Một cõi đi về


Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

Bài hát “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất quen thuộc đối với nhiều người trong chúng ta. Dù tác giả không cùng quan điểm tín ngưỡng với Kitô giáo, nhưng lời bài hát gợi nhớ chúng ta về sự mỏng giòn chóng qua của kiếp con người. Chính tác giả đã giải thích ý nghĩa của bài hát này: “Chúng ta từ hư vô mà đến, khi kết thúc cuộc đời lại trở về với hư vô”. Những câu đầu của bài hát vừa như một trải nghiệm về tính hữu hạn của cuộc đời, vừa như một khám phá và kết luận rằng những năm tháng sống trên trần gian, dù có miệt mài biết mấy, có thể chỉ là những “loanh quanh” vô định.

Truyền thống Do Thái giáo rồi Kitô giáo cũng khẳng định: con người từ bụi đất mà ra, rồi trở về bụi đất. Vậy, có điều gì khác biệt giữa “hư vô” của tác giả (cũng như quan niệm của những người vô thần) và “đất” của Kitô giáo? Nếu “hư vô” là không có gì, thì “đất” lại là một chất liệu, tuy thấp hèn mà hiện hữu. Tác giả sách Sáng thế kể lại với chúng ta, từ một chút đất sét, Chúa làm nên con người. Đất chẳng có là gì, nhưng sau khi Chúa nặn thành hình hài con người, thở sinh khí vào lỗ mũi thì trở thành con người có sự sống. Cách diễn tả bình dân của tác giả sách Sáng thế cho thấy Thiên Chúa tạo dựng con người giống như người thợ gốm nắn thành hình chiếc bình. Giáo huấn Kitô giáo khẳng định, sau khi nhắm mắt xuôi tay, thân xác con người sẽ trở về với bụi đất vì họ từ bụi đất mà ra. Tuy vậy, sau những năm tháng sống trên trần gian, trải qua vui buồn sướng khổ của kiếp người nhân thế, con người không mãi mãi mang thân cát bụi, cũng không ngủ yên vĩnh viễn nơi vực sâu. Sẽ có ngày Thiên Chúa can thiệp và cho họ sống lại từ bụi đất thấp hèn ấy (x. G 19,25-27). Người công chính sẽ sống lại để ca tụng Thiên Chúa mãi mãi; người bất lương cũng sẽ sống lại, nhưng để đau khổ trầm luân muôn đời.

Tác giả của bài hát “Một cõi đi về” đã ngộ ra rằng, những loanh quanh vất vả của cuộc sống này, kết cục trở nên vô nghĩa. Con người sống trong đời mải bon chen tính toán, thậm chí còn mưu mô lường gạt, rồi một lúc nào đó giật mình nhận ra những tính toán ngược xuôi ấy chỉ giống như một cuộc chơi, có thắng đi nữa cũng chỉ là mua vui trong chốc lát. Vì vậy mà “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”. Ông nghĩ tới “một cõi đi về” như đích điểm cuối cùng của kiếp người, dù đích điểm ấy là hư vô. Một cõi đi về, đó là chuyến đi cuộc đời. Đức tin Kitô giáo cũng coi cuộc sống trần gian như một cuộc lữ hành. Dù hành trình cuộc đời ngắn hay dài, ai cũng đang về tới cội nguồn. Điểm khác biệt ở đây, cội nguồn không còn là một khái niệm mơ hồ, mà là nhà Cha trên trời. “Nhà Cha” là một cõi đi về đối với người Kitô hữu.

Nói tới “đi về” là nói đến quê hương. Nói đến “đi về” cũng muốn khẳng định mình đang ở xa nhà. Con người sống trên trần gian giống như người tha hương, luôn đau đáu một niềm muốn trở về nhà với cha mẹ và những người thân. Quê hương dù xa biết mấy cũng là nơi ta nhung nhớ; cha mẹ dù nghèo đến đâu cũng là chốn ta hướng về. Quê hương vĩnh cửu đối với người tín hữu là nhà Cha trên trời, hay hạnh phúc Thiên đàng. Vì thế, họ sống ở đời này, nhưng luôn hướng về đời sau, và cố gắng làm tất cả để đạt tới quê hương hạnh phúc ấy. Có những người đã chấp nhận hy sinh tất cả: cha mẹ, anh em, nhà cửa, ruộng nương và gia tài của cải để đạt được Nước Trời, vì họ thấm nhuần lời Chúa dạy: “Nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?” (Lc 9,25).

Người tín hữu sống trong cuộc đời này mà không coi đó là quê hương vĩnh cửu. Quê hương đích thực của họ ở trên trời, nơi có Đức Giêsu ngự trị, có Thiên Chúa là Cha, có các thánh nam nữ là anh chị em với nhau. Nước Trời là “cõi đi về” đối với người tín hữu. “Cõi đi về” không phải là một thứ thuốc phiện mê dân để họ quên đi nỗi đau của cuộc đời nhân thế. Đó cũng không phải là một thứ bánh vẽ để nhử mồi những kẻ khờ dại. Chúa Giêsu đã quả quyết với chúng ta: “Trong nhà Cha Thày có nhiều chỗ ở… Thày đi để dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,2). Ai cũng có chỗ trong nhà Cha, miễn là họ sống công chính và thực thi lời dạy của Người. Trong ngôn ngữ của Kitô giáo, ít khi dùng chữ chết để diễn tả lúc kết thúc đời người. Những khái niệm đuợc dùng thường là: qua đời, tạ thế, an nghỉ, về nhà Cha… Những khái niệm này diễn tả quan niệm Kitô giáo về thân phận con người: chết không phải là hết, nhưng chỉ là sự đổi thay.

Trong cõi đời tạm này, khi ý thức mình có một cõi đi về, chúng ta sẽ được đỡ nâng giữa những khó khăn thử thách. “Cõi đi về” chính là niềm hy vọng cậy trông của chúng ta. Đó cũng là niềm xác tín vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và Đấng quyền năng mạnh mẽ. Ngài luôn tha thứ lỗi lầm cho chúng ta mỗi khi chúng ta thành tâm sám hối ăn năn. Ngài cũng luôn che chở chúng ta trước phong ba bão táp của cuộc đời, và soi sáng hướng dẫn để chúng ta khỏi mắc cạm bẫy nguy hiểm của thế gian.

Trong tháng Mười Một dương lịch, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã đi hết hành trình dương thế. Họ đang được thanh tẩy để xứng đáng ra trình diện trước nhan Thiên Chúa, là Đấng phán xét công bằng và cũng là Cha rất mực bao dung. Khi tưởng niệm những người đã khuất, chúng ta đừng quên thân phận lữ hành của mình. Đây cũng là một thời điểm hồi tâm, một “điểm dừng” giúp chúng ta xác định lại phương hướng đang đi để tránh lạc đường. Lộ trình dù có mấy gian truân, cũng đừng ngã lòng thối chí, vì có Chúa đang đồng hành với chúng ta.

Tháng 11 năm 2017

 

Gm Giuse Vũ Văn Thiên