Mồng Hai Tết – Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên
Chúa Nhật, ngày 11/02 – MÙNG HAI TẾT GIÁP THÌN
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Hc 44,1.10-15;Ep 6,1-4.18.23;Mt 15,1-6
BÀI ĐỌC I: Hc 44,1.10-15
“Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại”
Bài trích sách Huấn Ca
Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6
Đáp: Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. (c.1)
1) Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.
2) Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.
3) Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
4) Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình
BÀI ĐỌC II: Ep 6,1-4.18-23
“Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”
Bài trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.
Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì. Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Tv 111,1-2
All. All. – Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. – All.
PHÚC ÂM: Lc 1,67-75
“Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Chúa đã gầy dựng cho chúng ta một uy quyền cứu độ. trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa, như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa; để giải phóng chúng ta khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng ta; để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta, và nhớ lại lời thánh ước của Người: lời minh ước mà Người tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng ta, rằng: Người cho chúng ta không còn sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù, được phục vụ trước tôn nhan Người, trong thánh thiện và công chính trọn đời chúng ta”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
ĐẠO HIẾU
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Đạo hiếu, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nó được thể hiện rõ nét mỗi dịp Tết cổ truyền. Cho nên, tục ngữ có câu: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Nó hàm chứa ý nghĩa phân chia ngày thăm Tết của các gia đình nhằm mong muốn sum vầy cùng cha mẹ, thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn. Vì thế, những ngày vui tươi đầu xuân cũng là thời điểm thuận tiện để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với các đấng bậc đã có công sinh thành dưỡng dục mình cả về thể lý và tâm linh. Người Kitô hữu ý thức Đạo hiếu mang một chiều kích sâu xa hơn trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại và giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn chữ Hiếu cũng đồng thời ta đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng trong thái độ yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.
Vì thế, tiếp sau bổn phận của con người đối với Thiên Chúa được nêu lên trong Mười điều răn, Thánh Kinh đã coi thái độ hiếu thảo với cha mẹ là nền tảng thứ nhất và quan trọng nhất trong những tương quan giữa con người với con người. Cho nên, Sách giáo lý Công giáo dạy: “Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, là những vị chúng ta phải chịu ơn về sự sống, và là những vị đã lưu truyền cho chúng ta sự nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng buộc phải tôn kính tất cả những người được Thiên Chúa trao ban quyền bính của Ngài để mưu ích cho chúng ta” (Số 2197). Còn Thánh Phaolô trong bài đọc 2 dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3).
Trong Cựu ước, đạo hiếu đối với tổ tiên ông bà cha mẹ được khởi đi từ việc thấu hiểu và đáp trả xứng hợp công ơn của các ngài là những cánh tay nối dài của Thiên Chúa ở dưới thế, đã hy sinh, nâng đỡ ta trên đường trọn lành. “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con” (Hc 7, 27-28). Vì vậy, chúng ta phải biểu lộ của lòng hiếu thảo thể hiện qua sự chú tâm lắng nghe lời chỉ bảo của cha mẹ trong sự vâng phục, khiêm kính. “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn hụ của cha, và đừng ruồng rẫy giáo huấn của mẹ… Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6, 20-22). “Con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách” (Cn 13, 1). Cho nên, lòng hiếu thảo là một hành vi nhân linh đặc biệt quan trọng có giá trị kiện toàn bản thân ta nên công chính thánh thiện hơn mỗi ngày. “…Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi…” (Hc 3, 14-15).
Sang Tân ước, Tân ước đề cao Đạo hiếu qua mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã chu toàn trọn hảo bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt ba mươi năm sống cùng Thánh Gia (Lc 2, 51-52). Trong thời gian thi hành sứ vụ, lòng hiếu thảo được Ngài đề cập như một trong những chuẩn mực nền tảng của luật Thiên Chúa. “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử”. Còn Thánh Phaolô xác quyết bổn phận sống đạo hiếu là đòi buộc của đức tin: “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin” (1Tm 5, 8). Đến Công đồng Vatican II dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV, số 48).
Trong ngày đầu xuân, thật hạnh phúc khi chúng ta được đoàn tụ trong bầu khí yêu thương của gia đình, gia tộc hay bên mồ mã tổ tiên ông bà cha mẹ để bày tỏ đạo hiếu với các ngài. Đây là thời điểm thật thuận tiện để những người con, người cháu chúng ta tự vấn lại bổn phận và thái độ sống cần thiết đối với các bậc tiền nhân. Năm cũ qua đi, có biết bao lần ta đã làm phiền lòng những người đã phải vật lộn một nắng hai sương, lam lũ giữa dòng đời cay đắy với bao nhiêu mồ hôi nước mắt chỉ vì mong muốn, dìu dắt ta nên người. Biết bao lần ta đã vi phạm trầm trọng chuẩn mực đạo hiếu chỉ vì muốn được tự do sống theo ý riêng mình… Vì thế, Thảo kính cha mẹ, tôn kính tổ tiên là truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Cài bông hồng đỏ trên áo để chứng tỏ cha mẹ còn sống. Đó là cách biểu lộ tình thương đối với cha mẹ, do đó, là con cái cháu chắc của các ngài chúng ta phải phụng dưỡng cha mẹ, an ủi, vâng lời, chăm sóc ông bà cha mẹ khi còn sống. Cài bông hồng trắng trên áo để tưởng nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ đã khuất. Vì thế, chúng ta là những đàn con đàn cháu còn sống hãy nhớ để cầu nguyện, dâng lời kinh, tạ lễ cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã mất là cách tỏ lòng tôn kính, thảo hiếu đối với các bậc sinh thành… Vì vậy, trong những ngày tết đến xuân về này, con cháu, dâu rể… hãy cố gắng sắp xếp quy tụ về bên phần mộ gia tộc, cùng nhau thắp lên nén hương lòng kính hiếu và chung lời nguyện xin cho người quá cố được sớm an nghỉ trong Chúa. Thật là nghĩa cử đẹp đẽ, nói lên Đức ái Kitô giáo được biểu lộ qua đạo hiếu.
Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm sẽ cháy mãi và bừng lên nơi tâm hồn của những người con hiền, cháu thảo như một lời tri ân đáp trả nồng nhiệt công ơn của các đấng bậc đã sinh thành, dưỡng dục ta.
Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm cho tổ tiên sẽ lan tỏa trong đời chúng ta để chúng ta luôn sống xứng với truyền thống Đức tin rạng ngời của tiền nhân.
Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm luôn thơm phức hương thảo hiếu của chúng ta khi chu toàn bổn phận của người con, người cháu với ông bà, cha mẹ khi còn sống hay đã qua đời.
Và nguyện ước cho nén hương lòng đầu năm trước tổ tiên ông bà cha mẹ là tất cả tâm thành của ta hướng về Chúa, cảm tạ Ngài đã ban cho ta có được tổ tiên ông bà cha mẹ. Nhờ sống trọn, sống đẹp Đạo Hiếu, chúng ta góp phần tôn vinh Thiên Chúa, tôn kính hiếu thảo tổ tiên ông bà cha mẹ ngõ hầu “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ” (Hc 44, 12-13). Amen.
SUY NIỆM II
HÃY ĐỂ NƯỚC MẮT CHẢY NGƯỢC
(Hội An 11/2/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Hiện có khoảng 50 quốc gia trên thế giới có “ngày của mẹ,” “ngày của cha,” qua đó, họ nhắc nhở những người con dù ở tuổi nào, hãy nhớ đến cha mẹ mình, tôn vinh cha mẹ mình. Tất cả những ngày lễ đó đều do sáng kiến của các tín hữu Ki-tô giáo. Riêng ở Việt Nam có tục lệ “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy.” “Cha” được hiểu bên nội; “mẹ” được hiểu bên ngoại. Lòng nhớ đến cha, nhớ đến mẹ là bổn phận được ghi khắc trong lương tâm của con người khi được tạo dựng và được Thiên Chúa truyền dạy: “thứ bốn thảo kính cha mẹ.” Vì vậy đối với người Việt Nam, cách riêng người tín hữu Việt Nam, ngày Tết không chỉ là ngày vui với những hình thức giải trí bên ngoài, mà niềm vui thực sự ảnh hưởng cuộc đời mỗi tín hữu là niềm vui xuất phát từ bên trong tâm hồn, bởi Tết là ngày ở bên Chúa, là ngày ở bên tổ tiên, ông bà cha mẹ, dù các ngài còn sống hay đã qua đời.
- Hiếu thảo theo gương Chúa Giê-su
Hôm qua, chúng ta đã tụ tập bên Chúa, xin phó thác một năm mới cho bàn tay đầy yêu thương của Chúa và vững tin có Chúa là có bình an đích thực cho chúng ta. Hôm nay, cảm tạ ơn Chúa và Giáo Hội cho chúng ta có ngày mồng Hai Tết để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ và báo hiếu các ngài.
Không thể phủ nhận có trào lưu hiện thời được xem như thứ thực dân mới mệnh danh là lối sống hiện đại đang được nhiều người Việt dù vô tình cổ xúy, dần dần hủy diệt giá trị trường cửu về lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ. Nếu ngày Tết là ngày đoàn viên, ngày quây quần quanh ông bà cha mẹ, thì đối với nhiều người mệnh danh sống hiện đại, thăm viếng, tôn kính và chuyện trò với ông bà cha mẹ không còn thích hợp trong thời đại này nữa! Vậy, hiện đại là vô ơn sao? Hiện đại là hững hờ với ông bà cha mẹ sao? Thực dân nào đặt chân hôm nay đến đất nước này gieo thứ lối sống gọi là “văn hóa” lạnh lùng ấy hay chính chúng ta rước thứ “văn hóa” vô ơn đó vào đất nước mình và xem lòng hiếu thảo, viếng thăm, chuyện trò với cha mẹ là lối sống cổ hủ, lạc hậu? Nguyên nhân bởi đâu? Phải chăng do lòng vô ơn hay bất hiếu trong chúng ta du nhập và cổ võ cho lối sống tệ bạc đó?
Thưa anh chị em, dù trong hoàn cảnh nào, lời Chúa vẫn ban cho chúng ta giá trị trường cửu: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Đừng nói việc chúng ta lo lắng cho con cái mình hay sự quan tâm giữa vợ chồng với nhau, ngay cả sự hy sinh đóng góp của chúng ta với Giáo Hội đã miễn chuẩn cho chúng ta bổn phận thảo hiếu với cha mẹ. Tin mừng hôm nay nhấn mạnh đừng vì thế mà hủy bỏ lời Thiên Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ. Thảo kính và phụng dưỡng cha mẹ không chỉ là nền tảng của đạo Hiếu hay đạo làm con, mà còn là cách sống đức tin của người Công Giáo.
Thiên Chúa đã đặt đạo Hiếu đó trong lương tâm mỗi con người và Ngài còn nêu gương cho chúng ta. Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, Ngài bày tỏ lòng hiếu thảo với Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Chúa Cha đã xác nhận lòng hiếu thảo của Chúa Giê-su: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Lòng hiếu thảo của Chúa Giê-su còn dành cho cha mẹ dưới đất. “Chúa Giê-su đi cùng cha mẹ trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Thậm chí trong giây phút cuối cùng trên thánh giá, Chúa Giê-su vẫn không quên bổn phận hiếu thảo của người làm con, Ngài đã giao phó Mẹ Maria cho thánh Gioan là môn đệ yêu thương nhất của Ngài, để bảo đảm việc chăm sóc mẹ của Ngài. Vậy, mỗi chúng ta hãy soát lại lương tâm và đời sống mình để xem có còn lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ không?
- Hãy để nước mắt chảy ngược
Đúng là thời buổi này chúng ta có nhiều mối bận tâm: bận học hành, bận sự nghiệp, bận rộn với bạn bè, với người yêu, với gia đình và với nhiều đối tác làm ăn v.v, vì thế, chúng ta cứ lần lữa chuyện trò hay về thăm ông bà cha mẹ: nhất định lần sau sẽ về thăm, và nhất định lần sau sẽ về. Chúng ta tưởng cha mẹ chúng ta có nhiều lần sau như mình. “Năm năm, sáu tháng, bảy ngày” mà anh chị em! Thời gian chỉ đếm trên đầu ngón tay! Tuổi sáu mươi, tuổi bảy mươi, tuổi tính tháng tính ngày thì hẹn lần sau làm gì? Tại sao không ngay bây giờ? Tại sao không dành dịp Tết này để bày tỏ lòng thảo kính ông bà cha mẹ?
Người cha mạnh mẽ, xốc vác nuôi sống gia đình, có những lúc phải gắng sức không chút phàn nàn gồng gánh gia đình, mẫu mực cho gia đình, không làm thế thì ai lo thay cho, không cần ai nghĩ tới? Nhưng, đó là quá khứ! Khi tháng năm đi qua để lại những vết đồi mồi trên gương mặt hằn sâu do thời gian, để ý một chút, người con sẽ nhận ra cha mình đã già. Cứ vịn chạm vào chốn vai gầy của mẹ để cảm nhận tình mẹ thương con từ khi còn non dại đến lớn khôn cho bằng người. Tuổi thanh xuân của mẹ đã cho con. Thế mà khi con khôn lớn, mọi thứ thay đổi, con không muốn ngồi lâu cùng mẹ bên mâm cơm, ăn vội vàng thức ăn mẹ dọn, chốt cửa lướt điện thoại với thế giới riêng mình. Người trẻ rủ nhau đến nơi kia cúng vái sợi tóc không biết rõ của ai, mà không biết nhìn những sợi tóc ngả màu của cha mẹ để yêu thương. Từ đó, người cha giấu con cái những cơn đau dai dẳng hay những trận ho kéo dài, người mẹ không kể cho con những lần vấp ngã đớn đau, vì sợ làm phiền con, vì sợ con cái la mắng.
Trong tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng, người cha khi chứng kiến người con đã nói lời vô lễ với mẹ mình, ông đã viết cho con mình những lời sau: (Con, những lời vô lễ của con nói với mẹ) “xuyên vào tìm cha như mũi dao. Cha vẫn nhớ hình ảnh của mẹ con nhiều năm về trước, cả đêm mọp người bên chiếc giường nhỏ con nằm, lo lắng đếm từng hơi thở của con… Vì mẹ con tưởng rằng đêm đó đã để mất con mãi mãi. Nhìn cảnh tượng ấy, cha sợ rằng mẹ con rồi sẽ hóa điên… Con có biết, mẹ con là người sẵn sàng đánh đổi cả một năm hạnh phúc để con bớt đau một giờ, là người sẵn sàng đi xin đầu đường cuối chợ vì con… Cha muốn con ghi nhớ điều này thật kỹ, trong suốt cuộc đời mình, con rồi sẽ gặp nhiều ngày tồi tệ, nhưng ngày tồi tệ nhất sẽ là ngày mất mẹ. Con, dù con đã lớn, trở thành người đàn ông mạnh mẽ và đã trải qua đủ mọi thăng trầm của kiếp người, con sẽ luôn nhớ, luôn nghĩ về mẹ mình và lòng quặn đau vì mong muốn được nghe lại, dù chỉ một lần giọng nói của mẹ… Lúc ấy, con sẽ cảm thấy như thế nào khi nhớ về những điều không phải con đã gây ra cho mẹ con?… Kẻ nào khiến mẹ mình đau khổ, kẻ đó không có lấy một giây bình an trong đời đâu con… Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng của con người, thật bất hạnh cho kẻ nào giẫm đạp lên nó.”
Sở dĩ người ta viết được những lời thấm đến tận ruột gan như thế, vì trong họ còn có lương tâm. Huống hồ đối với Ki-tô hữu, là những người con được nghe lời Chúa, được học luật Chúa và được thấy gương hiếu thảo của Chúa Giê-su.
Không chỉ khi các ngài còn sống, Chúa cũng cho chúng ta cơ hội báo hiếu ông bà cha mẹ khi các ngài đã qua đời. Thế giới này có nhiều điều hấp dẫn, nhưng ông bà cha mẹ chỉ ngóng nhìn con cháu; khi đã qua đời, ông bà cha mẹ chỉ ngóng chờ con cháu siêng năng tham dự thánh lễ cầu nguyện cho, anh chị em hòa thuận để làm an lòng các ngài. Sao con cái khó hiếu thảo với cha mẹ đến thế? Sao con cái không nhận ra được cha mẹ đang cần gì lúc này khi các ngài đã qua đời? Tham dự thánh lễ, cầu nguyện cho các ngài và hòa thuận với nhau mà quá khó với chúng ta, những người thuộc về Chúa sao? Đành rằng nước mắt chảy xuôi, nhưng lòng hiếu thảo mong chờ nước ắt chảy ngược, con cháu thảo hiếu với ông bà cha mẹ.
Xin cảm tạ ơn Chúa đã cho chúng con có tổ tiên, ông bà cha mẹ, được cha mẹ yêu thương chăm lo, nhất là chăm lo đức tin. Xin cảm tạ ơn Chúa đã ghi vào trái tim chúng con lòng hiếu thảo và dạy chúng con thảo kính cha mẹ. Xin tái tạo trái tim chúng con biết sống lại tình thương đối với ông bà cha mẹ, để theo gương Chúa mau mắn đáp đền công ơn các ngài và xin cho anh chị em chúng con luôn tham dự thánh lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ chúng con.