Mồng Ba Tết Nhâm Dần – Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm


MỒNG BA TẾT NHÂM DẦN

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

(St 2,4b-9; Cv20,32-35; Mt 25,14-30)

3-2-2022

Trong tập sách “Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt”, cha Đỗ Quang Chính  đặt câu hỏi : “Ai trong vương tộc nhà Nguyễn là người đầu tiên theo đạo Đức Chúa Trời ?” (trang 70). Trả lời được câu hỏi này, cũng là câu trả lời cho biết ai là người đầu tiên trong vương tộc nhà Nguyễn ở Quảng Nam có đạo?

Cha Đỗ Quang Chính trả lời : “Phải chăng là bà lớn Gioanna, được rửa tội khoảng năm 1620, mà người ta cho rằng bà là chị của chúa Nguyễn Phước Nguyên. Bà lớn Gioanna không ở kinh đô Đàng Trong, nhưng ở tại Thanh Chiêm (Phước Kiều). Nhà bà là nơi cha Pina tập họp dân chúng để dạy giáo lý. Bà hăng say nhiệt tình với đạo, và bà nói là ‘đạo Hoa Lang hơn hẳn các đạo trong nước’. Chính bà khuyên nhủ một người anh của bà lúc đó ở Hội An, đã 74 tuổi, chịu phép Thánh tẩy, do cha Pina đã đến tận nhà ông dạy giáo lý và rửa tội khoảng cuối năm 1620, sau đó cha rửa tội cho trên 30 người đã đến học giáo lý với cha cũng tại nhà ông anh của bà lớn Gioanna” (Sđd, trang 70-71).

Trang 21 của cuốn sách kể trên, cha Đỗ Quang Chính viết: “Các tu sĩ đến Cacciam, tức Thanh Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh, cai trị suốt từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giêsu hữu (dòng Tên) làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một bà rất quí phái. Bà này về sau được chịu phép rửa, thánh hiệu Gioanna. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập “nhiều bàn thờ” và hằng cầu khẩn với “một Đức Chúa Trời đất”.

Cha Đỗ Quang Chính kể lại lời cha Gaspar Luis như sau : “Tại cư sở Hội An có một cha đến ‘triều đình’ (theo chúng tôi hiểu là Thanh Chiêm, tức thủ phủ của thế tử Nguyễn Phước Kỳ) dạy giáo lý tại nhà bà Gioanna ‘bằng tiếng bản xứ này’. Những người nghe cha giảng, nói là, bây giờ họ bắt đầu  trở thành người thuộc về Đức Kirixitô và hiểu biết  được sự thánh thiện của đạo này. Cha ấy là ai? Chúng tôi có lý mà cho rằng đích thực Francisco de Pina, Bởi vì hai thầy người Nhật và cha Marques chưa biết tiếng Việt. Đàng khác trước khi làm phép rửa tội cho bà Gioanna, thì nhờ nói khá tiếng Việt và hiểu biết về thiên văn, cha Pina đã giải thích rành rẽ cho một Vnque [Ongue, Ông Nghè} (tức là một vị tiến sĩ ?) để trả lời cho tất cả những thắc mắc của ông về khoa Chiêm tinh. Pina còn nói trước về tháng, ngày, giờ chính xác xảy ra nguyệt thực, làm cho ông nghè này cùng các quan và cả vị trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ thán phục, nhất là khi các ông thấy những nhà chiêm tinh trong xứ nói sai” (sđd, trang 39-40).

Cha Đỗ Quang Chính còn cho biết : “Chính Pina chủ động trong việc lập cư sở Thanh Chiêm. Pina viết trong thư năm 1622-1623 cho bề trên ở Áo Môn như sau:” Năm ngoái con đã biên thư cho cha, thưa cha đáng kính, con đã mua hai nhà của mẹ bà Gioanna ở Cacham, mỗi nhà gồm ba gian, một nhà dành cho chúng ta ở, nhà kia làm nhà nguyện. Mục đích của con là cần cái gì đó (nhà) thuộc quyền chúng ta tại một nơi rất quan trọng của Vương quốc này, để chúng ta có thể dâng lễ misa tại đó, và tiếp tục vun trồng cùng phát triển nhóm bổn đạo ở đây {…}. Tại mỗi nhà phải có ít nhất ba {thanh niên} giúp chúng ta công việc trong nhà, và cũng phải dành thời giờ cho những người đó vừa học chữ của họ, vừa học chữ của chúng ta” (sđd, trang 68).

Bà Gioanna còn có lòng quảng đại giúp đỡ các cha bị đuổi, ở trên bãi biển. Cha Chính kể : “Vào mùa thu năm đó (1617) thiếu mưa, nông dân Quảng Nam không làm nông được. Theo cha Borri thì các onsaif (ông sãi) liền nhóm họp để tìm cho ra lý do làm phật lòng thần thánh. Theo các onsaif, chính vì các thầy đạo Hoa Lang đến đây giảng dạy một tà giáo, nên Trời, Phật mới giáng họa cho vùng này. Vì thế, dân chúng cùng các onsaij đến trình với trấn thủ Quảng Nam dinh là Nguyễn Phước Kỳ, thế tử của Nguyễn Phước Nguyên. Trấn thủ không tin nhận lý do trên đây, nhưng sợ dân chúng gây rối loạn, nên đành ra lệnh cho các cha tạm rút về Áo Môn, chờ hết nạn hạn hán sẽ trở lại, dù trấn thủ rất quí trọng các cha

