Mồng Ba Tết: Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm


Mồng Ba

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

(St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30)

Hồi nhỏ, thày dạy giáo lý bảo lũ nhỏ chúng tôi rằng : trước khi ông Ađam và bà Evà phạm tội, loài người không phải lao động. Muốn ăn thứ gì có thứ đó, muốn mặc gì thì cũng có sẵn. Mọi sự đã có Chúa lo. Nhưng từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội, loài người phải lao động, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng cơm manh áo, đúng như án phạt Thiên Chúa ra cho ông Ađam: “Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng, ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,17-19).

Bài đọc 1 : Sách Sáng Thế chúng ta vừa nghe cho biết lao động không phải là hình phạt, mà là một nhiệm vụ cao quí của loài người, chỉ có loài người Chúa mới trao cho nhiệm vụ “làm chủ trái đất”. Sách sáng Thế viết: “Thiên Chúa làm ra đất trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để cày cấy đất đai” (St 2,4b-5).

Trái đất khô cằn là vì hai lý do :

1/ chưa có mưa, không có nước,

2/ chưa có con người cày cấy.

Để trái đất có sự sống, có mầu xanh,

1/ trước hết Thiên Chúa cho “một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất” (St 2,6),

2/ sau đó Thiên Chúa dựng nên con người “để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15).

Như thế, ngay từ đầu Thiên Chúa dựng nên con người, là để con người lao động. Trước khi phạm tội con người đã lao động, và cả sau khi phạm tội con người cũng vẫn lao động.

Lao động trước khi phạm tội có mục đích tốt là:

1/ làm đẹp vũ trụ,

2/ để nuôi sống mình,

3/ để giúp đỡ người khác.

Còn sau khi phạm tội, con người cũng lao động, nhưng lao động có mục đích xấu:

1/ làm ô nhiễm môi trường,

2/ làm đầy tớ cho đồng tiền,

3/ bóc lột người khác.

Ở ngoài Bắc thời chúng tôi, chưa có phân hóa học. Ruộng vườn dùng phân xanh. Người nghèo không có ruộng vườn, hằng ngày đi nhặt cứt chó, cứt trâu, cứt bò bán để sống. Vì thế, khi làm biếng học, mẹ tôi thường bảo: “Không chịu khó học, mai lớn lên đi nhặt cứt chó…”

Quan niệm học để được làm lớn, để không phải lao động tay chân, cũng còn là quan niệm của một số người hôm nay. Tập vở học thời chúng tôi, tờ bìa đàng trước in câu: “Tiên học lễ hậu học văn“, và tờ bìa đàng sau in câu: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời“. Học để làm lớn, làm lớn để đỡ vất vả; chứ không phải học để phục vụ, để giúp đời. Do đó khi người ta làm việc, người ta làm đủ cách để có tiền, miễn là túi được đầy, nên người ta làm đầy tớ cho đồng tiền, bị đồng tiền sai khiến và không còn thấy tình nghĩa trong đồng tiền nữa.

Bài Tin Mừng: BTM là dụ ngôn những “yến bạc”: Ông chủ sắp đi xa, giao cho người đầy tớ thứ nhất 5 yến, người thứ hai 2 yến, người thứ ba 1 yến. Khi ông chủ về, người thứ nhất báo cáo: “Thưa ông chủ, tôi đã gây lời được 5 yến khác” (Mt 25,16). Người thư hai báo cáo: “Tôi đã gây lời được 2 yến khác” (Mt 25,22). Ông chủ nói với người thứ nhất và thư hai : “Khá lắm, anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành…Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,23). Người thứ ba báo cáo : “Tôi sợ đem chôn yến bạc của ông dưới đát… Của ông vẫn còn nguyên đây này” (Mt 25,25). Ông chủ đáp : “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác. Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi về,  tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ !” (Mt 25,26-27).

Nhóm CGKPV giải nghĩa : “Câu chuyện cho thấy: trên đời này, mỗi người là một quản lý của Chúa ; phải sinh lời tuỳ theo vốn Chúa ban. Quản lý đúng là sử dụng ơn Chúa theo chủ đích của Chúa khi ban các ơn ấy; các ơn trong lãnh vực tự nhiên, nhưng nhất là trong lãnh vực Nước Trời. Thời gian quản lý là cuộc đời mỗi người (Mạng KTCGKPV).

Hôm nay ngày mồng ba Tết, ngày nghĩ đến công ăn việc làm. Xin Chúa cho chúng ta có công ăn việc làm để nuôi sống, đồng thời để làm đẹp trái đất và giúp đỡ người khác.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành