Năm Mục vụ Gia đình 2017 – Gặp gỡ VII: Chúng mình sẽ sinh con
Năm Mục vụ Gia đình 2017: Chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống Hôn nhân
Gặp gỡ VII: CHÚNG MÌNH SẼ SINH CON
Mục đích:
Hiểu giá trị của việc truyền sinh có trách nhiệm và quảng đại, cởi mở trước chương trình của Thiên Chúa. Từ đó, đôi bạn biết quý trọng giá trị con cái và coi trọng các phương pháp điều hòa sinh sản mà Hội thánh Công giáo đề nghị.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Tình yêu phu thê được mời gọi trở nên phong nhiêu, nghĩa là làm sự sống sinh sôi nảy nở dồi dào, qua nhiều cách thức, đặc biệt là truyền sinh cho con cái. Thật vậy, khi cử hành lễ hôn phối, anh chị sẽ xác nhận, với một tình yêu đầy trách nhiệm và quảng đại, sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa muốn trao ban cho anh chị và giáo dục chúng theo đức tin Kitô giáo.
Lời Chúa: trích trong sách Sáng thế
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”
Con người ăn ở với Evà, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Cain. Bà nói: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người.” (St 1,27-28. 4,1).
Linh mục: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
Chúa đã ban cho cộng đoàn hôn ước này luật tình yêu dịu ngọt và dây liên kết bất khả phân ly bình an, để các đôi vợ chồng qua kết hợp khiết tịnh và phong nhiêu họ làm sinh sôi nảy nở những người con cái Chúa.
Tất cả: Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh hạ thời son trẻ tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay (Tv 127, 3-4)
Linh mục: Chúa đã hoạch định chương trình kỳ diệu của Chúa để các tạo vật bé bỏng sinh ra làm vui thỏa gia đình phàm nhân, và để chúng được tái sinh trong Chúa Kitô xây dựng nên Hội thánh Chúa.
Tất cả: Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh hạ thời son trẻ tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay.
Câu hỏi giúp suy tư:
– Tại sao Hội thánh tiếp tục khẳng định lại sự tất yếu của việc truyền sinh? Những điều Hội thánh dạy về việc này có lỗi thời không?
– Khoái cảm và việc sinh sản có tương quan thế nào trong đời sống tình cảm và tình dục của đôi bạn?
– Chúng ta có ý kiến như thế nào về các phương pháp tự nhiên?
Suy tư:
Tình yêu phu thê và sự phong nhiêu
Trước những chọn lựa về sinh sản chúng ta thường thấy có hai thái độ đối nghịch: hoặc sợ sinh con vì những khó khăn thực tế khác nhau (như đình hoãn sinh con đầu lòng vì phải lo “giải quyết cho ổn thỏa những việc khác trước đã”; qua những hành động ngừa thai hoặc phá thai…, tất cả cho thấy một cái nhìn hời hợt, ích kỷ và sai lầm về sự sống), hoặc khao khát có con bằng mọi giá (bởi một viễn ảnh mới ngày nay được mở ra nhờ khoa học và kỹ thuật). Ẩn bên dưới thái độ đó thường là cái nhìn xem sinh sản như một sự kiện kỹ thuật: sinh sản giống như việc ta tạo ra một sản phẩm mới.
Trong cả hai trường hợp người ta có khuynh hướng tách biệt tình yêu ra khỏi sinh sản, tách biệt khía cạnh kết hợp yêu thương ra khỏi việc truyền sinh. Những vấn đề về truyền sinh được giản lược lại chỉ còn là: “làm sao để tránh có con?” “làm thế nào để có thể kiểm soát được việc sinh sản?”. Để hiểu chúng ta cần quay lại tìm hiểu một vài khía cạnh của mối tương quan phải có giữa tình yêu vợ chồng và sự phong nhiêu. Trong viễn tượng Kitô giáo phong nhiêu là đặc tính cốt yếu của tình yêu phu thê. Con cái không phải chỉ là một tình yêu trương nở ra bên ngoài, nhưng là hoa trái của tình yêu này, bởi lẽ khuynh hướng sinh hạ sự sống mới thuộc về bản tính của mối quan hệ nam-nữ. Một tình yêu phu thê mà không khát khao “được nhập thân” ở trong đứa con mình sinh hạ thì tình yêu đó không chân thực. Như thế, con cái chính là ngân hàng chứng thực cho tình yêu vợ chồng. “Bi kịch” của hiếm muộn không xóa bỏ giá trị của tình yêu vợ chồng bởi lẽ phong nhiêu không chỉ hệ tại ở khả năng sinh sản về mặt sinh học, nhưng nhất là bởi khả năng trao ban sự sống và vì thế còn bởi việc nhận con nuôi hay nhận ủy thác nuôi dưỡng một sinh linh chào đời.
Ý nghĩa của sự sinh thành con người
“Mỗi sự sống mới cho phép chúng ta khám phá chiều kích vô vị lợi nhất của tình yêu, một tình yêu khiến chúng ta không bao giờ hết thán phục […] Đứa con mới sinh, tặng phẩm Chúa trao phó cho người cha và người mẹ, được đón tiếp ngay từ lúc khởi đầu, được tiếp tục bảo vệ trong suốt hành trình cuộc sống trần thế và hướng tới định mệnh cuối cùng là niềm vui sự sống đời đời. Bằng cái nhìn thanh thản hướng đến sự hoàn tất chung cuộc của một nhân vị, cha mẹsẽ ý thức hơn về tặng phẩm sự sống quý giá được giao phó cho họ: quả thật, Thiên Chúa nhượng ban cho họ việc đặttên con, tên mà Ngài sẽ gọi từng đứa con của Ngài mãi mãi” (Amoris laetitia, 166)
Sinh con không chỉ là một sự kiện thuần túy sinh học. Sinh hạ là một cuộc đầu tư, thẩm thấu, đảm nhận lấy và biến đổi toàn thể con người của ta. Kinh nghiệm này đồng thời vừa có tính sinh học, vừa thuộc tình cảm, và thiêng liêng và do đó nó hội nhập toàn thể con người của ta liên lụy vào đó. Nó nảy sinh từ tình yêu, lớn lên và biểu lộ ra trong tình yêu. Bởi thế, đứa con có thể được sinh hạ một cách thực sự phù hợp với nhân tính chỉ “bởi tình yêu” và “trong tình yêu” qua hành vi vợ chồng. Vì là một hành vi nhân linh sâu xa gắn kết với toàn thể con người, gồm cả về mặt tôn giáo, nên việc sinh một con người là cộng tác với tình yêu Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và là Cha. Chọn lựa này đưa ta vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và như thế đôi vợ chồng trở nên là thừa tác viên và người phục vụ trong hân hoan chương trình của Thiên Chúa.
Cũng trong viễn tượng đó việc sinh hạ con người là một hành vi của tự do và tin tưởng vào sự sống và việc đón nhận con cái vô điều kiện là cách thức trao ban và tìm lại được sự sống. Sinh hạ là bắt đầu và cũng là bước vào mối quan hệ với một sự tự do mới: con cái không phải là tài sản của cha mẹ nhưng chúng được trao ban cho cha mẹ. Theo nghĩa đó, sinh hạ là đón nhận một tặng phẩm, vì đứa con là một thực thể còn lớn lao hơn sự trao hiến của hai vợ chồng.
Con cái là ơn huệ của Chúa ban và hành vi giáo dục đầu tiên là có thể nhận ra con mình là ơn huệ của Thiên Chúa khơi dậy tự do của cha mẹ đón nhận nó. Theo truyền thống của Thánh kinh con cái đồng thời vừa là một ơn huệ, vừa một lời hứa, vừa là một nhiệm vụ.
Sinh sản có trách nhiệm
Có trách nhiệm trước hết có nghĩa là “sẵn sàng vô điều kiện đón nhận con cái” như ơn huệ của Chúa ban và là hoa quả của chúc lành của Người. Sinh sản có trách nhiệm, khi ấy, trước hết là có một “dạ con thường trực sẵn sàng tiếp đón sự sống”.
“Một đứa trẻ tượng hình trong dạ mẹ là thuộc kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa Cha và tình yêu vĩnh cửu của Ngài:“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi” (Gr 1,5). Mỗi đứa trẻ tự muôn đời đã có một chỗ ở trong trái tim Thiên Chúa, và vào chính lúc nó được thụ thai là lúc giấc mơ vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa trở thành hiện thực” (Amoris laetitia, 168).
Điều đó không có nghĩa là bạn cần phải sinh nhiều con nhưng là trước mỗi quyết định có con bạn đã phải sẵn sàng đón nhận con cái và ý thức ơn kêu gọi cộng tác với Thiên Chúa. Trong viễn tượng ấy không có việc gọi là “mang thai ngoài ý muốn” hoặc là “có những đứa con do lầm lỡ” nhưng là những đứa con được Chúa kêu gọi vào cuộc sống. Như thế, nói “kế hoạch hóa sinh sản” có nghĩa là bước vào chương trình của Thiên Chúa Đấng vốn là thẩm phán của “bí mật sự sống”: mỗi đứa trẻ chào đời được phó thác cho lương tâm của mẹ cha, chứ không cho ý muốn tùy tiện của họ hay những tính toán ích kỷ. Như thế, làm cha mẹ là cố gắng để có những quyết định phù hợp đúng lúc, tìm kiếm chân thành những gì tình yêu Chúa đang mong đợi ở họ.
Chính để thành người cộng sự xứng đáng của Thiên Chúa vợ chồng cần phải biết rõ các cách thức có thể thụ thai. Họ phải có khả năng tự chủ kiểm soát được bản năng và dục vọng vốn giúp việc truyền sinh, học biết trân trọng những chọn lựa phù hợp nhất dựa trên cơ sở thiện ích của chính mình và con cái mình, những đứa con đã sinh ra lẫn những đứa con dự kiến sẽ sinh ra, dựa trên hoàn cảnh sống phù hợp về thời gian và điều kiện vật chất và tinh thần của đôi bạn. Sinh sản có trách nhiệm, trước khi là khả năng hạn chế sinh con, đó là thái độ sống quảng đại rộng mở với sự sống, giữ mình tự do không sống trong sợ hãi, ích kỷ, hoài nghi, thất vọng… Chính trong viễn tượng này mà đôi bạn cần phải suy nghĩ đã đến lúc, nếu không vì lý do nào rõ rệt và nghiêm trọng, có thêm một đứa con ngoài đứa duy nhất đã có.
Các phương pháp tự nhiên và những phương tiện chống thụ thai
Các “phương thế” giúp thực hiện sinh sản có trách nhiệm không được bao gồm, vì những lý do phi pháp hệ trọng, những biện pháp chống thụ thai cũng như phá thai. Cách riêng phá thai được xem là một tội ác!
“Giá trị của sự sống một con người cao cả biết bao, và quyền được sống của một trẻ thơ vô tội lớn lên trong cung lòng người mẹ là bất khả nhượng, đến nỗi không ai có thể viện đến quyền trên thân thể mình để biện minh cho quyết định chấm dứt sự sống ấy” (Amoris laetitia, 83).
Về mặt luân lý mà nói, việc nhờ tới các phương pháp tự nhiên hơn là các phương tiện chống thụ thai là một chuyện khác hẳn. Thật vậy, nói rằng xét cho cùng kết quả của cả hai phương pháp là như nhau thì không đúng, vì nói thế cũng giống như khẳng định “mục đích biện minh cho phương tiện” vậy, trong khi chúng ta biết rằng thực tế không phải như vậy. Quả thật, các phương pháp tự nhiên đã được Giáo hội chỉ định như phương thế sử dụng ưu tiên bởi cả một chuỗi các lý do liên hệ đến phẩm chất tương quan giữa vợ chồng. Bởi vì chúng khuyến khích các đôi vợ chồng sống hòa hợp với nhau. Chúng ta có thể nói tóm lược như sau: sử dụng các phương pháp chống thụ thai phá vỡ mối tương quan giữa ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa truyền sinh của tình yêu phu thê (thực ra nó loại trừ mọi ý nghĩa truyền sinh và khép kín lại trước mầu nhiệm sự sống); còn các phương pháp tự nhiên cổ võ cả hai vợ chồng đồng trách nhiệm, vốn là điều hết sức quyết định (tránh dồn mọi gánh nặng trách nhiệm quản lý sinh sản lên chỉ một người); các phương pháp tự nhiên giúp ta biết bản thân và biết người bạn đời hơn (điều cơ bản để có được sự hòa điệu vợ chồng); các phương pháp tự nhiên không đưa ra những phản ứng nghịch và bao hàm các hiệu ứng phụ đi kèm như các phương pháp ngừa thai (ngược lại còn thêm điều kiện thuận lợi giúp phát triển trọn vẹn hơn cách biểu lộ tình yêu ngay cả khi bị chối từ); các phương pháp tự nhiên giúp thực thi nhiệm vụ làm cha làm mẹ có trách nhiệm.
Hội thánh cũng ý thức những nỗi khó khăn còn đó của đề nghị này, và theo hướng đó có thể chấp nhận tiến bước dần trong kiên nhẫn đến lý tưởng, cả khi cần thiết phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người có khả năng chuyên môn.
Sinh sản có trợ giúp của y khoa
Trước vấn đề này chúng ta cần phải nhớ các tiêu chuẩn phân tích như sau:
– Nếu sinh sản đòi hỏi một sự dấn thân của toàn thể con người của đôi bạn, thì rõ ràng sinh sản nhờ sự trợ giúp của y khoa là một sự thu hẹp khách quan cứu cánh đích thật và thể thức kết hợp phu thê.
– Chọn lựa này gặp nguy cơ giản lược việc sinh hạ con người thành ra như sản xuất một sản phẩm, một sự vật.
– Sinh con bằng mọi giá là chối bỏ giá trị của con cái như một nhân vị: tôi phải có con bằng bất cứ giá nào, làm như thế là tôi đã thỏa mãn một yêu sách của tôi và biến con cái thành một sự vật.
– Sinh sản có trợ giúp của y khoa không mở ra một khả năng nào cho niềm tín thác vào Thiên Chúa và chối bỏ một trong những chiều kích quan trọng của hôn nhân, đó là: người ta chuyển đổi từ là “những thừa tác viên” thành “chủ nhân ông” của chương trình của Thiên Chúa.
Như thế ta cần phải nói rằng mỗi đôi vợ chồng tín hữu được kêu gọi từ chối mọi hình thức sinh sản tách biệt người mẹ và người cha và tách ly hành vi tính dục khỏi sinh sản.
Thảo luận theo nhóm:
– Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?
– Con cái có phải là kẻ làm hạn chế lại tự do của đôi bạn không? Tại sao lại có ai đó khẳng định rằng sinh con ngày nay là một hành động vô trách nhiệm?
– Sinh con là một hành động riêng tư hay có một giá trị nào khác nữa? Nó liên hệ ra sao với việc tìm kiếm thánh ý Chúa và với hoàn cảnh và những đòi hỏi của cộng đoàn Hội thánh và cộng đồng dân sự?
– Anh chị có thấy những ích lợi và vấn đề gì trong việc người ta sử dụng phương pháp tự nhiên?
– Anh chị đánh giá như thế nào những cơ hội sử dụng các kỹ thuật thụ tinh nhờ sự trợ giúp của y khoa?
Văn phòng HĐGMVN