Ngày 11/12: Thánh Đa-ma-sô I, Giáo Hoàng


Theo chứng từ của người thư ký là Thánh Giêrôme, Thánh Đa-ma-sô là “một người không ai sánh bằng, rất hiểu biết Phúc Âm, một tiến sĩ trinh trắng của một Giáo Hội trinh trắng, rất yêu quý sự khiết tịnh.

Thánh Đa-ma-sô có khi nào được nghe những lời tán dương đó. Những tranh giành nội bộ có tính cách chính trị, các tà thuyết, các tương giao căng thẳng với chính các giám mục của người và của Giáo Hội Ðông Phương đã làm lu mờ sự bình an trong triều đại giáo hoàng của người.

Là con của một tư tế Rôma, có lẽ thuộc gốc Tây Ban Nha, Đa-ma-sô khởi sự là một phó tế trong nhà thờ của cha mình, sau đó người là tư tế (linh mục) của một đền thờ mà sau này là vương cung thánh đường San Lorenzo ở Rôma. Người phục vụ Ðức Giáo Hoàng Liberius (352-366) và đi theo đức giáo hoàng khi bị lưu đầy.

Khi Ðức Liberius từ trần, Đa-ma-sô được bầu làm Giám Mục Rôma; nhưng một thiểu số khác lại chọn và tấn phong một phó tế khác là Ursinus làm giáo hoàng. Cuộc tranh luận giữa Đa-ma-sô và giáo hoàng đối lập gây nên nhiều xung đột trong hai nhà thờ lớn, gây tiếng xấu cho các giám mục Ý. Trong một thượng hội đồng do Đa-ma-sô triệu tập nhân ngày sinh nhật của người, Ðức Đa-ma-sô yêu cầu các giám mục tán thành các hành động của người. Nhưng câu trả lời của các giám mục thật cộc lốc: “Chúng tôi quy tụ để mừng sinh nhật, chứ không để kết án một người chưa bao giờ nghe biết.” Khoảng năm 378, những người ủng hộ vị giáo hoàng đối lập còn tìm cách đưa Ðức Đa-ma-sô ra toà về một tội phạm — có lẽ tội dâm dục. Người đã phải thanh minh trước toà dân sự cũng như trước một thượng hội đồng của Giáo Hội.

Khi là giáo hoàng, người có lối sống thật đơn giản trái ngược với các giáo sĩ ở Rôma, và người rất hăng say chống lại tà thuyết Arian và các tà thuyết khác. Một sự hiểu lầm trong văn tự về Ba Ngôi Thiên Chúa đã đe dọa mối giao hảo thân thiện với Giáo Hội Ðông Phương, và Ðức Đa-ma-sô là người ôn hoà đã dàn xếp cách tốt đẹp.

Chính trong thời giáo hoàng của người (380) mà Kitô Giáo được tuyên bố là tôn giáo chính thức của Rôma, và tiếng Latinh trở nên ngôn ngữ chính thức trong phụng vụ nhờ sự cải cách của đức giáo hoàng. Cũng nhờ người khuyến khích Thánh Giêrôme học hỏi kinh thánh mà bộ Vulgate được chào đời, đó là bộ Kinh Thánh bằng tiếng Latinh mà Công Ðồng Triđentinô (11 thế kỷ sau) tuyên bố là “có giá trị để đọc giữa công chúng, được dùng để tranh luận, và để rao giảng.

Lời Bàn

Lịch sử của triều đại giáo hoàng và lịch sử Giáo Hội đã bị pha trộn với tiểu sử của Ðức Đa-ma-sô. Trong một giai đoạn then chốt và nhiều khó khăn của Giáo Hội, người đã xuất hiện như một người bảo vệ đức tin đầy nhiệt huyết, biết khi nào phải tiến và khi nào phải thủ. Thánh Đa-ma-sô giúp chúng ta ý thức hai đức tính của một người lãnh đạo xứng đáng: luôn nhận ra sự thôi thúc của Thần Khí và phục vụ. Cuộc chiến đấu của người nhắc cho chúng ta biết rằng Ðức Kitô không bao giờ hứa che chở Ðá Tảng của Người khỏi cơn phong ba, bão táp hay những ai theo Người không gặp các khó khăn. Người chỉ đảm bảo sự chiến thắng sau cùng.

Lời Trích

Người là đấng đi trên biển đã làm câm nín các ngọn sóng ác liệt, là đấng ban sự sống cho những hạt mầm tàn tạ của thế gian; Người là đấng tháo gỡ xiềng xích tử thần, và đã đưa về cho Martha người anh của cô sau ba ngày trong mộ tối. Tôi tin rằng, Người sẽ đưa Đa-ma-sô chỗi dậy từ tro bụi” (văn mộ chí mà Ðức Đa-ma-sô đã viết cho chính mình).

Nguồn: nguoitinhuu.org