thật được phơi bày, vợ chồng tôi chẳng dính dáng gì tới việc này, niềm vui lại tăng thêm. Tôi tin, tôi sẽ có thêm nhiều chuyện liên quan đến Thầy giảng Anrê Phú Yên, vị thánh Bổn Mạng của cả gia đình tôi, sẽ được tiếp tục kể sau câu chuyện mẹ tôi tin nhận Chúa hôm nay.
26-7-2019 tới đây, ngày Thiên Chúa đón Thầy Giảng Anrê Phú Yên về với Ngài đúng 375 năm, sẽ có thêm một kỷ niệm khó quên nữa khắc sâu vào lòng tôi. Với niềm tin yêu cảm tạ Thiên Chúa, tôi vẫn chỉ biết tuyên xưng mọi ân sủng Thầy cầu bầu cho riêng bản thân tôi, cho gia tộc tôi, lẫn mọi người tôi gặp gỡ trong cuộc sống hôm nay.