Mồng Hai Tết – Kính Nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ


Mồng Hai Tết

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ

Khi đem Tin Mừng vào đất nước Việt Nam, nhiều vị thừa sai đã ca ngợi : “Tại VN một thuận lợi lớn cho công việc truyền giáo, đó là tinh thần đạo hiếu“. Với người VN, hiếu thảo với cha mẹ là một đạo, đạo hiếu, đạo ông bà, đạo tổ tiên. Có thể nói : trước khi đạo Phật, đạo Công giáo truyền vào VN, thì người VN đã có đạo, đạo hiếu. Công ơn tổ tiên ông bà cha mẹ kể chẳng sao thấu.

Ca dao tục ngữ thì ca ngợi :

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền

Đạo Phật thì ví cha mẹ là hai vị Phật sống ở nhà : “Cha mẹ ở nhà như Phật tại trần” :

Có hai Phật sống trong nhà

Sớm hôm lễ niệm đâu cần đi xa

Đạo Công giáo coi việc thảo hiếu cha mẹ là một giới răn. Sách Huấn Ca viết :

“Kẻ thờ cha thì được thứ tha tội lỗi.

Người kính mẹ khác nào tích trữ kho tàng…

Kẻ kính cha sẽ được trường thọ,

ai vâng lời Chúa sẽ làm cho mẹ được an tâm”.

Đạo hiếu là điều răn thứ tư, nhưng năm 1742 Tòa Thánh Vatican cấm không được thờ cúng tổ tiên: không được lập bàn thờ, không được hương đèn hoa trái kính ông bà. Từ đó, người VN thường nhìn đạo Công giáo là “đạo bỏ ông bỏ bà”. Nhiều người mến phục đạo, rất muốn vào đạo, nhưng chỉ sợ theo đạo Công giáo phải bỏ ông bỏ bà.

Hôm nay ngày mồng hai Tết, ngày đầu năm, ngày tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ. Nhớ đến công ơn các ngài. Sống có hiếu thảo với các ngài.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành