Mồng Một Tết: Cầu Bình An Cho Năm Mới
Mồng Một Tết: Cầu Bình An Cho Năm Mới
Quy luật muôn thuở, định luật bất biến: Năm cũ qua, năm mới tới. Từ giã Canh Tý, con chuột, để chào đón Tân Sửu, con trâu
Có câu truyện ngụ ngôn sau đây: Một con Cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con Trâu đang cày ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên. Ðến trưa, Trâu được mở ách cày, Cọp liền đi lại gần Trâu và hỏi:
– Này, trông anh khỏe thế, sao lại để cho con người đánh đập khổ sở vậy?
Trâu nói khẽ vào tai Cọp:
– Con người tuy nhỏ nhưng có trí khôn.
Cọp không hiểu, tò mò hỏi:
– Trí khôn là cái gì?
Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:
– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi con người ấy!
Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:
– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?
Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:
– Trí khôn ta để ở nhà, để ta về lấy cho xem. Nếu cần, ta sẽ cho một ít.
Cọp nghe nói, mừng lắm. Anh nông dân toan đi, nhưng lại làm như sực nhớ điều gì, bèn nói:
– Nhưng mà ta đi khỏi, lỡ nhà ngươi ăn mất trâu của ta thì sao?
Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân nói tiếp:
– Hay là nhà ngươi chịu khó để ta buộc tạm vào gốc cây này, để ta yên tâm về nhà lấy trí khôn.
Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói Cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:
– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!
Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào. Dây thừng cháy nên đứt, Cọp vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại. Từ đó, con Cọp nào sinh ra cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn Trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên.
Truyện ngụ ngôn này chứng tỏ con người khôn ngoan hơn mọi loài, vì con người có linh hồn. Linh hồn là quí nhất. Chúa Giêsu nói: “Vì được cả thế giới, mà phải mất linh hồn (thiệt mạng sống) thì người ta nào có lợi gì” (Mc 8, 36)
Cha Nguyễn Công Đoan viết: “Trong sách Giô-suê, Thiên Chúa chỉ đòi dân vứt bỏ các thần ngoại đang ở với anh em, và hướng lòng về Thiên Chúa, còn Đức Giê-su đòi các môn đệ bỏ chính mình và vác thập giá mình vì tôi và vì Tin Mừng mà theo. Người giải thích ngay ý nghĩa của đòi hỏi ấy: ‘Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu đươc mạng sống ấy’. Bỏ chính mình là liều mạng sống mình, sẵn sàng đánh mất mạng sống mình. Mạng sống quí giá hơn tất cả, không có gì đánh đổi được. Đức Giê-su và Tin Mừng đáng giá hơn mạng sống. Thập giá là hình ảnh quen thuộc, dễ hiiểu đối với người đương thời. Người tử tù đã vác lấy thập giá thì không còn gì thuộc về mình: phẩm giá, danh dự, thân thể, cả đến tấm áo dính da cũng không còn thuộc về mình. Khi bị đóng đinh vào thập giá thì trần truồng, không còn gì và cũng không làm gì được nữa, ruồi bu muỗi cắn cũng không được nữa” (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 135-136).
Cha Đắc Lộ, người Avignon đất của Tòa Thánh, dòng Tên, đã sang truyền giáo ở VN năm 1624. Cha đã tổ chức ba ngày Tết thành ba ngày kính ba cha: ngày mồng một kính Cha trên trời, ngày mồng hai kính cha đất nước (vua), ngày mồng ba kính cha gia đình. Cha Đắc Lộ viết:
“Ta phải biết là có ba đấng bề trên là ba cha. Ta phải thờ đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh ra thân xác, đấng giữa là vua chúa trị nước, đấng trên hết là Đức Chúa Trời. Có ba đấng ấy ta mới sống được”.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành