Ngày 08/02: Thánh Giêrôme Emilianô và Thánh Josephine Bakhita
Thánh Giêrôme Emilianô
(1481 – 1537)
Khi còn là một sĩ quan đầy tự tin và khô đạo, chỉ huy một pháo đài của thành phố Venice, Giêrôme Emilianô bị bắt sau vụ tấn công của địch thủ là Liên Minh Cambrai và bị nhốt trong một tháp canh. Chính trong thời gian tù đầy này, Giêrôme đã có thời giờ suy nghĩ, và ngài quyết định thoát khỏi xiềng xích ràng buộc chính mình. Ngài khước từ mọi quyến luyến của thế gian và trở về với Thiên Chúa.
Sau khi vượt thoát ngục tù, ngài treo xiềng xích ở nhà thờ Treviso gần đó — như để nói lên lòng biết ơn đã được tự do không những về phần xác mà còn được giải thoát phần tinh thần.
Sau một thời gian ngắn làm thị trưởng Treviso, ngài trở về Venice là nơi ngài theo học làm linh mục. Nhiều năm sau khi thụ phong, chiến tranh đã chấm dứt nhưng nhiều biến cố xảy đến đã khiến Cha Giêrôme thay đổi đời sống. Một trận dịch và nạn đói đã càn quét khắp cả miền bắc nước Ý. Cha Giêrôme lại xung phong trong việc chăm sóc bệnh nhân và nuôi người đói. Ngài cảm thấy có ơn gọi đặc biệt trong việc chăm sóc các trẻ em mồ côi. Bằng chính tài sản của mình, ngài sáng lập ba cô nhi viện, một trung tâm hoàn lương cho các cô gái điếm và một bệnh viện. Từ đó dẫn đến việc thành lập một tu hội cho các linh mục và các thầy mà tên của tu hội là tên nơi sáng lập: Tu Hội Somascha. Mặc dù tu hội dành toàn thời giờ để giáo dục thanh thiếu niên, công việc chính của họ vẫn là đam mê đầu tiên của Cha Giêrôme — đó là chăm sóc các em cô nhi.
Xiềng xích cuối cùng của Cha Giêrôme được tháo bỏ là khi ngài lâm bệnh vì chăm sóc bệnh nhân. Ngài từ trần năm 1537 hưởng thọ 56 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1767, và năm 1928, Ðức Piô XI đặt ngài làm quan thầy các trẻ mồ côi và các em bị bỏ rơi.
Lời Bàn
Trong cuộc đời chúng ta, nhiều khi phải tự “giam hãm” mình để thoát khỏi xiềng xích của cái tôi. Khi chúng ta bị “kẹt” trong những trường hợp mà mình không muốn, lúc đó chúng ta mới nhận ra sức mạnh giải thoát của một Ðấng khác. Và chỉ lúc ấy chúng ta mới có thể trở nên một người khác cho những “kẻ tù đầy” và các “em cô nhi” chung quanh chúng ta.
Lời Trích
“‘Cha của các em cô nhi và người bảo vệ các bà goá là Thiên Chúa trong sự hiện diện thánh thiêng của Ngài. Thiên Chúa ban nơi trú ngụ cho những kẻ bị bỏ rơi; Ngài dẫn các tù nhân đến chỗ thành công; chỉ kẻ phản loạn mới phải ở trong phần đất khô khan’ (TV 68)& Chúng ta không thể quên đi số người ngày càng gia tăng vì bị gia đình và cộng đồng bỏ rơi: đó là người già, trẻ cô nhi, người đau yếu và những người bị tẩy chay& Chúng ta phải chuẩn bị để lãnh nhận nhiệm vụ mới và chức năng mới trong mọi sinh hoạt của con người, và nhất là trong tổ chức xã hội, nếu thực sự muốn thể hiện sự công bằng. Trên tất cả, hành động của chúng ta phải nhắm đến những người và những quốc gia mà, vì những hình thức đàn áp và vì yếu tính của xã hội, họ không có tiếng nói và là nạn nhân của sự bất công” (Sự Công Bằng Trong Thế Giới, Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới 1971).
*******************************
Thánh Josephine Bakhita
(k. 1868-1947)
Thánh Josephine Bakhita sinh ở Sudan, được coi là người nô lệ Phi Châu đầu tiên được Giáo Hội phong thánh. Vào lúc 10 tuổi, ngài bị bắt cóc bởi bọn buôn nô lệ và được đặt tên là “Bakhita,” hoặc “đứa may mắn.” Bị buôn đi bán lại ở các thị trường El Obeid và Khartoum, Bakhita phải trải qua đủ loại đau khổ về tinh thần, tâm lý và thể xác vì thân phận nô lệ. Khi lần sau cùng cô được bán cho ông Callisto Legnani, vị lãnh sự Ý thực tâm muốn giải thoát cô, thì cuộc đời cô mới thực sự thay đổi.
Khi vị lãnh sự trở về Ý vì lý do chính trị thì Bakhita cũng xin tháp tùng gia đình ông. Mặc dù sau đó cô tiếp tục làm công cho một gia đình khác, cuộc đời Bakhita ở Ý là một cuộc đời hạnh phúc. Cô được đối xử tử tế và được tôn trọng.
Cô cũng làm quen với các nữ tu dòng Bác Ái Canossa ở Venice; chính họ là những người đã nói với cô về Thiên Chúa là Ðấng mà tự nhiên cô bị thu hút đến với Người. Sau nhiều tháng học hỏi, cô được tháp nhập vào Giáo Hội qua các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Rước Lễ. Cô lấy tên mới là Josephine để đánh dấu một cuộc đời mới trong Ðức Kitô.
Vài năm sau Josephine gia nhập tu viện Bác Ái Canossa ở Venice. Trong 50 năm tiếp đó, cô là một nữ tu nổi tiếng về đạo đức và công việc bác ái. Trong suốt cuộc đời tu trì, sơ Josephine đảm trách các công việc rất tầm thường nhưng cần thiết cho nhà dòng — nấu ăn, may vá, giữ cửa tu viện ở Schio, gần Padua. Thái độ hiền lành, hòa nhã và giọng nói êm ả của sơ là sự an ủi cho những người nghèo và người đau khổ thường đến với nhà dòng xin giúp đỡ.
Mặc dù tuổi tác đem lại sức khỏe yếu kém, sơ Josephine vẫn là một nhân chứng của hy vọng và thiện tâm. Trong những giờ phút cuối đời, dường như sơ sống lại những ngày kinh hoàng của đời nô lệ. Người ta nghe sơ rên rỉ nói người y tá rằng “Làm ơn nới lỏng cái xích sắt ấy một chút… nó nặng quaù!”
Sơ được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1992. Vào năm kế đó, khi Ðức Thánh Cha thực hiện cuộc tông du sang Phi Châu, mẹ bề trên dòng Canossa đã dâng lên ngài các di tích của Chân Phước Josephine. Trong bài giảng, đức giáo hoàng nói: “Hãy vui lên, hỡi tất cả Phi Châu! Bakhita đã trở lại với ngươi: ngài là con gái của Sudan, bị bán làm nô lệ như một món hàng, tuy thế ngài vẫn tự do: tự do của các thánh.”
Vào tháng Mười 2000, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài.
Lời Trích
“Khi nhìn thấy mặt trời, mặt trăng và muôn tinh tú, tôi tự nhủ, ‘Ai có thể là Chủ Nhân của những vật mỹ miều ấy?’ Tôi vô cùng khát khao để thấy Người, để biết Người và để thần phục Người.” (Chân Phước Josephine Bakhita).
Nguồn: Nguoitinhuu.com