 Tầu buôn Bồ Đào Nha chở các cha vừa ra khơi thì bị gió ngược phải quay lại bờ. Dân chúng ngăn cản không cho các cha vào ở trong nhà tại Cửa Hàn, nhưng phải ở trên bãi biển chịu nóng bức khổ sở. Trong khi ấy, người ta mời được pháp sư nổi tiếng là vị chân tu, làm lễ cầu đảo. Vị pháp sư lên một ngọn núi gần đó, sau khi khấn vái với những nghi thức cầu đảo quen thuộc, ông dậm mạnh chân trên đất ba lần, một lát sau mây mù giăng khắp, nhỏ được một vài giọt mưa, không đủ thấm đất cho dân làm ruộng. Dân chúng bực bội đi phóng hỏa nhà thờ ở Cửa Hàn, làm cho các cha ở bãi biển rơi lệ mà chẳng cách nào cứu chữa được. Không rõ các Giêsu hữu phải sống cơ cực trên bãi biển bao lâu; chỉ biết nhờ có bà Gioanna ở Thanh Chiêm cùng bổn đạo đến thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ” (sđd trang 50-51).

Qua câu chuyện, bà Gioanna chẳng những kính Chúa, còn chăm chỉ làm việc và giúp người như Lời Chúa dạy trong thánh lễ mồng ba hôm nay.

Bài đọc 1 (St 2,4b-9): Sách Sáng Thế chúng ta vừa nghe cho biết lao động không phải là hình phạt, mà là một nhiệm vụ cao quí của loài người, chỉ có loài người Chúa mới trao cho nhiệm vụ “làm chủ trái đất”. Sách sáng Thế viết : “Thiên Chúa làm ra đất trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất  và không có người để cày cấy đất đai” (2,4b-5).

Trái đất khô cằn là vì hai lý do :

        1/ không có nước,

        2/ chưa có con người cày cấy.

Để trái đất có sự sống, có mầu xanh,

        1/ trước hết Thiên Chúa cho “một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất” (St 2,6),

        2/ sau đó Thiên Chúa dựng nên con người “để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15).

Như thế, ngay từ đầu Thiên Chúa dựng nên con người, là để con người lao động. Trước khi phạm tội con người đã lao động, và cả sau khi phạm tội con người cũng vẫn lao động.

Lao động trước khi phạm tội có mục đích tốt là :

         1/ làm đẹp vũ trụ,

         2/ để nuôi sống mình,

         3/ để giúp đỡ người khác.

Còn sau khi phạm tội, con người cũng lao động, nhưng lao động có mục đích xấu :

          1/ làm ô nhiễm môi trường,

          2/ làm đầy tớ cho đồng tiền,

          3/ bóc lột người khác.

Ở ngoài Bắc thời chúng tôi có người nghèo không có ruộng vườn, đến nỗi hằng ngày đi nhặt cứt chó, cứt trâu, cứt bò bán để sống. Vì thế, khi làm biếng học, mẹ tôi thường bảo: “Không chịu khó học, mai lớn lên đi nhặt cứt chó…”

Quan niệm học để được làm lớn, để không phải lao động tay chân, cũng còn là quan niệm của một số người hôm nay. Tập vở học thời chúng tôi tờ bìa đàng trước in câu: “Tiên học lễ hậu học văn“, và tờ bìa đàng sau in câu: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời“. Học để làm lớn, làm lớn để đỡ vất vả; chứ không phải để phục vụ, để giúp đời. Do đó khi người ta làm việc, người ta làm đủ mọi cách để có tiền. Miễn là túi tiền được đầy, nên người ta làm đầy tớ cho đồng tiền, bị đồng tiền sai khiến và không còn thấy tình nghĩa trong đồng tiền nữa.

Bài Tin Mừng : BTM là dụ ngôn những “yến bạc” : Ông chủ sắp đi xa, giao cho người đầy tớ thứ nhất 5 yến, người thứ hai 2 yến, người thứ ba 1 yến.

Khi ông chủ về, người thứ nhất báo cáo : “Thưa ông chủ, tôi đã gây lời được 5 yến khác” (Mt 25,16).

Người thư hai báo cáo : “Tôi đã gây lời được 2 yến khác” (Mt 25,22).

Ông chủ nói với người thứ nhất và thư hai : “Khá lắm anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành…Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,23).

Người thứ ba báo cáo : “Tôi sợ, tôi đem chôn yến bạc của ông dưới đát… của ông vẫn còn nguyên đây này” (Mt 25,25). Ông chủ đáp : “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác. Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi về,  tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ !” (Mt 25,26-27).

Nhóm CGKPV giải nghĩa : “Câu chuyện cho thấy : trên đời này, mỗi người là một quản lý của Chúa ; phải sinh lời tuỳ theo vốn Chúa ban. Quản lý đúng là sử dụng ơn Chúa theo chủ đích của Chúa khi ban các ơn ấy; các ơn trong lãnh vực tự nhiên, nhưng nhất là trong lãnh vực Nước Trời. Thời gian quản lý là cuộc đời mỗi người (Mạng KTCGKPV).

Bài đọc 2 (Cv20,32-35) : bđ2 là lời từ biệt cộng đoàn Ê-phê-xô, trước khi về Giê-eu-sa-lem, để bị bắt. Lời từ biệt này cho thấy mẫu gương lao động của thánh Phao-lô. Ngài nói; “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ : những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp.Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,33-35).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên

Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Ki-tô giáo

để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này

nêu cao tình tương thân tương ái

và góp phần vào sự nghiệp chung

là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa

Chúng con cầu xin

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành