Nên Hiểu Và Áp Dụng Tự Sắc Summorum Pontificum Về Việc Dùng “Phụng Vụ La-Tinh Cũ” Thế Nào Cho Đúng?


Ngày 07/07/2007, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI đã công bố thư gửi các Giám Mục Công Giáo toàn thế giới để giới thiệu Tự Sắc Summorum Pontificum[1] về việc sử dụng Lễ Quy Rôma do Đức Giáo Hoàng Pi-ô V ban hành và sau được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tái công bố vào năm 1962 (về sau xin tạm gọi tắt là Lễ Quy 1962) trước khi có cuộc cải tổ năm 1970 (về sau xin tạm gọi tắt là Lễ Quy 1970). Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi Tự Sắc được ban hành, những thắc mắc xoay quanh việc hiểu và áp dụng Tự Sắc này như thế nào trong sinh hoạt phụng vụ của Giáo Hội tại nhiều Giáo Hội địa phương khác nhau vẫn chưa được giải đáp thoả đáng. Dưới đây là trả lời cho một số câu hỏi thường được đặt ra:

  1. Tại sao có Tự Sắc Summorum Pontificum?

Trước hết, Tự Sắc Summorum Pontificum được ban hành nhằm thể hiện mối quan tâm mục vụ cho các tín hữu ở một số miền “đã và đang gắn bó với lòng yêu mến cao độ những hình thức phụng vụ trước đây, vốn ăn sâu trong văn hóa và tinh thần của họ.”[2] Thứ đến, tuy Huynh Đoàn Pi-ô X của Tổng Giám mục Marcel Lefevre không được nhắc đến trong Tự Sắc nhưng ai cũng hiểu rằng Tự Sắc này được xem như một trong những nỗ lực đưa Huynh Đoàn này trở về hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Rôma. Huynh đoàn Pi-ô X do TGM Lefevre thành lập năm 1970. Huynh đoàn này mạnh mẽ bảo vệ Thánh lễ Tridentine truyền thống, khước từ Lễ Quy 1970, và có nhiều quan điểm đối lập với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là một số giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Năm 1988, TGM Lefevre tấn phong giám mục bất hợp pháp cho 4 linh mục thuộc Huynh đoàn mà không có uỷ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Kết quả là TGM Lefevre và 4 giám mục này đều bị Vatican vạ tuyệt thông.

  1. Tại sao cử hành Thánh Lễ theo Lễ Quy 1962 được xem là “một hình thức ngoại thường” trong phụng vụ của Giáo Hội?

Theo Điều 1 của Tự Sắc Summorum Pontificum, Lễ Quy 1970 được xem là diễn đạt thông thường của luật cầu nguyện (lex orandi) trong Nghi lễ La-tinh của Giáo Hội Công Giáo, trong khi Lễ Quy 1962 được xem là diễn đạt ngoại thường của luật cầu nguyện (lex orandi). Tự Sắc cũng khẳng định rằng hai lễ quy là hai cách dùng của cùng một Nghi lễ Rôma chứ không phải là hai “lễ nghi” khác nhau. Lễ Quy 1962 được gọi “ngoại thường” vì Lễ Quy này không phải là Lễ Quy được dùng phổ biến trong Giáo Hội Công Giáo Rôma sau khi Lễ Quy 1970 được ĐGH Phaolô VI đưa vào áp dụng cho Giáo Hội hoàn vũ. Thẩm quyền Giáo hội chưa bao giờ bãi bỏ Lễ Quy 1962. Trước khi có Tự Sắc Summorum Pontificum, ai muốn cử hành Thánh Lễ theo Lễ Quy 1962 thì phải xin phép Đấng Bản quyền.

  1. Linh mục có được “toàn quyền” cử hành Lễ Quy 1962 hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần bám sát vào nội dung của Tự Sắc. Trước hết một linh mục (dù là linh mục triều hay linh mục dòng) cử hành Thánh lễ (trừ Tam Nhật Thánh) KHÔNG CÓ GIÁO DÂN THAM DỰ thì không cần phải có phép, dù của Toà Thánh hay của Đấng Bản quyền. Thứ đến, theo điều 5 triệt 1 của Tự Sắc, nếu trong “những giáo xứ nơi có một nhóm tín hữu GẮN BÓ VỚI TRUYỀN THỐNG TRƯỚC ĐÂY TỒN TẠI CÁCH ỔN ĐỊNH,” họ cũng được cử hành Thánh lễ theo Lễ Quy 1962.

Huấn thị Ecclesiae Universae[3] (EU) của Ủy Ban Toà Thánh Ecclesia Dei (Giáo Hội của Chúa) được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố ngày 13/5/2011, giải thích thêm về điều 5 triệt 1 của Tự Sắc rằng “nhóm tín hữu gắn bó với truyền thống trước đây tồn tại cách ổn định” gồm “các tín hữu của cùng một giáo xứ, ngay cả sau khi công bố Tự sắc, qui tụ lại vì sự kính trọng phụng vụ được cử hành theo cách sử dụng lại nghi lễ Roma, và xin cử hành thánh lễ trong nhà thờ giáo xứ, một nhà nguyện hoặc nguyện đường; nhóm này cũng có thể bao gồm những người từ nhiều giáo xứ hoặc giáo phận khác nhau, qui tụ với mục đích trên trong một nhà thờ giáo xứ nào đó, một nhà nguyện hoặc nguyện đường.”[4]

Như vậy dựa vào Tự Sắc và Huấn thị giải thích Tự Sắc, nhóm tín hữu được phép cử hành Lễ Quy 1962 bao gồm những tín hữu đã quen cử hành Thánh lễ La-tinh và cả những tín hữu có lòng “kính trọng phụng vụ” La-tinh mới làm quen với Thánh lễ La-tinh ngay cả sau khi Tự Sắc được công bố.

Tuy nhiên, cũng liên quan đến điều 5, Tự Sắc nhấn mạnh rằng: “Cha xứ nên xem xét xem lợi ích của những giáo dân này có hòa hợp thuận thảo được với việc chăm sóc mục vụ bình thường của giáo xứ, dưới quyền cai quản của Đức Giám Mục theo như giáo luật 392 hay không, trong khi tránh bất hòa và nuôi dưỡng sự hiệp nhất trong toàn Giáo Hội.” Như thế, việc một nhóm tín hữu “gắn bó với truyền thống trước đây [tức Lễ Quy 1962] tồn tại cách ổn định” hay một nhóm tín hữu mới làm quen với Thánh lễ La-tinh muốn cử hành Thánh Lễ La-tinh, họ cần lưu ý:

  • Thỉnh nguyện cử hành Thánh Lễ La-tinh của họ sẽ được cha xứ xem xét xem có hoà hợp với việc chăm sóc mục của bình thường của giáo xứ hay không. Nghĩa là, nếu việc cử hành Thánh lễ La-tinh của nhóm người này tạo nên những xáo trộn hay chia rẽtrong cộng đồng giáo xứ, cha xứ có quyền từ chối thỉnh nguyện của họ.
  • Những xáo trộn hay chia rẽ này có thể là: nhóm dâng Lễ La-tinh tự tách mình ra khỏi sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, xem Lễ Quy 1962 là trổi vượt hơn Lễ Quy 1970 dẫn đến sự so sánh giữa hai Lễ Quy hay các tín hữu trong giáo xứ (vì chưa có cái nhìn đúng đắn về Thánh lễ La-tinh) xem nhóm dâng lễ La-tinh như một dạng chống đối phụng vụ chung của Giáo Hội, bảo thủ cực đoan…
  • Sự hiệp nhất trong toàn Giáo Hộicần phải được xem là yếu tố cốt lõi để phân định trước khi quyết định có nên cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường hay không.
  1. Đâu là thẩm quyền của Giám mục giáo phận?

Điều 5 của Tự Sắc có nhắc đến Giáo Luật số 392:

  • l. Vì phải bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám Mục buộc phải cổ vũ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế, ngài phải thúc bách việc tuân giữ tất cả mọi luật của Giáo Hội (LG 23 ; CD 16).
  • 2. Ngài phải liệu sao để cho kỷ luật của Giáo Hội không bị lạm dụng, nhất là trong những điều liên quan đến tác vụ Lời Chúa, đến việc cử hành các bí tích và các á bí tích, đến việc tôn thờ Thiên Chúa và việc tôn kính các thánh, cũng như đến việc quản trị tài sản.

Như thế, Tự Sắc không mặc nhiên trao cho linh mục hay nhóm tín hữu “toàn quyền” cử hành Thánh lễ La-tinh theo Lễ Quy 1962 nhưng đặt thỉnh nguyện cử hành phụng vụ ngoại thường này dưới sự hướng dẫn của Giám mục giáo phận. “Bảo vệ sự hiệp nhất của giáo hội phổ quát… kỷ luật chung của toàn thể giáo hội… liên quan đến tác vụ Lời Chúa, đến việc cử hành các bí tích và á bí tích, đến việc tôn thờ Thiên Chúa và việc tôn kính các thánh, cũng như việc quản trị tài sản” (Trích GL 392). Đây là những yếu tố quan trọng để Giám mục giáo phận xem xét và phân định liệu ngài có nên cho phép cử hành Thánh lễ La-tinh trong phạm vi giáo phận của ngài hay không.

Tự Sắc có nhắc đến việc nhóm tín hữu không xin được phép của cha xứ phải thông báo cho Giám mục bản quyền và trình Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei (Lưu ý: Uỷ Ban này đã được giải tán bởi ĐGH Phanxicô. Các nhiệm vụ của Uỷ ban được chuyển giao hoàn toàn cho Bộ Giáo Lý Đức Tin) khi thỉnh nguyện không được Giám mục bản quyền cho phép. Tự Sắc có nhắc đến việc Uỷ Ban  Giáo Hoàng Ecclesia Dei “phải cho ngài [Giám mục giáo phận] ý kiến và trợ giúp.” Cho “ý kiến và trợ giúp” ở đây nên được hiểu là Uỷ Ban giúp Giám mục giáo phận có thêm những soi sáng và hướng dẫn cần thiết để ngài xem xét và phân định. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Giám mục giáo phận.

  1. Vài nhận định của người viết

Một số người cho rằng qua Tự Sắc này, Đức Giáo Hoàng muốn khôi phục lại Thánh lễ bằng tiếng La-tinh, vốn “đã bị quên lãng” sau Công Đồng Vatican II. Thực ra Giáo hội chưa bao giờ bãi bỏ Lễ Quy 1962 mà chỉ xem Lễ Quy này như một “hình thức ngoại thường.” Tiếng La-tinh không gắn liền với sách lễ của ĐGH Pi-ô V hay sách lễ của ĐGH Phaolô VI. Nhưng tiếng La-tinh là ngôn ngữ chính thức của phụng vụ Rôma. Vì thế, cả sách lễ của ĐGH Phaolô VI ban hành năm 1970 và 1975 và sách lễ của ĐGH Gioan Phaolô II ban hành năm 2002, đều bằng tiếng La-tinh. Tiếng La-tinh cũng không hề bị Giáo hội quên lãng vì ngôn ngữ này cho đến nay vẫn là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản của Giáo Hội. Tiếng La-tinh cũng không phải là ngôn ngữ “độc quyền” của Lễ Quy 1962. Cha Manlio Sodi, giáo sư Phụng Vụ đại học Salesian Roma cho rằng: “Việc nhớ nhung tiếng La-tinh hay lòng mộ mến nhạc bình ca La-tinh, tự nó, không phải là lý do có giá trị để bỏ Thánh lễ hậu công đồng. Thánh lễ sau thời Công Đồng có thể và thực ra được cử hành bằng cả tiếng La-tinh và với nhạc bình ca bằng tiếng La-tinh nữa.”[5]

Công Đồng Vatican II đã quyết định “bỏ thế độc quyền của tiếng La-tinh trong phụng vụ” bằng cách cho phép cử hành Thánh Lễ bằng các ngôn ngữ địa phương. Cũng vậy, khi một nhóm cử hành Thánh lễ La-tinh, bài giảng lễ hay thậm chí cả các bài đọc Kinh Thánh cũng được sử dụng các ngôn ngữ địa phương. Tiếng La-tinh không phải là “tội đồ” sau khi các ngôn ngữ khác được phép dùng trong phụng vụ. Tiếng La-tinh cũng không phải là “ngôn ngữ thánh” cao trọng và trổi vượt hơn các ngôn ngữ khác. Trong khoa học hay triết học có thể có ngôn ngữ này “tiện dùng hơn” ngôn  ngữ kia. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bao giờ phân loại và đánh giá con người dựa trên ngôn ngữ mà họ sử dụng. Thiên Chúa giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ của trái tim. Cuộc canh tân của Công Đồng Vatican II không chỉ đơn giản là việc chủ tế được phép quay xuống cộng đoàn khi dâng Lễ hay việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương. Cả hai điều này chỉ là kết quả của cả một cuộc canh tân lớn lao về Thần học, Truyền giáo học, Kitô học, Giáo Hội học… mà giới hạn của bài viết này chưa thể bàn hết.

Như đã nói ở những phần trên, sự HIỆP NHẤT và KỶ LUẬT của Giáo Hội phổ quát là điều hết sức quan trọng. Thế nên, người thích dâng Lễ La-tinh truyền thống và người thích dâng Lễ cải tổ cần tránh những chỉ trích và kết án lẫn nhau. Bởi lẽ, cả hai Lễ Quy đều có giá trị như nhau trong phụng vụ vì cả hai đều là hy tế của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha. Dĩ nhiên, yếu tố KỶ LUẬT của Giáo hội cũng là điều cần lưu tâm để tránh điều mà chuyên gia phụng vụ và thần học gia Andrea Grillo từng cảnh báo: “Khi cho các linh mục được tuỳ nghi lựa chọn nghi thức, Tự sắc đã làm suy yếu tính thống nhất phụng vụ của Giáo hội và đôi khi tạo ra hai Giáo hội song song trong các giáo xứ. Đó là một sự phá vỡ truyền thống”.[6]

 Giáo Hội không hoàn toàn cấm hay cản trở các tín hữu có lòng mộ mến Thánh lễ truyền thống và muốn cử hành Thánh lễ này. Tuy nhiên, mỗi giáo hội địa phương ở từng quốc gia có bối cảnh, truyền thống, và mục vụ riêng. Thế nên, nhóm tín hữu nào muốn cử hành Thánh lễ La-tinh cần gặp gỡ và trao đổi với Đấng Bản quyền giáo phận để trình bày thỉnh nguyện của mình, trong khi sẵn sàng chờ đợi với lòng kiên nhẫn, cũng như sẵn sàng chấp nhận bất cứ quyết định nào của Bản quyền với lòng khiêm tốn vâng phục như con thảo đối với vị cha chung của giáo phận.

Chỉnh Trần, SJ.
Manila 23/08/2020

__________

[1] Bản dịch của LM Trần Công Nghị và Đặng Minh An đăng trên website Trung Tâm Học Vấn Đa Minh: catechesis.net

[2] Trích từ Tự Sắc Summorum Pontificum

[3] Bản dịch của Nguyễn Trọng Đa đăng trên website Cựu Chủng Sinh Huế: cuucshuehn.net

[4] EU 15.

[5] Linh Tiến Khải, “Quan Điểm Của Một Chuyên Gia Phục Vụ Về Tự Sắc ‘Summorum Pontificum,’” Đài Vatican, 24/07/2007, archivioradiovaticana.va (truy cập ngày 23/08/2020).

[6] Minh Đức, “Đức Thánh Cha Phanxicô Đang Xem Xét Lại Tự Sắc Summorum Pontificum,” Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 10/07/2017, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-thanh-cha-phanxico-dang-xem-xet-lai-tu-sac-summorum-pontificum-29814 (truy cập ngày 23/08/2020)

Nguồn: dongten.net